2016-07-18 06:17:04

Hoa bằng lăng

Số mệnh

„Xưa kia tôi không bao giờ tưởng tượng được là mình lại lấy chồng ngoại quốc, đến từ xứ sở xa lắc xa lơ” – Phu nhân tôi nhiều lần thổ lộ. Còn về phần tôi chẳng hiểu nàng lấy tôi ăn bổng lộc gì? Người chẳng đến nỗi nào, lại chọn một kẻ cù bơ cù bất, tha hương cầu thực, không nơi ăn chốn ở, không công ăn việc làm, không đồng xu dính túi, lại thêm tính nết khó khăn. Rồi thiên hạ còn nghị dị, điều nọ tiếng kia. Kể cũng lạ. „Vì rằng – nàng giải thích - con người ta có số mệnh”.

 Đẹp nhất trần gian

Khi quen biết nhau, tôi thậm chí không có cả giấy tờ tùy thân. Phải đến lúc có con rồi, mới giải quyết được giấy tờ, lo việc cưới xin. Nhưng chắc cũng vì thương con mà nàng có thêm nghị lực và niềm an ủi. Dẫu vất vả nhưng chẳng bao giờ thấy thở than. Một hôm nhà có khách, hai vợ chồng người quen và đứa con gái bằng con gái tôi, bấy giờ khoảng bốn năm tuổi. Ăn xong, chủ khách ngồi uống nước, xem thi hoa hậu trên ti vi. Hai đứa trẻ cũng ngoan ngoãn ngồi xem. Người lớn chuyện trò, bình luận. Hăng hái nhất là ông khách, liên tục chỉ chỏ cô này đẹp, cô kia xinh... Con gái tôi bất ngờ bình luận: „Đẹp nhưng không bằng mẹ tôi”! Ông khách bỗng im bặt, trố mắt nhìn. Bà khách quay sang đay nghiến con: „Đấy, mày trông nó mà học. Nó yêu mẹ nó thế chứ. Mày có yêu tao được thế không”?

Li hôn

Một lần nàng đọc báo thấy viết chính phủ có chính sách ưu đãi những người mẹ độc thân, nuôi con. Cũng theo báo, nhiều cặp vợ chồng thông minh, lanh lợi, vẫn ở với nhau nhưng làm đơn ly hôn, cho vợ móc tiền của nhà nước nuôi con theo chính sách. Nàng cười, bảo tôi: „Hay mình cũng học tập họ, làm đơn ra Tòa ly hôn”? Tôi lo ngại: „Nếu Tòa hỏi lý do gì mà ông bà mới cưới nhau chẳng được bao lâu, đã muốn chia tay rồi thì trả lời ra sao”? „Cứ đồng thanh trả lời rằng chúng tôi không yêu nhau nữa”! „Ừ đúng – tôi nghe ra. - Lý do ấy chính đáng. Thế thì viết đơn đi. Hôm nào rảnh rỗi hoặc ra thành phố mua sắm, nhân tiện ta kéo nhau ra Tòa đâm đơn”. Nhưng cuộc sống rất là lận đận, dẫu ngày rộng tháng dài cũng không lúc nào rảnh rỗi mà ra Tòa được. Khi con cái đã trưởng thành, có thời gian thì ly hôn cũng chẳng được tích sự gì, vì rằng chẳng ai người ta còn cho tiền nữa.

Chọn lọc tự nhiên

Cuộc đời cũng như bóng ngựa câu thoáng qua cửa sổ. Thấm thoắt đã hơn ba chục năm trời. Mái tóc thề xưa đã ngả màu sưng. Một hôm trong nhà có cái bóng điện bị cháy. Tôi đặt cái ghế đẩu, trèo lên định thay, nhưng không thể với tới. Đương loay hoay chưa biết làm thế nào thì phu nhân đứng đấy, nói: „Xuống đi, để tôi lên thay cho”. Nàng tiếng là người Tây, nhưng cao cũng chỉ đúng bằng tôi. Tôi không với tới, nàng làm sao với được. Đương lúc bực bội, lại phải nghe những câu hết sức vô nghĩa, tôi gắt gỏng: „Có giỏi thì lên đi. Chỉ được cái bẻm mép”. Chẳng ngờ nàng bước lên, hý hoáy một tý đã thay được cái bóng điện. Xuống giơ ta ra so, quả nhiên tay nàng dài hơn tay tôi đáng kể. Nàng thích chí cười ngặt nghẽo, mỉa mai: "Ông như con cá sấu”! Tôi hỏi: „Tại sao lại như con cá sấu”? Nàng giải thích: „Tại vì miệng rộng lúc nào cũng ngoác ra, nhưng tay ngắn một vẩu". "Không phải là cá sấu - tôi bác lại - mà do chọn lọc tự nhiên! Bốn nghìn năm về trước tổ tiên tôi đã khai sinh ra nền văn minh lúa nước thì tổ tiên bà vẫn còn nhảy nhót trên cây. Có ông mải nhảy nhót, gãy cành, ngã xuống gãy cả đuôi".

