2016-03-04 06:03:11

Thương hiệu


Bạn đã bao giờ đến Nam Hàn? Ở đấy dân chúng rất trọng hàng nội địa. Họ tự coi những thứ do mình là tốt nhất thế giới. Người An Nam ta cố nhiên không kiêu căng tự mãn như vậy. Tôi nhiều lần nghe nói, từ que tăm, cái kim, sợi chỉ..., mình cái gì cũng phải dùng của ngoại bang. Đáng trách nhất là những người sống lâu năm ở nước ngoài. Họ hay kêu ca, khiến hình ảnh của đất nước có một số điểm không đẹp lại càng xấu hơn.

Công bằng mà nói, An Nam ta không phải là không có những mặt hàng có thương hiệu. Một trong số đó là rượu.. – để bài viết không mang tích chất quảng cáo, tạm gọi là rượu Lờ Mờ. Rượu trắng, vỏ trai dán nhãn vàng, hai bông lúa mầu đen rủ bóng. Rượu Lờ Mờ nổi tiếng từ lâu. Thời tôi mới sang Ba Lan mấy chục năm về trước, trong nước còn đương „sản xuất lớn XHCN” chứ chưa có „kinh tế thị trường định hướng XHCN” như bây giờ. Nhưng đã từng nghe sứ quán Việt Nam yến tiệc chiêu đãi khách quốc tế vẫn dùng rượu ấy.

Hàng năm cứ vào dịp tết Nguyên đán là tôi về thăm quê. Quà cáp lặt vặt từ bên này về cho người thân, mua dễ hơn là từ Việt Nam sang. Tôi lại ham chơi bridge (một món bài chơi trí tuệ, có thể sánh với tổ tôm bên ta vậy). Các bạn chơi toàn đàn ông người Tây. Hồi hương sang chẳng có quà cáp gì, cảm thấy cứ ngại ngại. Chả lẽ lại mang thịt dê với mắm tôm sang đãi. Vậy tốt nhất là làm chai rượu. Từ trong nước sang, buổi đầu đến chơi bài, mở chai ra, rót mỗi anh một cốc. Người ta cũng chẳng thiếu thốn gì. Nhưng đây là của lạ. Uống nồng nồng, cay cay, ai nấy đều bình luận, đánh giá mùi vị, so với rượu này rượu kia. Thế là vui vẻ.

Năm nay về ăn tết, trước khi đi cũng nhờ người nhà mua hộ một chai Lờ Mờ. Người nhà nói: „Rượu thì sẵn, nhưng sợ rượu giả lắm”. Vậy thì không được. Tôi đành ngậm ngùi quyết định không mua. Hôm ra sân bay Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh xong, vẫn còn hơn tiếng đồng hồ mới đến giờ lên máy bay. Tôi lang thang nhòm ngó mấy của hàng tạp phẩm, bỗng nhìn thấy bầy rượu Lờ Mờ thì mừng rỡ. Ở sân bay không thể là hàng giả được. Tôi liền tạt vào. Chai một lít dán giá 10 $. Vốn xuất thân là tay đi buôn, giỏi tính, nhẩm ngay ra rằng đắt hơn cả giá nội địa loại „rượu cỏ” Ba Lan nổi tiếng mà tôi vẫn mua về Việt Nam làm quà. Cũng chai „rượu cỏ” ấy mà mua ở sân bay , không cộng thêm thuế VAT còn rẻ nữa. Thế nhưng cũng chẳng sao. Đây mình mua có một chai. Vả lại cũng phải thông cảm cho đồng bào. Quầy quán thuê ở sân bay chắc đắt lắm. Hàng hóa một tý, ba nhân viên phục vụ, khách khứa lèo tèo. Không bán với giá cắt cổ thì chết đói.

- Trả bằng tiền đồng có được không? – Tôi hỏi.

- Được.

- Bao nhiêu?

- Hai trăm mười năm nghìn. – Cô nhân viên trả lời. Tôi rút tiền đương đếm để trả thì cô vội vã chữa lại - À không không. Giá đô hôm nay hai ba. Hai trăm ba mươi nghìn!

