2016-09-25 00:51:43

Những món nợ truyền kiếp

Làm bất cứ việc gì mà không có năng khiếu đều rất khổ. Tôi đã từng làm nghề lái buôn. Không phải không biết mình bất tài, nhưng vẫn phải làm, vì chẳng còn việc gì khác. Những chuyện tương tự như dưới đây rất nhiều, nhưng chỉ xin đơn cử vài ví dụ.

      Ngày xửa ngày xưa tôi sống ở vùng rất hẻo lánh. Bấy giờ có cái cửa hàng. Nhưng vì buôn bán vất vả mà lờ lãi chẳng được là bao, tính chuyện quảng cáo cho thuê. Người thuê là một đàn bà bản xứ, trông vẻ hiền hậu bình thường. Tôi vốn có tính tin người, nhưng trong thương mại kiểu gì cũng phải ký kết hợp đồng cẩn thận. Hết tháng, đúng ngày, đến lấy tiền. Thế cho nhẹ đầu. Được vài tháng, đối tác than thở là khó khăn, xin khất. Tôi phảy tay, cho khất. Tháng sau đến, vẫn thấy bà doanh nghiệp kêu xin. Tôi lại cho khất. Nhưng đến tháng thứ ba thứ tư như vậy thì không chỉ tôi mà phu nhân tôi cũng hết kiên trì. Nàng cho tôi là nhu nhược, liền xuất giá thân chinh cùng tôi ra của hàng. Cuộc tranh luận giữa hai người đàn bà khá gay gắt. Bà doanh nghiệp bỗng có một động thái hết sức bất ngờ: cầm chìa khóa ra khỏi cửa hàng, khép cửa, định khóa vợ chồng tôi bên trong. Vợ tôi nhanh mắt trông thấy, quát: „Bà định làm gì đấy”!? Rồi xô cửa xông ra, đẩy bà doanh nghiệp một cái. Bà này sợ quá, lủi mất. Tôi thầm cảm ơn số phận là có phu nhân hộ tống. Ngây ngô như tôi mà một mình thì chắc đã bị giam trong chính cửa hàng của mình rồi. Bấy giờ tất nhiên không còn ai và cũng không có gì đề nói nữa. Phu nhân tôi ra lệnh, bao nhiêu hàng hóa của đối tác quẳng ra đường, thay khóa. Rồi tôi mang hợp đồng, phát đơn ra Tòa, kiện đòi nợ. Việc không cần dùng sức mà chỉ dùng mưu thì mình tôi có thể lo liệu được. Giấy trắng mực đen rõ ràng, Tòa xử cho tôi thắng cuộc. Cầm bản án cũng không thể tự mình đòi tiền được. Theo luật phải ra Văn phòng Thừa phát, trực thuộc Tòa, chuyên làm nhiệm vụ đòi nợ. Đầu tiên tất nhiên phải trả một khoản tiền phí tổn nhất định. Sau cũng phải mất thì giờ nhiều lần đi lại, bàn mưu tính kế với ông Trưởng Văn phòng. Một lần tôi đến, ông đi vắng, chỉ có cô thư ký trực. Ngồi nói một vài câu chuyện, cô thư ký tỷ tê thổ lộ: „Tôi nói thật với ông chứ ông không đòi được đâu”! „Tại sao”? – Tôi ngạc nhiên. „Mụ này lừa nhiều người rồi chứ không phải chỉ có ông, cũng thuê rồi không trả. Văn phòng còn mấy bản án kết án Mụ đây. Mụ đi Pháp rồi và chẳng có cái tài sản gì có thể xiết nợ được”! Tôi buồn rầu, đành lủi thủi ra về và từ đấy không bao giờ ra Văn phòng Thừa phát nữa.

