Tập thơ: "Tiếng lòng người xa xứ" gồm 78 bài thơ. Dù vẫn biết rằng, ngày nay việc in thơ đều được nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam duyệt và đồng ý, nhưng thơ in nhiều như"nấm mọc mùa thu". Vì thế khi cầm tập thơ trong tay, tôi vẫn tò mò muốn biết các bài trong tập thơ này đã nói lên những gì? Có thể nói, nhà thơ là phụ nữ xa xứ không phải là nhiều, có lẽ Phương Lý là một trong những nữ sỹ đã thai nghén và sinh nở được những đứa con tinh thần trong điều kiện muôn vàn khó khăn của cuộc mưu sinh tự nguyện. Điều này chứng tỏ chị đã rất đam mê, cùng với năng khiếu thiên bẩm và nghị lực của chị để tập thơ ra đời, vì vậy bạn đọc gần xa nên trân trọng và chia sẻ.
Đọc thơ chị, có nhiều đề tài của cuộc sống hiện lên trong đó. Nhưng hơn hết qua các bài thơ đã khắc hoạ một Phương Lý vui tươi, tần tảo, yêu đời, yêu gia đình mình và biết hài lòng với cuộc sống xa xứ của mình. Một nhà thơ nữ rất Việt Nam, yêu thiên nhiên xứ người để hình dung những gì tốt đẹp trong đấy, và lồng vào trong đấy những gì tốt đẹp của tình yêu đôi lứa.
Chúng ta đều biết, khi đi xa, mỗi người đều mang trong lòng mình nỗi niềm nhớ quê hương, nhớ gia đình và bè bạn. Đặc biệt khi xa xứ với muôn trùng cách trở, lại là phụ nữ đi xa như chị, nỗi nhớ này khó tỏ được cùng ai, vì thế chị chỉ có thể gửi gắm vào các trang thơ của mình. Trong tập thơ, có những bài viết về cha mình, mẹ mình. Các bài: Xa mẹ trong mùa Vu Lan, Vu Lan nhớ cha, Ngày lễ của mẹ, Về bên mẹ, Viếng mộ cha...phần nào đã bộc lộ tình cảm của con đối với cha mẹ:
"Chỉ còn đêm nay bên mẹ nữa thôi
Ngày mai đến theo chồng về xứ lạ
Phút giây cuối vui lẫn buồn khó tả
Thương mẹ nhiều, một bóng lại đơn côi..."
( Xa mẹ trong mùa Vu Lan)
Bài thơ này mang tâm trạng chung của cô gái lần đầu xa mẹ về nơi xứ lạ. Xứ lạ ở đây có thể là về quê chồng, nhưng nó lại gắn bó với ta cả cuộc đời, vì vậy xứ lạ sẽ trở thành chốn thân quen sau này. Xứ lạ cũng có thể hiểu là vùng viễn xứ xa xôi. Thế nhưng, chỉ còn một đêm thôi, bao kỷ niệm về mẹ đã hiện về, để rồi không cho mẹ biết nhưng nước mắt cứ vậy âm thầm tuôn rơi. Và phút chia tay bịn rịn này đã đeo bám theo chị suốt cả quãng đời li biệt.
Với cha mình, ngoài tình yêu cha dành cho con, nhường cơm, xẻ áo cho con. Trong thơ có hình ảnh cha đã sẻ chia an ủi thật cảm động:
"...Xuất giá ra đi sống xứ xa
Buồn đau sinh nở kiếp đàn bà
Cha chăm an ủi con từng tý
Tạc dạ tình thương tựa Phật bà..."( Vu Lan nhớ cha)
Phương Lý đã xa quê hương hơn 25 năm. Điều này không có gì lạ khi các bài thơ của chị phần lớn viết về hoài niệm. Các bài: Quê tôi, Nỗi niềm hoa phượng, Ký ức quê hương, Nhớ xuân quê hương, Tuổi thơ tôi... rất nhiều bài trong tập thơ nói về nỗi nhớ quê, đọc xong cũng thấy đấy như là nỗi niềm nhớ nhung của chính mình:
"...Quê hương là những triền đê
Buổi chiều lộng gió tứ bề xôn xao
Quê hương là dải bờ rào
Hoa dâm bụt nở sắc đào khoe hương..."
