2015-03-17 07:09:28

An Nam ký sự 2015

Năm nay về quê ăn Tết, tôi mang theo cả vợ và con gái. Một mình về nước nhiều khi cũng còn cảm thấy ngơ ngác. Nay lại phải hộ tống bọn ngô ngọng (vợ tôi không phải giống con rồng cháu tiên) âu cũng là việc vất vả.

Cột điện ở thủ đô và cái loa cạnh ngõ. Nội Bài năm nay mới khánh thành sân ga mới rất hiện đại. Người mình cho rằng hiện đại nhất Đông nam Á, điều này thì chưa lấy gì làm chắc chắn. Khổ nỗi ra máy bay thì còn chờ hành lý đến ba tiếng đồng hồ. Người ta cứ thích hiện đại, hoành tráng. Riêng tôi không cần hiện đại, chỉ cần xuống máy bay, đợi hành lý mười lăm phút, nửa tiếng mà nhận được là được. Lên xe về đến Hà Nội, phu nhân của tôi nhận xét: So với sáu năm trước, khi nàng về lần đầu, bộ mặt đất nước có khá hơn. Nhà cửa đẹp hơn, thành phố sạch hơn, người ăn mặc sang hơn... Tuy vậy có những cái không thay đổi.

Ảnh 1: Cây cột điện Hà Nội

Cây cột điện thành phố, dây vẫn bám chằng chịt không khác gì mạng nhện, cái hòm điện trống hốc trống hoác. Thế mà chẳng việc gì, đèn điện vẫn sáng, quạt máy vẫn quay, điều hòa vẫn hoạt động... Tài thật. Còn nhà tôi ở quê, đúng chiều ba mươi Tết bỗng nghe tiếng ú ú trối tai, sau đó thì rađiô hét ầm ầm. Tôi ngẩng mặt lên nhìn, té ra hai cái loa phóng thanh chõ đít vào nhau, mắc trên cột điện ngay cổng nhà mình. Ồn ào đến mức nói chuyện không hét thì không nghe thấy gì. Chả trách người mình năm sáu chục năm nghe phóng thanh kiểu này thành thử điếc, ra nước ngoài đi thì chậm, nói rất to. „Sao chúng nó không treo vào cổng nhà trưởng thôn”? – Tôi hỏi. „Cổng nhà trưởng thôn không có cột điện” – Chú em trả lời. „Thế thì bảo chúng nó mang ra giữa cánh đồng, chẳng ảnh hưởng đến ai”. „Hôm em từ Hà Nội về thì chúng nó đã mắc vào đây rồi – chú em giải thích. – Em bảo mấy thằng ranh, chỗ này có hai cụ già nhất làng (tức cha tôi và cụ hàng xóm bên kia ngõ). Loa kêu các cụ điếc tai, không ngủ được. Phải mang đi chỗ khác. Chúng nó bảo thôi thì để đến sau Tết sẽ mang đi”. „Hay cho đứa nào mấy đồng cho nó trèo lên chọc cho câm đi”? „Không được. Người ta lại quy cho tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa thì phiền”. Thế là suốt đêm ba mươi Tết nhà tôi bị hai cái loa tra tấn. Cứ ầm ầm, ù ù, cạc cạc, chẳng câu nào vào câu nào, chỉ thỉnh thoảng láng máng hiểu được một vài từ kiểu: „Đảng”, „Bác”, „xã hội chủ nghĩa”... Sáng mùng một Tết có ông chú họ vào thăm nhà. Vì không thể nói chuyện bình thường được, tôi lại kêu ca về hai cái loa phóng thanh. Té ra ông chú tôi phụ trách điện đóm ở làng, bật hay mở loa cũng do tay chú. Chú rời nhà tôi khoảng mười lăm phút, quả nhiên loa tịt. Thế mới biết „một người là quan (dù là quan lẹt phẹt), cả họ được nhờ”.