Ảnh minh họa ( Ảnh từ Internet)

Tôi cũng phẩy tay. Từ ngày những phần tử theo đạo Hồi cuồng tín cực đoan đánh bom, khủng bố, làm loạn thế giới, hành khách lên máy bay chỉ được phép mang chất lỏng như nước uống, nước hoa, rượu chè... mua ngay tại sân bay. Bà con ta đi lại nhiều thì biết tôi không nói ngoa. Mua hàng ở các sân bay quốc tế, trước khi tính tiền, nhân viên phục vụ đề nghị xuất trình thẻ lên máy bay. Hàng mua – nếu là rượu còn quàng thêm cái lưới mắt cáo bằng chất xốp – cho cùng phiếu tính tiền vào túi ni lông trong suốt, niêm phong kín. Cái túi không thể bóc mà chỉ có thể lấy kéo cắt, hoặc nghiến răng nghiến lợi, dùng hết sức bình sinh xé toang mới có thể lôi các thứ ra được. Đấy là chứng chỉ hàng mua nơi quá cảnh, có thể mang lên máy bay an toàn. Xách tay túi hàng ấy, dẫu chuyển máy bay nơi nào trên thế giới cũng không ai giữ lại. Nhưng „phép vua thua lệ làng”, An Nam ta thì chẳng giống ai. Hóa đơn hay phiếu tính tiền không có. Cô bán hàng lấy tờ báo Nhân Dân, gói chai Lờ Mờ, nhét vào túi ni lông – thứ túi đựng tôm cá ngoài chợ, rồi đưa tôi. „Thế này thì chuyển máy bay ở Pari người ta giữ lại mất” – tôi bụng bảo dạ. Nhưng tiền đã trả rồi. Nếu tôi không nhầm thì lấy lại được cũng sẽ phải điều qua tiếng lại rất phiền. Ngoài ra mấy hôm nay tôi gặp nhiều việc rất may, chắc có tổ tiên phù hộ. Chìa ngón tay bấm độn lại thấy toàn „mây lành”. Đấy là điềm mang được chai rượu qua biên giới. Tôi liền cho vào va li con, lững thững kéo ra máy bay.

Đến Pari, vào sảnh lên máy bay về Vacsava lại bị kiểm tra an ninh lần nữa. Va li xách tay, áo khoác, giày... phải đưa qua máy chiếu. Chiếc va li trong có chai rượu tất nhiên bị ách lại. Viên sĩ quan an ninh bắt mở. Trước khi khám xét còn xỏ đôi găng tay cao su trắng muốt. Chắc người Pháp từng cai trị An Nam nên biết bên ta lắm vi trùng. Viên sĩ quan nhấc chai rượu để ra một bên, nhân tiện kiểm tra tỉ mỉ từng thứ một trong va li rồi bảo đóng lại. Tôi chỉ chai rượu ý nói: „Ông quên”! Nhưng y lắc đầu. Tôi vừa ra hiệu vừa lập bập mấy từ tiếng Anh, cố gắng giải thích: „Đấy là rượu, rượu Việt Nam chứ không phải thuốc nổ, chúng tôi theo đạo Phật, có thánh chiến thánh chiếc gì đâu, tôi có thể chứng minh điều đó”! Rồi định mở chai, ngửa cổ tu hết để chứng minh. Nhưng lại sợ tửu lượng mình kém, uống vào, lăn kềnh ra. Người Tây rất máy móc, thay vì khênh trả lên máy bay, sẽ lại khênh đi bệnh viện giải say. Say nằm mãi cũng tỉnh chứ việc gì phải giải say. Đã thế họ còn tính thành tiền bắt trả thì thiệt hại to. Viên sĩ quan an ninh cứ khăng khăng không trả chai rượu. Đúng là cái đồ thực dân. Việc bấm độn bói toán hôm qua cũng sai bét. Tiếp theo toàn là những việc không vui. Đã bay từ Hà Nội đến Pari qua đêm. Ở Pari chờ máy bay về Vacsava mất vài tiếng. Xưa kia tuyến máy bay Pari -Vacsava dẫu ngắn, hành khách được cho ăn uống hẳn hoi. Nhưng từ răm bảy năm lại đây châu Âu khủng hoảng, người ta chỉ đẩy xe mời nước một lượt và cho chiếc bánh ngọt bằng tý. Tôi vào máy bay ngồi yên chỗ, giở sách ra đọc. Rồi mắt díp lại lúc nào không biết. Đến khi mở ra thấy xung quanh ai cũng có cốc đương uống nước. Loa phóng thanh ồm ồm thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh, phải cài dây an toàn... Thành thử nước mình không có uống, cái bánh ngọt bằng tý cũng không được ăn.

