2014-07-17 21:12:08

Mùa hè năm ấy

Ba Lan 19xx.

Thế là môn thi cuối cùng đã xong. Bắt đầu kỳ nghỉ hè ba tháng. Tam cảm thấy khoan khoái trong lòng. Bấy giờ có một anh năm trên, tên là Hạnh, đến rủ:

- Chú em có thích đi trại hè với anh không?

- Trại hè ở đâu?

- Còn xem đã. – Hạnh nói rồi tủm tỉm cười - Nhưng đi với bọn Tây đến những nơi hẻo lánh, rất dễ tán gái.

  • Nhưng em nhát gái lắm, không biết tán.

  • Thì anh dạy cho. Đi cho nó quen dần đi chứ.

  • Sứ quán nó bắt được thì sao?

  • Bắt thế đếch nào được. Ở ký túc xá mà vớ vẩn mới bị bọn cán bộ quần đảo tóm được, chứ đến những chỗ ấy chúng nó biết đường mù nào?

Nghe ông anh năm trên dỗ ngon dỗ ngọt, thấy cũng hay hay. Vả lại ba tháng hè trong ký túc xá dỗi việc, nhiều khi cũng cảm thấy buồn và vô vị. Hai anh em lên lên trường, vào văn phòng của Hội sinh viên, mua phiếu đi trại. Giá đi trại rất rẻ, vì có quỹ của trường tài trợ. Anh Tây trực trong văn phòng khuyên nên đi vùng Mazury, là miền hồ phía đông bắc Ba Lan, phong cảnh rất đẹp. Hạnh bảo, nhiều hồ thì phải nhiều cá, rồi còn đi mua ít dây cước, lưỡi câu lên đấy câu.

*****

Sinh viên tham gia trại đến từ nhiều nơi. Đoàn có hai bạn nam Ba Lan cộng với Tam và Hạnh là bốn. Các bạn nữ đông gấp hai lần. Đoàn trưởng là một bạn nữ sinh viên năm thứ tư trường tổng hợp Vacsava. Mọi người đối xử với Tam và Hạnh rất vui vẻ, hồ hởi. Cả bọn đeo ba lô, mang theo lều, túi ngủ, nồi niêu... đi bộ ngày vài chục cây số. Tối đến tìm chỗ cắm lều, hoặc tìm đến nhà dân ngủ nhờ. Đi được vài bốn hôm, ai nấy đều cảm thấy mệt. Một buổi chiều đến một bãi lều bốn năm chục chiếc trong khu rừng thưa bên bờ hồ. Đây có bãi tắm, có chỗ cho mượn thuyền, người đông vui nhộn nhịp, phần lớn là thanh niên. Nữ đoàn trưởng thông báo, sẽ nghỉ chân lại đây một ngày. Hôm sau ăn sáng xong, thoáng một tý đã thấy Hạnh biến đằng nào mất. Đoán rằng anh đi tán gái, Tam một mình lững thững ra bờ hồ ngắm cảnh. Hồ rộng mênh mông, nước trong như lọc, quanh bờ cây cối rườm rà soi bóng, giữa hồ có hòn đảo nhỏ. Đương đứng thì một bạn gái cùng đoàn tên là Ula cũng ra đứng cùng.

- Hồ đẹp nhỉ – Ula nói.

  • Đẹp.

  • Ở Việt Nam có những cảnh đẹp thế này không?

  • Nghe đồn là có nhiều chỗ đẹp. Nhưng ngày còn ở trong nước tôi chẳng đi đến đâu, nên mắt chưa từng thấy.

  • Ở nước bạn không đi du lịch à?

  • Nước tôi người ta còn bận chiến tranh, ai có điều kiện mà đi du lịch.

- Thế thì thật là đáng buồn. - Cô gái thở dài rồi lại hỏi: - Bạn có biết bơi không?

  • Biết.

  • Liệu có bơi ra được đảo không?

  • Tôi sinh trưởng ở cạnh sông, tám chín tuổi đã bơi lội như cá. Tưởng bắt bơi sang nước Mỹ thì chịu, chứ từ đây ra chỗ hòn đảo thì ăn thua gì.

- Thế thì bơi ra đảo với tôi.

- Nhưng tôi không có quần tắm.

- Mặc quần lót. Con trai ngại gì.

- Ừ thì bơi. - Tam chép miệng rồi về lều trút quần áo ngoài.

Quay ra đến bờ hồ, đã thấy Ula trong bộ đồ tắm hai mảnh đứng chờ. Tam rón rén lội xuống. Trên bờ nắng rừng rực, nhưng nước hồ lại rất lạnh. Chàng định quay lên thì bị cô nàng tinh nghịch đẩy cho một cái, lăn ùm xuống nước. Lúc đầu chàng rét run, nhưng ngâm mình dưới nước một lát thì cũng quen. Ula xuống theo, rồi lại hỏi:

- Có giỏi bơi thật không?

  • Sao lại không. – Tam trả lời và lao ra khỏi bờ.

- Thôi được, cũng chẳng sao cả - Ula bơi theo và nói. - Bạn không thuộc loại người khổng lồ, nếu chẳng may đuối sức thì tôi sẽ giúp.