Ông phó trưởng xã. Trước Tết tôi có về thăm quê ông anh rể ở tỉnh Thái Bình. Được tiếp chuyện với người anh em họ của anh, nghe nói là làm phó chủ tịch xã. Một người bà con giới thiệu: „Ông này làm đến phó chủ tịch xã mà vẫn chăm lo đến việc ruộng đất, còn cấy cầy đến ba mẫu ruộng”. „Quan nhất thời, dân vạn đại – tôi nói. – Làm như bác là đúng. Ngày xưa Gia Cát Lượng rời Long Trung theo phò tá Lưu Bị. Khi đi vẫn dặn em là Gia Cát Quân rằng: Em ở nhà, chăm việc cày bừa, ruộng nương không được bỏ hoang, đợi khi nào thành công, anh sẽ lại về đây ẩn dật. Huống là những người thường như ta”. Ông phó chủ tịch lại nói: „Làm cán bộ như chúng em cũng vất vả. Những ngày tết người ta cấm pháo, chúng em phải đi kiểm tra rất nghiêm ngặt. Có tiếng pháo trong xã là bị kỷ luật”. Tôi cười mà rằng: „Thực ra các ông chưa chắc đã khổ bằng quan lại ngày xưa. Thời Pháp thuộc, xã tôi có ông lý trưởng, gọi là ông Lý Bá Cắu. Bổng lộc hay hà hiếp ai thì không biết. Có lần bắt phu không đủ. Quan trên về sai đào hố, chôn chân đến đầu gối. Trời nắng như thiêu như đốt, chẳng nón mũ gì, đứng chôn chân suốt từ trưa đến chiều. Làm quan thì đã báu bở gì? Thôi tốt nhất bác cũng nên bỏ quan, về làng mà đi cày như tôi”. Chẳng biết quê ông năm nay pháo phiếc thế nào. Quê tôi cũng cấm pháo, nhưng giao thừa bà con vẫn cứ đốt đều.

Tắc xi Hà Nội. Ăn Tết xong, tôi ra Hà Nội ở nhờ người anh em, để đưa thê tử đi khám phá thủ đô. Trước khi đi tắc xi vào thành phố, tôi hỏi trước giá cả để biết chừng. „Thực ra – người nhà tôi nói - tắc xi bây giờ có gắn đồng hồ tính tiền cả. Nhưng bọn lái xe nhiều đứa ma cô. Mình không biết đường, chúng nó cứ đi lung tung để kéo dài cây số”. „Không biết thì đành chịu thiệt chứ làm sao” – tôi thở dài. Đường xá mới ra Tết mà đã đông nghịt, tiếng động cơ gầm gừ, còi bấm inh ỏi. Anh lái tắc xi tưởng tôi là hướng dẫn viên du lịch cho hai mụ đàn bà Tây. Tôi cũng mặc kệ, không giải thích gì. Anh tài bắt chuyện: „Làm hướng dẫn viên như chú sướng nhỉ, không phải vất vả như bọn cháu”. „Cảm tưởng thế thôi – tôi nói – chứ nghề nào cũng có cái vất vả của nó. Anh suốt ngày ung dung trên xe cũng sướng chứ sao”. „Khổ lắm chú ạ. Mỗi ngày cháu phải đi làm ít ra là mười lăm tiếng đồng hồ. Tết nhất cũng phải đi”. „Thế thì cũng hơi vất vả thật”. „Bọn Tây sang mình du lịch có thích không”? „Thích lắm”. „Nước mình cũng đẹp, chú nhỉ”? „Nước mình nhiều chỗ rất đẹp. Mỗi tội dịch vụ du lịch vẫn còn kém và nơi nào cũng vất rác rưởi rất bẩn”. „Nước mình dịch vụ du lịch mà tốt thì nhiều khách du lịch lắm nhỉ”. „Tất nhiên. Nhưng dịch vụ du lịch cũng chỉ là một vấn đề. Vẫn đề nữa là người mình thiếu thật thà, chặt chém về giá cả. Thực ra việc ấy nước nào cũng có, ở mức độ nào đó thì du khách người ta chấp nhận. Nhưng ở mình hình như quá mức. Tôi đã đọc một quyển sách du lịch do một nữ tác giả Mỹ viết về cuộc thám hiểm một mình bằng xe đạp xuyên Mông Cổ, Trung Quốc và Việt Nam. Cảm tưởng ở Việt Nam là tiêu cực nhất. Mấy năm trước cũng có một du khách người Anh sang Việt Nam về rồi lập một trang mạng hướng dẫn du lịch, rất được nhiều người truy cập. Nói về Việt Nam thì toàn những thứ chẳng ra gì. Mới đây bên Ba Lan tôi cũng đọc một bài phỏng vấn dài một nữ nhà báo, trước khi cô xuất bản sách về đề tài du lịch. Cô nói đã đến hầu hết các nước trên thế giới, nơi nào cũng sẵn lòng quay lại, chỉ trừ Việt Nam, vì cái nạn lừa đảo du khách”. Chẳng mấy chốc tắc xi đã đưa chúng tôi đến quảng trường Ba Đình. Nhìn đồng hồ tính tiền, thấy thấp hơn nhiều so với giá mà người nhà tôi đã ước đoán. Hóa ra tắc xi Hà Nội cũng chẳng đến nỗi nào.

