2016-12-05 17:09:23

Cảnh sát xứ người

 

       Nếu như các chiến sĩ cảnh sát người nào trông cũng đễ mến như mấy cô trong ảnh này thì thỉnh thoảng cho họ bắt cũng được (Lời của tác giả bài viết Trương Đình Toe)

Thu đi đông lại, ban ngày ở trời Tây chỉ còn rộng tấc gang. Tôi xong việc lúc thành phố đã lên đèn, lững thững ra bãi lấy xe về. Trước khi lên xe, rút điếu thuốc ra hút, đứng ngắm trời ngắm mây. Đường phố vắng vẻ. Một chiếc xe cảnh sát thoáng qua. Được một quãng, bỗng nó dừng rồi quay đầu lại. Lướt qua chỗ tôi khoẳng vài trăm mét, nó lại dừng và lại quay đầu. Lần này thì tạt vào chỗ tôi. Trong xe có hai viên cảnh sát. „Bọn ma cô, chắc thấy người nước ngoài, lại định dở quẻ”! - Tôi bụng bảo dạ, nhưng không hề run sợ. Viên cảnh sát ngồi cạnh tài xế kéo kính xuống, hỏi: „Ông làm gì ở đây”? Tôi trả lời: „Tôi đứng hút thuốc”. Hai viên cảnh sát có vẻ nhìn nhau, chắc ngạc nhiên vì câu trả lời quá sõi của một người ngoại quốc. Cuối cùng y lại hỏi: „Cái xe nào là của ông”? „Sao ông biết là tôi có xe ở đây”? „Tôi đoán thế”. „Đây, cái xe mầu cộng sản đo đỏ là của tôi đó”. „Thế ông cho tôi xem giấy tờ”. Tôi liền rút giấy tờ xe đưa cho. Đèn đóm nhập nhèm, nhưng viên cảnh sát vừa giở ra đã kêu: „Ô, đúng xe của ông rồi”. Lại gập lại, trả cho tôi và chào rât lịch thiệp: „Chúc ông một buổi tối tốt lành”. Tôi cũng lịch thiệp cảm ơn. Chiếc xe cảnh sát rú ga, thoáng một cái đã mất hút. Chẳng có việc gì to tát xảy ra, nhưng tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi. Nếu mình không là người ngoại quốc, chắc chắn 100% không có việc bị hoạnh họe hôm nay. Trên đường về, vừa đi vừa nhớ lại những chuyện hoặc mắt thấy hoặc tai nghe về cảnh sát. Tiếc rằng không phải cuộc gặp gỡ nào với họ cũng kết thúc có hậu.

Có một anh người Việt ở tỉnh lẻ, làm nghề lái buôn. Một lần lên Vacsava lấy hàng, ngang đường bị cảnh sát giao thông tình cờ giữ lại. Giấy tờ tùy thân, đăng ký xe, hóa đơn hàng hóa đều có, nên chẳng ngại gì. Viên cảnh sát xem đi xem lại chán rồi, bất ngờ ngẩng đầu lên, nói: „Xe ông ghi trong đăng ký là xe tải của công ty. Vậy cái lưới ngăn khoang chở hàng của ông đâu”!? Bấy giờ anh mới ngẩn người ra. Nguyên Ba Lan là đất nước dân chủ, văn minh, nhưng có điều khoản luật pháp quái gở mà anh không tài nào hiểu nổi. Những xe con mua vào công ty, muốn được trừ thuế gia tăng, gọi là thuế VAT, thì phải lắp thêm cái lưới sắt ngăn cốp xe với ghế cho người ngồi. Và khi đó trong đăng ký xe được đề „xe vận tải”. Vì thuế VAT lên đến hơn 20% giá trị xe, không ai dại gì không bỏ thêm tý tiền ra làm. Cái lưới sắt thật chẳng có tác dụng gì, ngoài „giá trị” duy nhất là nếu chở nhiều hàng, phải chất cả cốp lẫn chỗ ngồi đằng sau thì rất vướng. Mỗi lần phải chất nhiều hàng, anh lại chửi. Chắc gã Thủ tướng hay Bộ trưởng nào đó có công ty sản xuất lưới sắt, nên bầy ra luật ấy chăng! Một ngày đẹp trời, anh tháo cái lưới sắt đó quẳng phéng đi cho bõ tức. Từ đó xe đi lại chở hàng hóa không có lưới. Thỉnh thoảng cũng bị công an kiểm tra dọc đường, nhưng chẳng ai hỏi han bao giờ, cho đến tận ngày hôm nay. „Xe không có lưới mà lại đăng ký là xe tải! – viên cảnh sát nói - Chúng tôi cứ giữ xe lại. Ông vào phòng thuế với chúng tôi”. Phải trái không biết. Nhưng nó cứ giữ lại nửa ngày đã là lôi thôi, nhỡ hết việc. Trong xe lại có chút hàng không đủ hóa đơn. Anh liền rút trong túi ra tờ 200, nói: „Thôi, các ông cầm lấy mà uống bia”. Nhưng đấy là nói khéo, hai trăm không phải mua được một hai chai bia, mà mua được rất nhiều bia. Gã cảnh sát lấm lét nhìn trước nhìn sau, tóm lấy chiến lợi phẩm, trả lại giấy tờ. Anh lên xe đi được một đoạn, nhìn qua gương, chợt thấy hai gã cảnh sát cũng vội vã lên xe, cấp tốc đuổi theo. Khi hai xe đi ngang nhau, gã cảnh sát thò biển qua cửa sổ, vẫy lại. „Nó còn muốn gì nữa? Bọn này còn láo hơn cả công an Việt Nam”. – Anh nghĩ bụng rồi tạt xe vào vệ đường. Chiếc xe cảnh sát cũng đỗ. Một gã cảnh sát xuống xe, đi lại. Anh kéo cửa kính xuống, hỏi: „Sao? Còn chuyện gì nữa”? Chẳng ngờ gã cảnh sát nói: „Ông đưa nhiều quá. Chúng ta phải hành xử với nhau như những nhà thương nghiệp biết điều”! Nói xong, quẳng lại vào xe anh... tờ giấy bạc 100, rồi quay gót.

