2015-05-09 10:47:52

Nhớ lại một thời...

Ảnh: Tác giả bài viết là người đứng giữa, nguyên là giảng viên bộ môn Rada (Học viên KTQS VN). Ảnh chụp khi ông công tác trên tàu HQ tên lửa LX (1979), đang huấn luyện cho các chiến sĩ sử dụng Rada.

Hà Duyên Minh (Warszawa)

30 Tháng Tư 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Quân đội chính quyền Sài Gòn bỏ chạy tán loạn, bỏ lại vô vàn các loại khí tài, trang thiết bị quân sự. Một nhu cầu cấp thiết đặt ra lúc đó là phải nhanh chóng tiếp nhận, bảo quản, khai thác để đưa vào sử dụng các loại khí tài quân sự này. Một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai kế hoạch này là Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (sau này phát triển và đổi tên thành Học viện Kỹ thuật Quân sự, hồi đó hệ đại học của quân đội mới chỉ có 2 trường là Quân Y và Kỹ Thuật). Các giáo viên Khoa Phòng không - Vô tuyến (gọi tắt hồi đó là K3) gồm các bộ môn Ra-đa, Tên lửa, Vô tuyến, Hữu tuyến, Cơ sở 1, Cơ sở 2, cùng giáo viên các khoa khác (K1, K2, K4, K5) phải vừa đảm bảo giảng dạy, huấn luyện, vừa phải cử người đi vào Nam tiếp quản khí tài mới. Học viên của Khoa Phòng Không-Vô Tuyến là học viên những năm cuối (năm thứ 4 và thứ 5) của quá trình đào tạo, sau khi đã học các kiến thức cơ bản (toán, lý, hóa, ngoại ngữ, v.v) và cơ sở (tùy từng chuyên ngành, ví dụ Lý thuyết mạch, Lý thuyết thu-phát, Anten-Truyền sóng, Sức bền vật liệu, Nguyên lý ra đa, v.v). Bộ môn Ra-Đa có nhiệm vụ đào tạo các kỹ sư về khai thác, sử dụng các loại ra-đa có trong trang bị của Bộ tư lệnh Ra-đa (thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân). Đó là các loại ra-đa cảnh giới (phát hiện máy bay từ xa)(ví dụ P10, P12, P14, P15 do Liên Xô chế tạo, 513K do Trung Quốc chế tạo rập theo mẫu P10 của Liên Xô), ra-đa dẫn đường (ví dụ P30, P35), ra-đa đo cao (PRV-11). Hải quân của ta hồi đó chủ yếu được trang bị các loại tàu mặt nước cỡ nhỏ, tốc độ chậm do Trung Quốc chế tạo, chưa có mạng lưới ra-đa cảnh giới bờ biển. Trong khi đó quân đội Sài Gòn đã tiếp quản từ quân đội Mỹ (từ sau 1973, Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam) mạng lưới vài chục trạm ra đa đặt dọc bờ biển Miền Nam để cảnh giới vùng biển. Nhiệm vụ đặt ra cho Bộ môn Ra-Đa là phải nhanh chóng tìm hiểu, khai thác, biên soạn tài liệu … để giảng dạy cho lớp học viên ra đa khóa 7 của trường, vốn chỉ được học sử dụng các loại ra-đa phòng không.
Đi vào Nam cùng với giáo viên các chuyên ngành khác, bộ môn Ra-Đa có tôi và anh Nguyễn Tô. Không được tiêu tiền Miền Bắc, cũng không còn được tiêu tiền của chế độ Sài Gòn, mỗi người được cấp ít tiền Giải phóng. Thật tiếc, tôi không còn nhớ rõ mặt mũi đồng tiền đó thế nào. Hồi đó vừa giải phóng, đường tàu bị phá hoại nặng nề do bom đạn chiến tranh, hình như mới chỉ khôi phục đến ga Vinh. Từ Vinh, chúng tôi phải đi xe tải quân sự, từng chặng theo tuyến giao liên. Các trạm giao liên tổ chức rất tốt. Ngày đi đêm nghỉ, cuối cùng cũng đến Sài Gòn. Đường sá ở Miền Bắc, đặc biêt là đoạn Quảng Bình, Vĩnh Linh, gồ ghề, nhỏ hẹp, xe phải đi chậm, lắc lư rất mệt. Hai bên đường chi chít các hố bom to nhỏ. Từ Quảng Trị trở vào, đường rất tốt, hai bên thông thoáng không cây cối nên rộng tầm mắt, xe phóng nhanh. Tôi nhớ thời ấy đã từng đọc đâu đó, riêng hệ thống đường sá Mỹ xây dựng ở Miền Nam để phục vụ chiến tranh đã trị giá vài tỉ đô la. Đoạn qua Đà Nẵng, nhìn lên đỉnh núi Sơn Trà, thấy rõ an-ten rất to của trạm dẫn đường toàn cầu thuộc mạng LORAN (LOng RAnge Navigation) của Mỹ (hồi đó chưa có mạng GPS như bây giờ). Nhiệm vụ khai thác trạm này thuộc giáo viên bộ môn Vô Tuyến. Càng đến gần Sài Gòn, quân phục và đồ dùng của lính ngụy vứt lại càng nhiều, ngổn ngang trên đường. Tôi nhớ khi đến xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn, đường