Thăm khu Ba Đình lịch sử. Chúng tôi xuống xe cạnh Văn phòng Chủ tịch. Nguyên xưa kia đây là phủ Toàn quyền Đông Dương. Nhìn từ ngoài vào, khuôn viên như một công viên thu nhỏ kiểu Pháp, bên trong nhiều khách thăm quan. Cạnh cổng vào có chỗ bán vé. Nhưng hỏi mua thì cô gái ngồi sau kính trả lời không cần. Tôi liền vẫy vợ con. Vào tham quan đây cũng phải qua cửa kiểm tra an ninh như vào sân bay vậy. Vừa qua được mấy bước, một anh lính ngồi trên chiếc ghế đẩu gần đấy gọi „Ê ê...”, đòi xem vé. Tôi trả lời rằng đã được bên ngoài thông báo miễn phí rồi. Anh chàng giải thích, miễn phí đối với người Việt, chứ không với người nước ngoài. Tôi trả lời, tôi là người Việt, còn hai người này mắt xanh mũi lõ thì cũng là vợ con tôi. Nhưng anh lính gác quyết không đồng ý. Thực ra hai nhăm nghìn VNĐ một vé cũng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng tôi vốn không ưa tệ phân biệt chủng tộc, liền không tham quan nữa. Ra khỏi khuôn viên văn phòng Chủ tịch, hỏi thăm chùa Một cột thì nghe nói, bên kia Lăng Bác, đi đến phố Ông Ích Khiêm rồi rẽ phải. Qua trước của Lăng, tôi hỏi vợ con: Có muốn vào thăm Bác không? Nhưng vợ tôi vốn có tính sợ ma, không dám vào. Con tôi đề nghị chụp ảnh kỷ niệm. Nhưng tôi đã từng đọc, lăng Bác là một trong bảy công trình xây dựng xấu nhất thế giới! Chụp sợ người ta cười cho. Vốn chẳng có kiến thức gì về kiến trúc không gian, nhưng thấy quanh vùng toàn những công trình kiến trúc cầu kỳ kiểu Pháp, Lăng Bác vĩ đại, cục mịch ở giữa, theo trường phái Liên Xô, e cũng không hợp thật. Đi hết phố Ông Ích Khiêm là chùa Một Cột nổi tiếng. Lối đi quanh đây mới nát gạch lại, nhưng cỏ trồng chưa mọc, hoa chưa kịp nở đầu xuân. Dưới nước một vài con cá vàng chết nổi phềnh phềnh. Bọn tôi ngắm nghía chụp ảnh rồi quay ra. Rời chùa một quãng, gặp bà khách Tây tay cầm bản đồ, miệng hỏi: „One Pillar Pagoda”? Tôi đoán chắc bà hỏi chùa Một cột, liền vênh mặt, chỉ một cái rồi bập bẹ: „Yest, One Pillar Pagoda”! Đi lại đến cuối (hay đầu) phố Ích Khiêm, thê tử tôi đòi đi giải. Cạnh đấy có nhà vệ sinh đề giá hai nghàn VNĐ. Tôi ở ngoài chờ, đi đi lại lại vỉa hè, ngắm trời ngắm mây. Một anh lính mặc quân phục trắng đứng gần, chắc cũng tưởng tôi là hướng dẫn viên du lịch, chỉ theo vợ con tôi, nói: „Chiều được bọn Tây này cũng mệt lắm”. „Sao mà mệt? „Nhiều khi chúng nó cứ lao vào chỗ cấm”. „Vào chỗ cấm thì không được, chẳng nơi nào trên thế giới người ta dung”. „Chúng cháu gác – anh lính tiếp tục - có lần chỉ còn ba phút là đóng cửa, mà bọn chúng vẫn rút điện thoại cầm tay ra chỉ giờ, đòi vào”. „Mỗi nước có một tục lệ, mỗi nơi một khác - tôi nói. – Người Hàn Quốc hẹn 12 giờ thì phải hiểu là họ đến trước 12 giờ, có khi cả nửa tiếng. Người Tây hẹn giờ tức là đến đúng giờ, cộng trừ cũng chỉ một vài phút. Còn người Việt ta hẹn giờ có nghĩa là sẽ đến muộn từ một tiếng trở đi. Siêu thị mở cửa đến giờ ấy giờ nọ tức là đến giờ ấy khách vẫn được vào, bao giờ người khách cuối cùng ra mới đóng cửa. Viện bảo tàng muốn đóng cửa giờ nào thì kém ba mươi phút người ta đã không cho vào rồi... Thế nên nếu muốn đóng cửa lúc 12 giờ, đề rõ và thêm: ‘Từ 11 giờ 30 hết vào’ thì làm sao người ta ba bửa được”.

