2016-09-22 16:59:49

Đọc thơ Lâm Hải Phong:" Những người đàn bà trong tuyết"

       Bìa sách "Những người đàn bà trong tuyết"

     Tôi được Lâm Hải Phong (LHP) đến tận chỗ làm việc trò chuyện và tặng tập thơ của anh. Tập thơ với 78 bài thơ, do báo Quê Việt xuất bản mang tựa đề:" Những người đàn bà trong tuyết". Đi cùng anh là tổng biên tập báo Quê Việt (Tờ báo gắn bó với cộng đồng người Việt ở Ba Lan suốt mười bảy năm qua), chúng tôi như đã quen nhau dù đây là lần đầu gặp mặt. Thì cũng đúng thôi, những người xa xứ đều là vậy, họ hiểu nhau, hiểu từ nỗi gian truân trong cuộc sống hàng ngày, hiểu cả nỗi niềm say mê văn chương trong cái bề bộn công việc, và hiểu cả lý do tại sao có người vẫn bám trụ trên đất khách, có người từ biệt để quay trở về quê nhà sau mấy chục năm xa xứ. Lâm Hải Phong là người như thế, anh đã bỏ lại sau lưng 16 năm lăn lộn xứ người, vì anh đã tự nhận ra mình là ai và giờ đây anh rất hài lòng với cuộc sống hiện tại... Nhưng cho dù có biến động lớn trong cuộc đời mình như thế, vậy mà "nàng thơ" thuỷ chung vẫn luôn bên anh, thơ anh vẫn ra đời và tuyển tập thơ này chỉ là một trong số những bài thơ anh lựa chọn. 


Nhà thơ Lâm Hải Phong ký tặng sách

        Với tựa đề "Những người đàn bà trong tuyết", thoáng nhìn qua tôi vẫn đinh ninh lần này anh cho ra mắt tập thơ viết về những người đàn bà xa xứ. Tôi đang nghĩ không biết ai là người có mặt trong thơ anh, và" bóng hồng" nào là động lực để anh viết dồi dào đến vậy. Tôi đọc từng bài và chợt hiểu: có rất nhiều bài, với đa dạng muôn màu của cuộc sống được hiện lên trong đấy: Tình yêu quê hương với bao niềm day dứt (Nhớ Hải Phòng em và tôi, Hà Nội trong tôi, Phố, Làng hoa, Trai Hải Phòng, Con gái Hải Phòng...). Tình yêu dành cho gia đình, cho bè bạn và những nỗi niềm sâu kín trong lòng (Tạm bợ, Cũng đôi mắt ấy, Lâu rồi, ta lại đến với thơ!, Ừ thôi em đi đi...). Và rất nhiều bài viết về cuộc sống hàng ngày, nhiều khi thơ anh viết theo dạng triết lý, nhiều khi thơ như lời tâm sự sẻ chia... Có lẽ người đã cho anh năng khiếu văn chương là mẹ anh. Điều này chắc cũng là điều khiến bà lo lắng vì sợ anh sẽ không chú tâm công việc, sẽ làm vợ con đói khổ. Cách trả lời bằng thơ của anh dung dị nhưng chân thành: 

              "Mẹ đừng lo cho con 

         thơ đến với con như là sắp đặt 

         không ảo tưởng huyễn hoặc 

         mẹ hãy tin, con hiểu được chính mình!..." 

            (Xin mẹ hãy yên lòng khi con vẫn làm thơ). 

        Thơ viết mà như văn xuôi, nhưng khi bẻ vụn câu, ngắt xuống dòng thì có chất thơ trong đó. Không bóng bẩy, không mỹ từ nhưng đấy là sự khẳng định: Thơ là thơ, cuộc sống vẫn bình yên!... Cũng như nhiều nhà thơ khác, đề tài viết về mẹ của mình lúc nào cũng đầy ắp kỷ niệm. Trong những ký ức của nhà thơ hình ảnh mẹ, hết lòng vì chồng con luôn làm người đọc xúc động và liên tưởng đến mẹ của mình. Tôi cũng vậy, đọc thơ LHP và thấy bóng hình mẹ tôi trong đấy: 

               "... Con chạnh lòng nhớ lại chiều xưa 

                Mẹ tất tả đi về trong nắng lửa 

                Chiếc xe đạp hỏng lâu ngày không chữa 

                 Lạch cạch kêu nhưng mẹ chẳng than phiền..." 