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Phu nhân tôi đi chợ về, rút trong túi ra cái quần bông, khoe: "Xem đây này. Mua cho ông mặc trong nhà cho tiện". Tôi ngồi máy tính, đương mải mê với mối "tình phây", trả lời qua loa: "Cất đi, cất đi! Chốc nữa tôi xem". Nàng lại nhét cái quần vào túi, rồi ngồi xuống kể lể. Nàng ra chợ, vào quầy của bà người Việt hỏi mua quần. Bà bán hàng nhìn người rồi đưa ra một chiếc. "To quá" - Nàng nói. Bà bán hàng rút ra chiếc thứ hai nhỏ hơn. "Vẫn to". Bà bán hàng ngạc nhiên, hỏi: "Sao mặc quần nhỏ thế"? Nàng nói: "Không, tôi không mua cho tôi, mà cho chồng"! Bà Việt lại càng không hiểu, trố mắt nhìn. Nàng phải giải thích thêm: "Chồng tôi cũng là người Việt". Bà bán hàng bấy giờ mới vỡ lẽ: "À, Việt Nam”. „Vâng, Việt Nam”. „Tên là gì"? "Tên là Toe, Tờ-ruông Đinh Toe"! Bà bán hàng tất nhiên chẳng biết ông Tờ-ruông là ai, lại hỏi: "To thế nào"? Nàng giơ cả hai tay ra làm hiệu: "Hắn to như thế này này". Bà Việt cười chỉ một ông Việt gày khô gày đổ, chắc là chồng bà, đưng ủ rũ ngồi cạnh đống hàng tồn. Hỏi: "Có bằng hắn này không"? Trả lời: "Cũng bằng thế". Bà bán hàng chẳng bình luận gì thêm, rút ra một chiếc quần, quả nhiên đúng cỡ... Nàng kể cho tôi rồi còn khoe: "Bà ấy hạ giá cho tôi ba złoty". Tôi khen: "Có thế chứ. Cho bà về Việt Nam mấy lần cũng bõ công, ít ra là học được cách mặc cả". Nàng nói: "Không, tôi có mặc cả gì đâu. Bà ấy tự hạ giá". "À - tôi hiểu ra – Tức là người ta coi bà là đồng bào rồi đó". Cho nên dẫu phu nhân tôi tiếng Việt một chữ bẻ đôi không biết, nhưng hôm nào rảnh rỗi nhất quyết phải dạy cho hai câu: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Hoa bằng lăng

Chúng tôi về Việt Nam ăn Tết, nhân tiện sang du ngoạn Campuchia. Phu nhân tôi lâu nay vẫn ao ước được chiêm ngưỡng đền Angkor Vat nổi tiếng. Đến thủ đô Pnông Pênh thấy nhiều đường phố hai bên toàn bằng lăng. Tháng giêng ở đây đã nóng như mùa hạ ở Hà Nội rồi. Hoa bằng lăng nở rực rỡ khắp nơi, đẹp lạ thường. Xưa, Pnông Pênh không có tục trồng thứ hoa này. Nguyên xưa kia Hoàng hậu của của Quốc vương Norodom Sihanouk là nàng Monique xinh đẹp. Quốc vương yêu lắm. Nàng mang hai dòng máu Việt và Pháp, đặc biệt là rất ưa thích bằng lăng. Quốc vương Sihanouk liền cho trồng dọc theo đường phố nơi nàng ở để đẹp lòng. Từ đó hoa bằng lăng ở đây mới bắt đầu phổ cập. Tôi kể cho phu nhân nghe câu chuyện đó rồi hỏi: „Thứ hoa này có đẹp không”? Nàng trả lời: „Rất đẹp”. Tôi nói: „Tiếc rằng tôi không là Quốc vương. Nếu là Quốc vương, dọc đường đến biệt thự của nàng, cũng sai trồng cho nàng toàn hoa bằng lăng”. Phu nhân tôi có vẻ cảm động, mỉm cười: „Chàng đấy ư, ông vua vàng của em! – Nàng mượn lời của một bài hát rồi thêm - Em muốn trồng mấy chậu hoa đặt ở cửa sổ cho đẹp nhà. Hôm nào về, nhờ chàng đi mua cho mấy bao đất tốt thì chớ có viện lý do này nọ mà thoái thác nhé”.


Vacsava, mùa hè 2016

Trương Đình Toe

Sửa lần cuối 2016-07-18 04:24:55

Bình luận

Bình luận qua Facebook