2015-10-22 07:06:58

Cụ Tất

Ảnh minh họa

Tôi vì còn cha mẹ già ở quê, nên túng thiếu thì năm nào cũng về. Năm nay cũng theo lệ ấy. Hôm nay ra ngõ, trông thấy một cụ ông rất già. Cụ mặc bộ quần áo bộ đội xộc xệch đã bạc mầu, đầu lơ thơ vài sợi tóc trắng, người khòng khòng, tập tễnh chống cái gậy, dáng đi rất là vất vả. Tôi hỏi nhỏ chú em đi cùng: „Ai đấy”? Chú em trả lời: „Cụ Tất đấy. Anh còn nhớ cụ Tất không”? Tôi nói: „Còn nhớ”. Tôi hay về quê, thỉnh thoảng cũng nghe nhắc đến cụ Tất, nhưng không hiểu sao chẳng bao giờ gặp cụ. Nhớ ở đây là hình ảnh hùng dũng của cụ thủa xưa vẫn in trong đầu. Bây giờ trông cụ thế kia, không tài nào nhận được. Biết là cụ, tôi liền cúi đầu, kính cẩn chào to: „Cháu chào cụ ạ”. Cụ ngước đôi mắt kèm nhèm, đăm đăm nhìn, nhưng cũng không nhận ra là ai. „Hoá ra cha mẹ mình vẫn chưa phải già nhất làng. Rằng ngày tháng thoi đưa, con người ta chẳng ai có thể thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử”. – Tôi bùi ngùi trong dạ.

Cuộc đời cụ Tất có thể gói gọn bằng hai chữ „vinh quang”. Nguyên xưa kia còn ở tuổi thiếu niên, cụ đã theo Việt Minh làm liên lạc, kháng Pháp. Rồi cụ vào bộ đội. Hoà bình lập lại, cụ đeo quân hàm đại uý. Thời đánh Mỹ, cụ được cách mạng điều về quê, đảm đương chức Huyện đội trưởng. Cụ mặt chữ điền, người cao lớn, dáng đi oai vế. Thời ấy bàn dân thiên hạ chủ yếu đi bộ. Ai giầu có lắm mới mua được xe đạp. Nhưng cụ đã có xe máy, dân quê gọi là cái bình bịch. Cụ mặc quân phục, đeo xà cột, khẩu súng lục bên hông, cưỡi bình bịch, trông oai phong lẫm liệt. Thật đúng là một vị võ quan. Ông bác họ tôi có lần đi chợ huyện, được cụ đèo về, kể: „Ngồi sau nghe gió thổi ù ù, cụ rỉn ga một cái là cảm giác cây cối hai bên đường đổ rạp”! Ai nghe thấy cũng phục sát đất. Cả huyện người người đều biết và kính nể cụ. Dân làng tôi vì thế cũng được thơm lây. Cuối cùng cụ đến tuổi về hưu, cũng giống như tre già nhường chỗ cho măng mọc vậy. Thế hệ cán bộ trẻ lên kế tiếp cụ cũng thấm nhuần tư tưởng và nhiệt tình cách mạng chẳng kém cụ. Chúng chỉ có mỗi một nhược điểm, không biết vì đâu sinh ra, là có cái máu... tham nhũng. Thời cụ thì tầng lớp lãnh đạo liêm khiết. Vả lại thực ra thời ấy đất nước nghèo lắm, có muốn cũng chẳng có gì mà tham nhũng. Nhưng ngày nay thì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên rất tệ.

An Nam xưa nay vốn coi trọng vấn đề tuổi tác để phân trên dưới. Con người phải đến độ tuổi nào đó mới đủ uy tín và vì thế mới có thể cống hiến cho xã hội được. Ví thử như các vị lãnh đạo, nhiều ông rất cao cấp. Lúc trẻ đương chức đương quyền thì chẳng được cái tích sự gì. Phải chờ đến khi về hưu mới viết nổi bài báo hoặc nói được vài câu tâm huyết. Ai cũng biết nạn tham nhũng hoành hành thế nào. Nước có đến chín mươi triệu dân, nhưng chống tham nhũng chỉ trông cậy vào một cụ bà tám mươi tuổi Lê Hiền Đức... Quê tôi thì cũng chẳng khác gì. Chống tham nhũng được mỗi cụ Tất từ ngày về hưu là tích cực. Tuy đã nghỉ công tác, nhưng họp hành chi bộ cụ vẫn tham gia. Cụ chẳng thấy kẻ nào cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, vì dân vì nước, mà toàn những hạng giá áo túi cơm, tham lam vô độ. Phát biểu thì vung chân múa tay, nói hươu nói vượn, cống hiến nọ kia. Thật là một tấc đến giời. Ngày xưa mà thế thì chết với cụ. Nhưng giờ thì cụ Tất tức lắm mà không làm gì được, nên cứ chửi. Cụ hạch tội các cán bộ công khai trước nhân dân, chỉ ra từng vụ việc một, gọi tên từng người. Cụ chửi bới thậm tệ, rằng chúng nó đã biến chất, chẳng qua chỉ là lũ sâu mọt bán nước, hại dân... Bọn cán bộ vuốt mặt không kịp, cũng tức lắm nhưng không làm gì được cụ. Muốn hất cẳng cụ thì cụ chẳng có chân cẳng gì trong chính quyền. Bắt tội cụ cũng không ổn, vì cụ đã cao tuổi, chẳng tội tình gì, lại còn có công to với cách mạng.

