2015-04-25 07:02:48

Nước mắt người xa xứ (II)


      Thư gửi con gái

     ( Tặng những người mẹ xa con) 

       "Con gái yêu thương của mẹ! 

   Tết nay mẹ không về được cùng các con. Con gái của mẹ có biết mẹ rất buồn vì đã hơn chục năm nay mẹ vẫn cố gắng về nhà ăn Tết cùng các con, vui bên các con để quên hết những nỗi gian truân bươn chải trên đất người. Giờ đây, giữa màn tuyết lạnh, mẹ ngồi nhìn từng bông tuyết trắng rơi nhè nhẹ trong gió, để cuối ngày trên đường tuyết phủ ngập chân. Mẹ hình dung Trời và Đất cũng cảm thông cho nhau. Hình như tuyết là nước mắt của Trời, nhớ thương do xa cách không ngừng tuôn lệ. Đất thấu hiểu và đón nhận nâng niu từng cành tuyết nhỏ, khẽ khàng xếp thứ tự vào nhau để tuyết nằm êm ái bên nhau, cho đến lúc tan chảy vào lòng Đất. Mẹ liên tưởng đến tình cảm mẹ con mình trong những ngày xa cách cũng nhớ mong và dành cho nhau giống như thế. Mẹ đang ao ước, giá như các con đã khôn lớn, các con đã có một mái ấm gia đình để con hiểu được bốn chữ"Tình yêu" và" Hạnh phúc"đối với người phụ nữ quan trọng đến nhường nào! Mẹ muốn kể về cuộc đời của mẹ, tình yêu của mẹ và lý do vì sao mẹ phải xa các con, phải ra đi kiếm sống ở một vùng xa lạ. Con gái của mẹ lắng nghe con nhé! 

Năm mẹ 17 tuổi, mẹ vẫn còn rất ngây thơ và hiền dịu. Mẹ sống trong gia đình ông bà ngoại và được nuông chiều như một tiểu thư con nhà giàu. Học xong trung học, mẹ mơ màng với ao ước được làm cô giáo hàng ngày lên lớp dạy lũ học trò. Và mẹ đã thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội. Suốt mấy năm học, mẹ có nhiều chàng trai săn đón, chiều chuộng, tỏ tình. Vậy mà mẹ đã chọn bố con, người hơn mẹ 5 tuổi. Hồi đấy bố con đi lính về và học trung cấp xây dựng. Tình yêu của mẹ không phải là"sét đánh", nhưng là mối tình đầu nên có thể nói rất đẹp, thơ mộng và ngây ngất. Bố và mẹ đến với nhau được hai bên nội ngoại ủng hộ. Với mẹ, từ khi nhận lời yêu bố con, mẹ đã bớt dần tính đỏng đảnh, bớt hờn dỗi vu vơ. Có thể nói mẹ hoàn toàn yêu bố và nghĩ tình yêu của mình là đẹp nhất thế gian. Tuy rằng hồi đấy bố con tính hay nóng nảy và quyết đoán, nhưng mẹ chẳng quan tâm, mẹ chấp nhận cả tính tốt và tính xấu từ người mình chọn.

 Học xong, bố mẹ cưới nhau, sau một năm con gái chào đời. Con như thiên thần nhỏ, tình yêu của mẹ như được nhân đôi. Con được đặt tên là Mỹ Lệ. Trong mắt mẹ con là tất cả, từng tý thay đổi từ con mẹ đều nhận biết. Con hóng chuyện, con biết lẫy, con biết bò...bước chập chững đầu tiên và tiếng gọi"Mẹ"đã làm mẹ vỡ oà hạnh phúc! Bố con đi làm suốt ngày, hết đi với công trình xây dựng gần, lại đi công trình xa. Mỗi lần về nhà bố cũng âu yếm con, bồng bế con và chiều chuộng mẹ. Cuộc sống bận rộn nhưng nhờ có tiếng cười trong trẻo của con làm bố và mẹ gắn bó nhau hơn. Năm năm sau mẹ sinh tiếp em bé- em gái Mỹ Linh của con bây giờ.  