Thăm quan hồ Hoàn Kiếm. Từ Ba Đình bọn tôi lại bắt tắc xi ra hồ Hoàn Kiếm. Đến nơi, mua vé qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn xem Đức thánh Trần, ông Quan Công và con rùa chết.

Ảnh 2: Rùa hồ Gươm


Con gái tôi nhìn xác con rùa khổng lồ trong tủ kính, hỏi: „Rùa thật hay giả”? Tôi trả lời : „Thật”. Nhưng nó không tin. Tôi bảo: „Dưới hồ còn ít nhất một con vẫn sống, cũng to bằng thế. Mỗi khi đất nước có sự kiện trọng đại như đại hội Đảng cộng sản thì rùa lại nổi. Vì thế phải gọi là Cụ Rùa”! Con gái tôi lại càng cho là nhảm nhí. Tôi phải bảo chính tôi có lần chứng kiến tận mắt Cụ Rùa nổi (lần nổi ấy ngoại lệ, vì không có đại hội Đảng!) thì nó mới tin. Vừa dạo quanh hồ, tôi vừa kể sự tích vua Lê Lợi trả gươm. Con gái tôi thì lại xót xa Cụ Rùa bị hãm trong hồ chật hẹp chẳng khác ao tù, không có bãi cát nào để bò lên tắm nắng, rằng Cụ hoặc các Cụ sẽ đến ngày tuyệt chủng, há chẳng tiếc lắm ru... „Tuyệt chủng là lẽ cố nhiên. Mấy năm trước người ta vớt Cụ lên để chữa bệnh. Nước nhà có khối các giáo sư tiến sĩ chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu các Cụ Rùa. Nhưng kéo lên rồi mà không khảng định được là Cụ thuộc họ gì, chi gì...”. „Sao không mời người nước ngoài đến nghiên cứu giùm? Đây là một hiện tượng lạ lùng. Nhiều tổ chức hay cá nhân trên thế giới chắc không chỉ làm công không cho mà còn có thể giúp tài chính. Biết đâu người ta chẳng nhân giống được”? „Mời người nước ngoài đến, chẳng hóa ra lại tự thú nhận mình dốt. Người Việt ta đâu có thế”. „Không hiểu từ đâu và từ bao giờ mà lại có loại rùa to lớn lạ thường sống trong một cái hồ khép kín, thực ra là cái ao tù”? „Thời thượng cổ chưa có đê điều, đây là vùng đầm hồ sông nước. Giống rùa này chắc hẳn không chỉ sống ở đây. Các Cụ Rùa sót lại, không bị ăn thịt là vì vấn đề tâm linh. Xưa kia hồ Hoàn Kiếm không phải là cái ao tù chật hẹp, mà thông với một hồ vĩ đại ở phía tây thành bằng sông Tô Lịch. Trên sông có thủy quân đồn trú. Sử chép, vào thế kỷ thứ IX, tướng nhà Đường bên Trung Quốc sang cai trị nước Nam, cho đắp thành bên bờ sông, gọi là thành Đại La hay La Thành. Đê điều chưa được đắp cẩn thận thì mùa mưa hồ Tây cố nhiên giao lưu với sông Hồng. Sông Tô Lịch cũng như cả xứ sở này bị phù sa bồi đắp. Tuy vậy đến thời Pháp thuộc vẫn còn rộng. Chính quyền thuộc địa đã cho đấu thầu dự án lấp sông. Vì thế nay hồ Hoàn Kiếm trở thành cái ao tù. Sông Tô dẫu kè lại cũng chỉ còn là rãnh nước thải hôi hám của thủ đô...”. Nói đến nước thải, thê tử nhà tôi lại đòi đi vệ sinh. „Nước nôi uống cũng vừa thôi chứ”! – Tôi càu nhàu. Cũng may là ngay cạnh đấy có nhà vệ sinh, nhưng thấy không đề giá. Tôi liền rút tiền, đưa cho mỗi người một tờ hai nghìn, một tờ năm nghìn và một tời mười nghìn đồng, rồi dặn rằng: „Nếu người ta đòi hai nghìn thì trả tờ này, năm nghìn - tờ này, mười nghìn - tờ này”. Phu nhân tôi phì cười, hỏi: „Người ta đòi hơn mười thì trả tờ nào”? „Hơn mười nghìn thì... đắt quá, phải quay ra”! Nhưng tôi hơi lo xa. Giá đi vệ sinh ở bờ Hồ cũng chỉ hai nghìn.

