2015-09-21 21:12:56

Nhà thơ nơi "sương trắng nắng tràn"

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ

Ông sang Ba Lan sinh sống từ khi nào tôi không biết. Vợ con ông cũng sang Ba Lan sinh sống cùng ông. Hay là ông theo vợ con sang đó. Có lẽ vì một trong những lý do đó mà ông ở lại Ba Lan sinh sống và làm việc. Tôi chỉ đoán thế. Tôi không hỏi ông. Điều đó chẳng quan trọng gì với ông và với nhiều người. Bây giờ, có biết bao người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài với muôn vàn lý do. Thế giới đã đổi thay quá nhiều. Biên giới giữa nhiều quốc gia dần dần như biến mất. Đấy là một hạnh phúc của con người. Họ được đến với nhau để kết bạn, để chia sẻ để hợp tác và cùng chung sống.

Ông sống ở Ba Lan nhưng hàng năm ông vẫn về nước. Nơi đầu tiên ông trở về là một làng quê ở xứ Nghệ xa xôi của ông. Lần nào cũng vậy, tôi nhận thấy hoặc trên gương mặt hoặc trong giọng nói của ông một nỗi xúc động da diết về miền quê ấy. Tôi chưa đến làng quê ấy. Nhưng tôi tin đó là một làng quê giống như bao làng quê khác ở Việt Nam: một cây đa, một mái đình, một giếng nước, những cánh đồng, những con đường đất, những mái ngói, những cây rơm, những con bò, một đàn vịt, những tiếng chó sủa đêm, một lời ru ầu ơ, những ngọn khói bếp, những người thân… Tất cả những hình ảnh đó làm cho ông hàng năm trở về từ một thủ đô của một nước Châu Âu cổ kính và hiện đại vẫn mang theo một nỗi niềm vừa hạnh phúc vừa man mác buồn. Phải chăng chỉ với lý do đó đã quá đủ để biến ông thành một thi sĩ. Tôi viết những dòng trên về ông không phải ông đã tâm sự và giãi bày cho tôi nghe mà bởi chính từ những câu thơ của ông tôi đã đọc. Những câu thơ ấy cho dù có lúc không viết về cố hương ông nhưng nó vẫn mang tâm trạng cô đơn và buồn bã của kẻ xa quê.

Quả thực, có lúc tôi đã tự hỏi: Lâm Quang Mỹ, ông là nhà thơ Việt Nam hay là nhà thơ Ba Lan? Bởi nhiều năm nay ông sống ở đất nước đó. Nhưng điều đặc biệt là ông đã hoà đồng vào đời sống thi ca của đất nước này. Năm 2005, ông được công nhận là Công dân danh dự của vùng Krasne. Đấy là quê hương của Zigmund Krazinski, thi hào Ba Lan thế kỷ 19. Năm 2006, ông được trao Giải thưởng Thơ ca và những hoạt động văn học của những ngày thơ quốc tế do UNESCO Ba Lan tổ chức. Ba Lan, một đất nước của thơ ca. Một đất nước đã sinh ra những nhà thơ vĩ đại. Bởi thế mà thơ ca và những gì vì thơ ca đã được đất nước này tôn vinh một cách chân thực. Hồi tôi còn trẻ, người ta thường nói với tôi Việt Nam là đất nước của thơ ca. Lúc đó, tôi tin không có dân tộc nào trên thế gian này yêu thơ như dân tộc chúng ta. Nhưng rồi sau này tôi nhận ra rằng dân tộc nào cũng yêu thơ ca, dân tộc nào cũng yêu hoà bình, dân tộc nào cũng anh hùng và nhân ái kể cả những dân tộc sinh nhầm những kẻ như Hitler. Ba Lan có hai nhà thơ đoạt Giải Nobel văn học. 

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ đọc thơ tại Ba Lan. 