      Có một thời tôi có quầy buôn bán tại một trung tâm thương mại lớn ở ngoại ô Vacsava. Hàng xóm láng giềng toàn là đồng bào của mình cả. Bấy giờ tôi có nguồn hàng rất rồi rồi rào, lấy chịu được. Cách tôi vài quầy có vợ chồng ông hàng xóm. Ông hay la cà đến quầy tôi, chuyện trò, tán gẫu. Thấy hàng hóa của tôi nhiều, bán không xuể thì gạ tôi cho „thổi còi”. Rồi đồng giả đồng chịu. Ông bà cứ lấy hàng đợt sau, trả tiền hàng trước. Nhưng dần dần hàng lấy vẫn đều đặn mà tiền trả có phần chểnh mảng. Tôi phải găm hàng lại thì tiền trả tịt hẳn. Sang hỏi thì trả lời là chưa bán hết. Cuối cùng bao nhiêu hàng hóa tồn đọng, tôi phải thu lại. Thanh toán, ông bà phải ký nợ cho tôi một khoản tương đối. Nhưng đòi thì cứ „mai dài hơn thuổng”. Kinh nghiệm cho thấy, người ta nợ mình mà mình đòi nhiều, sẽ bị cả nhà người ta ghét. Đến mức con trai ông bà gặp tôi ngoài đường, mắt cứ trố lên, không thèm chào hỏi. Nhưng ghét cũng vẫn phải đòi. Một hôm tôi lại sang thì ôi thôi..., nhìn qua của kính thấy quầy quán trống không, hàng hóa đã dọn sạch, chẳng có một bóng người. Thế là con nợ làm cú „bùng”. Họ dọn đi đâu và đi từ bao giờ, tôi không rõ. Phải đến gần hai tháng sau mới có người mách, ông bà này bây giờ đương buôn bán tại một trung tâm thương mại hoành tráng do người Thổ Nhĩ kỳ mới khai chương, cách đây cũng không xa. Tưởng „bùng” đi đâu, chứ chạy sang đó tất không thoát được. Lần này tôi không có ý định ra Tòa, mà sử dụng luật giang hồ. Bấy giờ có quen biết một „chú em” người khỏe mạnh, cao lớn, mình hổ, lưng gấu, mặt mày dữ tợn, tiếng vang như sấm. Liền gọi vào, đưa cho tờ giấy ký nợ, dặn ra chỗ ý chỗ nọ, có một nhà như thế như thế buôn bán. „Chú ra đòi hộ anh món nợ này”- tôi nói. „Được rồi. Anh cứ yên chí”- chú em khảng khái nhận lời. Hai hôm sau, chú em quay lại quầy. Tôi hỏi: „Thế nào? Đòi được cho anh chưa”? „Em chỉ cần dọa mấy câu thì bà ấy đã òa nên khóc. – Rồi chú em nhăn răng ra cười, đưa trả tôi tờ giấy ký nợ, nói tiếp - Em cũng đã hỏi dò cẩn thận. Nhà ấy đã về mo rồi. Nó chẳng có gì mà trả anh đâu. Thu tý hàng chổi cùn rẻ rách chả bõ mang tiếng, mà anh cũng chẳng bán được”. Tôi đành chép miệng. Thôi thì các cụ đã dạy: „Túm thằng có tóc, ai túm thằng trọc đầu”. Mình không có khoản tiền ấy cũng chẳng nghèo đi, nó quỵt của mình cũng chẳng giầu lên. Chuyện đó lâu ngày, tôi đã quên bẵng. Mãi hôm nay ngồi viết mới nhớ lại.

