2016-11-19 01:08:10

Nghề dạy học


     Đã trên 20 năm rồi tôi không còn được đứng trên bục giảng, nhưng những cảm giác về một thời làm nghề dạy học vẫn còn đầy ắp trong trái tim. Thời chúng tôi, không phải ai cũng được chọn nghề, cho dù từ khi là học sinh trung học đã từng ấp ủ những hoài bão. Tôi cũng vậy. Tôi đã từng có ước mơ được làm bác sỹ vì thời ấy có một câu vè rất hay: „Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, Sư Phạm bỏ ra, Nông Lâm vứt xó…”.Tôi không hiểu hết tại sao ngành Y lại là nhất, Sư Phạm lại là nghề bỏ đi nhưng cứ thấy mọi người nói thế là thấy không thích nghề làm thày giáo.

     Vào trường Đại học, tôi được phân công học ngành khoa học cơ bản của trường đại học Tổng hợp. Cho đến khi nhận bằng tốt nghiệp tôi vẫn nghĩ mình sẽ trở thành một nhà nghiên cứu, suốt ngày vùi đầu trong phòng thí nghiệm. Thế rồi, „con Tạo xoay vần” đã đưa tôi lên bục giảng. Ban đầu tôi cảm thấy hụt hẫng, nhưng dần dà cũng yên tâm vì thấy những đồng nghiệp bên cạnh mình là những con người đang được xã hội kính nể - những giáo sư, giảng viên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chỉ có điều, khi được giao nhiệm vụ giảng dạy thì tôi thực sự lo lắng. Lo vì mình không được đào tạo những kiến thức sư phạm cơ bản, lo vì kiến thức của mình chưa đủ nhiều, liệu có thể làm sinh viên thất vọng, thậm chí cười khẩy trước mặt mình không. Phải sau một năm, tất cả những lo lắng mới qua đi nhẹ nhõm. Với quyết tâm trở thành người thầy giỏi, tôi đã được các đồng nghiệp đánh giá: „Dân Ba Lan về có vẻ làm ăn được đấy”.

     Cái thời tôi làm thày (những năm 70-80 của thế kỉ trước), người ta vẫn yêu quý các thày cô lắm. Hóa ra cái câu „Sư Phạm bỏ ra „ được ca thành vè chỉ là do nghề giáo là nghề nghèo nhất. Khi tôi còn nhỏ, các cụ trong làng vẫn hay nói: „Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng”. Thế mà lúc này lại đảo ngược đến 180 độ. Một vài thí dụ để dẫn chứng:

- Lúc mới ra trường, tôi được một người trong gia đình làm mối cho một cô mậu dịch viên ở cửa hàng bách hóa. „Cậu đã là thày giáo nghèo thì phải lấy cô ấy chứ không sau này có gia đình riêng thì khổ lắm” – chị ta nói với tôi như vậy. Tôi chẳng thích thú gì cái nghề buôn bán (lúc ấy nhiều người còn coi khinh nghề buôn mới khổ chứ) nhưng nghĩ nếu có vợ như vậy cũng hay, mình đỡ phải lo phần kinh tế cho gia đình, yên tâm làm khoa học. Thế là tôi bảo bà chị dắt đến làm quen. Được một thời gian, khi cuộc tình đang còn ở thời điểm „tình như chưa bén, mặt ngoài còn trơ” thì tôi đã bị một tay Công an kinh tế hớt tay trên mất. Về sau mới biết là các cô mậu dịch viên rất thích lấy chồng làm Công an vì vừa có bổng lộc nhiều lại có điều kiện bênh vực vợ mình những khi xảy cơ, lỡ vận.

- Thằng bạn tôi cùng học thời cấp 3, không thi đỗ đại học, đi bộ đội. Sau 75’ cậu ấy về phục viên làm nghề lái xe tải cho sở Ngoại Thương (khi ở trong quân đội được học nghề lái xe). Dân tình nói chẳng có sai: „Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ, còn thợ lái ô tô thì ăn đủ thứ”. Tôi là người thấy rõ điều này nhất là vì chúng tôi chơi thân với nhau. Những lúc gặp nhau tôi thường được cậu ấy đưa đi ăn phở, hút thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo, đôi lúc lại còn cho tôi gói kẹo Hải Hà to tướng làm quà cho con.

     Còn nhiều chuyện như thế lắm nhưng thôi không nói nữa. Tôi chỉ biết cam chịu cái số phận mà „con Tạo” đã xoay cho mình. Nhưng cam chịu không có nghĩ là tôi không hãnh diện và tự hào với cái nghề thày giáo. Này nhé, khi tôi đứng trên bục giảng, tuổi còn chưa đến 30 mà cả lớp học sinh hơn 40 người trong lớp cứ chăm chú, im lặng nghe tôi giảng bài. Khi ra khỏi giảng đường tôi còn nghe thấy họ kháo nhau: Môn này hắc búa quá, giáo trình lại ít, thày này có vẻ nghiêm lắm, không biết lúc thi thì xoay sở ra sao. Tôi hãnh diện khi có những sinh viên bằng hoặc hơn tuổi tôi, vì tham gia quân đội nên bây giờ mới trở về học đại học vẫn cứ gọi tôi bằng thày nghiêm túc. Tôi càng ngày càng yêu nghề dạy học, cảm thấy đây là một nghề giúp mình luôn có ý thức vươn lên, không bao giờ bằng lòng với những gì mình đang có. Tôi luôn nghĩ mình sẽ được trân trọng nếu thật sự là một tấm gương cho các em học sinh không chỉ về kiến thức mà cả những vấn đề khác.