Lâm Quang Mỹ sống ở đất nước thơ ca đó. Với thơ ca chân chính thì không còn biên giới giữa các nhà thơ mang quốc tịch khác nhau. Các nhà thơ Ba Lan và các nhà thơ mang quốc tịch khác sống ở Ba Lan như Lâm Quang Mỹ đã hoà cùng một tiếng nói về con người, về những buồn đau và những vẻ đẹp của đời sống. 
Trong mấy năm trở lại đây, tôi cứ có cảm tưởng rằng Lâm Quang Mỹ không làm gì cả ở Ba Lan trừ một việc duy nhất là đi đọc thơ ở mọi miền đất của Ba Lan. 116 cuộc nói chuyện thơ và đọc thơ cùng hàng chục cuộc trả lời phỏng vấn về thơ ca trên các kênh Truyền hình, trên báo chí và Đài phát thanh của Ba Lan của nhà thơ Lâm Quang Mỹ đã làm tôi kinh ngạc. Chưa kể những cuộc đọc thơ ở một số nước Châu Âu khác, ông đọc thơ trong những ngày thơ quốc tế ở Ba Lan, đọc thơ ở thư viện, ở các trường Đại học, Trung học, các câu lạc bộ và tất cả những nơi nào thơ ca có cơ hội lên tiếng.

Tôi có hỏi một nhà thơ Việt Nam trong năm năm trở lại đây ông đã tham gia bao nhiêu buổi đọc thơ thì nhà thơ đó trả lời: 5 buổi. Một con số thẹn thùng của một thi sĩ. Nhưng 5 buổi đọc thơ đối với một nhà thơ Việt Nam không phải mấy nhà thơ có được. Hầu hết các nhà thơ Việt Nam hì hụi làm thơ để hoặc đọc cho một nhóm bạn bè hoặc in một tập thơ rồi nghĩ cách tặng cho hết 500 hay 1000 bản là một công việc vô cùng mệt nhọc. Có những nhà thơ Việt Nam trong năm năm trở lại đây không hề một lần đọc thơ cho công chúng. Việc in thơ ở Việt Nam như chỉ để thông báo với mọi người rằng tôi là nhà thơ đây, hãy chú ý. Có quá nhiều các nhà thơ ở Việt Nam bây giờ thường tranh giành nhau xem ai hay hơn ai, ai hiện đại hơn ai, ai dân tộc hơn ai. Nghệ thuật là sự dâng hiến thiêng liêng chứ không phải để tranh giành ngôi thứ. Thơ ca đích thực luôn luôn lặng lẽ rời bỏ khỏi những nơi ồn ào và có quá nhiều dục vọng. Nhưng có quá ít nhà thơ nhận ra điều đó. Bởi thế họ vẫn say sưa nhảy múa trong cái bóng của thơ ca bỏ lại mà không nhận ra được.

Lâm Quang Mỹ sống ở đất nước thơ ca đó. Với thơ ca chân chính thì không còn biên giới giữa các nhà thơ mang quốc tịch khác nhau. Các nhà thơ Ba Lan và các nhà thơ mang quốc tịch khác sống ở Ba Lan như Lâm Quang Mỹ đã hoà cùng một tiếng nói về con người, về những buồn đau và những vẻ đẹp của đời sống. 
Trong mấy năm trở lại đây, tôi cứ có cảm tưởng rằng Lâm Quang Mỹ không làm gì cả ở Ba Lan trừ một việc duy nhất là đi đọc thơ ở mọi miền đất của Ba Lan. 116 cuộc nói chuyện thơ và đọc thơ cùng hàng chục cuộc trả lời phỏng vấn về thơ ca trên các kênh Truyền hình, trên báo chí và Đài phát thanh của Ba Lan của nhà thơ Lâm Quang Mỹ đã làm tôi kinh ngạc. Chưa kể những cuộc đọc thơ ở một số nước Châu Âu khác, ông đọc thơ trong những ngày thơ quốc tế ở Ba Lan, đọc thơ ở thư viện, ở các trường Đại học, Trung học, các câu lạc bộ và tất cả những nơi nào thơ ca có cơ hội lên tiếng.