Hồi ở Vacsava vẫn còn chợ trời „Sân vận động mười năm”, tôi có một cô người quen không có giấy tờ tùy thân. Một hôm chợ đến lúc sắp tan, cô bị hai gã cảnh sát tóm được, lôi ra chỗ vắng người, lột mất hai ngàn złoty. Cô gọi điện thông báo cho tôi việc ấy. Nhưng tôi cũng chẳng có sừng có mỏ gì, không biết làm thế nào, chỉ biết khuyên cô lần sau cẩn thận, không giấy tờ thì đừng bao giờ lang thang ở chỗ đầu đường xó chợ lúc vắng người, ngoài cảnh sát có khi gặp bọn côn đồ cướp bóc. Nhưng tôi cũng không thể yên lòng vì việc ấy. Hôm sau phàn nàn với một anh bạn người bản xứ. Anh nói: „Mày gọi điện thẳng đến Trụ sở Cảnh sát Thủ đô mà tố cáo”. „Tố cáo phỏng có ích gì? – Tôi thở dài – Chứng cớ chẳng có. Vả lại cùng là cảnh sát thì chúng nó bênh nhau, chứ đời nào làm to chuyện”. „Không phải thế - anh bạn nói. – Trong Cảnh sát Thủ đô có Ban chuyên chống tội phạm trong cảnh sát. Họ không dung những việc ấy đâu”. Tôi liền đánh bạo gọi điện. Đầu bên kia giọng phụ nữ trẻ. Nghe tôi nói vài câu thì nối điện thoại hai ba cầu, cuối cùng đến đúng cái Ban chống tội phạm trong cảnh sát như anh bạn nói. Một nữ nhân viên tiếp chuyện, nghe tôi tường thật vụ việc, cuối cùng đề nghị: „Ông đưa bà ấy đến đây để chúng tôi phỏng vấn”. Tôi nói: „Cô ây không có giấy tờ tùy thân, không bao giờ dám tự nguyện đến đồn cảnh sát”. Nhà chức trách nói: „Bà ấy là nạn nhân. Chúng tôi không quan tâm đến việc có giấy tờ hay không. Ông cứ thuyết phục bà ấy đến. Chúng tôi đảm bảo cho vô sự”. Tôi liền liên lạc vớ cô bạn và hẹn các nhà chức trách hôm sau gặp mặt. Hai nữ nhân viên mặc thường phục phỏng vẫn nạn nhân. Tôi làm phiên dịch. Họ hỏi rất tỷ mỷ và lập biên bản. Xong bảo chúng tôi về, chờ ngày ra đối chiếu, nhận diện nghi phạm. Tin tức họ sẽ thông báo cho tôi qua điện thoại. Ra nhận diện thì vai trò phiên dịch của tôi cũng hết, sẽ có mặt công tố viên và người ta cần phiên dịch tuyên thệ. Hôm ấy lại bận việc, tôi nhờ người khác chở nạn nhân đi, rồi ở nhà chờ tin tức. Hôm sau mới gặp lại, tôi hỏi: „Thế nào? Có nhận được mặt bọn nó không”? „Làm gì mà không nhận được – cô nói. - Nhưng chúng nó thoát rồi”! „Nhận được mà chúng nó lại thoát”? „Vì khi người ta hỏi lại là có chắc chắn không? Em trả lời rằng không chắc. Cả hai thằng đều thở phào nhẹ nhõm”. „Sao chắc chắn mà cô lại nói là không chắc chắn”? „Em sợ chúng nó trả thù”. „Chúng nó biết mình là ai mà trả thù”? „Ối giời ôi. Người ta đưa em vào phòng. Bốn thằng to lớn lực lưỡng đứng. Em hết cả hồn”. „Tao lại cứ tưởng nhận diện thì cũng như trong phim Mỹ: mình ngồi sau kính mờ nhìn thấy chúng nó, còn chúng nó không nhìn thấy mình”. „Chị phiên dịch cũng hỏi thế. Nhưng người ta bảo, muốn nhận diện qua kính thì phải đòi hỏi trước”. „Nào ai biết đâu là phải như thế. Thôi, sợ thì đành ‘làm phúc’ hai nghìn và cho chúng nó thoát cũng được” – Tôi chép miệng.

