2010-08-21 04:01:44

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI BA LAN

 Việt Nam và Ba Lan là hai nước có nhiều điểm tương đồng: Cùng có diện tích gần 330 ngàn km2, Việt Nam ở Châu Á, Ba Lan ở Châu Âu – đều là những quốc gia đứng hàng trung bình về diện tích. Hai nước có lịch sử chống ngoại xâm hào hùng; mặc dù bị các cường quốc ngoại bang xâm chiếm, đô hộ, nhưng đã anh dũng đứng lên chiến đấu và giành thắng lợi vinh quang. Suốt thời kỳ dài hai nước có mối quan hệ mật thiết và sâu sắc. Người Việt Nam và người Ba Lan rất giống nhau ở sự thông minh, tháo vát, nhạy cảm, kể cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Đặc biệt rất nhậy cảm trong lĩnh vực làm kinh tế.

Trên báo Quê Việt tháng 2 và 3/2000, nhà sử học Nguyễn Đức Hà đã giới thiệu với chúng ta người Ba Lan đầu tiên đến Việt Nam từ thế kỷ thứ 17 – giáo sĩ Michał Boym. Đây có thể là dấu ấn đầu tiên cho mối bang giao giữa hai đất nước. Hiện chúng tôi chưa có tài liệu nào nói về người Việt Nam đầu tiên đến Ba Lan. Thế kỷ 15, 16 đã có nhiều nhóm lái buôn từ Đông Nam Á sang buôn bán tại quốc gia này, song không biết rõ trong đó có người Việt Nam hay không.

Nói về sự hình thành cộng đồng người Việt tại Ba Lan có thể chia làm hai giai đoạn lớn:

 - Giai đoạn 1 – từ đầu thập niên 50 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Có thể gọi đây là giai đoạn „Lưu học sinh”.

- Giai đoạn 2 – Từ cuối thập niên 80 cho tới nay – giai đoạn „Làm kinh tế và cư trú”.

 

I. Giai đoạn „Lưu học sinh”

 Các nhà nghiên cứu về người di tản Việt Nam của Bộ Nội Vụ Ba Lan gọi đây là thời kỳ „những vị khách được mời”- (goście proszeni hoặc mile widziani),

 Lưu học sinh Việt Nam đến Ba Lan đầu tiên vào năm 1952. Lúc bấy giờ Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước phát triển giúp các nước thứ ba đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lí. Một số thanh niên Việt kiều ở Tây Âu (nhất là ở Pháp) xin sang các nước XHCN tu nghiệp, để khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi sẽ về xây dựng Tổ quốc. Trong bối cảnh đó, Ba Lan nhận 2 sinh viên Việt kiều từ Pháp cùng nhóm lưu học sinh Trung Quốc. Đó là các anh Phan Công Minh – tu nghiệp ngành y ở Łódź và anh Lê Tuấn Tú học về mỏ ở Kraków. Anh Phan Công Minh là người phiên dịch cho Hồ Chủ tịch khi Người tới thăm Ba Lan năm 1957.

Người Việt Nam đầu tiên định cư tại Ba Lan có lẽ là một phụ nữ Nam Bộ, lấy một anh lính lê dương gốc Ba Lan, đã chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Hòa bình lập lại, anh ta làm thợ mỏ ở Hồng Quảng. Năm 1956 chị và các con theo anh về Ba Lan, sống ở Ebląg (gần Gdansk).

 Nhóm lưu học sinh đầu tiên từ Việt Nam sang Ba Lan theo khuôn khổ hiệp định giữa hai nước vào năm 1955 gồm 25 người, năm sau: - 27 người. Họ là cán bộ, bộ đội và học sinh có trình độ từ lớp 7 trở lên. Hai năm đầu học tiếng và bổ túc văn hóa rồi sau đó phân công vào học tại các trường đại học.