Chỉ sau khi mẹ sinh các con, mẹ nhận ra sự thay đổi dần trong bố, trong ông bà Nội. Hình như bố ít về nhà hơn, nếu có về bố con không còn vồ vập các con như trước nữa. Mỗi lần bố con về là mùi bia, mùi rượu phảng phất cùng với khuôn mặt đỏ lừ. Mẹ ngày lên lớp, đưa đón con đi học, cho em bé đi trẻ. Cứ vậy hết ngày này, sang tháng khác. Bố con ngày càng ở lại chỗ làm việc nhiều hơn với lý do cơ quan nhiều việc. Mẹ thời kỳ đấy gầy nhom, tàn tạ vì vất vả. Chẳng còn chút gì của thời kỳ con gái, mặc dù mới 30 tuổi. Ông bà Nội đã không chia sẻ lại còn bóng gió phải đẻ bằng được con trai cho Tổ tiên. Bố con chắc phần áp lực bên bố mẹ đẻ, phần bị bạn bè khích bác chỉ huy lũ"bươm bướm"nên ngày càng lầm lì và cáu bẳn. Ông bà ngoại đã nghỉ hưu, lương hưu chỉ đủ tiêu, nhà ở chật chội nên tuy thương con gái mà chẳng thể giúp được gì. Hơn nữa, mẹ ở chung với ông bà Nội nên việc hàng ngày muốn giúp con gái quả là không tiện vì hai gia đình ở cách nhau khá xa( phía bắc và phía nam Hà Nội). Mẹ biết vậy, chỉ cúi đầu lặng lẽ, chẳng biết nhờ vào ai... Nếu như chỉ có vậy, chỉ là cố gắng làm việc, nuôi dạy các con và lo ngày mấy bữa ăn cho cả gia đình, chắc mẹ sẽ vượt qua... Nếu như không có cái ngày giáp Tết năm ấy, để tất cả sự thật về bố con được bóc trần trụi như chiếc bánh chưng ngày Tết! Mẹ không thể quên những gì mẹ đã trải qua: Quay cuồng, choáng váng, suy sụp và hụt hẫng khi người con gái lạ, bế trên tay đứa con trai ba tháng tuổi, đến nhà cho cháu nhận ông bà Nội!!!  

Chuyện là thế, chẳng có nỗi đau nào có thể so sánh được, khi tình yêu bị lừa dối, khi hạnh phúc bị tan vỡ. Mẹ đã như con"thiêu thân"hàng ngày cúi đầu lo giữ mái ấm gia đình. Bố con chẳng thanh minh, chẳng van xin tha thứ. Hình như cái lỗi không đẻ được con trai là do mẹ. Bên Nội và bên Ngoại rất phản đối. Đến tận bây giờ mẹ vẫn còn mang ơn ông bà Nội con vì tuy họ rất muốn có cháu trai, nhưng kiểu"sa chân" của con trai mình họ cũng không tán thành. Mẹ muốn chấp nhận, muốn tha thứ, muốn yên phận vì các con mà chẳng được. Khi bố con ngày càng hững hờ, ngang ngược. Cô bồ chắc loại"cố đấm ăn xôi"đã không biết phận lại còn hỗn láo thách thức... Mẹ như kẻ điên rồ, đầu óc thiếu tỉnh táo, nhiều khi ra đường đi như chỗ không người, mấy lần suýt chết vì tai nạn. Mẹ đã cam chịu hàng năm trời như thế, những tưởng vì các con mẹ vượt qua được nỗi đau tinh thần này. Nhưng cuối cùng mẹ đã gục ngã, cứ tưởng gục ngã là nằm bẹp dí một nơi, nhưng mẹ ngược lại: Mẹ đi nhiều hơn, nói nhiều hơn, chửi nhiều hơn và...cười nhiều hơn. Có lần trong cơn cuồng nộ mẹ còn vác dao doạ chém hết mọi người, đặc biệt là các con, mẹ muốn mẹ con mình bên nhau vĩnh viễn không thuộc về ai trên đời này...Chính vì vậy, ông bà ngoại đón mẹ con mình về nhà để tiện chăm sóc. Mẹ nghỉ dạy học, các con được ông bà Nội, Ngoại cùng quan tâm. Mẹ không muốn nhìn mặt bố con vì mỗi lần bắt gặp, mẹ như trở thành con người khác: Điêu ngoa, nanh độc và bất chấp...Giải pháp cuối cùng là chờ khi mẹ bình tĩnh lại, ông bà Ngoại cầm bìa đỏ căn nhà lấy tiền lo cho mẹ xuất ngoại. Mẹ chấp nhận ra đi một thời gian để quên hiện tại, hy vọng tất cả sẽ ổn vì bản thân mẹ không muốn ly hôn. Mẹ được gửi gắm cho mấy người quen thân của ông bà Ngoại ở tận Balan, nhờ họ giúp đỡ khi mẹ sang đến nơi. 

