2015-09-14 08:23:42

50 năm - nhớ lại

Nhị Hồng

Cách đây tròn 50 năm, chúng tôi đặt chân lên mảnh đất Ba Lan. Nhìn lại thời gian, thấy nhanh khủng khiếp, một nửa thế kỷ đã trôi qua chứ ít ỏi gì. Nhớ lại, đó là vào năm 1965, chúng tôi lên tàu liên vận, xuất phát từ ga Hàng Cỏ Hà Nội vào ngày 30 tháng 8. Hành trang của chúng tôi y hệt như nhau: một chiếc vali, một đôi dày, một bộ áo quần vét, hai áo sơ mi. Tất cả đều do nhà nước phát, Vì bộ trưởng bộ Đại học lúc đó là ông Tạ Quang Bửu nên chúng tôi gọi là áo quần bác Bửu. Đoàn tàu chở 500 học sinh sang Đông Âu học đại học. Đó là lần đầu tiên nước ta cử một đoàn sinh viên đông đúc như thế.Một chi tiết nhỏ sau đây đủ thấy đoàn học sinh của ta dạo đó đông đúc thế nào. Trên đoàn tàu, đến bữa ăn chúng tôi có được cấp hạt tiêu, hết thì xin thêm. Bọn chúng tôi ăn nhiều tiêu tới mức gần đến Moskwa thì hết nhẵn số lượng tiêu mà đoàn tàu dự trữ cho cả năm! Dạo đó Mỹ đã bắt đầu ném bom xuống các khu vực thuộc miền Bắc sau sự kiện vụ Bắc Bộ, Các nước Đông Âu (chưa tính Liên Xô) cũng lần đầu tiên tiếp nhận học sinh Việt Nam nhiều như thế, Lấy Ba Lan làm thí dụ. Lần đầu tiên VN cử sang BL 120 học sinh, các năm trước chỉ có 20 thôi. Trước chúng tôi 1 năm có 20 người và học tiếng BL ở trung tâm dạy tiếng BL tại Lodz Trong số này, hiện nay còn sinh sống và làm việc tại Ba Lan có các anh Nguyễn Văn Thái (Thái Thach), Nguyễn Xuân Nhung (Nhung Hạnh) và Hồ Bính. Đến năm chúng tôi Việt Nam cử sang Ba Lan khoảng 120 học sinh. Vì trường dạy tiếng cho người ngoại quốc ở Lodz chỉ có thể tiếp nhận 20 học sinh Việt Nam, nên Ba Lan mở thêm hai trường dạy tiếng nữa ở Krakow và Wroclaw. Sau khi tàu liên vận đưa chúng tôi đến ga Gdansk taị Warszawa thì chúng tôi được đưa về nhà sinh viên Riwiera (hiện nay vẫn còn nhưng đã được sửa sang lại và nâng cấp) nghỉ qua đêm. Chiều hôm đó, mấy đứa chúng tôi đi dạo loanh quanh nhà sinh viên Riwiera. Tại quảng trường Unii Lubelskiej có cửa hàng lớn được gọi là „tự động” tức là khách hàng tự cho hàng vào sọt và trả tiền tại quầy thu ngân. Cửa hàng được gọi là „SAM”, sau này chúng tôi được biết SAM tức là tự mua, tự trả. Nhưng hôm ấy có một anh bạn ra điều hiểu biết, cho rằng „ chú SAM là đế quốc Mỹ, gớm thật, tụi Mỹ nó đã mò tới tận Ba Lan rồi”. Chúng tôi ngủ lại nhà sinh viên Riwiera chỉ một tối, sáng hôm sau cả đoàn chia làm ba tốp, một tốp đi Lodz, trong đó có tôi, một tốp đi Krakow và một tốp đi Wroclaw. Số học sinh năm đó, hiện nay đang sống ở Ba Lan có anh Nguyễn Đình Dũng (Dũng Phúc), Ngô Văn Vị và người viết bài này. Đưa chúng tôi về trường học tiếng ở Lodz là anh Địch sang trước chúng tôi một năm. Hồi đó, Ba Lan mới thoát khỏi chiến tranh có 20 năm, nhưng phố xá, nhà cửa, các công trình công cộng đã chu tất lắm rồi. Cũng nên lưu ý là Warszawa bị chiến tranh tàn phá tới 90%. Cung Văn Hóa tại Warszawa đã được khánh thành trước khi chúng tôi sang 10 năm. Trường Đại Học Tổng Hợp Jagielonski ở Krakow kỷ niệm 600 năm thành lập Nhiều tuyến xe bus, tàu điện vẫn mang số như hiện nay. Tàu hỏa đã có tốc độ trên 100 km/giờ. Ngồi trên tàu về Lodz, ngắm cảnh thiên nhiên vào thu như tưởng lạc vào chốn bồng lai. Một anh bạn của tôi ngẫu hứng huýt sáo, anh Địch có nhắc là trên tàu không nên huýt sáo, anh bạn thôi ngay. Cái thú huýt sáo vào những lúc phấn chấn cũng thú vị chứ nhỉ, như khi đứng dưới vòi hoa sen tắm thì rất muốn huýt sáo là vì thế.

