2014-08-19 05:22:23

Để hiểu thêm Tố Hữu (phần 2)


Trước nay đã vậy mà vào dịp Tố Hữu qua đời cũng vậy, tác giả Từ ấy thường được biết tới như một tiếng thơ hùng tráng, nhà thơ mang tiếng nói của cách mạng, người mà sinh thời, mọi sáng tác được truyền tụng rộng rãi đến mức chưa một nhà thơ nào trong lịch sử dân tộc biết tới.

Nhưng trên cái nền rộng rãi của lịch sử đất nước nửa cuối thế kỷ XX, Tố Hữu còn nổi bật trong một vai trò lớn lao khác: ông chính là một thứ tổng công trình sư đảm nhiệm vai trò thiết kế, một thứ tổng đạo diễn, suốt đời gắn bó với mọi hoạt động của nền văn nghệ mới.


Hà Nội đầu 1946. Cách mạng thành công đã được mấy tháng, nhưng nhiều văn nghệ sĩ còn đứng ngoài, một người như Nguyễn Tuân sau này cũng kể là ông còn “ ngủng ngoẳng chưa thật sự muốn theo Việt Minh “. Một lần, nghe Hoài Thanh nói rằng có một nhà thơ cách mạng muốn gặp, ông “ nắn gân “ bằng cách hẹn ngay ở Thuỷ Tạ Bờ Hồ ( lúc bấy giờ là một nơi ăn chơi phức tạp ! ). Nhưng nhà thơ kém Nguyễn Tuân đúng chục tuổi kia không ngán, mà vẫn tới, thuyết phục Nguyễn Tuân tham gia đoàn văn nghệ sĩ đi mặt trận. Nhà thơ đó là Tố Hữu.

Hạ Hoà, Phú Thọ, mùa đông 1948. Hội văn nghệ Việt Nam đã được thành lập, song còn lúng túng trong phương hướng sáng tác, nói theo chữ của Xuân Diệu là các ông còn “ mơ màng tìm kiếm những sáng choang bóng lộn thơm phức tận đâu đâu...” Một lần, trên mặt trận đưa về một bài thơ là bài Viếng bạn của Hoàng Lộc. Đọc xong, Xuân Diệu phát biểu thành thật “ Chẳng thấy hay”. Lúc ấy có một nhà thơ khác “đã rất bầu bạn làm trạng sư cho bài thơ “. Theo chính lời kể của Xuân Diệu, “ anh chăm chăm bình lại từng đoạn một, giúp tôi cảm xúc cái tình cảm của bài thơ đặng cho tôi thành bà con rồi ruột thịt của nó. Từ đêm hôm ấy, tôi vỡ lẽ ra dần, dần dần chuyển cách thức ăn nếm của mình “. Nhà thơ đó cũng là Tố Hữu.

Hai mẩu chuyện trên đây đã tóm tắt khá đầy đủ hai phương diện còn ít được nói tới trong đóng góp của Tố Hữu đối với lịch sử văn học. Đó là, một mặt tập hợp đội ngũ sáng tác, tổ chức họ thành một binh đoàn hùng mạnh trong lực lượng cách mạng; mặt khác, dần dần từng chút một, làm thay đổi cả cách hiểu cũ về văn học, hình thành nên một cảm quan văn chương mới và thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là thông qua hệ thống nhà trường được phổ cập rộng rãi, nhân rộng mãi nó ra, biến nó thành cảm quan của thời đại.

Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp phát hiện cho người ta thấy hình ảnh một Tố Hữu như là một nhà cách mạng bẩm sinh : ông dám bắt đầu một công việc từ chỗ gần như chỉ có hai bàn tay trắng.Thành công của ông giữa núi rừng Việt Bắc là thu hút được những tên tuổi nổi tiếng (từng được xem như niềm tự hào của kháng chiến ) từ Ngô Tất Tố tới Phan Khôi, từ Nguyễn Tuân tới Thế Lữ, từ Hoài Thanh tới Đoàn Phú Tứ... trong một tổ chức gọn gàng là Hội văn nghệ, quản lý họ, lôi cuốn họ vào công việc, cùng với họ ra báo dịch sách và đưa họ đi tham gia các chiến dịch cho đến ngày theo chân các đoàn quân về giải phóng thủ đô 10 / 1954.

Mặc dù về sau còn được giao phó nhiều trọng trách khác trên các lĩnh vực tư tưởng và có khi cả kinh tế, song không bao giờ Tố Hữu rời bỏ công tác văn nghệ, mảnh đất đã giúp ông xây dựng sự nghiệp chính trị. Với ông những câu “ văn nghệ phục vụ chính trị “ hoặc “ văn nghệ cũng là một mặt trận “ không chỉ là khẩu hiệu mà là quan niệm có thể và cần phải được hiện thực hoá hàng ngày.