Xuống phi trường Vacsava vừa đói, vừa mệt, vừa thèm hút thuốc. Chờ mãi mới lấy được va li. Đương đẩy xe hành lý đi ra, bị ngay một nữ hải quan chặn lại, thô bỉ hỏi:

- Việt Nam?

- Phải, Việt Nam. – Về đến Ba Lan thì nói sõi rồi, không sợ.

Nữ hải quan chỉ đường vào một phòng, ở đấy có mấy hành khách đương bị mở va li ra lục lọi. Nhìn qua tướng mạo, chắc họ cũng đều nhà người Việt hoặc ít ra là gốc Việt cả.

- Ông có nói được tiếng Ba Lan không? – Nữ hải quan hỏi.

Tôi cáu kỉnh, sẵng giọng:

- Không, tôi chẳng biết tý tiếng Ba Lan nào cả! – Sự thực thì do tôi ở Ba Lan lâu năm, nói tiếng địa phương cũng gần bằng người bản xứ.

Nữ hải quan trố mắt nhìn. Xem giấy tờ của tôi xong, lại hỏi:

- Ông chở gì về?

- Tôi chở về nhiều thứ! – Sự thực thì ngoài tư trang chỉ có mấy thứ lẩm cẩm: cân hành khô mang hộ, một hộp mứt, hai cái bánh chưng, mấy quả soài... Có mỗi chai rượu quý giá nhất thì bị lấy mất rồi, chẳng có gì đáng khai báo hoặc vi phạm luật vệ sinh dịch tễ.

Nữ hải quan bảo chất va li lên băng chuyền máy chiếu, rồi chẳng bắt mở ra, nói:

- Ông có thể đi được. – lại còn đạo đức giả dặn dò vuốt đuôi – Giấy chứng minh thư ông phải cẩn thận, chứ để vào hộ chiếu thế lại rơi mất.

Tôi miễn cưỡng cảm ơn, chất va li lên xe, đẩy ra phòng đợi. May mà vừa ra đã thấy phu nhân tôi tươi cười đứng chờ. Bấy giờ lòng dạ mới hơi được thư thái.

- Ở nhà thế nào? – phu nhân tôi hỏi - Mọi việc đều tốt chứ? Ông bà, các bác, các cô các chú vẫn khỏe mạnh?

- Vẫn khỏe cả – tôi trả lời.

- Đi đường có trắc trở gì không?

Ra khỏi phòng đợi sân bay, tôi châm điếu thuốc đứng hút, rồi kể đầu đuôi câu chuyện bị nước Pháp ăn cướp mất chai rượu. Phu nhân tôi cười nói:

- Quan trọng nhất là ông an toàn về được Ba Lan. Tiếc làm gì chai rượu. Biết đâu lại chẳng là thứ rượu giả!

Tôi nghe bỗng cảm thấy như ngủ mơ mới tỉnh. Người ta làm ăn kiểu ấy thì dẫu hàng hóa ở cảng hàng không quốc tế cũng có thể giả. Không có được tin bố con thằng nào cả. Trong cái rủi biết đâu chẳng có cái may. Nhỡ mang được chai rượu đểu về, bạn bè uống xong lăn ra chết thì thật là phiền. Bây giờ cùng lắm để cho bọn Pháp nó say chết. Tôi xưa nay thỉnh thoảng vẫn có cái máu của kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cứ đòi nước ta phải được như Nam Hàn. Nhưng cuồng tín thì từ nay trở đi cái thương hiệu Lờ Mờ của Việt Nam cũng đành phải cạch.

Trương Đình Toe

Sửa lần cuối 2016-03-04 05:07:25

Bình luận

Bình luận qua Facebook