2014-12-29 06:41:23

Cưới vợ

Thế là ông trẻ cưới vợ” – Tin ấy đưa ra, cả họ vui mừng.

Nguyên họ Nguyễn có một chàng trai cực kỳ cao vai, mọi người vẫn gọi là ông trẻ Mạnh. Cha mẹ Mạnh xưa kia sinh đến gần chục người con, lũ lượt ra toàn con gái. Cố mãi, tưởng là đã hết sinh nở thì cuối cùng lại được một trai, tức là Mạnh. Nhưng chẳng bao lâu thì các cụ lần lượt qua đời. Lớn lên việc lớn việc nhỏ, Mạnh đều hỏi ý kiến ông anh họ trưởng tộc. Về vai vế ông Trưởng là anh, nhưng tuổi tác ngang với cha Mạnh.

- Chú vai cao quá – ông Trưởng lưu ý – chẳng lo đường vợ con cho sớm. Sau này con cái mới đẻ ra đã có đứa phải gọi bằng cụ trẻ mất.

Mạnh thì chỉ gãi đầu gãi tai. Hết năm này qua năm khác, Mạnh ra thành phố bươn trải lập nghiệp. Mãi đến gần ba mươi tuổi, một hôm Mạnh đến bảo ông Trưởng là đã có người yêu và muốn cưới.

- Thế thì tốt – ông Trưởng vui mừng. – Tao đã tưởng chú định đi tu.

Việc đi xem mặt, kính thưa kính gửi, Mạnh tất nhiên cũng nhờ ông Trưởng. Nhưng

đi xem mặt về, ông Trưởng có vẻ không vừa lòng hỏi Mạnh:

- Chú đã chắc chắn chọn đúng đối tượng chưa?

- Em cũng không biết.

- Nếu vậy thì hãy thư thả.

- Em phải cưới gấp – Mạnh thở dài.

- Trước giục bao nhiêu lần thì chú dềnh dàng. Bây giờ lại đòi cưới gấp là cớ tại sao?

- Tại vì… - Mạnh lại gãi đầu gãi tai – có khi nó có bầu.

- Thời thế bây giờ nó thế đấy – Ông Trưởng thở dài – Toàn là cái điềm vào rừng thấy vết chân to, ướm thử. Thôi thì con người ta cũng có cái số cả.

Liền cho gọi một ông em họ, vẫn được mang  danh là ông Thứ, đến thông báo tình đầu việc đi hỏi vợ cho Mạnh, rồi bảo rằng:

- Tôi đã lên đấy thì té ra ông nội nó còn kém cả tuổi mình. Tôi chẳng câu nệ gì việc ấy. Nhưng vì nhà người ta có thần có thế. Bố nó với mấy ông chú làm cán làm chuôi gì đó, ăn nói thiếu khiêm nhường. Tôi không thể ngồi với họ được. Chú còn ít tuổi, phiền chú đi đại diện cho họ nhà trai thay tôi.

- Vâng. Bác Trưởng đã giao nhiệm vụ, em quyết không dám chối từ. – Ông Thứ vui vẻ nhận lời.

- Ví thử như ngày xưa – ông Trưởng cười nói tiếp - chú có thể được gọi và văn võ song toàn. Chỉ có một nhược điểm là tính hơi nóng nảy. Thời nay võ ít dùng, nhưng văn vẫn phải trọng. Trên ấy tình hình rất phức tạp. Chú phải tự kiềm chế mới được. Mọi việc cứ tùy cơ mà định liệu.

- Vâng, em xin vâng lời bác.

Nhưng được vài hôm, ông Thứ tìm ông trưởng, bảo:

- Thưa bác. Em mới nói chuyện với họ nhà gái. Có một vấn đề vướng mắc, em muốn xin ý kiến bác.

- Tôi đã trao toàn quyền cho chú. Chú cũng như ông tướng cầm quân ngoài mặt trận, thi hành trước, bẩm báo sau. Không phải hỏi ý kiến tôi làm gì.

- Nhưng việc này rắc rối quá. Bác không thể không biết được.

- Đấy là việc gì?

- Nhà gái đòi đến bẩy lễ. Vậy thế nào là bẩy lễ?

- Tôi xưa kia vẫn nghe các cụ nói, năm lễ là ngũ phúc, bẩy lễ tức là thất hiền. Quê mình tục ấy đã bỏ lâu rồi. Nhưng thôi, họ yêu cầu thế nào, các chú cứ đáp ứng cho họ thật thoải mái.

- Nhưng họ đòi bẩy lễ kèm theo bẩy con gà trống thiến, vẫn còn sống, mào dài. Đã thiến rồi còn lấy đâu ra mào dài?