Con đường xuất ngoại của mẹ cũng gian truân như bao phụ nữ khác. Không thể trên những trang thư ngắn có thể viết hết nhưng ký ức hãi hùng khi cận kề giữa sự sống và cái chết. Những giây phút sau cùng mẹ nghĩ vĩnh viễn lìa xa các con trên xứ người... Trước hết mẹ sang Nga, mẹ đã ở tạm chừng một tháng tại một chung cư, đường dây đưa người thuê hẳn mấy phòng cho những người vượt biên sống và chờ đợi. Mẹ may mắn thoát được sang Balan nhờ vào những ngày cuối năm tuyết phủ dày đặc. Đoàn vượt biên lần đấy gồm 23 người, chủ yếu là người Châu Á, có 4 phụ nữ. Các con sẽ không hình dung được những người vượt biên đã trải qua tâm trạng thế nào, nếu biết nguy hiểm vậy chắc mẹ chẳng dám đi tiếp. Đấy là những nỗi lo sợ khi đối diện với hiện tại, những suy nghĩ về các con trỗi dậy giống hệt mẹ sắp đặt chân lên con đường với biển chỉ dẫn:"Chỉ có vận may dành cho bạn!". Các con có biết đi trong khu rừng chỉ còn những cây không lá, trên cành là những bông tuyết bám chắc, nếu không mang tâm trạng người vượt biên, mẹ sẽ thấy nó đẹp vô cùng. Dưới chân và xung quanh trắng màu tuyết phủ, nhìn chẳng có chút gì của sự sống. Đoàn người lầm lũi đi, người đi sau dẫm vào vết chân người đi trước. Chỉ có tiếng lạo xạo của tuyết dưới chân mình, yên tĩnh, trống vắng mà chẳng biết mình đi đâu. Chỉ biết cặm cụi đi, không nói, không cười, chân tê dại. Mẹ biết đấy là hướng đi về biên giới Balan. Trước khi ô tô đỗ ở vệ rừng, người phụ trách dặn dò mọi người bỏ lại hết các thứ giấy tờ, tiền và những thứ gì có thể minh chứng gốc gác, quốc tịch. Họ khám người, sờ nắn từng đôi dày, từ cái mũ đội đầu và tất cả. Đấy là nguyên tắc bảo mật của chuyến đi. Cũng vì vậy ai ra đi cũng đơn giản tư trang, chỉ có bộ quần áo mặc trên người với túi nhỏ cầm tay. Trong lòng  đầy ắp hồi hộp, lo âu và lạnh giá. Đoạn đường đi sâu vào rừng chắc gần 3km, mẹ chân đã mỏi rã rời, lê từng bước nặng nhọc có khi ngã ụp xuống đường, may có mấy thanh niên khoẻ mạnh đi phía sau xốc nách, hỗ trợ cùng đi. Hình như mỗi người đều ý thức, mỗi thành viên đều quyết định sự thành công của chuyến đi, bởi vậy chẳng ai bỏ rơi ai. Cuối cùng cả đoàn dừng lại ở khu vực có chăng dây kẽm gai. Vậy là vượt sang bên kia là miền đất cần đến. Dẫn đường là ba anh người Nga, họ miệng nói và tay ra hiệu, qua mấy người cùng đi dịch lại, phía trước là bãi mìn, vì vậy nhất cử nhất động phải theo hướng dẫn. Đoàn người dừng chân, im lặng nhìn nhau. Bốn chị em chợt oà khóc mà không thành lời, bởi theo yêu cầu nếu không tuân thủ họ sẽ xử lý nhanh gọn. Được biết ở cây cao trước mặt đã có dây chăng từ thân cây bên này, sang cây bên kia. Họ làm hệ thống ròng rọc và người sẽ ngồi trong chiếc cũi bằng gỗ, xong đâu đấy họ kéo từng người một giống hệt cáp treo. Đầu bên kia bãi mìn cũng có người đón khi chân chạm đất. Mẹ thầm nghĩ: Nếu dây đứt, rơi xuống bãi mìn vậy là tiêu! Có lẽ không riêng mẹ, mấy người đi cùng  chắc cũng lo sợ vì mọi người chợt ôm chầm nhau, nói nhỏ vào tai nhau địa chỉ của mình và nhờ khi gặp lại gia đình hãy kể về chuyến đi này, chuyến đi luôn có tử thần bên cạnh...Mẹ chợt nhớ lại tất cả những gì mẹ đã trải qua, hình ảnh sau cùng là các con bé bỏng của mẹ. Các con sẽ thế nào nếu mẹ không quay về? Phải chăng quyết đi ra đi này là rất sai lầm?...Tất cả giờ quá muộn, phải nhắm mắt chờ số phận. Khi mẹ được bế lên ngồi vào chiếc cũi gỗ, mẹ giống mọi người khác, vẫy tay từ biệt mọi người, nước mắt lăn dài, rơi xuống tuyết như những chấm mực nhỏ li ti trên trang giấy trắng. Mẹ nhắm mắt, miệng lẩm nhẩm khấn Trời, Phật, Tổ tiên ông bà phù hộ cho mẹ và mọi người tai qua, nạn khỏi... Mở mắt nhìn xuống đất, một khoảng rộng chỉ có tuyết với tuyết, làm sao biết chỗ nào có mìn, chỗ nào không có mìn? Mẹ đang lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Mẹ đã vượt qua nỗi sợ hãi nhờ hình ảnh của các con... Mẹ đã đứng bên này biên giới, nhìn sang bên kia và chờ đợi các bạn bè cũng may mắn như mình...Khi đã có mặt đầy đủ mọi người, cả đoàn lầm lũi tiếp tục đi dưới sự chỉ dẫn của người khác( hình như biên phòng Balan). Chặng sau cùng là hai chiếc xe thùng đủ chở mọi người về nơi tập kết. Mẹ được người quen mang tiền đến nộp và đưa về nhà họ. Kể ra mẹ rất may mắn so với người khác. Sau này mẹ mới biết đã có người vĩnh viễn mất tích trong các lần vượt biên. Có người khi bị lộ, biên phòng mang chó nghiệp vụ rượt đuổi, mạnh ai nấy chạy và thất lạc nhau để rồi mãi mãi không biết ở chốn nào. Có người vướng mìn vì không có người chỉ đường. Có người chết do đói và rét mãi khi tuyết tan mới tìm được, họ trở thành những nấm mộ vô danh trên đất người...Đấy là ký ức không thể quên, cho dù muốn quên khi giấc ngủ chập chờn đến nó lại hiện về, rõ từng chi tiết!