Thăm vịnh Hạ Long. Hạ Long là thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Vợ chồng tôi đã đến rồi, nhưng con gái chưa, nên lại đưa nó đi.

Ảnh 3: Vịnh Hạ Long

Chúng tôi đi theo tua lẫn với người nước ngoài. Giá cả đắt, nhưng chất lượng phục vụ ổn, không chê trách được điều gì. Những hướng dẫn viên trẻ biết tiếng Anh, phục vụ tận tụy, có vẻ yêu nghề. Phong cảnh vịnh đẹp, chẳng phải bàn. Cạnh làng chài, nghe nói có chỗ quay một cảnh trong bộ phim trinh thám nổi tiếng thế giới của hãng phim Mỹ Hollywood : „Điệp viên 007”. Vào đấy phải đi thuyền nhỏ. Chi có tôi và con gái vào, vợ tôi sợ chết, ở lại trên tầu. Xuống thuyền phải mặc áo phao bảo hiểm. Một đống áo phao như núi, nhưng tôi nhấc lên quăng xuống đến mười cái, cái nào cũng hỏng khóa, gãy khuy. Những thứ này người mình cũng chẳng sản xuất nổi, mà mua lại của Trung Quốc. Nhưng biển lặng, gió yên. Hạ Long thì cũng thỉnh thoảng mới có việc đắm tầu thuyền. Tôi lại sinh trưởng nơi sông nước, giỏi bơi lội. Nếu có việc chẳng may tất nhiên không cứu nổi cả đoàn, nhưng thân mình và con gái cũng có thể cứu được. Liền ném cho con và khoác cho mình mỗi người một cái áo phao lấy lệ. Chiếc thuyền nan nho nhỏ, một cô gái chèo, năm du khách. Mái chèo ỳ ọp men theo sườn núi. Bơi qua một vòm đá như qua cái gầm cầu thì vào một vùng nước khép kín. Bốn bề vách đứng, cỏ cây chen đá, tiếng chim hót véo von. Ngẩng mặt nhìn trời, thấy một vòm xanh ngắt, diều hâu bay lượn thành đàn (Giống này thì đã từ mấy chục năm trong đất liền không còn nữa). Thật là chốn bồng lai tiên cảnh. Chỉ kém đảo bồng lai là mặt biển rác rưởi, túi bóng, vỏ chai nhựa, thậm chí cả tã lót pampers lổi lềnh bềnh (dưới đáy biển thì không biết bao nhiêu tấn?). Tôi bảo anh hướng dẫn viên: „Sao người mình lại vô ý thức đến như vậy”? Anh trả lời: „Chúng cháu cũng biết thế, nhưng chẳng biết làm thế nào được. Nhiều khi thấy xấu hổ với bọn Tây”. Nghe anh nói, tôi bùi ngùi chợt nhớ đến câu phương ngôn cổ: „Thằng dại cởi truồng, thằng khôn xấu mặt” (câu này tôi phải cải biên, vì nguyên bản rất tục tĩu).

Thấm thoắt đã hết ba tuần, lại lên đường về quê mới. Làm thủ tục xuất cảnh, vào phòng đợi của sân bay, vẫn còn nhiều thì giờ. Nhân còn ít tiền đồng lẻ dính túi, tôi liền ra làm bát phở cho hết. Giá bát phở một trăm hai mươi ngàn đồng, tính theo đô la đắt gần gấp đôi phở ở Ba Lan. Nhưng sân bay ở đâu trên thế giới cũng đắt đỏ cả. Nước mình giờ làm ăn cũng chính quy, mua bán bát phở cũng có cả hóa đơn do máy in. Nhưng vì tôi không có kính không không đọc được, liền nhét vào túi làm kỷ niệm. Lên máy bay yên chỗ rồi mới rút kính ra đọc sách, nhân tiện xem lại hóa đơn ăn phở. Hóa đơn ghi giá bằng đô la Mỹ, nhẩm ra mới biết mình bị lừa mất hai mươi ngàn VNĐ. Nghĩ mình là người yêu nước. Bị chính đồng bào mình lừa liên tục mà vẫn là người yêu nước thì chỉ có kẻ sĩ mới có thể làm được. Tết sang năm ta lại vẫn cứ về.

Trương Đình Toe

Sửa lần cuối 2015-03-17 06:40:18

Bình luận

Bình luận qua Facebook