2025-04-29 21:30:37

Làm thế nào để bảo vệ mình khỏi bị bọ ve cắn

Con bọ ve (tiếng Ba Lan là Kleszcz) là một loài sinh vật cùng nhóm với Mạt và cùng họ với Nhện (có tám chân). Bọ ve có cấu tạo rất đặc biệt, có cơ thể thích nghi nhanh với môi trường. Là một loài ký sinh trùng bắt buộc, bọ ve nhờ vào những loài động vật khác để sinh tồn và giống như muỗi, nó thích máu.

Ở Ba Lan, bắt đầu từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, khi nhiệt độ vượt quá khoảng 5°C và kéo dài đến tháng 10/tháng 11, Bọ ve bắt đầu xuất hiện. Chúng phát triển mạnh trong môi trường ấm áp, ẩm ướt và những nơi râm mát.Trong ngày, Bọ ve thường tấn công vào buổi sáng và cuối buổi chiều. Những con Bọ ve thường ở trên cành, lá của các cây cao (cũng có khi trong bụi rậm) và chờ đợi nạn nhân. Khi tấn công, chúng có tư thế đặc trưng là giơ hai chân trước ra để xác định vị trí nạn nhân. Sau đó chúng nhảy vào nạn nhân và tìm nơi thuận tiện để cắn. Khi vào được cơ thể nạn nhân, con ve có thể lang thang khắp cơ thể trong nhiều giờ để tìm chỗ thuận tiện có thể hút máu.

Bọ ve thường tìm những nơi mềm mại và ấm áp trên cơ thể nạn nhân, chẳng hạn như nách hoặc vùng sinh dục để bám chặt. Mõm của ve có một hàng dài các răng nhỏ được sắp xếp đối xứng. Nhờ đó, ve bám chặt được vào vật chủ. Một số loài ve còn sản sinh ra một loại keo giúp chúng bám được chặt vào vật chủ lâu dài. Bọ Ve không đốt như muỗi vì chúng không có vòi. Loài bọ này khoét một lỗ trên lớp biểu bì (lớp da trên cùng của con mồi) bằng phần sắc nhọn của miệng, sau đó cắm miệng vào mô của con mồi. Nước bọt của ve có chứa chất gây tê tại chỗ (giống như đỉa), giúp vết cắn của ve không bị phát hiện. Cũng vì lý do này, vết cắn của ve không gây đau như muỗi.​​​​​​​

Không giống như các loài ký sinh trùng khác, chẳng hạn như muỗi cái, chỉ hút máu trong thời gian ngắn, ve thích bám chặt vào con vật chủ trong nhiều giờ. Đôi khi, chúng có thể bám vào vật chủ (người hoặc động vật) tới 15 ngày để uống máu.

Ở Ba Lan có 20 loài Bọ ve, trong đó có ba loài có thể tấn công con người, bao gồm: ve thông thường (Ixodes ricinus), ve đồng cỏ (Dermacentor reticulatus) và ve bồ câu (Argas reflexus). Con cái có màu nâu nhạt, kích thước từ 2,5 đến 4 mm. Khi hút máu, nó sẽ đổi màu thành nâu đỏ và tăng kích thước lên tới 14 mm. Con đực nhỏ hơn, có kích thước từ 1,5 đến 2,5 cm. Những cá thể đói thường có mình dẹt, sau khi uống máu sẽ lồi ra. Chu kỳ phát triển của Bọ ve có thể kéo dài từ vài tháng đến thậm chí vài năm. Con cái đẻ từ vài trăm đến vài nghìn trứng. Từ đó nở ra ấu trùng, sau khi uống máu sẽ biến thành nhộng. Ở giai đoạn này, ve cũng cần máu để biến đổi thành ve trưởng thành. Toàn bộ chu kỳ phát triển của Bọ ve kéo dài 3 năm.

Theo các nghiên cứu của Viện Vệ sinh Quốc gia Ba Lan, Bọ ve không chỉ sống ở những khu rừng ẩm ướt trong thành phố mà còn ở công viên, ví dụ, tại Warszawa, trong Rừng Bielański và Công viên Hoàng gia Łazienki và thậm chí là vườn nhà. Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển, chúng chọn chiều cao cây khác nhau - những con nhỏ nhất (ấu trùng) có thể thấy trên các bãi cỏ cách mặt đất 30-50 cm. Khi phát triển, chúng chọn cỏ và cây bụi cao tới 100 cm. Ve cái trưởng thành thường ẩn núp trên các bụi cây cao tới 150 cm.

Bọ ve có nguy hiểm không?