                               (Nhớ về mẹ) 

          Nhiều hình ảnh trong bài thơ anh viết về mẹ, nhưng   khổ thơ nói về chiếc xe đạp cà tàng là phương tiện mẹ đi làm đã hỏng lâu ngày không sửa, mẹ đạp xe vội vàng giữa cái nóng khủng khiếp. Anh dùng từ"nắng lửa" để bạn đọc hình dung cái nóng ở đất Cảng của anh đáng ngại nhường nào. Tôi thích khổ thơ này vì tôi hình dung điệp khúc mỗi ngày mẹ nhà thơ phải chấp nhận nó, chừng ấy cũng đủ cho bạn đọc hiểu lý do vì sao khi ở xa đứa con nào cũng không quên ký ức về mẹ mình.

         Không nhiều bài thơ viết về mẹ, nhưng trong tập thơ có nhiều câu day dứt, ân hận để rồi như lời tâm sự với bạn đọc về tình mẹ đối với con và nghĩa làm con báo hiếu với mẹ. Điều này không phải là mới mẻ, nhưng trong đấy ẩn chứa những điều mà bất kỳ ai đọc cũng tự nhìn lại mình:  

            "Bạn đã bao giờ cầm bàn tay mẹ chưa 

             khi bạn đã trưởng thành, nắm nhiều bàn tay khác?..." ( Bàn tay mẹ) 

             "...Lễ Vu Lan các bạn đừng buồn 

              Mẹ dõi theo ta cả khi không còn sống..."( Vu Lan).

        Người phụ nữ thứ hai sau mẹ chính là vợ anh. Đọc LHP, không có bài nào tả về dung nhan của chị, vậy nhưng chị hiện lên hiền dịu, tảo tần và nín nhịn trước nỗi đam mê thơ của chồng mình.  

                    "... Khi mọi người còn yên giấc ngủ ngon 

                    anh thức dậy làm thơ, quên ngày mai chợ sớm 

                    cái vất vả miếng cơm 

                     cái tha hương tủi cực 

                     chưa đủ hay sao anh phải tự dày vò?..."( Dẹp thơ đi anh)

      Sự tảo tần của vợ nếu được chồng mình hiểu và chia sẻ quả là điều hạnh phúc nhất của người làm vợ. Nhà thơ đã từng muốn an ủi vợ: 

      "...Em cứ tảo tần như thế thôi em 

       Chẳng vội đi đâu, không cần hơn bè bạn 

       Giàu nghèo ở đâu cũng là số phận 

       Ta cứ tảo tần như thế, nghe em!..."

            ( Em cứ tảo tần như thế thôi em)

        Hiền dịu, nín nhịn đến mấy nhưng"tức nước vỡ bờ" cũng là lẽ đương nhiên. Vợ anh đã từng như vậy, tôi thích bài thơ"Cũng đôi mắt ấy", vì trong đấy chứa đựng cả những thứ lẽ ra cần che đậy để người khác không biết họ đã từng khó chịu khi ở gần nhau:  

                 "Xin em đừng ném cho anh 

                 Ánh mắt nhìn ngày chợ đuội 

                  Anh đã yêu và đắm đuối 

                 Cũng đôi mắt này của em..."  

       Bài thơ này là một trong những bài thơ hay trong tập thơ, nhiều hình ảnh so sánh em ngày xưa và em hiện tại.  Đọc trong đấy cũng thấy niềm khát khao được yêu, được tha thứ dù anh và em đã qua rồi cái tuổi đôi lứa mới yêu nhau. Các bài: Những ngày không có em, Cho 20 năm chồng vợ, Anh đã có lỗi gì với em, Thu cảm, Nói cùng anh .v.v.v...đọc để hiểu vì sao LHP rất hài lòng với vợ mình và nhớ câu anh nói với tôi khi tôi thăm hỏi về cuộc sống của anh và gia đình anh. Anh đã vui vẻ trả lời:" Em rất hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống giờ đây!"

