2015-04-18 14:24:41

Chuyện một người lạ, máu và nước mắt

QV Một câu chuyện xẩy ra với những tình tiết có thật. Tác giả Diệu Mi - một nữ sinh viên (và cũng chính là nhân vật “Tôi” trong truyện) đang du học tại Ba Lan đã viết thành một truyện ngắn rất hấp dẫn, đầy tính nhân văn, QV xin trân trọng giới thiệu với bạn đoc. 


     Vào một buổi chiều ở Łódź , vì mải nghĩ ngợi vu vơ trên xe buýt, tôi quên mất mình phải xuống bến nào. Xe chở tôi đến một khu dân cư lạ lẫm. Bước xuống bến cuối, trong lòng tôi có chút lo sợ. Mình không phải người bản địa. Lại là con gái. Đi lạc. Trời đã nhá nhem tối.

Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó. Tôi ráng tự an ủi, trấn an mình, rồi thất thểu quay lại bến xe phía bên kia đường.

Bên kia đường chẳng có ai ngoài một người phụ nữ trung niên, ngồi co ro với một cái giỏ to đùng. Tôi bước lại gần, bà đang lầm bầm chuyện gì đó, chẳng thèm nhìn tôi.

      20 phút nữa xe mới tới, tôi thở dài. Bỗng có tiếng thút thít từ người phụ nữ kia. Nước mắt xen lẫn tiếng chửi rủa, tôi nghe chữ lọt chữ mất, chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Bà cứ lầm bầm như một người không bình thường cho lắm.

      Bà ngước lên nhìn tôi. Máu!

      Máu!

     Là máu thật! Máu từ trán chảy xuống khuôn mặt bà. Chảy liên tục. Chảy không ngừng.

Tôi hoang mang không hiểu chuyện gì, bối rối chẳng biết làm sao. Rút vội tập khăn giấy, tôi đưa cho bà. Làm gì nữa đây? Sao bỗng dưng tôi lại lạc vào một chốn khỉ ho cò gáy, lại gặp chuyện khó xử như thế này!!!

      Người phụ nữ thấm giấy vào vết thương. Bà không chịu đến bệnh viện. Mặt bà nhợt nhạt. Vết thương trên trán khá sâu, bà đau lắm, Nhưng có lẽ vết thương vô hình nào đó còn sâu hơn, đau hơn.

      Máu vẫn chảy, bà vẫn tự lầm bầm. Nếu không lại gần nghe xem bà nói gì, tôi sẽ nghĩ bà giống một người điên lang thang.

     Bà uất hận về một ông chồng nghiện rượu, vũ phu. Người đó đã cầm gậy đánh bà. Cả một thằng con bất hiếu hùa vào đánh theo ông bố. Cả hai đuổi bà ra khỏi nhà….

     Bà vừa kể, vừa chửi, vừa khóc.

Bà biết máu đang chảy, chảy thì đã sao, bà cũng chẳng thiết sống nữa.

    Bà nói rất nhiều, như kể dốc hết bao nhiêu uất ức trong lòng. Còn tôi, chả hiểu được bao nhiêu.

    Một người đến, hai  người, rồi ba người khác đến chờ xe buýt. Tôi thầm nghĩ họ sẽ giúp người phụ nữ khốn khổ này. Chắc họ sẽ hiểu câu chuyện, sẽ đưa bà đến bệnh viện, sẽ…

     Nhưng không.

     Họ nhìn bà, rồi vội tránh xa. Như tránh xa và ghẻ lạnh những người say người điên thường gặp trên xe trên tàu.

    Tôi ngỡ ngàng. Tại sao người ta có thể vô cảm như thế? Vì họ sợ? Vì họ không muốn liên lụy? Hay vì họ đã quá quen với những tình huống thế này, mà xem đó là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa?

     Nhìn người phụ nữ tay vẫn giữ miếng khăn giấy che lấy vết thương, miệng vẫn nguyền rủa chồng con, tôi không thể cầm lòng. Máu đã thấm hết cả tập khăn giấy.