- Họ muốn gà sống thì thì mua sống, muốn chết thì mua gà chết. Các chú cứ làm đầy đủ. Hai cụ thân sinh ra chú Mạnh chẳng may mất sớm. Mọi thứ phải thật đàng hoàng cho các em chúng nó sau này khỏi hậm hụi.

- Nhưng quần áo mặc rõ đẹp, ô tô thuê thật sang. Lại đem nhét cái lồng gà vào đấy còn ra cái kiểu gì. Nó ỉa đái hôi thối ra xe thì thật là uế tạp.

- Việc ấy cũng dễ giải quyết. Gửi tiền cho họ, rồi người ta muốn mua gà, mua công mua phượng hay bầy vẽ thế nào là tùy. Việc gì phải chở lên.

Ông Thứ phục là cao kiến. Bèn gọi điện cho ông chú cô dâu, đại diện của họ nhà gái, bảo rằng:

- Chúng tôi thưa với ông thế này. Thôi thì đướng xá xa xôi, mang gà sống, giữa đường chẳng may con nào chết hoặc xổng mất thì chúng tôi đuổi làm sao được. Chúng tôi xin gửi tiền lên cho nhà gái. Kính mong các cụ, các ông các bà lo giúp cho việt ấy.

Ông đại diện họ nhà gái ậm ừ, có vẻ đồng ý. Tưởng mọi việc đã xong xuôi, nhưng hôm sau ông lại gọi điện lại, nhất định đòi cho được bẩy con gà sống.

- Báo cáo với ông thế này. – ông Thứ bực bội - Quê tôi gà qué vừa bị bệnh cúm H5N1 chết sạch cả rồi. Thậm chí chim cò cũng chẳng còn. Chỉ có trâu bò thôi. Nếu các cụ các ông các bà không chê, chúng tôi xin dắt lên… bẩy con nghé!

Ông họ nhà gái cứng lưỡi, mãi sau mới thốt nên lời:

- Thôi được, để chúng tôi bàn lại xem đã. Bẩy con nghé thì to phe quá.

Ông Thứ tắt máy, cảm thấy vừa lòng, nhếch mép cười, lẩm bẩm:

  • Ừ, có thế chứ! - Và họ nhà trai đành phải đình chỉ mọi thủ tục mua sắm, chờ

quyết định của họ nhà gái.

Trên nhà gái, ông chú cô dâu cùng anh em họ hàng bàn bạc. Ông nhắc lại chuyện nhà trai đề nghị dắt lên bẩy con nghé, rồi bình luận:

  • Nhà nó nói đểu, ăn nói xỏ xiên. Nhưng mình không thể nhượng bộ được. Đám

này không thách thì còn thách đám nào?

  • Con đầu cháu sớm, cưới xin phải đàng hoàng.

  • Ăn xó mó niêu, thiên hạ người ta cười cho chứ.

Chỉ có cô dâu là nhệu nhạo:

- Cháu đi lấy chồng nơi đất khách quê người. Còn phải ăn đời ở kiếp với người ta.

Xin các chú cũng một vừa hai phải thôi. Các chú xử tệ quá thế, sau này cháu sống với người ta sao được.

  • Cũng tại mày đấy! – một ông quát – Cái bụng mày nó không phưỡn ra thì chúng

nó làm sao dám xỏ xiên các bố được. Đúng là con gái trong nhà không khác gì quả bom nổ chậm.

Nhưng mà “con dại cái mang”, nó đã lỡ ra rồi thì đánh chết sao được. Và cũng vì cái quả bom nổ chậm” sắp nổ, nên họ nhà gái miễn cưỡng tha cho họ nhà trai cái lễ thất hiền phiền toái. Mọi việc trở nên thông đồng bén giọt, chỉ còn chờ ngày cưới.

Thời nay nhà quê thì cưới xin người ta cũng văn minh. Nhà trai đón dâu đi một đoàn xe ô tô rất sang trọng. Đường làng cô dâu chật hẹp. Xe pháo phải để ngoài đường đê, cách làng chừng hai cây số, rồi đi bộ vào. Nhưng như thế lại là hay. Đám cưới có dịp phô trương sự hoành tráng. Dẫn đầu là ông Thứ chỉ huy đám trai gái đẹp như tiên, bê một loạt mâm trầu cau lễ ngãi phủ gấm đỏ. Đoàn người quần là áo lượt sặc sỡ đủ mầu kéo theo sau. Dân chúng hai bên đường nghiêng ngó. Trong sân nhà gái rạp đã bắc sẵn, tiếng nhạc vui tai, người đứng ngồi đi lại tấp lập. Một chàng trai cầm mi cờ rô, nhún nhẩy, say mê hát:

Thịt gà phải có lá chanh

Đám cưới phải có sập sình hát ca

Lá chanh phải có thịt gà

Đám cưới phải có hát ca sập sình…”

Họ nhà trai đưa lễ vào nhà, bầy la liệt trên sập gụ trước bàn thờ. Ông đại diện họ nhà gái hé mấy tấm vải đỏ phủ lễ, nhìn qua một lượt rồi bảo:

  • Đây chỉ là lễ cưới. Còn lễ ăn hỏi đâu?