( Ký ức quê hương)
Hoài niệm về tuổi thơ, tuổi cắp sách đến trường đầy mơ mộng:
"...Sân trường áo trắng chơi vơi
Tâm hồn xao xuyến nói lời chia ly
Ngậm ngùi lưu bút bạn ghi
Những dòng tình cảm sân si tuổi hồng..."
( Phút chia tay tuổi hồng)
Để rồi, mấy chục năm sau khi có dịp quay trở lại chốn xưa, bỗng bồi hồi nhớ lại người bạn học cũ. Phút chốc kỷ niệm tuổi học trò hiện về, rõ mồn một từ con đường, từ gốc cây hoa giấy với trò chơi trốn tìm. Rồi giật mình với hiện tại:
"...Hoa giấy vẫn nở sắc đào
Trở về đứng lặng...mơ vào tình xưa..."(Giàn hoa giấy)
Khác với các nhà thơ nữ trong nước, cuộc sống ở nơi đất khách với cách kiếm sống bằng kinh doanh. Tâm hồn và nhiệt huyết văn thơ cũng vì áp lực buôn bán làm cho tàn lụi. Người viễn xứ đều như vậy, tìm được nguồn cảm hứng đã khó, vậy mà tìm được người để chia sẻ càng khó hơn. Trong tập thơ này có bài viết về những trăn trở trong kiếp sống tha hương:
"... Xứ người mang nỗi vấn vương
Nửa hồn ở lại nửa phương quê nhà
Ngỡ đâu nơi đấy trải hoa
Thiên đường cuộc
sống...cũng là gian lao..." ( Bước chân viễn xứ)
Nếu trong một tập thơ, nhà thơ không viết về tình yêu thì khi đọc tập thơ đấy bạn đọc sẽ thấy thiếu mất ngọn lửa yêu, thứ chính là chất xúc tác để người viết và người đọc xích lại gần nhau. Đọc Phương Lý, trong tập thơ này chủ yếu chị viết về tình yêu. Đấy là tình yêu có hình bóng Anh, nhưng không ít bài không nhắc đến Anh, vậy mà lại tràn ngập cảm hứng yêu thương. Tình yêu ấy ngời lên trong các bài nói về thiên nhiên nơi quê nhà, thiên nhiên nơi mảnh đất hơn 25 năm chị đã gắn bó. Tình yêu đấy chính là những gì cuộc sống ban tặng bằng những giao lưu gặp gỡ, những vũ điệu nhảy uyển chuyển đến say đắm lòng người. Điều này cũng là cảm hứng giúp nhà thơ thổi nhạc vào thơ. Các bài: Vũ điệu đam mê, Tình yêu cẩm tú cầu, Nụ cười trong thu, Cỏ lau, Đêm, Giọt tình, Vãn cảnh sông Dunajca.v.v.v...
"...Màu hoa rực rỡ khoe trong nắng
Cháy bỏng tình yêu thủa mới đầu..."( Tình yêu cẩm tú cầu)
Trong bài"Hương mộc lan" có hình ảnh:"...Mộc lan hương toả ngất ngây/ Mộng mơ vẻ đẹp đắm say tình đầu..."
Bài thơ:"Nụ cười trong thu" là một trong những bài thơ hay. Bức tranh thu đẹp như chốn địa đàng, bởi vì trong đấy có lá vàng rơi, có gió chiều nhè nhẹ mơn man làn tóc, để nữ sỹ thả hồn theo gió và tưởng tượng ra"... Thiết tha tiếng gọi trong mơ/ Tình yêu nồng cháy vô bờ gửi trao/ Ngắm thu bỗng thấy chênh chao/ Nét duyên, chung thuỷ khát khao tặng người..."