Những ngày đầu xa các con thơ, mẹ lần nữa như điên dại. Nhưng nghĩ đến những gì đã trải qua ở nhà và gánh nặng tiền nong ông bà Ngoại thế chấp căn nhà, mẹ không cho phép mình tuyệt vọng. Suốt mấy năm đầu mẹ làm việc như cỗ máy. Hàng ngày từ tinh mơ mẹ theo bạn bè buôn bán, cuối ngày trở về nhà ở với hình ảnh các con. Chính nhờ vậy chỉ một năm sau mẹ đã hoàn trả hết tiền. Động lực tiếp theo là kiếm tiền để về với con cái. Mất 3 năm mẹ sống bất hợp pháp, mẹ đi làm mà luôn nơm nớp lẫn tránh công an. Mẹ thật may mắn khi thoát khỏi rất nhiều chiến dịch lục tìm, bắt bớ của công an và biên phòng. Nước mắt là thứ luôn thường trực trong mẹ dù lúc vui hay lúc buồn, mẹ chỉ ao ước được về bên các con. Rồi vận may đã đến, mẹ làm được giấy tờ nhờ đợt"Nhân đạo"của nước bạn***. Mẹ bay về đúng vào dịp Tết sau tròn 4 năm xa các con. Chẳng cần nhắc lại chắc con vẫn còn nhớ, lúc đấy Mỹ Lệ của mẹ đã hơn 10 tuổi. Những tưởng thời gian trôi qua, bố con biết nghĩ lại như những gì mẹ đã nghe hai bên nội ngoại kể. Mẹ sẽ bỏ qua tất cả, quay về và tha thứ cho bố con, nhưng hoàn toàn không như vậy. Bố con ngày càng đi nhiều hơn, bia rượu nhiều hơn, nói dối nhiều hơn...tiền mẹ gửi về bố bảo cần để mua nhà lúc mẹ quay về cả nhà sẽ ra riêng, vậy mà nhà chẳng có, tiền cũng không. Bố con làm mẹ thất vọng, mẹ lại ra đi và tự hứa sẽ tìm cách đưa các con sang sum họp cùng mẹ. Đấy là ước vọng của mẹ, cho dù các con có ông bà Nội, Ngoại chiều chuộng và nuôi dạy, nhưng nỗi cách xa con là nỗi niềm thôi thúc mẹ phấn đấu kiếm tiền và được sống bên con. 