Hai đứa hướng về phía đảo, bơi một mạch thì tới nơi. Đứng nghỉ một lát, rồi cùng nhau bơi về. Đương bơi thì có anh cứu hộ, cổ đeo cái còi, bơi chiếc thuyền nhỏ lại gần. Anh hỏi:

- Các người có „mũ bơi vàng” không?

- "Mũ bơi vàng" làm gì? – Tam hỏi - Có phải cho khỏi ướt tóc không?

Nguyên „mũ bơi vàng” thực ra không phải là mũ mà là bằng cấp bơi lội. Ai bơi giỏi, có thể đến một câu lạc bộ thể thao nào đó, cho người ta sát hạch, cấp cho giấy chứng nhận gọi là "mũ bơi vàng”, và chỉ có bằng cấp ấy, mới được phép bơi ra khỏi gianh giới quy định của những bãi tắm công cộng. Anh cứu hộ hiểu, bây giờ không thể giải thích được cho cái ông ngoại quốc ngây ngô này, thế nào là „mũ bơi vàng”, liền ậm ừ:

  • Phải.

  • Nhưng sao lại phải mầu vàng?

  • Đấy là nội quy.

Mấy thanh niên trai gái trên bờ, nghe vậy thì cười rũ rượi. Ula cố nhiên hiểu thế nào là „mũ bơi vàng”, nhưng cũng bơi, vì là cô gái vô kỷ luật. Lên đến bờ, anh cứu hộ bảo hai đứa theo anh đến văn phòng của trại, gặp anh trưởng trại. "Văn phòng" cũng chỉ ở trong cái lều bằng vải bạt. Anh chàng trưởng trại còn trẻ. Nghe anh cứu người trình bầy mọi lẽ thì bắt phạt tiền Ula và Tam. Nhưng Ula người đẹp, chân dài, ngực nở, lại mặc bộ đồ tắm hở hang, đứng ưỡn ẹo, cười nói một hồi thì anh cũng tha cho, và tiện thể tha luôn cả Tam.

Từ trụ sở của trại ra, Ula hỏi:

- Đằng ấy có kế hoạch gì từ giờ đến trưa không?

- Đây chẳng có kế hoạch nào cả.

Thế là nàng lại rủ Tam đi mượn thuyền, bơi quanh hồ. Thuyền đôi người ta mượn hết, hai đứa bơi cái thuyền lớn hơn. Ula bảo càng rộng. Tam ngồi đằng sau chèo thuyền; Ula ngồi phía mũi thuyền, đối diện với Tam. Cô nàng luôn mồm hỏi chuyện về gia đình chàng, về phong tục tập quán, tiếng nói chữ viết, khí hậu thời tiết ở Việt Nam...; Tam ngồi phía sau vừa chèo thuyền, vừa trả lời. Hễ chàng nói sai tiếng Ba Lan thì Ula lại sửa cho. Hồ rất rộng, nhiều ngóc ngách. Bơi hết chỗ này chỗ kia quanh bờ, rồi vào con kênh. Ula bảo, đây là kênh tự nhiên thông sang hồ khác.

- Thế thì ta thử bơi sang hồ bên kia xem sao – Tam nói.

- Cũng được – Ula trả lời.

Ngoài hồ có nhiều thuyền ngang dọc, nhưng trong kênh trừ Ula và Tam ra, chẳng có ai. Con kênh vắng vẻ, hai bên bờ toàn rừng, trông rất là hoang dã. Tiếng mái chèo ì ọp. Mặt trời như rắc bạc trên kênh. Ula ngồi trên mũi thuyền đối diện với Tam, mắt thì cứ nhắm nghiền lại, ngửa mặt lên trời hóng nắng. Tam được dịp tha hồ ngắm trộm. Mặt Ula rất xinh. Ngực nàng ưỡn ra, hai mảnh vải bé tý của bộ đồ tắm chỉ che được hai cái chỏm của cặp vú nở nang phập phồng theo nhịp thở. Chàng hồi hộp, thấy trống ngực đánh thình thình. Mà con gái đã đẹp thì đến cái rốn trông cũng đẹp. Tam ngắm phía trên, rồi lại đưa mắt xuống phía dưới, soi mói chỗ có mỗi mảnh vải mỏng dính, hình tam giác che đậy. Quanh người chàng như có kiến bò. Và như bị nam châm hút, chàng buông tay chèo, mon men bò sang. Bỗng thuyền mất thăng bằng, tròng trành. Ula giật mình, mở mắt ra hỏi:

- Làm sao thế?

Anh chàng hoảng hốt thụt ngay lại, trả lời:

- Không sao cả. - Rồi ngượng ngùng, cảm thấy mặt mình nóng bừng, liền nói lảng - Tôi đói lắm. Hay là quay về ăn trưa?

Ula ngắm chàng, rồi hỏi:

- Bạn có người yêu không?

Thực ra chàng chẳng có ai. Nhưng Tam hay mua các tạp chí dành cho trẻ con hoặc thiếu nhi, đọc để học tiếng. Đọc thì hiểu rằng, ở đây bọn trẻ mười ba mười bốn tuổi cũng đã có người yêu. Đằng này mình đã hai mươi, nói thật là chưa có người yêu thì ngượng chết. Liền trả lời:

- Người yêu tôi ở Việt Nam.

- Ở Việt Nam thì còn nói chuyện làm gì. - Ula bảo - Nhưng thôi, đói thì quay về cũng được.