Bài thơ"Giọt tình", viết theo thể thơ lục bát. Nhưng cách trình bày ngắt quãng, xuống dòng giữa từng câu chữ, tạo cho người đọc hình dung nét e thẹn của cô gái khi trao" giọt trinh nguyên" cho người mình yêu. Mặc dù cả bài thơ mô tả cuộc tình hết sức táo bạo, nhưng bù lại bằng cách dùng từ, bằng cảm xúc kín đáo của thơ ca, vì thế bài này trở nên rất hay và đầy sức sáng tạo linh động trong diễn đạt thơ:
" Trao anh
Mấy giọt trinh nguyên
Tiếng lòng run rẩy
Chính chuyên thẹn thùng...
... Đón dòng
Nước mát khoan thai
Nụ yêu kết trái
Hình hài trẻ thơ."
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không thể nói hết cảm nhận của riêng mình về những bài thơ hay, những câu thơ hay cùng bạn đọc. Nhưng cách các bài thơ như thể vừa muốn giải toả mệt mỏi của cuộc sống, vừa níu kéo tuổi xuân trôi theo năm tháng:
"...Kiêu sa bước nhảy tiến lùi
Mơ màng ánh mắt gọi mời tình yêu
Đắm trong tiếng nhạc phiêu diêu
Đoan trang cất giữ nét yêu phơi bày..."( Vũ điệu đam mê)
Hay trong bài"Tự sự":
"...Xúng xính áo quần mắt rạng rỡ
Làm duyên chụp ảnh nét vui tươi
Xả hơi sau những ngày làm việc
Giữ chút tuổi xuân ban tặng đời."( Tự sự)
Chỉ với những bài thơ mô tả cuộc sống hàng ngày như thế, cũng vẽ lên chân dung nhà thơ luôn vui cười và biết tự an ủi mình khi gặp chuyện không vui, và chính điều này nhiều khi tạo ra những nhỏ to khó chịu từ người khác. Chút phân trần dễ thương vừa như thanh minh, vừa như nhắn nhủ để được san sẻ và yêu thương:
"... Ta cứ sống nhân tâm, đời hiếu hạnh
Chẳng thẹn mình, mong tốt đẹp ngày mai"( Chẳng thẹn mình)
Hay bài thơ" Hạnh phúc tuổi hoàng hôn":
" ... Hãy yêu thương em như chính thân mình
Hãy để em làm điều mà mình thích
Được chăm sóc, hiểu lòng... lời cầu thỉnh
Để chúng mình hạnh phúc mãi bên nhau."
Khép lại một tập thơ với 78 bài thơ của Phương Lý, những gì chưa thể cùng bạn đọc cảm nhận hết vẫn còn chờ bạn đọc chia sẻ. Mỗi người đọc có một cảm xúc riêng. Nhưng thơ của Phương Lý đầy chất nữ tính. Chút vô tư, chút cam chịu và lòng vị tha để có những cảm xúc lãng mạn với đời. Có bài chị viết như chỉ dành cho riêng chị. Cũng rất nhiều bài chị viết vì người khác, về những mảnh đời bất hạnh khác. Trong đấy tràn đầy lòng thương cảm xót xa, nhất là các bài thơ viết về phụ nữ. Tập thơ mang tựa đề" Tiếng lòng người xa xứ", như mở ra cho những ai yêu thơ chị thấu hiểu nỗi lòng của người phụ nữ xa xứ khát khao tình yêu quê hương, tình yêu gia đình và tình yêu nhân loại... Chúc nhà thơ Phương Lý có những bài thơ hay để cùng san sẻ với bạn đọc yêu thơ.
Vac-sa-va, 07/3/2017
Nguyễn Mai Lê
Bình luận