2016-09-16 14:25:43

Chùm truyện cực ngắn của Lâm Hải Phong

    QV -Lâm Hải phong là cây bút thân thuộc một thời gắn bó với báo Quê Việt và cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Cuối năm 2007, anh cùng gia đình trở về sinh sống tại Việt Nam sau hơn 16 năm sống và làm việc tại Ba Lan. Ở quê hương, ngoài mưu sinh, anh vẫn chăm chỉ viết và đăng tải lên Facebook hay các trang mạng xã hội khác.

   Nhân dịp anh sang BL thăm bạn bè sau gần 9 năm trở về  quê hương, QV xin trân trọng giới thiệu chùm truyện cực ngắn của anh 

Lâm Hải Phong tại văn phòng báo Quê Viêt


CỬU VẠN 

     Tôi sinh đất nghèo "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Ngày bé, mỗi khi chểnh mảng học, mẹ nạt :
- Không chịu học hành sau chỉ làm “cửu vạn” thôi con ! 
Nghe lời mẹ, tôi cố gắng học. Rồi vào đại học. Rồi đi Tây làm nghiên cứu sinh. Trở về. Đi làm, lương ba cọc ba đồng. Lại đấu đá nhau. Chán ! Tôi bỏ đi Tây lần nữa. 
Hôm nay gọi điện về thăm mẹ. Cụ hỏi : 
- Con công tác ra sao?
Tôi bảo : 
- Dạ. Tốt, mẹ ạ ! 
Giấu lẹm cụ chuyện bấy lâu tôi làm “cửu vạn”(*) trên sân. 

(*) sân (chợ sân vận động) : Nơi buôn bán và làm ăn của phần lớn người Việt tại Ba Lan cho đến năm 2010.

 

 CẤP CỨU                                       

    Có một gã say nằm vật vạ ở bến xe buýt. Người ta gọi điện cho cấp cứu. Đang độ tan tầm, chiếc xe cấp cứu hú còi phóng băng băng. Mấy chiếc xe vội vàng lánh sang bên cạnh nhường đường đâm vào nhau dúi dụi. Người ta đưa gã say lên xe cấp cứu, mặt mày gã bẩn thỉu, những vết sẹo cũ  vẫn chưa kịp ăn da non.

    Ngày hôm sau, trên trang nhất báo đăng tin : 
“ Hôm qua, có bốn chiếc xe đâm vào nhau làm một nhà khoa học nổi tiếng bị chết, do nhồi máu cơ tim. Một vận động viên thể thao bị gãy chân...”  

    Hai ngày sau, vẫn  bến xe búyt đó, người ta lại thấy  gã say nằm dặt dẹo...

ĐÁNH QUẢ

    Sắp vụ, anh dồn tiền tích cóp đặt công hàng. Mẫu mã đẹp. Chắc quả này ăn !

Tiền dư chút ít, nghe bảo có cô gái sang Ba lan nhưng chưa đủ tiền, lại chẳng quen ai. Anh tặc lưỡi, đánh quả tù mù. 

Bấy năm tha hương, loay hoay quanh chuyện tiền hàng, anh vẫn đơn côi bóng lẻ. 

Hàng về muộn, nằm đắp chiếu. Anh sinh buồn chán. Hương thầm lặng chăm sóc, vỗ về anh.

Bên Hương, anh bắt đầu biết thế nào là hạnh phúc.

Bạn bè xì xào :
" Thằng
  Dũng quả này số đen đủi chắc chắn tại con Hương !"     

ĐỨT

   Hồi đại học, yêu cô gái Hà Nội. Được ít bữa. Chê hắn quê mùa, cô gái cho đứt. Buồn tình, hắn đứt học về quê. Xoay xở, bán buôn đang tít, đứt. Hắn chạy vạy đi Tây. Sang Tây một thời gian thì đứt viza, đi đâu hắn cũng nơm nớp. May có luật nhân đạo, hắn nối thẻ tạm cư. Hèm một nỗi, Ba Lan ngày một khó khăn, thương trường ì ạch. Cứ đà này, cố kéo thêm một thời gian, chắc cũng...đứt.

 

GIỌT LỆ

   Tiễn ông ra chiến trường. Bà khóc. 
Ông an ủi : 
- Đừng khóc ! Tôi sẽ trở về.
Chiến tranh kết thúc. Ông trở về. Bà khóc. 
Ông bảo : 
- Đừng khóc ! Tôi đã về đây.

Ngày thằng Toàn đi Tây. Bà khóc. 
Ông cười : 
- Đừng khóc ! Nó đi nước 
ngoài chứ đâu phải đi B ?