Ông Thứ ngây người ra, trả lời:

  • Cưới thì chỉ có lễ cưới, sao lại cần lễ ăn hỏi?

  • Lễ ăn hỏi nhà trai đã mang lên đâu?

  • Tưởng các cụ các ông các bà miễn cho chúng tôi rồi.

  • Chúng tôi miễn là miễn cái khoản vì đi lại đường xa dặm thẳng. Còn lễ ăn hỏi thì

vẫn phải có. Miễn làm sao được.

  • Sao các ông không bảo chúng tôi trước?

  • Tôi tưởng gia đình dưới ấy gia giáo thì phải biết chứ.

  • Chúng tôi quả cũng có sơ ý. Nhưng nếu nhà gái không lượng thứ cho thì chúng tôi đào đâu ra lễ bây giờ?

  • Cái đó chúng tôi không biết.

Họ nhà trai đứng nóng cả ruột mà không ai mời ngồi. Hai ông đại diện hai họ thì lý sự, tranh cãi mỗi lúc một gay cấn, chẳng đi đến thỏa thận nào. Cuối cùng ông Thứ ra báo cáo tình hình, bàn bạc với anh em họ hàng. Chú rể đề nghị:

  • Vậy thì chia lễ ra làm hai.

  • Tôi cũng bảo thế rồi nhưng người ta không nghe.

  • Sao lại không nghe?

  • Thì chú vào mà hỏi – ông Thứ bực bội. - Chú là con rể cưng của họ, có giỏi vào

mà đàm phán với ông nhạc.  Nhưng chú rể xấu hổ, không dám vào.

  • Thế thì làm thế quái nào được? – Một ông nói.

Mà đúng là không biết làm thế nào thật. Nhà trai cứ ngơ ngơ ngác ngác. Cuối cùng

ông Thứ bảo:

  • Tôi có mẹo này, xem họ xử thế nào?

Rồi vào bảo đại diện họ nhà gái:

  • Lễ ăn hỏi chúng tôi quên mất ở nhà. Vậy chúng tôi xin phép về. Mai sẽ mang lên!

ra hô họ nhà trai ra xe về. Nhiều người ngạc nhiên, nhưng không ai dám trái lệnh. Chỉ có chú rể đứng ngây như phỗng, hỏi:

  • Sao lại về?

  • Chú không về thì cứ ở lại. – Ông Thứ nói.

Nhưng mọi người đã đi hết, chú rể mặt nhăn như bị, không biết làm thế nào, đành lẽo đẽo bước theo. Họ nhà trai đã ra đến đường cái, bắt đầu lục tục lên xe. Bỗng nhiên từ trong làng một đoàn xe máy lao ra như tên bắn. Bụi bay mù mịt. Người đi đầu gọi lớn:

  • Họ nhà trai đừng chạy nữa!

Ông Thứ giật bắn mình, lẩm bẩm:

  • Không có lẽ lại phải tay bo với nhà nó?

Mấy bà sợ xanh mắt:

  • Chơi đểu nhà nó thì nó đánh cho là phải.

  • Lên nhanh xe mà chạy mẹ nó đi.

  • Có muốn chạy bây giờ cũng không kịp nữa rồi. – Ông Thứ nói – Đàn bà con trẻ

cứ việc lên xe. Bảo lái xe nổ máy, của xe để mở. Còn bọn đàn ông phải đứng cả lại, phòng sự bất chắc. Ai bỏ chạy thì sau đừng có trách.

Ông Thứ vốn cao mưu, nhưng sự việc diễn biến kiểu này, cũng không tài nào mà lường được. Đành bất đắc dĩ đứng giữa đường nghênh chiến. Chú rể cưới vợ hụt, cảm thấy căm tức vô cùng. Liền tháo thắt lưng da quấn vào nắm tay, nghiến răng nghiến lợi đứng cạnh ông Thứ.

Đây lại nói đến gia đình cô dâu. Rạp bắc rồi, cỗ bàn đã bày sẵn, khách mời cũng đến túc mục. Họ nhà trai bỏ về thì lâm vào tình trạng bế tắc. Liền tụ tập nhau thương nghị:

  • Thì cứ đánh chén đi. Vài hôm nữa tổ chức cưới lại.