Dọc đường về, Ula trêu, nhúng tay xuống nước rồi vẩy Tam. Anh chàng rúm người lại vì rét. Nàng thích chí cười ha hả:

- Da trắng trắng thế kia, sao ai đặt cho là người da vàng?

- Tại cái bọn phân biệt chủng tộc.

- Mà trên người lại nhẫn nhụi, chẳng có tý „tóc” nào.

- Tưởng tóc chỉ mọc trên đầu? Sao không gọi là „lông”?

- Từ „lông” – Ula giải thích - tiếng Ba Lan dùng cho loài vật. Còn với người thì mọc đâu cũng phải dùng từ „tóc”.

- Thế tưởng tôi là khỉ hay sao, mà lại ngạc nhiên rằng trên người có „tóc”?

- Không phải thế – Ula nói. – Người châu Âu trên mình hay có „tóc”, vì thế tôi ngạc nhiên. - Rồi nàng lại cười ngặt nghẽo, cứ té nước vào Tam.

- Lạnh! – Tam gắt - Đừng nghịch nữa. Không thì tôi bỏ ở đây cho mà bơi thuyền về một mình bây giờ. – Anh chàng cảm thấy hơi khó chịu. Nhưng rồi chỉ cần ngước mắt nhìn lại khuôn mặt xinh đẹp và tấm thân tuyệt mỹ của Ula thì nỗi bực bội lập tức tan thành mây khói. Cho té một tý cũng được.

Về đến giữa hồ, có một con thiên nga đương bồng bềnh gần đấy. - Thật khổ cho con thiên nga – Ula nói. - Làm sao mà khổ?

- Bạn đời của nó không còn nữa, thành thử phải lẻ loi một mình đến hết đời.

- Sao mà biết được bạn đời nó không còn nữa? Loài chim thì có luân lý, luật pháp gì đâu mà phải lẻ loi hết đời?

- Thiên nga là giống chim trời sống có đôi. – nàng giải thích – Nếu chẳng may một trong hai có mệnh hệ nào thì con kia không bao giờ đi tìm bạn đời khác nữa, mà sống đơn độc đến hết đời. Vì thế thiên nga là biểu tượng của sự thủy chung. Tiếc rằng con người ta không được một phần mười như thế.

Ula thì thương xót con thiên nga, còn Tam thì có mối lo khác, cấp bách hơn nhiều. Cái bộ phận mất dậy của cơ thể, duy nhất không chịu sự điều khiển trực tiếp của hệ thần kinh, lại lần nữa ngóc đầu dậy. Trên bờ thì người đi lại tấp lập, mà đằng này lại mặc có mỗi chiếc quần đùi lồng lộng. Tam luống cuống không biết làm thế nào. Nhưng bỗng trong đầu lóe lên một ý nghĩ phi thường: „Bây giờ chỉ còn có mỗi một cách dùng nước lạnh mà trị”! Liền bảo Ula:

- Tôi có một việc muốn nhờ bạn.

- Việc gì? – Ula hỏi.

- Bạn mang thuyền đi trả một mình vậy. - Và không chờ Ula trả lời, Tam đứng dậy nhẩy đánh ùm một cái xuống hồ, bắn cả nước lên ván thuyền, lặn mất. Chiếc thuyền tròng trành, suýt bị lật. Ula bực bội, chờ cho anh chàng ngốc ngếch ngoi lên khỏi mặt nước thì gọi theo: - „Điên rồi hay sao thế”!? Tam quay đầu lại, thấy nàng một mình loay hoay với con thuyền, nhưng mặc kệ, bơi một mạch vào bờ mà thoát nạn.

Ăn trưa xong, Tam theo Hạnh đi câu cá. Hạnh bẻ cành cây, tuốt lá rồi buộc lưỡi câu, dây cước và phao vào. Nhưng những người giỏi câu gái chưa chắc đã giỏi câu cá. Tam hồi nhỏ sống cạnh sông, cũng hay đi câu, nên biết đôi chút về nghề này. Chàng bảo phải đi đào dun làm mồi. Hạnh nói giun bẩn, lại chẳng biết đào ở đâu, lấy bánh mì làm mồi cũng được. Cá thỉnh thoảng cũng cắn câu, nhưng giật lên, mồi mất mà cá cũng chẳng thấy đâu. Ngồi đến cả tiếng đồng hồ chẳng được con nào, đâm ra chán. Bấy giờ Hạnh mới khoe:

- Buổi sáng có con nhóc đẹp quá. Nó lại thích mình. Tao đương định rủ nó vào rừng thì mẹ nó phát hiện ra, gọi về. Phí thế cơ chứ.

Tam cũng mang chuyện mình buổi sáng bơi thuyền cùng Ula ra kể đầu đuôi. Hạnh nghe xong, bảo:

- Chú em thật chẳng có kinh nghiệm chút nào nào. Đã vào cái hoàn cảnh như thế thì phải dùng mưu, dụ nó lên bờ. Lằng nhằng dưới nước mà chẳng may thuyền nó lật thằng cụ nó xuống thì còn gì là thơ mộng. Nó thì có ăn thịt mày! Nói chung cũng phải khôn và mất dạy một tý. Nhiều khi có đứa thương hại mày, muốn cho, nhưng nó là con gái, thấy mày là thằng đàn ông mà nhát như cáy, chẳng có sáng kiến nào cả thì nó cũng ngại. Trông tướng con Ula dâm lắm. Chỉ tiếc rằng nó không rủ tao đi bơi thuyền. Hí hí hí...