 Lâm Hải Phong đọc thơ

       Đề tài về gia đình của LHP cũng không chiếm nhiều bài, các bài thơ viết về cha( Viết về cha, Cha), viết cho các con( Dặn con, Cho cha một lời xin lỗi con, Tâm sự cùng con, Đi...). Qua đấy ta nhận ra một LHP khi nói về cha mình, thơ anh khiêm nhường, kính cẩn, biết ơn và luôn là bé nhỏ trước cha :"...Đi nửa đời người/con chưa đủ hiểu cha..."(Cha). Nhưng khi viết cho con mình, anh thực sự là người cha từng trải, nghiêm túc, anh dạy con bằng những điều giản đơn trong cuộc sống: 

            "... Bác nông dân trên cánh đồng mùa gặt 

            khom lưng cong vít lưỡi liềm 

            Các bạn thiếu niên   

            chăn trâu ăn no, bụng thường xuyên nhịn đói 

             Bát cơm ăn vội, lon ton cắp sách đến trường 

              vẫn thuộc lòng bản cửu chương  

              vẫn nhớ như in lời ru của mẹ..."( Dặn con) 

         Trong tập thơ có nhiều bài thơ viết về nỗi day dứt trong cuộc sống: Nhân tình, thế thái, tình người và cả những bạc bẽo trong thương trường( Tầm gửi, Cạm bẫy, Ngoại tình, Biến đổi...). Đọc để hiểu thêm LHP, anh đã có cái nhìn và anh đã viết sắc bén, nhiều bài mang cá tính ngang tàng của anh trong đấy: 

              "Cụ gánh cuộc đời đi qua 

            90 tuổi, đời chỉ còn nhẹ bẫng... 

       ... 90 tuổi, không còn nước mắt 

           nước mắt cạn khô, sau gánh nặng cuộc đời..."(Gánh) 

    Trong bài"Ảo thật" anh có khổ thơ: 

          "...Thế giới bây giờ cánh cửa mở toang 

            Thế giới ảo xen vào đời sống thật 

             thật giả rối tung, dễ gì nhận biết 

              giữa đời thường người ta ảo với nhau..." 

        Bài"Đi" viết cho con với khẩu khí ngang tàng ngay thẳng có khổ thơ: 

        "...Con cứ đi, không ai nói con hèn 

         thẳng lưng lên, đừng cúi gằm mặt thế 

         bố chỉ muốn con bò khi còn bé 

         lớn lên rồi phải tập cứng đôi chân..."( Đi)  

          Nhiều bài thơ mang tính triết lý, đọc chiêm nghiệm mất không ít thời gian( Giọt cà phê, Tĩnh-Động, Gia đình...). Trong khuôn khổ bài viết này tôi không đề cập đến...Xin nhắc lại, LHP từng gắn bó với tờ báo Quê Việt ở Ba Lan. Anh đã từng có 16 năm lăn lộn mưu sinh vì gia đình. Chính vì thế ngòi bút của anh khi viết văn hay làm thơ hình ảnh cộng đồng Việt xa xứ là đề tải anh luôn truyền tải. Quay lại với tập thơ mang đầu đề" Những người đàn bà trong tuyết", bạn đọc sẽ bắt gặp cuộc sống của những người tha hương. Đặc biệt là những người phụ nữ dầm mình trong tuyết, gom góp thu nhặt từng đồng tiền khi bàn tay buốt giá tê dại. Nhiều khi chỉ là vô tình bắt gặp các hình ảnh tương phản dọc đường đi làm, đấy là những phụ nữ bản xứ: Có người mặc áo lông, khoác tay người đàn ông. Có người đang vui đùa với con mình, đứa bé ngồi trên xe trượt tuyết. Và có cô gái trẻ đang kiễng chân hôn tiễn người yêu. Trong khung cảnh tuyết rơi, những hình ảnh trên thật ấm áp, hạnh phúc và lãng mạn. Vậy nhưng với người thứ tư anh gặp: 

       "... Người đàn bà sau cùng tôi gặp 

        chị là đồng hương 

        không rõ dung nhan 

        trong nhá nhem 

        lặng lẽ dọn hàng 

        Tuyết rơi mỗi lúc càng mau hạt." 