Trung tâm dạy tiếng BL cho người ngoại quốc tại Lodz là một quần thể khép kín. Tại đây có khu học đường, ký túc xá, nhà ăn, câu lạc bộ, kiot bán báo và một số nhu yếu phẩm, Toàn bộ khép kín trong một tòa nhà, vì thế, vào những ngày đông rét mướt, có khi cả tháng chúng tôi không ra phố. Năm học tiếng, giáo trình của chúng tôi bao gồm 4 môn: tiếng Ba Lan, Toán, Vật Lý, Hóa. Các thầy cô giáo là những người lâu năm trong nghề, dạn dày kinh nhiệm và rất yêu thương học sinh nên chúng tôi học không đến nỗi vất vả. Sau học kỳ 1 chúng tôi đã có thể đến các trường trung học để nói chuyện về chiến tranh ở VN. Tôi nhớ nhất là có lần tôi được phân công đến một lớp mà cử tọa toàn các bạn phiếm khuyết về nói và nghe. Cuộc nói chuyện thông qua phiên dịch. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến người phiên dịch dùng hai bàn tay để diễn tả tất cả các khái niệm trừu tương, Điều ngạc nhiên hơn nữa là cử tọa chỉ hỏi han về cuộc chiến tranh mà không hỏi về đời sống, quan hệ xã hội như ở các trường hợp khác. Những lần đi gặp gỡ ở các trường phổ thông là một dịp cho chúng tôi tiếp xúc với các bạn trẻ Ba Lan, được trau dồi ngôn ngữ và ...được ngắm thỏa thích các em nữ sinh xinh đẹp mà không sợ bị kỷ luật Khoảng cuối tháng 6 năm 1966 thì chúng tôi kết thúc khóa học tiếng và sau kỳ nghỉ hè chúng tôi được phân về các trường đại học, theo sự phân chia của sứ quán chứ không được tự chọn ngành học. Tuy nhiên tất cả đều hồ hởi bước vào cuộc đời sinh viên. Đấy lại là đề tài cho những bài báo về sau, tạm thời hôm nay xin chấm dứt ở đây, Trong mỗi chúng tôi vẫn còn tồn đọng những kỷ niệm khó quên của 50 năm về trước.


Warszawa, 8/2015


Ảnh: Tác giả bài viết về thăm lại TT dạy tiếng thuộc trường ĐH TH Lodz

(Tòa nhà phía sau tác giả, trước đây là TT dạy tiếng BL cho người ngoại quốc, thuộc ĐH Tổng Hợp Lodz. Hiện nay tòa nhà này thuộc về Trung tâm hội nghị, còn TT dạy tiếng chuyển đi cách đó độ 200 m - NH)

Sửa lần cuối 2015-09-14 06:29:56
  • Nam Viẹt Nam Viẹt Bài viết cho tôi thêm nhớ về quá khứ, đẹp và trong sáng như bức tranh quê. Có rất nhiều kỷ niệm chưa được viêt, nhưng cũng làm xúc động những ai đã trải qua những ngày tháng tuổi trẻ có gì đáng tự hào, nhiều niềm vui cuộc sống, chỉ biết học và hy vọng ở tương lai. 2015-09-14 17:36:07
  • Trường Sơn Trường Sơn Xin cám ơn tác giả đã cho tôi (chúng tôi) - cựu LHS BL - nhớ lại một thời quá khứ. Đoàn LHS chúng tôi đến BL sau các anh đúng 01 con giáp. Hoàn cảnh đã khác xa: Sau chiến tranh, VN đã thống nhất. Nhưng trước CT chống bành trướng... Đó là năm cuối cùng tàu liên vận QT vẫn chạy qua TQ để đến LX. Mùa thu vàng của rừng Tajga bạt ngàn, dọc tuyến đường sắt BAM (Bajkalsko-Amurska Magistrala) nối viễn Đông Nga với Mát-xcơ-va... Hồ Bajkal rộng bát ngát hút tầm mắt... BL với mốt mini jupe, quần ống loe, xe ô-tô Maluch rất xinh,... cũng gần 40 năm trôi qua rồi. Bao nhiêu là sự kiện động trời: Giáo hoàng người BL (X'78), Công đoàn Đoàn kết (80), thủ lĩnh Walesa, tình trạng CT (XII'81).. bức tường Béc-linh sụp đổ (89), CM nhung lụa của Tiệp Khắc, LX tan rã,.. Đổi Mới ở VN,... Chúng ta nghiễm nhiên trở thành những nhân chứng LS có quá nhiều may mắn!... Chúc các Bạn cựu LHS nói riêng và Cộng đồng người Việt ở CH BL nói chung nhiều sức khỏe, thành công và may mắn! 2015-09-18 00:40:11

Bình luận

Bình luận qua Facebook