Tam nghe Hạnh nói, như nuốt từng lời, cảm thấy khâm phục ông anh năm trên vô hạn. Bấy giờ có một bạn trai cùng đoàn ra. Nghe nói bọn Hạnh câu cá thì cười bảo:

- Chúng nó đương chuẩn bị chảo rán cá. Câu được con nào thì chúng mày đưa tao mang về rán trước.

- Chờ cho mặt trời lặn thì cá nó mới cắn câu. - Hạnh trả lời.

- Nữ trưởng đoàn phân công chúng mày đi mua thức ăn và làm bữa tối. - Anh Tây thông báo.

Hạnh cuốn cành câu, rồi cùng Tam về chỗ trưởng đoàn lĩnh tiền, ra cửa hàng. Hai chàng mua bánh mỳ, bơ, xúc xích, pho mát, dưa chuột đem về, rồi chuẩn bị bữa tối cho cả đoàn. Ở khu lều, người ta đặt mấy cái bàn và băng trông, ghép bằng những cây thông mộc mạc, xẻ đôi xẻ ba, trông rất là nguyên thủy. Cả hội ra đấy ngồi ăn uống. Ăn xong, mọi người vẫn còn ngồi chuyện tếu. Anh bạn Tây kể việc Hạnh đi câu cá bằng bánh mỳ, hết nửa cái mà chẳng được con nào. Còn Ula thì nói đến chuyện anh cứu hộ giải thích cho Tam là „mũ bơi vàng” đội cho khỏi ướt tóc. Rồi họ cười bò ra cả mới nhau. Tam không thấy buồn cười, nhưng mừng là Ula ỉm những chuyện khác đi cho, và như thế nghĩa là cô không giận. Buổi tối, người ta đốt lửa trại, ngồi vây xung quanh, chơi gita, hò hát. Tam và Hạnh cũng theo ra nhập hội. ngồi đến khuya mới đi ngủ.

Sáng hôm sau, đoàn tiếp tục lên đường. Tam biết Ula quý mình, nên cứ đi bên cạnh. Nàng bảo gì nghe ấy. Dọc đường qua cánh rừng thông, Ula nhặt được một cái nấm to bằng cái đĩa tây. Buồi chiều, đoàn dừng chân cạnh hồ. Dựng lều bạt xong, Tam, Hạnh và hai anh Tây vào rừng lượm cành cây về đốt lửa để nấu ăn. Bấy giờ Ula rửa nấm, thái ra, cho vào cái chảo, thêm tý bơ tý muối vào, rồi giơ lên ngọn lửa. Anh sinh viên Tây cười, bảo:

- Nấm độc đấy. Đừng có dại dột ăn vào mà chết. Con gái đẹp và trẻ thế kia mà đã phải lìa đời thì phí hoài lắm.

- Không. Đây là loại nấm ăn được mà. - Rồi Ula còn đọc cả tên nấm.

- Ăn thì ăn được - anh bạn thứ hai trêu - nhưng ăn xong thì lăn đùng ra chết.

- Có chết khối ra đấy. - Ula nói - Đây có ý định sống ở trên đời này rất lâu và lại còn hạnh phúc nữa.

Ula xào xong, mời chào, nhưng chẳng ai dám ăn. Lại bảo Tam: - Ngon lắm. Có muốn thử không?

Tam thấy cô nàng ăn lem lém thì chắc không phải nấm độc, liền cười bảo:

- Đưa đây. Nếu chẳng may có phải nấm độc thì hai đứa mình cùng chết.

Ula cười đắc chí bảo hai anh Tây:

- Đây mới là chàng trai đáng yêu, người đàn ông lịch thiệp chứ không như các người. – Rồi xẻ cho Tam một nửa. Và từ đấy lại càng có vẻ quý Tam lắm.

Tuổi xanh phơi phới, phong cảnh hữu tình. Một buổi chiều, kéo nhau vào xin ngủ nhờ một gia đình nông dân, nhà ngay trên bờ hồ. Nữ trưởng đoàn đi giải quyết với chủ nhà xong, bảo cả hội kéo nhau vào cái nhà kho, trút ba lô bị bọc. Trong kho nhiều nông cụ, máy móc lỉnh kỉnh. Đối với khách bộ hành, quan trọng nhất là đây chất đầy cỏ khô dự chữ mùa đông cho bò sữa. Bọn sinh viên đi trại, ngủ nhờ nhà dân là ngủ ở những cái kho như vậy. Mỗi đứa một cái túi ngủ dầy như cái chăn, chui vào, nằm trên cỏ. Cỏ vừa êm lại vừa ấm. Cỏ khô rồi nhưng vẫn thoang thoảng mùi thơm. Tam nhanh nhẹn như thường lệ, xí chỗ cạnh Ula. Nữ trưởng đoàn lại hỏi:

- Các bạn có muốn ăn cá tươi không?

  • Cá ở đâu?

  • Mua của ông chủ.

- Muốn ăn cá thì bảo Hạnh nó câu cho, chứ việc gì phải mất tiền mua! – Một anh tây cười, đề nghị. Nhưng mọi người thì vẫn biểu quyết mua cá, mang vào bếp nhà chủ rán nhờ.