     Để có được những điều đó thật không phải dễ, nhất là trong lúc đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, thế hệ chúng tôi thừa hưởng một nền kinh tế thiếu thốn và nhiều bức xúc trong xã hội. Tôi đã phải bí mật làm gia sư, đi dạy luyện thi. Tôi đã phải tiêu thụ giúp cho ông bạn làm nghề lái xe những món hàng „tuồn” ra từ những „cửa hàng Cung cấp”. Tất cả chỉ là để kiếm thêm chút tiền ít ỏi để lo cho cuộc sống đạm bạc của gia đình. Thời chúng tôi, đôi khi bực mình vì những chuyện trớ trêu. Ấy là khi chi đoàn giáo viên chúng tôi phải tổ chức kiểm điểm một đồng nghiệp của mình vì đã yêu một sinh viên trong khoa. Tình yêu của đôi bạn ấy thật vô tư, trong sáng chẳng có điều gì khuất tất. Nhưng bạn tôi lại bị kết tội là „đã làm mất hình ảnh của người thày, làm ảnh hưởng đến việc học tập của sinh viên”. Chúng tôi thừa biết nhận định này là của cậu bí thư chi bộ Đảng, một bộ đội xuất ngũ đang học cùng lớp với cô sinh viên kia. Nhưng khi ý của bí thư chi bộ trở thành nhận định của Đảng ủy Khoa thì chi đoàn chúng tôi phải tổ chức kiểm điểm.

     Dù sao, cho đến bây giờ tôi vẫn luôn cám ơn số phận đã cho tôi làm một người thầy giáo. Chỉ hơi buồn là bây giờ người thầy không còn được tôn trọng như xưa. Hình như những quan niệm mới về cuộc sống xã hội đang phá vỡ những truyền thống tôn sư, trọng đạo của người Việt. Người ta vẫn thường nhắc các giáo viên phải là tấm gương cho các em học sinh. Nhưng cũng vẫn con người ấy lại bảo các giáo viên phải thay nhân viên nhà hàng tiếp khách. Người ta coi nhà trường cũng là một Công ty nhỏ, chịu sự chi phối của công ty mẹ là chính quyền các cấp. Nếu đã coi như vậy thì việc điều động nhân viên của công ty con đi tiếp khách trong nhà hàng thì quả là đúng „quy trình”. Chưa kể là „đi tiếp khách còn được ăn và uống rượu thì còn kêu cái nỗi gì”. Có lẽ do ảnh hưởng của kinh tế thị trường nên ngày nay người ta coi trọng bằng cấp hơn. Vậy nên bất kì ai ở cương vị lãnh đạo nào cũng phải có bằng cấp. Nhưng để tiết kiệm thời gian, trong khi vừa làm vừa học, người ta không cần học hết các giáo trình, không cần làm luận án, chỉ cần có tấm bằng đóng dấu đỏ để được „Cục khảo thí” công nhận là xong. Những tấm bằng lòe loẹt kia được mua bằng quan hệ và bằng tiền. Những Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ, mua bằng kiểu này đều có những cái đầu rỗng tuyếch về kiến thức. Thế mà nhiều người còn được phong giáo sư cấp nhà nước nữa chứ. Những người thày trong hoàn cảnh này đã mất hẳn đi cái chất sư, chất đạo trong mình. Họ tặc lưỡi, chấp nhận những quy luật mới mà trước đây họ coi là bỉ ổi và thối tha. Thời chúng tôi, nhóm học sinh tại chức đến thăm thầy chỉ có cặp bánh Trung thu mà khi nhận cứ thấy ngượng. Nay thì thày nhận phong bì để cho „em” qua môn thi là chuyện bình thường. Ngày xưa, đi thỉnh giảng phải đi tàu hỏa, ô tô khách với vài đồng công tác phí của trường. Ngày nay, các giáo sư về dạy „Đại học từ xa” được xe con hạng sang đưa đón, khi về trong cặp có phong bì dày cộm. Xin hỏi giáo sư có nghiêm túc, công tâm được không?. Ai cũng bảo „gặp thời thế, thế thời phải thế”.

     Vừa rồi tôi được gặp mấy bạn đồng nghiệp đã về hưu. Thấy tôi ở Ba Lan đã hết thời tung hoành ngang dọc mới khuyên nên về nước tiếp tục nghiệp cầm phấn. Tôi hỏi thật lòng: „Đã bỏ bút, bỏ phấn 20 năm rồi còn đứng trên bục giảng được sao”. Bạn nói tỉnh bơ: „Bây giờ người tóc bạc dễ xin việc hơn người tóc xanh, chúng tôi bây giờ, dù đã nghỉ hưu vẫn có thu nhập không kém thời đang còn tại chức”. Tôi hỏi: „Vậy nếu có ý muốn trở lại làm thày thì cần có các điều kiện gì?”

- Có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc bằng Tiến sỹ. Cậu có bằng nước ngoài cấp càng tốt.

- Đã có một thời đứng trên bục giảng (thậm chí chưa bao giờ giảng nhưng là cán bộ nghiên cứu của một viện nổi tiếng nào đó cũng được).

- Tuân thủ các quy trình đào tạo của trường.

     Nghe bạn nói mà tôi thấy mình như trẻ lại vài chục tuổi, ngồi „mơ màng nghe chim hót trên cao”.

Xuân Nguyên

Vác-sa-va, tháng 11/2016

Sửa lần cuối 2016-11-19 00:08:10

Bình luận

Bình luận qua Facebook