Tôi có hỏi một nhà thơ Việt Nam trong năm năm trở lại đây ông đã tham gia bao nhiêu buổi đọc thơ thì nhà thơ đó trả lời: 5 buổi. Một con số thẹn thùng của một thi sĩ. Nhưng 5 buổi đọc thơ đối với một nhà thơ Việt Nam không phải mấy nhà thơ có được. Hầu hết các nhà thơ Việt Nam hì hụi làm thơ để hoặc đọc cho một nhóm bạn bè hoặc in một tập thơ rồi nghĩ cách tặng cho hết 500 hay 1000 bản là một công việc vô cùng mệt nhọc. Có những nhà thơ Việt Nam trong năm năm trở lại đây không hề một lần đọc thơ cho công chúng. Việc in thơ ở Việt Nam như chỉ để thông báo với mọi người rằng tôi là nhà thơ đây, hãy chú ý. Có quá nhiều các nhà thơ ở Việt Nam bây giờ thường tranh giành nhau xem ai hay hơn ai, ai hiện đại hơn ai, ai dân tộc hơn ai. Nghệ thuật là sự dâng hiến thiêng liêng chứ không phải để tranh giành ngôi thứ. Thơ ca đích thực luôn luôn lặng lẽ rời bỏ khỏi những nơi ồn ào và có quá nhiều dục vọng. Nhưng có quá ít nhà thơ nhận ra điều đó. Bởi thế họ vẫn say sưa nhảy múa trong cái bóng của thơ ca bỏ lại mà không nhận ra được.

Tôi luôn luôn mang trong đầu mình hình ảnh nhà thơ Lâm Quang Mỹ ở xứ người. Ông khoác một chiếc túi chứa đầy bản thảo thơ và lang thang khắp đất nước Ba Lan. Với giọng nói còn chứa đầy thổ âm xứ Nghệ và với khả năng diễn giải bằng tiếng Ba Lan nhuần nhuyễn, ông đã đọc thơ mình bằng hai thứ tiếng: Việt và Ba Lan. Ông giống như một nghệ sĩ hát rong. Ông cứ đi và cất tiếng. Những câu thơ chân thực và da diết của ông về mọi điều của đời sống này vang lên. Những câu thơ của buồn đau, của hạnh phúc, của thất vọng, của ước mơ, của chia sẻ và của đức tin… vang lên không ngưng nghỉ. Ông và bao nhà thơ khác cũng giống người nông dân cứ cần cù và nhẫn nại gieo từng hạt, từng hạt giống của tâm hồn xuống cánh đồng đã quá nhiều hoang vắng của đời sống con người. Có những hạt giống biến mất nhưng có những hạt đã nảy mầm và vươn lên xanh tốt trên cánh đồng đó.

Mỗi lần về nước, Lâm Quang Mỹ về quê thăm người thân, họ hàng, làng xóm rồi sau đó đi thăm những bạn thơ của ông. Vẫn một cái túi đựng đầy thơ, ông cứ thế cắm cúi đi. Nếu chúng ta nhìn được toàn bộ những con đường ông đi, những nơi ông đến thì chúng ta sẽ có cảm giác ông suốt năm suốt tháng lang thang trên khắp thế gian này chỉ để làm một việc duy nhất: đọc thơ. Ông là một con chiên suốt đời vác trên lưng mình cây thập giá thơ ca. Với ông thơ ca là như vậy. Ông chưa bao giờ kiếm tìm một lợi ích cá nhân gì từ thơ ca. Với ông, chỉ được viết thơ, chỉ được đọc thơ mới là được sống thực sự cho dù thơ ông được người này chia sẻ, đón nhận và người kia hờ hững. Thơ ca là vậy và thi sĩ là vậy. 