             ( Những người đàn bà trong tuyết)  

      Tôi đã hiểu vì sao với 78 bài thơ trong tập thơ, LHP đã chọn tên bài thơ này đặt cho tập thơ của anh. Chắc rằng với 16 năm tha hương, tâm hồn anh, thơ anh đã có quá nhiều kỷ niệm vui có, buồn có trên đất người.  Vì thế tên tập thơ như một món quà tri ân mảnh đất và con người nơi anh đã từng gắn bó, dù giờ anh đã trở về bến đỗ bình yên cùng gia đình mình.

          Do đặc thù công việc người xa xứ kiếm tiền không quản thời tiết đông hay hè, cả lúc mưa và lúc nắng, cả khi lạnh âm dưới 30 độ, cả khi nắng nóng kinh người. Chính vì thế việc họ sống" tạm bợ" cùng nhau để qua ngày tháng cô đơn cũng là điều dễ hiểu:" Tạm bợ ngày.../ tạm bợ tháng.../ tạm bợ năm... / Ta tạm bợ nhau/ sống quãng đời tạm bợ/...Đinh ninh rằng chỉ là chốc lát/ ngoảnh lại sau lưng... ngút ngát con đường."( Tạm bợ). Chỉ là tạm bợ thôi, vậy mà khi quay nhìn lại con đường đã qua, họ không thể dừng lại, vẫn tiếp tục đi dù bất đắc dĩ. Con đường ngút ngát phía sau lưng họ cứ tiếp tục dài theo. Đấy là thực tế bình thường hàng ngày, nhưng trong thơ anh toát lên tính vị tha, tính nhân văn nằm trong từng câu chữ. 

    Quang cảnh đêm thơ "Lâm Hải Phong cùng bè bạn" 

Trong cuộc sống của cộng đồng người viễn xứ, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Người ở lại lâu dài đều phải trả giá, đều phải chấp nhận những gì đang tồn tại bên họ. Bài thơ" Tôi đã quen và tôi chấp nhận" của anh đã nói lên những thứ quanh anh, không phải là con người anh. Vậy mà anh chấp nhận nó để tồn tại chỉ giản đơn là anh đã quen. Đấy là nét chung của hầu hết mọi người, không riêng mình anh. Nhưng với anh, anh khác họ vì món" tài sản thiên bẩm", thứ không phải ai muốn cũng có đấy là thơ. Bởi thơ là tiếng lòng của anh, anh đam mê nó và nó giải toả cho anh, chia sẻ cùng anh những vui buồn. Anh chua chát ngậm ngùi chấp nhận việc"nàng thơ"của mình bị người đời rẻ rúng khinh thường: 

        "... Tôi đã quen  

        và tôi chấp nhận 

        những vần thơ của tôi 

        bị người đời cười khinh, rẻ rúng..."   

          Ngẫm cho cùng thì trong cái thế giới đồng tiền làm chao đảo tất cả, có khi chao đảo cả chồng vợ, chao đảo cả bạn bè, chao đảo cả người thân, thơ tìm người đồng cảm thật khó lắm thay! 

      Cuối cùng, LHP chọn cho anh và gia đình con đường trở về đất Mẹ. Phút chia tay anh đã viết bài thơ:"Xin gửi lời chào". Bài thơ như lời tạm biệt, chào mọi người, chào bè bạn, trong đó chứa chất biết bao kỷ niệm: 

            Đến lúc chia tay, xin gửi lời chào: 

            " Mọi người ở lại, tôi về với Mẹ!" 

            Tháng ngày vui tươi, tháng ngày ngấn lệ 

            Mãi giữ nguyên kỷ niệm của riêng mình... 

       Không sáo rỗng, không giả dối, không trăn trở vì anh muốn sống thật chính con người mình- Nhà thơ Lâm Hải Phong, thơ và tác giả đã hiện lên trên từng trang của tập thơ này như thế đấy! 

         Vac-sa-va, 22/9/2016 

             Nguyễn Mai Lê

 Nguồn ảnh: Nguyễn Minh Thành

Sửa lần cuối 2016-09-22 15:06:05

Bình luận

Bình luận qua Facebook