 Giờ đây, mẹ đang ngồi nghĩ lại và cân nhắc giải pháp nên tiếp tục ở lại vì cuộc mưu sinh hay đưa các con sang cùng. Cuộc sống ở xứ người thật vất vả, nhất là với những người phụ nữ như mẹ. Ở lâu, mẹ đã quen với nếp sống và công việc, mẹ cũng tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình. Dù bố mẹ đã chia tay nhau, nhưng vết thương lòng vẫn luôn nhức nhối. Mẹ đã có người đàn ông khác, yêu thương, thông cảm và chia sẻ cho hoàn cảnh của mẹ. Đấy là niềm an ủi lớn nhất, và cũng là sự giằng xé nhất giữa quyết định về hay ở lại. Các con rồi sẽ lớn và trưởng thành, các con sẽ cảm thông với mẹ. Mẹ thấy mình thật có lỗi, nhưng nếu không bước chân ra đi, cuộc đời mẹ chắc chìm trong điên loạn. Tình yêu mẹ dành cho bố các con đã sụp đổ kèm theo nỗi oán hận và căm thù. Mẹ đã đứng lên và làm lại từ đầu, mẹ đã không phụ lòng mong mỏi và hy sinh của ông bà cùng các con trong những năm tháng mẹ đi xa. Tình yêu, hạnh phúc không phải mình muốn là có được trong tay. Nó còn phụ thuộc vào nửa của mình các con luôn nhớ điều này nhé. 

Mẹ xin lỗi Tết này không về được cùng các con đón năm mới. Có lẽ vì thế mẹ nhìn màn trời mùa đông ở xứ người thật u ám. Những bông tuyết nhẹ nhàng rơi, những bông tuyết như nước mắt của những bà mẹ xa con, rơi lã chã suốt đêm ngày. Ước gì, các con nhận được gói quà nhỏ trong đấy có những hạt tuyết mềm xốp, tinh khiết và không bao giờ tan. Những bông tuyết từ đáy lòng người mẹ xa con, những giọt nước mắt dồn nén chờ khi con khôn lớn có dịp bay nhẹ nhàng đậu vào khuôn mặt thân yêu của con, truyền vào chúng những gì không nói được lên lời.