Đi trại ăn uống kham khổ, chủ yếu là đồ khô kiểu bánh mỳ với bơ, pho mát, xúc xích... Nhưng tuổi trẻ, toàn những người khỏe mạnh, đi bộ suốt ngày, đến lúc đói ăn gì mà chẳng ngon. Có cá tươi bắt ở môi trường tự nhiên lên, đem rán thì thật không có yến tiệc nào bằng. Các bạn vừa ăn vừa xì xào rằng ông chủ đánh cá trộm. Hồ là hồ của nhà nước, vậy không có lý do gì, cá trong hồ lại của nhà ông. Công an mà bắt được thì phạt chết. Nhưng cả đời sống trên bờ hồ, ông thiếu gì mánh khóe, ai mà bắt được ông. Họa chăng là bọn mình ăn cá xong rồi đi báo. Nhưng người ta đã có lòng tốt cho ngủ nhờ, lại đi tố giác người ta thì còn ra thể thống gì. „Ngoài ra – anh sinh viên Tây cười hi hí - ông chủ có con gái đẹp. Những người sinh được con gái đẹp, không thể là người xấu được”! Ăn tối xong, Tam và Hạnh theo Ula cùng mấy đứa con gái vào nhà ông chủ xem nhờ tivi. Vào nhà chủ lại nghe nói là Nhà văn hóa của làng có dysko. Các bạn gái hỏi: Nhà văn hóa ở đâu? Ông chủ bảo, con trai và con gái ông cũng đi dysko, nếu mọi người muốn, hãy chờ chúng đi cùng. Tam đưa mắt nhìn cô gái trẻ tóc vàng, đương cầm cái chổi cán dài quấn giẻ, hí húi lau nền nhà thì hiểu rằng, đây cố nhiên là con gái ông chủ. „Đẹp thật. Anh bạn Tây quả là tinh mắt". – Tam nghĩ bụng.

Mọi lại người chăm trú theo dõi phim trên màn hình ti vi đen trắng. Bộ phim nói về lịch sử tình yêu tuyệt vọng. Một thiếu nữ, cố nhiên là kiều diễm, yêu say đắm một chàng trai và chàng cũng tha thiết yêu nàng. Nhưng đấy chỉ là mối tình đầu cháy bỏng của một thời non trẻ. Bao nhiêu cách chở. Nàng là cô gái vùng quê, nhà nghèo khó; còn chàng là con trai thành phố, thuộc tầng lớp thượng lưu. Và sau họ phải chia li. Nhưng năm tháng trôi đi, cô gái với tấm lòng trong trắng vẫn đeo mang niềm hy vọng mà chẳng yêu ai khác. Rồi một ngày nào đó, hai người tình cờ gặp nhau. Mối tình xưa sống lại. Chỉ tiếc rằng, khi đó chàng đã đính hôn với người khác và lại còn có những bổn phận đối với gia đình quyền quý của mình. Họ lại chia tay. Nàng bùi ngùi nước mắt chảy quanh, chúc chàng may mắn và hạnh phúc... Xem đến đấy, Ula bỗng bực bội, bình luận: „Cái con bé này sao mà ngu xuẩn. Lại còn chúc nó hạnh phúc”. Rồi không xem nữa, đứng dậy đi ra. Tam thấy vậy, cũng đi theo. Về đến kho để cỏ, Nam hỏi:

- Đằng ấy có định đi dysko không?

  • Có – Ula trả lời. - Thế đằng ấy?

  • Đằng này cũng muốn đi nhưng không biết nhảy, ngại lắm.

  • Để đây dạy cho.

Mùi cơm tây vấy vá đã ba năm, mà cái khoản nhẩy nhót thì Tam quả còn rất vụng. Nhưng đấy có lẽ cũng là điều may. Thanh niên của Việt Nam hình như khác thanh niên bản xứ. Những lưu học sinh của ta thời ấy, mới năm thứ nhất thứ hai mà đã giỏi khoản nhảy nhót, về sau nói chung đều không học được. Ở trại hè lại là việc khác. Được cái Ula nhiệt tình, cầm tay Tam đặt lên ngang thân mình, bảo ôm lấy. Rồi hai đứa đưa đẩy, tiến lui trên nền. Thỉnh thoảng cứ bị cặp vú của Ula quệt vào ngực, chàng cảm thấy ngại, đâm ra lóng ngóng. Nhất là lúc ấy lại hai anh Tây ngồi trên đống cỏ, cười hô hố, trêu chọc:

- Học nhảy gì mà lại thế kia?

- Sao ôm chặt thế, Tam?

- „Cô giáo” bắt thế! - Tam chống chế.

- Sao? Các người tiếc hả? - Ula đốp chát hai anh Tây.

- Không, nhưng học nhẩy kiểu ấy thì học sao được. Hay là lại định dạy môn khác....

Ula không để ý đến họ, dặn Tam:

- Đối với phụ nữ, phải rất tôn trọng, tế nhị, nhẹ nhàng. Thậm chí không được dùng hoa mà đánh.

- Ai lại đánh bằng hoa! - Hai anh tây lại trêu.

- Đúng rồi, phải đánh bằng gậy chứ, hí hí! - Cả hai cùng cười.