     Người Ba Lan có câu: „Bạn hiền thực sự chỉ có thể tìm được từ thủa hàn vi”. Tôi quen anh Nguyễn Quang Bê đã lâu. Hồi ấy cả hai còn nghèo, cũng có thể coi là thủa hàn vi được. Tôi là lưu học sinh mới tốt nghiệp, không chịu về nước xây dựng XHCN, bị sứ quán thu mất hộ chiếu; anh là nghiên cứu sinh được Nhà nước mới cử sang làm bằng tiến sĩ. Nhưng bằng tiến sĩ cũng chẳng bằng tiền. Rồi hai bên hợp tác buôn bán. Anh làm ăn phát đạt, từng được thiên hạ phong làm „soái”. Làm được bao nhiêu gửi cho vợ trong nước xây dựng tổ ấm tương lai. Ảnh nhà cửa khang trang đầu tư, khách sạnh mi-ni rất đẹp ở Hà Nội, anh đều mang cho tôi xem. Nhưng thời thế đổi thay. Cách làm ăn của anh không còn thích hợp. Anh lại đi theo tiếng gọi của tình yêu, lấy vợ hai, ở lại Ba Lan. Chị cả ở Việt Nam hay tin, trừng phạt bằng cách phong tỏa tài chính. Anh hết vốn, phải đi làm thuê cho người khác, nên không được phong lưu như trước. Và tất nhiên không còn hợp tác với tôi nữa. Nhưng tình bạn thì vẫn là tình bạn. Một hôm anh tìm gặp tôi trình bày dài dòng về hoàn cảnh khó khăn, rằng anh phải vay tiền nhà băng mua nhà, chưa trả hết nhưng giá bất động sản trên thị trường tăng, nên bị người bán nhà bắt ép, tiền tu sửa mọi thứ đều đắt đỏ hơn dự kiến, ông sếp vẫn còn cầm của anh một khoản tiền mấy tháng chưa thanh toán... Và cuối cùng là anh muốn tôi cho vay tiền. Tôi chẳng giàu có gì, nhưng nghĩ tình xưa bạn cũ, cũng cho anh vay một khoản, tất nhiên không nhiều đến mức như anh mong muốn. Tôi khuyên: anh bạn bè chiến hữu nhiều, nên vay mỗi chỗ một ít. Anh lấy làm cảm động. Được ít ngày sau, anh lại đến nằn nì muốn vay thêm. Anh gợi ý: „Anh em nhà cậu mạnh vốn, hàng hóa nhiều. Cậu cấu của mỗi đứa một tý cho anh vay. Anh sẽ tính phần trăm trả cậu tử tế”. Tôi nói: „Em vì quen biết anh lâu ngày, nên muốn giúp anh. Có thể được bao nhiêu, cho anh vay ngần ấy. Phần trăm phần chục không cần. Đúng thời hạn, anh trả cho em tiền gốc là được rồi. Còn anh em nhà em ‘kiến giả nhất phận’. Ngày xưa em mua nhà cũng rất là túng thiếu, còn chẳng muốn chìa tay vay chúng nó. Lẽ nào bây giờ lại cấu của chúng nó cho anh vay được”. Rồi ngày tháng lững lờ trôi. Thời hạn trả tiền tôi đã qua, nhưng anh Bê cứ khất. Anh đổi số điện thoại di động cũng không thông báo cho tôi. Một hôm tôi tình cờ gặp anh ở trạm săng. Anh ngượng ngùng phân giải về số điện thoại rồi cho tôi số mới. Anh khoe nhà anh ở ngoại ô, có vườn tược chăn nuôi, trồng trọt, tăng gia, cũng thêm thu nhập. Còn khoản nợ thì anh vẫn túng. Anh nuôi được gà quê rất ngon, mời tôi đến chơi, bắt gà về ăn. Tôi từ chối, phần vì bận, phần cảm thấy chán. Bắt gà về ăn, đến bao giờ mới trừ hết nợ? Lại mấy năm nữa trôi đi. Một hôm ngồi chơi ở nhà người quen, có người nhắc đến ông Nguyễn Quang Bê. Tôi chợt nhớ ra, nói: „Ông này vẫn còn nợ tôi một khoản đã lâu chưa trả. Tôi phải đi đòi”. Người ấy nói: „Anh đòi thế quái nào được”! Tôi hỏi: „Sao không đòi được”? „Ông ấy chết rồi”. „Chết thế quái nào được”! „Ô, chết thật rồi. Em đã đi đưa ma mà lại”. „Làm sao mà chết”? „Ung thư máu”. Tôi ngẩn người ra, thở dài ngao ngán, nhưng không phải là vì tiếc tiền!

     Đời người thật là ngắn ngủi và mỏng manh. Người dại cuối cùng cũng phải chết, người khôn cũng phải chết. Âu cũng là sự công bằng duy nhất ở trên đời. Tiền tài, danh vọng, giầu, nghèo, được, thua, phải, trái cũng chỉ là hư không. Xưa nay bao nhiêu việc, phó mặc cuộc nói cười.

Vac-sa-va, đầu Thu 2016

Trương Đình Toe

Sửa lần cuối 2016-09-24 22:54:13

Bình luận

Bình luận qua Facebook