  • Còn tình nghĩa gì đâu mà cưới lại.

  • Nhà nó thâm nho, đểu giả, có bán gả con cái mình vào đấy rồi cũng chẳng ra gì…

Chỉ có cô dâu, trên người đã mặc áo cưới, thì kêu gào vật vã, nước mắt như mưa:

  • Giời ơi là giời. Làm con cả họ thì khổ thế đấy. “Lắm thày nhiều ma, lắm cha con

khó lấy chồng”. Mai ngày con tôi đẻ ra thì ai nuôi đây? Các ông các bà có nuôi được con tôi không? Ối giời đất ơi…

Một ông chú thương cháu gái, nổi giận nói:

  • Như vậy là chúng nó làm nhục con cháu mình. Tụ tập bọn thanh niên lại, đuổi

theo đánh bỏ mẹ nó đi. Tôi dẫn đầu cho.

Bỗng có tiếng quát vang như sấm:

  • Mẹ bố chúng mày! – Mọi người trố mắt nhìn thì là ông nội cô dâu. Ông già tóc

trắng như bông hăng hái tiếp tục – Người ta bảo nhà này có phúc, nhưng thực ra vô phúc, sinh ra một lũ tham ăn tục uống. Chúng mày tiếng là cán bộ cán bèo, nhưng toàn những hạng rượu cả vò, chó cả con. – Rồi ông cụ quay sang con trai trưởng – Còn mày nữa đấy. Chủ tịch mấy chả bí thư mà ngu như cái con chó ấy. Ông không muốn nói gì, để cho chúng mày tự giải quyết. Nhưng chúng mày là lũ ăn hại, vòi vĩnh người ta hết cái này đến cái khác. Cháu gái ông ông cứ gả. Ông không cần gì cả. Ông cho không người ta đấy. Ông còn các thêm tiền đấy. Đứa nào dám cười ông nào?

Rồi sai ngay một thằng cháu lấy xe máy đèo ông, cấp tốc đuổi theo họ nhà trai. Các con các cháu không còn cách nào khác cũng lên xe máy cả một lượt phóng theo.

Đuổi kịp họ nhà trai, ông cụ già xuống xe kính cẩn mà rằng:

  • Tôi có câu chuyện xin thưa với các cụ, các ông, các bà.

  • Vâng – ông Thứ đáp lời. – Chúng cháu có thất thố điều gì, xin cụ cứ chỉ giáo.

  • Bây giờ các cháu chúng nó đã thương yêu nhau thì hai nhà cũng coi như một.

Không phải thủ tục rườm rà. Các cụ các ông các bà hãy quay lại. Ta cơi trầu hớp nước, đưa đón cháu về nhà chồng.

  • Thưa cụ - ông Thứ trả lời. - Cụ dạy thế cũng phải. Nhưng lễ nghi chưa đủ. Chúng

cháu xin về quê chuẩn bị. Ngày khác nhất định sẽ quay lại!

Ông cụ ba lần khẩn khoản thỉnh cầu; ông Thứ nhất quyết ba lần từ chối. Nhưng

con người hình như có cái số. Người ta đã có duyên số với nhau thì không trở ngại nào có thể ngăn cản được. Ông cụ khẩn khoản đến đến lần thứ tư thì họ nhà trai cũng không còn mặt mũi nào mà khước từ nữa.

Nửa tiếng đồng hồ sau, hai họ đã cùng nhau tề tựu, cười nói vui vẻ, ca nhạc, hò hát tưng bừng:

Yêu nhau

Cởi áo í à cho nhau.

Về nhà

Dối rằng à cha ới mẹ

Này a ới a qua cầu

Tình tình tình gió bay

Tình tình tình đánh rơi”.


Warszawa 12-2014 

Trương Đình Toe.





Sửa lần cuối 2014-12-29 05:53:26
  • Lai còn tên Lai còn tên Chửi rõ sướng mồm . 2015-01-02 16:03:40
  • Nam Việt Nam Việt Đó là những gì hiện thực, đặc trưng của đám cưới Việt ở đây. Mỗi đám cưới có nét riêng, độc đáo, nhưng cũng có cái nhàm chán (ca sĩ, bài hát) lần nào cũng phải nghe lại, có những MC nói năng thiếu tôn trọng khách mời, món ăn không được chuẩn bị chu đáo gây tâm lý e ngại mỗi lần được nhận thiếp mời đám cưới. 2015-01-04 05:08:40

Bình luận

Bình luận qua Facebook