Nhưng chê bọn cán bộ điều gì thì chê, phải thừa nhận một điều là chúng đa mưu túc kế. Thực ra không thế thì không làm quan được. Nhiều mẹo ma quỷ đến mức người thường không tài gì nghĩ ra. Những khoản đó có thấy ai đào tạo ở trường lớp bao giờ. Nhân ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam, mới sáng tinh mơ, cụ Tất vừa ngủ dậy thì thấy đoàn xe chở một lũ người gậy gộc cuốc thuổng, xồng xộc xông vào sân. Cụ linh tính ngay được là bọn cán bộ xã gửi xã hội đen đến uy hiếp. Nhưng cụ không hề run sợ. Cụ vốn là tay anh hùng, giỏi võ nghệ, và dẫu đã về hưu, nhưng bấy giờ cụ vẫn còn sức mạnh. Cụ vừa kịp ra góc sân nhặt cái gạy tre đực, nghênh chiến thì từ trên xe hơn chục thằng lố nhố nhảy xuống. Nhiều đứa tóc xanh tóc đỏ, trông rất đầu trâu mặt ngựa. Để thị uy, cụ vung gạy múa qua vài đường rồi cầm lăm lăm trong tay, nói: „Muốn giở trò gì thì bảo. Chúng mày lại định vuốt râu hùm”. Bọn xã hội đen thấy cụ hùng dũng thế thì khiếp đảm, đứng trố mắt, không đứa nào dám manh động. Thấy vậy, cụ dạng chân, tiến lên hai bước, vụt đánh vù một nhát. Thằng xã hội đen ngã trỏng gọng. Bọn còn lại hồn vía lên mây, ù té chạy sạch. Cụ lôi tên tù binh ra giữa sân, bắt quỳ xuống, kề gậy vào cổ, tra hỏi: „Đứa nào sai chúng mày đến đây? Khai mau ra thì ông tha. Không khai thì ông đánh tiếp. Nhược bằng chống cự thì ông đánh chết”. „Cháu, cháu, cháu...” – thằng xã hội đen lứu hết cả lưỡi. Cụ vung gậy, định phang cho nhát nữa, nhưng vì thấy nó hoảng quá, cụ lại muốn lấy khẩu cung để biết tình đầu, liền buông ra cho nó hoàn hồn. Tra khảo một hồi mới vỡ lẽ. Chúng không phải xã hội đen, giời ạ, mà là bọn... thợ xây! Nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, uỷ ban xã phái thợ thuyền, chở nguyên vật liệu đến, xây tặng cụ cái... sân gạch. Cụ Tất có phản đối việc ấy, nhưng cực kỳ yếu ớt. Chỉ một ngày sân đã xây xong. Và từ đấy trở đi chẳng bao giờ thấy cụ chửi bới gì nữa.

Chào cụ mà cụ chỉ nhìn, không thấy trả lời. Tưởng cụ điếc, tôi chắp tay kính cẩn chào lại lần nữa, to hơn: „Cháu chào cụ ạ”. „Ờ, thế anh là ai”? „Thưa cụ, cháu là Tê, con trưởng ông Ca”. „Con trưởng ông Ca? Thấy bảo năm nào anh cũng về”? „Dạ, vâng ạ”. „Thế anh ở nước nào”? „Cháu ở bên Ba Lan”. „Bên Thái Lan”? „Dạ không, bên Ba Lan”. „Ba Lan mùa tuyết tan”? „Dạ, vâng ạ”. „Cái nước ấy nó ở đâu”? „Dạ, ở gần Liên Xô ngày xưa”. „Tận bên Liên Xô mà năm nào anh cũng về. – Cụ thở dài - Mấy thằng cháu nhà tôi làm ở trong Công Tum mà mấy năm nay chẳng thấy mặt mũi đứa nào”. Tôi đương gãi đầu gãi tai, chưa biết trả lời ra sao cho cụ khỏi mủi lòng thì có chị cu Bẳn đi qua. Nghe thấy cụ than thở, chị cười ha hả, nói: „Chúng nó quên cụ rồi, cụ ơi”! Cụ ngoái cổ nhìn theo chị rồi nói: „Chỉ láo nào”! Tôi cũng nhân dịp chào và xin phép cụ, rồi theo chân chị Cu Bẳn.

Vac-sa-va, một chiều mưa buồn tháng X/2015

Trương Đình Toe

Sửa lần cuối 2015-10-23 05:23:20
  • Bạn đọc Bạn đọc Nhân bài báo của anh Toe tôi cũng muốn nói rằng tôi cũng biết cụ Tất, không phải vì cùng quê mà vì tôi chơi thân với thằng cháu của cụ. Hôm rồi tôi gặp cụ, cụ khoe mới được tăng tiền lương hưu (vì cụ thuộc thành phần có công với cách mạng). Cụ nói thêm, bọn nó tuy có tham nhũng nhưng lại đối tốt với mình quá, đợt này tôi vẫn bầu cho chúng nó vào BCH đảng bộ. 2015-10-22 09:31:59

Bình luận

Bình luận qua Facebook