Lại có một anh có ông em ruột không giấy tờ. Ông em một thân một mình, nên ở tá túc cùng nhà với anh chị. Dạo ấy cảnh sát săn lùng người An Nam không giấy tờ rất ráo riết. Một hôm đến tám chín giờ tối rồi mà vẫn không thấy em về, anh nóng ruột liền ra phố tìm. Đến cái quán Việt Nam gần nhà, thấy ông em cùng một ông bạn nữa, cũng không giấy tờ, đương chén tạc chén thù. Anh liền quát: „Thằng kia về ngay! Giấy tờ không có, tiếng tăm thì không. Đêm hôm chén rượu chén chà, cảnh sát nó vồ được thì làm thế nào”? Hai ông bạn còn uống rốn mỗi người một chén rồi mới đứng dạy. Ba người vừa ra đến cửa quán, quả nhiên có hai gã cảnh sát đương tiến lại, đã rất gần. Hai ông bạn ngơ ngác, hồn vía lên mây, tỉnh cả rượu. Anh nói: „Chúng mày chớ hoảng lọan, cứ bình tĩnh mà đi, cấm không được chạy”. Hai ông bạn ngoan ngoãn từ từ rút lui theo hướng khác. Còn anh lững thững đi thẳng về phía hai cảnh sát. Gần đến nơi, ngẩng mặt lên nhìn một cái, rồi... ù té chạy. Hai viên cảnh sát có bản năng nghề nghiệp, lập tức đuổi theo. Ngày trẻ ở Việt Nam anh từng là vận động viên thi chạy. Bây giờ chạy vẫn còn khỏe lắm. Hai viên cảnh sát cũng không kém, có lúc còn chia hai ngả chặn đầu. Anh chạy hết hang cùng ngõ hẻm. Hai viên cảnh sát vẫn bám riết. Được cái chúng chỉ đuổi mà không bắn. Người đi đường ai cũng dừng lại, trố mắt nhìn. Anh chạy mãi, chạy mãi, bọn cảnh sát không tha, cuối cùng kiệt sức, đành bó chân chịu trói. Hai viên cảnh sát bắt được anh, nhưng cũng bở hơi tai. Họ hỏi gì anh cũng không nói, gọi cũng chẳng thưa. Liền đưa anh ra xe, chở về đồn. Lúc xuống xe trước cửa đồn, viên cảnh sát lại quát, hỏi lần nữa: „Dokument”! – dịch nôm ra là „Giấy tờ đâu?”. „A – Anh như ngủ mơ mới tỉnh - dokument”!? Bấy giờ mới rút giấy tờ xuất trình. Viên cảnh kiểm tra giấy tờ xong, lại khám xét người, túi quần, túi áo anh. Nhưng những thứ như tiền bạc, thuốc phiện, vũ khí..., tuyệt nhiên chẳng có gì. Y đành trả lại giấy tờ, thả anh đi, rồi nghiến răng chửi: „Ku-rờ-va”! - Câu này thì tục tĩu lắm, không dịch được.

Nhưng nghĩ đi, phải nghĩ lại. Công bằng mà nói, cảnh sát ở đây nói chung cũng chẳng đến nỗi gì. Tôi hồi xưa từng đọc bài phóng sự của một người Việt sống ở Nga, tựa đề: „Ở Moscva chỉ xin cho hai chữ bình an”. Người viết kể, thậm chí mình có giấy tờ hợp pháp đưa ra, cảnh sát xé phăng rồi bắt vào đồn vì tội.... không có giấy tờ hợp pháp. Ở Ba Lan những việc kiểu ấy vẫn chưa thể nào tưởng tượng được.  

Warszawa, 12/2016

 Trương Đình Toe

Sửa lần cuối 2016-12-05 16:10:58

Bình luận

Bình luận qua Facebook