     Chạy. Tôi chạy đi. Chạy tìm sự giúp đỡ, và cũng là chạy cho vơi bớt cú sốc trong lòng. Tôi đã nghe về bạo lực gia đình, báo đài cũng đăng tin suốt, đến nỗi nghe phát chán, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tôi tự cho là mình đã biết. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy tận mắt một con người đớn đau như thế. Lại ở nước ngoài, nơi mà tôi nghĩ sẽ văn minh hơn, người phụ nữ chắc không bị đánh đập. Tôi đã nhầm. Ở đâu không nhiều thì ít, cũng có những bất công.

     Màu máu đỏ tươi đó cứ ám ảnh tôi, còn với người phụ nữ ấy có lẽ chuyện máu mủ ruột rà mới càng xót xa hơn nữa. Và sự lạnh lùng của những người xung quanh càng xoáy sâu vào nỗi đau đó. Tôi giật mình, có khi nào tôi cũng đã từng như họ? Cũng im lặng làm ngơ, cũng thôi thì hồn ai nấy giữ?

     Tôi tới một hiệu thuốc gần đó và đem bông băng đến. 4 người vẫn ở đó, như cũ. Tôi rửa vết thương và bịt lại cho bà, mấy người kia có thể bảo tôi lo chuyện bao đồng, thôi cũng mặc kệ.

     Người phụ nữ bỗng ngừng khóc. Bà ngước lên nhìn tôi, đôi mắt vẫn còn rơm rớm. Đôi mắt chứa đựng sự ngạc nhiên và cả mỏi mệt, nhưng trong phút chốc tôi thấy nó trong veo. Trong tới nỗi tôi thấy phản chiếu của chính mình, tôi thấy cả mẹ, cả dì tôi, cả bao nhiêu người phụ nữ khác đi ngang qua đời tôi. Đôi mắt chứa đựng tình thương và sự cam chịu. Đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc và cả khổ đau.

     Thời gian như ngừng trôi trong giây phút ấy.

     Người phụ nữ ôm lấy tôi, run rẩy. Bà nói cảm ơn mà nước mắt lại thi nhau rơi xuống. Tôi nhìn kĩ khuôn mặt bà, nếp nhăn và những vết sẹo đan chồng lên nhau. Tôi tự hỏi không biết bà đã trải qua bao nhiêu trận đòn, bao nhiêu máu và nước mắt đã rơi xuống? Không biết còn bao nhiêu người phụ nữ bất hạnh, cắn răng chịu đớn đau tủi nhục như bà? Và họ sẽ ra sao? Ra sao?

     Bao nhiêu câu hỏi cứ ngổn ngang trong đầu.

    Bỗng một người lạ cúi xuống bên cạnh tôi và người phụ nữ. Một người, hai người, rồi cả ba người cùng đợi buýt ban nãy. Họ đã quan sát chúng tôi, giờ họ bước đến, không còn tránh né. Ba người lại hỏi han, họ giúp tôi bịt vết thương, có người rút điện thoại ra gọi. Họ an ủi, rồi nâng người phụ nữ đứng dậy, nói là sẽ cùng nhau đến bệnh viện, sẽ gọi báo cảnh sát nữa.

     Tôi ngạc nhiên và vui mừng. Hóa ra con người ta đâu có vô cảm như tôi thầm trách họ? Họ vẫn lo lắng, vẫn sẵn lòng giúp đỡ đó thôi. Có chăng là nỗi lo sợ, e ngại phút chốc ngăn cản họ, mà một khi đủ can đảm vượt qua được rồi, con người ta nhân hậu tử tế biết chừng nào.

    Mặt trời khuất dần. Những người lạ kia đưa người phụ nữ đi. Chẳng còn ai ngoài tôi nghĩ đến chuyến xe buýt về nhà nữa. Có lẽ chuyến xe tình thương họ đang đi đã đủ để đưa họ trở về.

  Diệu Mi

Sửa lần cuối 2015-04-18 12:24:41

Bình luận

Bình luận qua Facebook