         Mẹ rất yêu các con của mẹ!"

 

Đây là bức thư của một người mẹ viết gửi con gái nhân dịp Tết Nguyên Đán. Tôi biết về chị đã rất lâu, kể cả hoàn cảnh đã đẩy đưa chị rời xa các con thơ, dấn thân vào con đường xa xứ. Nhưng để hiểu được tường tận và nhất là chia sẻ nổi băn khoăn khi con cái dần khôn lớn của chị, có lẽ chỉ đúng lúc chị cho tôi xem bức thư này. Nhìn chị không ai nghĩ chị gian truân về cuộc sống và hạnh phúc gia đình đến vậy. Các chị em nếu ra đi đơn độc thường có một nỗi niềm uẩn khúc, người phụ nữ này là một trong những số người như vây. Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi lý do tại sao khi chị đã trải qua mất mát lớn nhất của người vợ, chị không vì trách nhiệm làm mẹ trở về bên các con? Tôi cũng đã từng trách chị điều này. Nhưng khi biết các con chị sống trong tình thương yêu của hai bên Nội, Ngoại và được chăm sóc nuôi dạy, học hành rất tốt. Cũng vì vậy chị đã rất yên tâm cho mục đích kiếm tiền gửi về mua nhà, tậu đất lo cho tương lai các con. Hơn chục năm sống trên đất khách, chị đã tìm được tình yêu đích thực, tìm được nửa còn lại của mình trong bao gian nan, hoạn nạn."Tình yêu và hạnh phúc"của người phụ nữ chính là thứ vô cùng quý giá, nhưng tình mẫu tử cũng không kém phần quan trọng. Bởi vậy, trước mặt tôi bây giờ là người mẹ luôn đầy trăn trở. Hoặc là đưa các con sang cùng, nhưng có đảm bảo cho con cái tương lai lâu dài hay không? Khi bản thân chị chưa định hướng được ở lại hẳn hay quay về khi không còn cơ hội kiếm tiền. Nếu chị quay về, tình yêu của chị sẽ ở lại vì anh cũng có những đứa con riêng của anh. Nỗi giằng xé chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Tôi chỉ biết lắng nghe, không muốn bình luận thêm. Điều lý giải tại sao rất nhiều người bước chân đi xa, thực sự họ đã rất vất vả, cực nhọc, thậm chí có khi trả giá bằng chính máu thịt của mình. Vậy mà khi có dịp quay về Tổ quốc, sau một thời gian họ lại quay sang. Phải chăng, cuộc sống không bươn chải nghĩa là không còn ý nghĩa. Phải chăng có người không tìm thấy tình yêu và hạnh phúc đích thực? Điều không lý giải bởi câu:"Mỗi cây, mỗi hoa. Mỗi nhà, mỗi cảnh!".

Tôi muốn dành sự cảm thông, chia xẻ cho những người mẹ vì muôn vàn khó khăn đã dứt tình mẫu tử của mình, họ đã dấn thân vào chốn xa xăm. Tôi muốn cùng họ vượt qua tất cả mọi khó khăn và trăn trở trong cuộc sống hàng ngày. Mong họ có hướng giải quyết êm đẹp nhất. Và sau cùng tôi rất muốn những người thân của họ, những đứa con của họ hết lòng thương yêu và thông cảm cho họ- Những phụ nữ bình dị sống và làm việc trên đất người! Cuộc sống của những phụ nữ xa xứ thực ra đầy nước mắt trong những năm tháng thương nhớ khôn nguôi...!


                          Vac sa va 15/02/2015

         ( 27tháng chạp- Còn 3 ngày nữa đón Tết Ất Mùi)

                         Nguyễn Mai Lê

Sửa lần cuối 2015-04-25 05:16:38

Bình luận

Bình luận qua Facebook