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Thế nhưng chúng ta quá phiền muộn khi nhìn lại đời sống thơ ca của chúng ta. Chúng ta thấy quá nhiều nhà thơ ôm trong vòng tay của mình một đống những tập thơ đã in và cố chen nhau để được đứng lên hàng đầu. Thi bá là điều tệ hại nhất do các nhà thơ đẻ ra. Trong ý nghĩa sâu thẳm nhất của nghệ thuật, các nhà thơ đôi lúc phải thấy hổ thẹn với những nghệ sĩ hát rong mà chúng ta từng được biết được nghe. Đấy là những người yêu cái đẹp đích thực và dâng hiến đích thực cho cái đẹp không một chút vụ lợi. Chỉ như thế và chỉ như thế, họ, những người mang danh nghệ sĩ, mới có thể để lại một chút gì đó cho con người.

Nhiều khi, nhà thơ chỉ làm được một điều là làm cho con người một lúc vô tình nào đó chợt thấy có một điều được gọi là thơ ca hay hình như là thơ ca đi qua tâm hồn họ. Như thế là đủ. Như thế là nhà thơ đã làm được một điều gì đó. Thử hỏi có bao nhiêu người trên mặt đất này thi thoảng lại nghĩ đến một bài thơ nào đó và đọc thầm lên cho chính mình nghe thôi. Nếu có 10 người như thế thì trong đó có 9 nhà thơ và chỉ 1 người dân bình thường. Chính vậy mà hình ảnh nhà thơ Lâm Quang Mỹ suốt năm tháng đi lang thang đọc thơ làm tôi vô cùng xúc động. Đấy là một hình ảnh thật đẹp và thật ý nghĩa trong đời sống thơ ca của con người trên toàn thế giới. Đấy là tình yêu cuộc sống và thơ ca. Đấy là sự dâng hiến đích thực. Còn sự vĩ đại lại là một việc khác. Nếu thơ ca hay nghệ thuật nói chung chỉ dành cho sự vĩ đại của một cá nhân nghệ sĩ thì nó sẽ chẳng còn bao ý nghĩa. Bởi có những nhà thơ vĩ đại, những nhà thơ giải Nobel chẳng bao giờ ảnh hưởng gì tới những người dân ở một khu phố hay một làng, một xóm mà chính những người làm thơ nào đó lại tác động đến con người trong cộng đồng đó một cách có ý nghĩa. Có lẽ vì thế mà thơ ca vẫn còn, vẫn sống trong đầy rẫy sự vô cảm và tội lỗi vì ý nghĩa lớn nhất của nó là sự chia sẻ và dâng hiến đôi khi như một cái chết.

Ông, nhà thơ Lâm Quang Mỹ, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng trong tôi, ông hiện lên là một người hát rong, một người hát rong trong sáng, đắm mê và trí tuệ, một người hát rong của thời đại. Chính điều này làm cho tôi và một số nhà thơ khác đã có lúc cảm thấy việc làm thơ của mình quá cầu kỳ và rắc rối, quá đao to búa lớn, quá phiền phức và hão danh. Chúng ta vẫn chạy theo cái danh của nhà thơ mà không nghĩ đến cái thực của thơ ca.

Ông, nhà thơ Lâm Quang Mỹ, cứ đi, cứ viết những câu thơ và cứ đọc vang lên trước con người mà ông muốn chia sẻ, muốn dâng hiến với niềm đắm mê sự sống và ngôn ngữ con người. Chỉ khi chúng ta nhìn thật kỹ và nghĩ thật sâu về những nhà thơ như thế, chúng ta mới nhận ra rằng: Thi ca giản dị và thiêng liêng đến nhường nào.

Hà Nội / 2008

Nguyễn Quang Thiều (Theo Vietimes)

Sửa lần cuối 2015-09-21 20:30:38

Bình luận

Bình luận qua Facebook