Bọ ve rất nguy hiểm vì chúng là vật trung gian truyền nhiều loại bệnh do vi-rút và vi khuẩn gây ra. Trong số các loại bệnh, nổi tiếng nhất là bệnh Lyme (do xoắn khuẩn  gây ra). Bệnh Lyme được gọi là bệnh nhiễm trùng gây phát ban đỏ. Vết ban thường không ngứa hoặc đau nhưng gây các triệu chứng như sốt, đau đầu, cứng cổ, tim đập nhanh và cảm giác mệt mỏi. Nếu không chữa kịp thời, có thể gây ra méo một bên hoặc cả hai bên miệng, đau khớp xương. Nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó, có thể xảy ra các cơn đau khớp và sưng tấy lặp lại. Thỉnh thoảng, bệnh nhân thường bị đau nhói hoặc ngứa ran ở tay và chân. Mặc dù được điều trị thích hợp, khoảng 10 đến 20% bệnh nhân bị đau khớp, gặp các vấn đề về trí nhớ, và cảm thấy mệt mỏi trong ít nhất sáu tháng.  

Theo các nhà khoa học từ Đại học Y khoa Gdańsk, Bọ ve đồng cỏ (Dermacentor reticularis) thường xuyên bị nhiễm vi-rút TBE, loài này có ở các thành phố (bao gồm cả Warszawa) và các khu vực tự nhiên (Białowieża). vi-rút TBE khi tấn công vào hệ thần kinh trung ương, gây viêm màng não hoặc viêm não, để lại di chứng thần kinh kéo dài hoặc vĩnh viễn ở 10-20% bệnh nhân mắc bệnh.

Ngoài ta, Bọ ve cũng có thể gây nhiễm bệnh sốt rét, bệnh babesia và bệnh rickettsia. Bệnh babesia phát sinh khi kí sinh trùng xâm nhập vào hồng cầu của người bệnh. Do đó, người bệnh sẽ có các biểu hiện sốt, máu khó đông và đi giải ra huyết cầu tố. Bệnh Rickettsia hay còn gọi là sốt Rickettsia, do vi khuẩn Rickettsia thuộc họ Rickettsiaceae gây ra. Người phát bệnh thường có các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi và phát ban.

Nên nhớ rằng, vết cắn của Bọ ve không phải lúc nào cũng gây ra bệnh. Người ta ước tính rằng cứ ba con ve thì có một con bị nhiễm bệnh, nhưng không nên coi thường khi bị Bọ ve cắn.

(Bệnh nhân có biểu hiện mẩn đỏ tại nơi Bọ ve cắn)

Phải làm gì sau khi bị Bọ ve cắn

Nếu bạn phát hiện có ve trên trong người, hãy tìm cách lấy nó ra càng sớm càng tốt và khử trùng vùng bị cắn.

Để gắp ve ra, hãy dùng kẹp hoặc nhíp kẹp chặt con ve, càng gần da càng tốt. Kéo Bọ ve ra khỏi da một cách chậm và đều. Không vặn hoặc xoắn Bọ ve khi đang kéo nó ra. Phải cẩn thận không để đầu con ve bị gẫy và kẹt lại trong da. Phải cẩn thận không ấn vào bụng con ve khi bắt nó ra. Theo dõi vị trí cắn trong vòng 6 tuần. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng đáng ngờ nào, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức. Bạn cũng nên giữ lại con ve đã bắt được và đem đi kiểm tra.

Bảo vệ cơ thể ở những nơi có Bọ ve

Khi đi vào rừng, hãy mặc quần dài, áo sơ mi dài tay và giày cao cổ. Hãy nhớ đội mũ trên đầu. Tốt nhất nên dùng quần áo sáng màu vì sẽ dễ nhìn thấy con bọ hơn. Khi đi bộ đường dài, hãy tránh những con đường rậm rạp, bụi rậm hoặc cây dương xỉ. Một giải pháp khác là sử dụng thuốc xua đuổi ve, ví dụ như: thuốc thương hiệu Hunter. Sau khi về nhà, nên kiểm tra toàn bộ cơ thể thật kỹ và cũng nên tắm rửa sạch sẽ. Còn khi làm vườn, rất khó để bảo vệ cơ thể bằng quần áo. Vậy nên hãy chăm sóc cho khu vườn của mình luôn sạch đẹp, không để cỏ dại và chăm lo cắt cỏ để ngăn chặn ve. Đừng tạo điều kiện cho ve có chỗ trú ngụ. Chúng ta có thể trồng những loại cây có chứa tinh dầu có tác dụng như thuốc xua đuổi chúng, thí dụ như: cây cúc vạn thọ, cây bạc hà mèo Faassen, hoa oải hương, cây hương thảo, cây cúc Dalmatian hay cây mây. Ngoài ra, trên thị trường cũng có bán thuốc trừ sâu mà chúng ta có thể phun lên cây trong vườn. Dung dịch Ascip 1% rất có tác dụng xua đuổi Bọ ve.

Hãy cẩn thận và luôn chú ý bảo vệ mình ở những nơi có thể có Bọ ve, tuy nhiên bạn không nên từ bỏ các hoạt động ngoài trời khi mùa hè đến.

Xuân Nguyên (Tổng hợp tin theo các báo Ba Lan)

Sửa lần cuối 2025-04-29 19:30:37

Bình luận

Bình luận qua Facebook