Hôm nhận bình tro của con. Bà không khóc. 
Nước mắt chảy vào vào tim ! 
Trong hai hốc mắt trũng khô của ông,

lần đầu tiên bà thấy những giọt lệ.

 KHÉP KÍN VÀ CỞI MỞ

   Khi còn ở nước ngoài, mỗi lần đi họp phụ huynh, thầy cô giáo chủ nhiệm các con tôi thường hỏi han tôi rằng ở nhà các cháu có cởi mở không, có chịu giao tiếp với người xung quanh không. Đó là điều họ quan tâm nhất ở những đứa trẻ. Tỉ lệ tội phạm (nhất là trọng tội) ở nhóm người sống khép kín  rất cao. Chính vì vậy họ khuyến khích đứa trẻ sống cởi mở, hòa đồng từ khi còn bé.

  Những đứa trẻ sống khép kín thường dễ mang tâm lý „tự kỷ”, chúng có thể làm những điều mà khó có thể  lường trước được, rất bột phát, vì đôi khi gặp những chuyện khó khăn, vướng mắc, chúng không có thói quen tâm sự với những người xung quanh để tìm cách tháo gỡ, nên chúng thường dùng đến cách giải quyết cực đoan: như hành xác, nổi loạn, bỏ nhà  ra đi hoặc thậm chí là tự tử...

   Trong cuộc đời cũng thế thôi, thông thường thì chúng ta rất ngại những người lầm lầm lì lì, không biết họ nghĩ gì làm gì, những người chỉ lùi lụi sống và nghĩ trong bóng tối. Tôi thích những người cởi mở, nghĩ gì nói đấy, nói thẳng suy nghĩ của mình chứ không phải nghĩ một đằng nói một nẻo.

    Cuộc sống  „cơm áo gạo tiền” ngày hôm nay đang choán quá nhiều thời gian của chúng ta, có thể  một ngày nào đó bạn sẽ ân hận vì dành quá ít thời gian cho gia đình, bè bạn và những người xung quanh. Và nhất là bạn đã không bớt chút thời gian để tâm sự với con cái của mình, để hiểu được sự suy nghĩ và tâm tư tình cảm của chúng. 
Muốn cho ai đó bớt khép kín hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được, một khi chúng ta mở lòng với họ. Dù muộn vẫn  hơn là không bao giờ ! Hãy bắt đầu từ ngay bây giờ các bạn nhé!

NGHĨ GÌ VIẾT NẤY: GÀ TRE

    Góc vườn nhỏ. Tôi nuôi mấy cặp Gà Tre. Gà Tre là giống háu ăn. Hàng ngày, tôi cho chúng ăn. Nhưng mỗi lần cho ăn, chúng đều tranh cướp nhau, mổ nhau và mổ cả tay tôi. Xử tệ cả với người nuôi dưỡng chúng.

   Gà Tre thích ăn rau. Tôi đút từng cọng rau qua khe chuồng và quan sát. Một con cướp cọng rau chạy, con kia đuổi theo, mổ, cướp lại. Mặc cho cọng rau mới tôi chìa ngay ra kẽ chuồng. Bất chợt, nhìn thấy cọng rau mới, chúng xô lại tranh cướp. Lại chạy. Đuổi. Mổ. Rồi chúng bỏ hai cọng rau đầu đó, tiếp tục tranh cướp cọng rau thứ 3. Và cứ như thế cho đến cọng rau cuối cùng. Sàn chuồng la liệt rau. Tuy vậy, chúng vẫn tranh cướp và mổ nhau mỗi khi con kia định ăn cọng rau vương vãi.

   Dần dà, như là nỗi ám ảnh. Tự dưng tôi thấy trong đời sống có rất nhiều Gà Tre.

   PHANH

Cuộc sống cứ lao đi với tốc độ vùn vụt. Bởi thế,  phải cần cái phanh. Trong cuộc vui cũng như trong cuộc đời, ai biết phanh hãm đúng lúc, người đó dễ thành công hơn là người bị cuốn. “Vui có chừng, dừng đúng lúc” là vậy.

 Khi bạn làm chủ một phương tiện giao thông, phanh là bộ phận mà mỗi khi lên xe chúng ta đều phải kiểm tra cẩn trọng. Phanh kém, mất phanh ai cũng hiểu là quá nguy hiểm với một người lái xe chứ đâu cần phải đến lúc “xuống dốc không phanh”.