- Im đi! – Ula ngoảnh bảo họ, rồi lại quay sang Tam giảng tiếp: - Ra nhảy đôi thì chỉ có con trai mời con gái, chứ không có chuyện ngược lại. Con trai có vinh hạnh là được quyền lựa chọn, còn con gái may mắn là có quyền từ chối. Hết điệu nhảy, không được để cô gái đứng chơ vơ một mình. Phải đưa về chỗ người ta đứng hặc ngồi ban nãy, cám ơn tử tế, xong mới được bỏ đi.

- Nhưng thích cô nào thì cũng bỏ đi à?

- Thấy cô nào đẹp thì lại thử mời lần nữa. - Ula trả lời.

Lúc đầu học nhảy, Tam còn lúng túng, dẫm cả vào chân Ula. Nhưng được nàng luyện cho một lúc thì quen. Hai anh Tây châm chọc chán rồi bỏ đi. Thấy mình nhảy cũng nhịp nhàng, chàng hỏi Ula:

- Nhảy thế đã được chưa?

- Thế là được – Ula nói.

- Nhưng mà việc gì phải ra dysko – chàng lại bảo. - Hay là cứ để cho

chúng nó đi hết, hai đứa mình ở lại đây nhảy với nhau?

- Không được - Ula lắc đầu, cười. – Nhảy phải có nhạc.

Khoảng nửa tiếng sau, cả hội tề tịu cùng hai con ông chủ, kéo nhau ra Nhà văn hóa. Con trai ông chủ lại đem cả người yêu đi cùng. Đông người. Vào nhảy loạn xị một lúc thì đoàn lạc nhau. Đến điệu nhạc chậm là lúc nhẩy đôi, Tam nhìn quanh tìm Ula để mời. Nhưng cô nàng đã đương nhảy với một cậu Tây cùng đòan. Tuy ở trong vòng tay người khác, Ula nhìn Tam, rồi gửi đến nụ cười. Tam bụng bảo dạ: „Mình chậm chân quá. Nhưng dysko còn dài". Chàng lại đảo mắt nhìn các cô gái khác. Chợt thấy con gái ông chủ ngồi cạnh tường gần đấy. Một chàng trai đến mời thì cô lắc đầu. Chờ cho anh chàng kia bỏ đi, Tam mạnh dạn tiến tới hỏi:

- Có thể mời em ra nhảy được không?

Cô bé chẳng nói năng gì, đứng dậy. Tam tay trái đỡ lấy bàn tay em, tay phải ôm lấy tấm thân mềm mại. Và thế là, không kể lúc tập nhẩy với Ula trong kho cỏ, lần đầu tiên trong đời chàng được ôm ấp người con gái đẹp, thấy lòng mình bàng hoàng khó tả. Ánh điện xanh đỏ lờ mờ, tiếng nhạc du dương như rót vào lòng, mùi nước hoa từ người cô em bay ra thoang thoảng. Chàng mơ mơ màng màng như lạc vào giấc mộng. Thế là từ lần sau, trừ Tam ra, ai mời cô gái cũng từ chối. Còn Tam thì quên phéng mất "cô giáo" Ula, cứ giữ rịt lấy nàng. Chàng đưa môi hôn nhẹ lên mái tóc dầy, rồi ghé tai thủ thỉ:

- Em tên là gì?

  • Em là Ania.

  • Em học lớp mấy?

- Em học hết lớp ba phổ thông trung học. „Hết lớp ba có nghĩa là Em mười tám” – Tam nghĩ bụng. Rồi một lần, hai đứa đương quay trên sàn thì va ngay phải Hạnh. Anh bấy giờ đương ôm người yêu con trai ông chủ. Tam phì cười. Đến lúc giải lao, đèn bật sáng, Hạnh và người yêu anh chủ nhà đã biến mất. Anh này thì cứ ngơ ngác tìm mà không thấy. Tam chột dạ, chỉ sợ Ania giận Hạnh tán mất người yêu của anh trai, rồi lại giận lây cả mình. Nhưng không, việc ấy tuyệt nhiên chẳng ảnh hưởng gì đến Ania và Tam cả. Tam càng về cuối càng bạo, ôm Ania càng chặt hơn. Lúc người ta bảo đây là điệu nhạc cuối cùng, Tam rủ cô em: „Hay ta đi về trước đi”. Nàng đồng ý. Dọc đường, hai đứa kéo nhau vào cái nhà đương xây dở, hôn nhau. Được một lát, bọn sinh viên cùng hội về qua đấy. Tam ôm Ania đứng yên nghe thấy nữ trưởng đoàn bảo: „Không biết Hạnh và Tam đi đằng nào”? Một cậu Tây cười hi hí: „Bọn chúng nó cũng giỏi. Một thằng tán được con gái, còn một thằng tán ‘con dâu’ ông chủ”. Lại một giọng nam nữa bình luận: „Ở đây bọn thanh niên cũng hiền, chứ ở vùng núi mà tán con gái địa phương thì có khi bọn trai làng nó đánh chết”. Họ qua rồi thì Tam lại hôn tiếp. „Mà cũng phải mất dạy một tý” - lời khuyên của Hạnh như còn văng vẳng bên tai. Rồi với kiểu cách của "nền văn minh lúa nước", chàng đưa tay lên ngực cô em. Nhưng thấy áo trong áo ngoài dầy cộ, liền lần xuống phía dưới. Nhưng bỗng cô bé đẩy tay Tam ra, ù té chạy mất. Thế thì có chán không? Chàng đứng ngây người, tiếc ngẩn tiếc ngơ, lầm bầm nguyền rủa Hạnh. Té ra lý thuyết của ông này chỉ là cái lý thuyết suông, không thể mang ra thực tế mà ứng dụng được.