rộng thênh thang, xe phóng nhanh gần 100km/h, gió thổi mát rượi. Nhìn xa thấy đường như bị mưa ướt, lại gần hóa ra đường khô. Thì ra mặt đường phẳng quá. Xa xa 2 bên đường là các vườn cây, thấp thoàng các nhà máy. Nhớ nhất là khi thấy biển hiệu National của nhà máy lắp ráp radio nổi tiếng thời đó. Giữa đường có dải phân cách cứng là các tảng bê tông. Có những tảng bị xê dịch, nghe nói là bị xe tăng ta xô đổ. Báo chí Miền Bắc thời đó tố cáo Mỹ xây dựng xa lộ này thực chất là xây đường băng trá hình phục vụ chiến tranh. Mỹ tức mình xây dải phân cách để phản bác cho bõ ghét (?!).
Ở Sài Gòn, chúng tôi được bố trí ở trong Bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến, ngay gần bến Bạch đằng. Cái gì cũng thấy lạ lẫm. Từ thời tiết ngày nóng tối phải đắp chăn, cho đến khung cảnh chung quanh. Trang phục lính ngụy, súng đạn vung vãi khắp nơi. Các phòng ngổn ngang giường đệm bị phá hỏng, chỏng chơ lò xo. Lính Bắc Việt không quen nằm đệm, chỉ thích nằm phản. Phòng nào cũng có các tủ sắt của sĩ quan ngụy bỏ lại, tất cả đều bị mở toang. Nhiều tủ còn nguyên vết đèn khò xì mở khóa. Chắc là bị sục tìm đồ quý giá. Tôi ấn tượng nhất là phòng của một nữ thiếu tá ngụy, các tủ và tường dán đầy hình gái đẹp. Chúng tôi được cảnh báo là phải cẩn thận tránh nhiễm Sida, vì lính ngụy bị sida rất nhiều (!). Dạo ấy chưa hiểu sida là gì, chỉ biết đó là bệnh ghê gớm, lây lan qua đường sinh dục. Vì thế mỗi khi đi giải ở nhà vệ sinh chung là phải rất cẩn thận để tránh nhiễm trùng sida. 
Mạng lưới các trạm ra-đa cảnh giới biển của Hải quân ngụy gồm vài chục trạm bố trí dọc bờ biển Miền Nam. Loại ra-đa được dùng chủ yếu là ra-đa AN/TPS-62 do hãng Ratheon sản xuất. Thời gian nằm ở Bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến, chúng tôi thường xuyên đến thư viện Hải quân và nhà máy Ba Son để sưu tầm tài liệu. Tài liệu có tiếng Việt dịch sơ sài và các bản gốc tiếng Anh dày cộp. Với vốn tiếng Anh sơ đẳng tự học theo đài phát thanh và sách của Vũ Tá Lâm, tôi phải vất vả sử dụng từ điển để tra cứu, ghi chép. Để thực hành trên máy, chúng tôi đến căn cứ hải quân Nhà Bè gần Sài Gòn. Tại đây có một bộ ra đa AN/TPS-62 đang được chuyên gia Mỹ cải tiến thiết bị thu. Thời đó, các đài ra đa của miền Bắc cũng như của quân đội Sài Gòn đều dùng đèn điện tử chân không. Chuyên gia Mỹ cải tiến hệ thống thu của AN/TPS-62 sang dùng đèn bán dẫn và có đặc tuyến logarit để tăng tính chống nhiễu phản xạ từ sóng biển. Việc cải tiến và thử nghiệm còn đang dở dang vì chuyên gia cũng bỏ chạy. Tôi nằm lại căn cứ Nhà Bè vài tháng để tìm hiểu và biên soạn. Kết quả là khi về lại trường đã cho ra đời „Giáo trình Ra-đa AN/TPS-62”. Giáo trình này được dùng để giảng dạy cho học viên ra-đa các khóa từ khóa 7. Sau này, tôi dẫn học viên ra-đa các khóa 7, 8, 9, 10 đi thực tập AN/TPS-62 tại Nhà Bè, Nha Trang, Vũng Tàu, Cát Lái (những nơi có trạm AN/TPS-62) và hướng dẫn đồ án tốt nghiệp về nghiên cứu sâu hơn thiết bị thu logarit của AN/TPS-62. Thiết bị kiểu này chưa áp dụng trên các ra-đa do Liên Xô chế tạo, mới chỉ được đề cập trong một số giáo trình máy thu. 
Không rõ các trạm ra-đa AN/TPS-62 được sử dụng lâu bao năm sau giải phóng. Thiếu phụ tùng thay thế, chắc là lại chịu cảnh „vặt, dồn” như các thiết bị quân sự khác của Mỹ bỏ lại. Cùng với đó là giáo trình về AN/TPS-62 của tôi còn được giảng dạy bao lâu? Dù sao, cùng với việc nghiên cứu để biên soạn các giáo trình ra-đa phòng không khác, giải phóng Miền Nam đã cho tôi cơ hội tiếp cận và nghiên cứu các loại ra-đa của Quân chủng Hải Quân, như ra-đa AN/TPS-62, ra-đa điều khiển hỏa lực MP-104 trên tàu tên lửa, Sonar (ra-đa dưới nước của các tàu chiến), v.v.

Warszawa, 5/2015

HDM

Sửa lần cuối 2015-05-09 08:56:14

Bình luận

Bình luận qua Facebook