Sau kháng chiến chống Pháp, ông kiên định trong việc chỉ đạo từ vụ Nhân văn giai phẩm tới các cuộc chống xét lại cũng như giáo điều trước chiến tranh, để rồi tiếp tục huy động một cách rất thành công sự đóng góp của giới văn nghệ trong những năm chống Mỹ.

Tình thương mến, tình nghĩa, thuỷ chung... là những điều thường được ông nhắc lại nhiều hơn cả khi tiếp xúc với những con người làm việc trên lĩnh vực nhạy cảm này. Ông hiểu rất rõ chỗ mạnh chỗ yếu của họ. Khi nâng niu trân trọng lúc yêu cầu se sắt gắt gao, ông biết cách làm cho mỗi người trong họ có được kết quả cụ thể trong công việc.

Với sự nhạy cảm tuyệt vời của một nghệ sĩ, ông hình thành được một đội ngũ những người cộng sự trung thành, từ Nguyễn Đình Thi tới Chế Lan Viên, từ Hà Xuân Trường tới Bảo Định Giang... và nhờ thế có tiếng nói quyết định trong các vấn đề trọng yếu của văn nghệ ngay cả khi đã quá bận bịu vì những công việc to lớn khác.

Tinh thần cách mạng, tinh thần sáng nghiệp sử ( khai phá một con đường đi mới dám làm những việc xưa nay chưa ai từng làm ) cũng được Tố Hữu quán xuyến trong khâu xây dựng một quan niệm mới về văn nghệ. Cách mạng cần động viên tinh thần chiến đấu của công nhân nông dân ? Thì ông lo đào tạo những người sáng tác xuất thân từ công nông và nhất là lo có những tác phẩm giản dị, tự nhiên mà công nông có thể hiểu được. Những chuẩn mực của nền văn nghệ cũ tỏ ra không thích hợp với yêu cầu cấp bách của cách mạng ? Thì chúng phải bị gạt bỏ để thay thế bằng những chuẩn mực mới. Điểm xuất phát của những chuẩn mực vừa hình thành này là dễ làm nhiều người có thể làm, dễ hiểu và không ai có thể hiểu sai, bởi đây là một nền văn nghệ thuộc về nhân dân lao động.

Câu chuyện về thị hiếu về cái gout mà trên đây Xuân Diệu đã kể nhân bài thơ Viếng bạn của Hoàng Lộc mang một tinh thần như vậy. Có thể nói Tố Hữu đã làm những việc này với một niềm tin kỳ lạ. Ông không truy tìm những công việc có ý nghĩa lý luận thuần tuý. Những đúc kết của ông là đơn giản thiết thực dễ kiểm tra dễ theo dõi xem nó đã được quán triệt đến đâu, do đó nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Những chuẩn mực mới này cố nhiên cũng là điều được Tố Hữu theo đuổi trong sáng tác thơ ( một việc mà gần như không bao giờ ông có điều kiện dành toàn bộ công sức song cũng không bao giờ xao nhãng ). Ở đây có thể nói tới một sự gặp gỡ tự nhiên giữa kiểu tài năng thơ ở ông và những gì ông tin theo và muốn mọi người cùng tin theo.

(Tôi vẫn nhớ một ý của Lê Đình Kỵ đánh giá Ba mươi năm đời ta có Đảng: Đó là một kiệt tác của thể diễn ca)*

Một điều có thể chắc chắn, chẳng những thơ Tố Hữu mãi mãi là bằng chứng của một thời đại trong văn nghệ mà cái cơ chế văn nghệ do ông thiết kế còn tồn tại dai dẳng và những tư tưởng lý luận của ông còn tiếp tục chi phối đời sống văn nghệ trong những năm sau khi ông đã qua đời.Chúng ta có thể chán nó, chê trách nó, muốn thoát khỏi nó, nhưng không thể phủ nhận là đã có nó, nó có lúc là một bộ phận trong gia tài tinh thần của mỗi người làm văn chương nghệ thuật thời nay.

Theo nghĩa ấy, tất cả chúng tôi không ít thì nhiều đều là trong bàn tay nhào nặn của Tố Hữu. Và đến lượt mình, chính ông cũng chỉ là một công cụ của lịch sử.(*)


Viết lần đầu 12-2002 

( *) Những doạn nhấn mạnh mới bổ sung 4-10-2010

(Theo http://vuongtrinhan.blogspot.kr/2010/10/e-hieu-them-to-huu.html)

Sửa lần cuối 2014-08-19 03:26:39

Bình luận

Bình luận qua Facebook