Hôm sau, bọn Tam đi thì Ania ra tiễn. Hai đứa để cho mọi người đi trước, rồi dắt nhau, đi tụt ở tận đằng sau. Ra đến đầu làng thì chia tay. Chàng hứa thể nào cũng quay lại với nàng. Ania ra về, vừa đi vừa lău nước mắt; còn Tam chờ cho nàng đi khuất, mới rảo bước theo đoàn. Vừa đi vừa cảm thấy bùi ngùi xao xuyến. Đoàn đi ước chừng khoảng hơn hai mươi cây số, đã quá trưa sang chiều thì đến một cái trại nhỏ bên hồ. Trên bãi cỏ cao cao răm bẩy chiếc lều của những đoàn đến trước đã cắm. Theo chương trình, đoàn của Tam sẽ nhập hội và nghỉ ở đây một buổi. Màn đêm buông xuống, mặt hồ lấp lánh ánh sao. Ngước mắt nhìn trời, cũng thấy sao Bắc Đẩu, Đại Hùng Tinh và Tiểu Hùng Tinh... Các tinh tú ở vị trí cao hơn ở quê nhà, ấy là vì đây gần Bắc Cực. Rồi nhìn dải Ngân Hà trăng trắng giữa trời, chàng lại nghĩ đến người yêu: "Ta với nàng cũng như Ngưu Lang, Chức Nữ, bao nhiêu cách chở, đôi đứa đôi bờ sụt sùi bên bến sông Ngân". Sáng ra, mọi người vẫn còn yên giấc thì Tam đã dậy một mình lững thững dạo quanh. Chàng cảm thấy nhớ người yêu vô hạn. Rồi lại nhìn con đường mòn hôm trước thì không thể nào dừng bước được, liền quay lại với nàng.

Tam đến nhà Ania, lúc ấy đã là gần trưa. Trước nhà, gặp anh trai cô. Anh thanh niên hiền lành, hỏi:

- Chắc cậu đến tìm em gái tôi? - Thấy Tam không trả lời, anh tiếp: - Ania đương làm ở ngoài đồng. Cậu cứ chờ đây. Tôi ra bảo nó.

Một lát sau, Ania quay về. Cô mời Tam vào trong nhà, rồi hỏi:

- Anh có đói không?

- Anh từ sáng chưa ăn gì, nhưng cũng không thấy đói.

Ania không nói năng gì, cắt bánh mỳ, làm bữa sáng cho Tam, rồi vào nhà tắm thay quần áo. Tam ăn xong, hai đứa dắt nhau đi. Đầu làng có cái công viên. Gọi là công viên, nhưng vắng tanh vắng ngắt. Ania và Tam đến cái ghế dưới gốc cây, ngồi đấy âu yếm trò chuyện. Ania hỏi:

- Anh có nhớ nhà không?

- Không nhớ sao được. Nhớ nhà, nhớ cả quê nữa.

- Tiếc rằng em chẳng được như anh. Em quả thực chẳng thiết tha gì với quê hương cả.

- Chắc là vì em chưa bao giờ phải đi xa như anh, nên nghĩ thế.

- Ở đây buồn lắm. Em chỉ ước mơ một ngày nào đó đi khỏi được nơi này

- Quê em đẹp thế, em định đi đâu?

- Anh cả đời mới đến một lần thì thấy đẹp. Cũng giống như biết bao nhà thơ đã hoài phí không biết bao nhiêu giấy mực để tả quê em. Nhưng quê em là mảnh đất nghèo. Đối với những người vất vả suốt đời như em đây, lại không có điều kiện được lựa chọn thì thấy cũng bình thường. Cũng có thể vì em là người không tốt.

- Em lẽ nào lại là người không tốt được. Vậy em cứ yên tâm. Một ngày nào đó, anh sẽ quay lại đón em đi. - Lời nói thật là thiết tha. Song đấy chẳng qua chỉ là một lời hứa hão huyền, là cảnh „Ốc không mang nổi mình ốc, lại đòi vác cọc cho rêu”. Không hiểu anh định mang em đi đâu? Quê hương anh còn nghèo gấp trăm gấp nghìn lần quê em; cha mẹ anh vẫn lam lũ, chân lấm tay bùn; đồng bào anh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Anh chẳng qua cũng chỉ là một sinh viên nghèo, với hai bàn tay trắng, với một tương lai chẳng rõ ràng. Thực tế rồi sẽ chứng tỏ, đời anh cũng chẳng ít tủi hờn, con đường anh đi không phải là con đường nở đầy hoa. Nhưng bấy giờ anh tin lời mình nói. Còn em cảm động vô vàn, gục đầu vào vai anh.

- Nếu quả thực được một chàng trai như anh yêu thương, che chở thì em sẵn lòng theo đến nơi tận cùng thế giới. – Ania thủ thỉ - Nhưng mảnh đất đã khô cằn thì ông Trời một hạt mưa cũng tiếc rẻ. Người nghèo thì hạnh phúc sẽ chẳng được ban cho. Biết bao chàng trai lúc chia tay từng hứa với các cô gái rằng sẽ quay lại đón. Nhưng đi rồi thì đến một bức thư cũng chẳng thấy hồi âm.