 Người miền Nam gọi phanh là thắng, người miền Bắc gọi thắng là phanh. Ai biết phanh là thắng, người muốn thắng phải phanh. Nhanh  hay chậm, chậm hay nhanh thì phanh vẫn là cần thiết.

 Sử dụng phanh cho hợp lý và kiểm tra bảo dưỡng phanh hoàn toàn phụ thuộc vào niềm yêu cuộc sống và ý thức hệ của mỗi con người. Cuộc sống cũng như phương tiện giao thông thôi cần lắm nếu chúng ta biết sử dụng phanh đúng lúc. Đừng để quá đà rồi phanh không kịp!

 Nói về phanh, bỗng dưng nhớ lại câu thơ vu vơ ngày xưa mình viết:

Người luôn biết đúng điểm dừng

Phải phong thành bậc Anh hùng, Thánh nhân.

 

QUÀ

 Mình lang thang ở cửa hàng điện máy. Thấy người đàn ông sùm sụp chiếc mũ ngẩn ngơ trước quầy  bán máy sấy tóc, quen quen...

- Nam! Có phải Nam không?  

- Vâng! Tôi là Nam. Người đàn ông từ tốn.

- Mình Hải đây! Nam nhận ra mình không?

- Mình nhớ. Hải 12 A1! Nam nhẹ nhàng.

Nói xong Nam cáo lỗi bận. Chào. Rồi đi. Mình hơi hẫng. Nhưng kịp chạy theo xin số điện thoại.

   Thằng Nam nổi tiếng ngổ ngáo, bặm trợn “ coi trời bằng vung” của hơn 20 năm trước giờ nhỏ nhẹ hiền từ thế ư. Mình gọi điện xin địa chỉ, hẹn đến chơi Nam. Nhớ lại hình ảnh  Nam tần ngần trong cửa hàng điện máy. Mình mua  chiếc máy sấy tóc, gói ghém, phóng đến Nam. Nghĩ bụng: “ Chắc Nam sẽ rất vui khi nhận món quà này, vì mình  đoán  được ý  của Nam”.

   Hớn hở cầm gói quà đến thăm Nam. Mình sửng sốt  ngặc nhiên đánh rơi cả gói quà. Trước mặt mình là Nam với bộ quần áo nâu sòng và mái đầu không còn tóc.

Nam từ lâu xuống tóc đi tu .

  MẶC CẢM

Năm 20 tuổi, tôi đã mất nàng vì mặc cảm : ”Với nàng mình  nhỏ bé !”.

Và chồng nàng lại bé nhỏ hơn tôi rất nhiều. 

Năm 40 tuổi, tôi muốn làm một cái gì đó lớn lao. 
Nhưng mặc cảm mình sức yếu tài mọn, nên mọi chuyện đành gác lại.   

Có thể khi 60 tuổi,  tôi đủ tự tin để xoá bỏ mặc cảm ! 
Nhưng tôi sợ rằng lúc đó tôi sẽ mặc cảm rằng mình đã quá già.
Đơn giản, tôi sinh ra từ một dân tộc có quá nhiều mặc cảm.

 

XÔI THỊT

Mình là dạng ít xôi thịt.

Tự dưng hôm nay thèm.

Ra hàng xôi thịt thấy đông thế.

Hóa ra đời cũng lắm kẻ thích xôi thịt.

Lớ ngớ gặp ngay ông anh quen. Lão khoe dạo này nuôi chim. Mua mấy lồng chim mới. Rồi thì lại phải nuôi dế, vì giống chim này chuyên ăn dế.

Mình bảo nuôi chim vất vả lắm bác hè. Em đã từng nuôi chim. Chăm bẵm không tốt là nó ngoẻo củ tẻo. Giờ nuôi có 1 con mà  còn không xong. Mỗi loài chim thích đồ ăn khác nhau. Có chim thích sâu. Có chim thích kê. Có chim thích dế. Có chim thì mê mẩn bướm. 

Mấy bà ăn xôi chè bên cạnh hóng hớt nghe. Kể chuyện một lúc, mình kêu tính tiền, bỗng “bụp”, mặt mình lĩnh trọn quả xôi chè mợ bên cạnh.  Đã không xin lỗi, mợ còn bảo “Tại bác! Bác nói làm em buồn cười tí sặc!” 

Của nợ. Người ta nói chuyện người ta. Ai làm gì mợ mà mợ tí sặc? Rõ là vô duyên thật cơ!

LHP

Sửa lần cuối 2016-09-16 12:28:10
  • Tranphi Tranphi Hay. Thích bài "QUÀ". 2016-09-22 09:17:33

Bình luận

Bình luận qua Facebook