- Có thể vì các chàng trai ấy không thể nào quay lại được.

- Vâng, em cũng nghĩ thế.

Những tia nắng vàng xuyên ngang cành lá, mặt trời đã ngả về tây. Tam bảo với Ania là mình phải về trại kẻo tối. Ania nói sẽ tiễn chàng một đoạn. Nàng khoác tay chàng, rồi hai đứa lững thững ra khỏi làng. Bầu trời trong xanh, nắng chiều lưu luyến. Được một thôi đường dài, Ania bảo:

- Chẳng còn xa nữa, anh hãy chịu khó đi một mình. Em về đây.

Tam tần ngần đứng nhìn người con gái xinh đẹp mà không muốn rời nửa bước. Liền nói:

- Bây giờ anh sẽ tiễn em một đoạn rồi quay về.

Và hai đứa đưa nhau về làng. Nhưng đến gần làng, Ania lại tiễn ngược lại, rồi Tam lại tiễn Ania... Hai đứa cứ thơ thẩn tiễn nhau đi lại mãi mà không sao dứt được. Bóng anh bóng nàng in trên đồng lúa. Biển lúa vàng mênh mông, rập rờn theo gió, trải dài đến tận phía chân trời; con đường mòn vắng tanh xa tít; ven đường hoa dại phất phơ. Bỗng Ania lứu Tam lại, hỏi:

- Anh đi đến bao giờ thì lại về với em?

  • Em cần anh khi nào, anh về khi đó.

  • Em chỉ sợ anh đi mất, và em chẳng bao giờ còn được thấy anh nữa.

  • Sao em lại nghĩ thế?

  • Anh biết không...? – nàng ngập ngừng, rồi tiếp: – Quê em, con gái trước khi lấy chồng, chẳng mấy người còn giữ được trinh tiết!

- Thế còn em?

- Em thì vẫn còn nguyên vẹn.

- Chắc là em giữ cho anh?

Ania không trả lời, ngước đôi mắt xanh diễm lệ nhìn chàng. Tam nghe Ania thổ lộ thì sự khát vọng trong lòng bỗng nổi lên như gió bão. Chàng đưa tay vuốt mái tóc dài, vàng óng như tơ, rồi kéo người yêu vào lòng. Hai đứa đứng hôn nhau giữa đường. Vừa hôn, Tam vừa lần lên xoa ngực nàng, rồi cởi cúc áo. Chàng ngạc nhiên nhưng mừng, thấy bên trong nàng chẳng mặc gì. Cả hai cùng thở gấp. Cặp vú trắng nõn tròn vành vạnh, đôi núm vú hồng hồng chúm chím của nàng thập thò sau vạt áo. Chàng ngấng đầu nghắm nghía bộ ngực tuyệt vời của người thiếu nữ. Nàng mắt nhắm nghiền, như bị đứt hơi: „Em không thể chịu được nữa”! Rồi sợ chẳng may có người qua lại, đôi trai gái kéo nhau chạy vội vào giữa ruộng lúa khô. Và.... những chuyện gì nữa giữa họ xảy ra tiếp theo thì chỉ có con chim bocian ngang trời bay qua trông thấy.

*****

"Dẫu lìa ngó ấy còn vương tơ lòng". Ba Lan, mười lăm năm sau. Khi ấy Tam đã có gia đình, định cư ở quê vợ. Con gái anh đã được năm tuổi. Một chiều „mùa đông của thế kỷ”. Ngoài cửa sổ bão tuyết gào thét. Anh ngồi cùng vợ con xem tivi dự báo thời tiết, thấy nhiệt độ ở vùng hồ Mazury xuống đến dưới âm ba mươi độ. Nhiều làng mạc mất điện, đường xá tuyết phủ không ra được. Maria vợ anh nhận xét:

- Ở cái vùng Mazury này cũng khổ. Cho tôi ở đấy chắc không ở được. Đã nghèo thì chớ, lại còn rét mướt. Ở đấy bao giờ cũng rét hơn những nơi khác đến mấy độ.

Tam bất chợt nhớ đến Ania, buột miệng nói:

- Ngày xưa tôi có người yêu ở đấy.

- Chẳng biết bố mày có những ai, bao giờ và ở những đâu. – Maria cười, bảo con gái bấy giờ đương ngồi trên gối mẹ – Nhưng bây giờ mẹ con ta phải giữ thật chặt. Phải không con?

- Phải. – Con bé trả lời. Rồi nghĩ ngợi thế nào nó thân thẩn nói tiếp: - Nhưng mà bố cũng may là lấy được mẹ, chứ lấy vợ ở đấy thì bây giờ chết rét.

- Tất nhiên là bố may lấy được mẹ con. – Tam cười bảo nó. - Nhưng không phải vì bố sợ chết đói hay chết rét, mà là vì lấy được mẹ con thì bây giờ mới có được con.

Nhưng đấy là những việc sau này, sẽ không kể ở đây nữa. 

Trương Đình Toe.

Sửa lần cuối 2014-07-18 05:08:11

Bình luận

Bình luận qua Facebook