Mãi tới năm 1963 mới có nhóm tiếp theo – 20 người, năm 1964 – 18 người. Liên tục các năm sau đó, số lưu học sinh được cử đi càng ngày càng đông và cao điểm là vào thời kỳ 1966, 67, 68, 69, 70, 71, khoảng 200 – 400 người/năm. Ba Lan mở thêm hai trung tâm dạy tiếng nữa cho lưu học sinh Việt Nam ở Wrocław và Kraków. Số lượng sinh viên Việt Nam chiếm xấp xỉ 30% tổng số sinh viên ngoại quốc. Sau này, số lượng ít đi, Đến những năm 80, mỗi năm chỉ có 20 – 40 sinh viên và nghiên cứu sinh được cử đi theo đường Bộ Đại học. Ngoài ra, còn có thực tập sinh hoặc nghiên cứu sinh trong khuôn khổ hợp tác giữa các nghành, các bộ của hai nhà nước. Ngành học chủ yếu: toán, lý, hóa, sinh vật, văn hoc, mỏ, địa chất, trắc địa, địa vật lý, thủy văn, nông nghiệp, kinh tế, đóng tàu, hàng hải, vô tuyến điện, chế tạo máy bay, cơ khí chính xác, xây dựng, kiến trúc v.v...Tập trung nhiều ở các thành phố lớn: Warszawa, Wrocław, Krakow, Łódź, Poznan, Gdansk, Sopot, Gdynia, Szczecin, Torun. Olsztyn... Các học viện Quân sự Ba Lan đào tạo cho Việt Nam một số lượng không nhỏ kỹ sư và tiến sĩ trong các lĩnh vực khoa học quân sự. Thời kỳ cuối 60 đầu 70, nhiều nhà máy đã cử các đoàn công nhân sang thực tập hay các đoàn học sinh học nghề tại các nhà máy Ba Lan. Trong đó phải kể đến đoàn 300 thanh niên đi học kỹ thuật đóng tàu ở Gdansk, 500 học sinh học theo học ngành khai thác mỏ tại các mỏ than miền nam Ba Lan...

 Lưu học sinh và thực tập sinh được trổ chức vào các đơn vị theo thành phố, trường học hoặc các nhà máy, dưới sự quản lý của Đại Sứ Quán. 

Trong giai đoạn này, Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 4 000 cử nhân, tiến sĩ và thực tập sinh sau đại học. Hầu hết đều về nước làm việc. Nhiều người đã và đang đảm đương các trọng trách trong bộ máy nhà nước cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học. Một số ở lại (càng về sau tỉ lệ ở lại càng cao) lập gia đình và định cư làm ăn, sinh sống...

Nhận xét về lưu học sinh Việt Nam, hầu hết người Ba Lan cho rằng đó là những con người cần cù, thông minh, hiền lành, lễ độ và đoàn kết. Do biết tiếng và hiểu biết văn hóa xã hội Ba Lan, nên họ cùng các tầng lớp trí thức người Việt khác trở thành lực lượng nòng cốt trong cộng đồng người Việt sau này. 

 Ảnh 1 – Một lớp học tiếng, khóa học 1969 – 1970 ở Wroclaw trong đợt nghỉ đông tại Karpacz.

 Ảnh 2 – „Múa sạp” – do lưu học sinh đoàn Warszawa trình diễn tại trại hè năm 1973.

II. Giai đoạn „Làm kinh tế và cư trú”

 

 Các nhà nghiên cứu Ba Lan gọi những người Việt đến đất nước họ trong giai đoạn này là „những vị khách không mời „ (Goście nieproszoni hay nie mile widziani).

 Làn sóng người Việt Nam sang Ba Lan từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước cho đến nay chủ yếu vì lí do kinh tế, họ ra đi phần lớn không phải chỉ để kiếm sống, mà muốn cải thiện điều kiện sống của mình, hay nói một cách hình ảnh: không chỉ kiếm bánh mì, mà kiếm bánh mì và bơ. Tuy nhiên lí do tu nghiệp vẫn là lí do thứ hai.

Có thể chia thành 3 thời kỳ nhỏ hơn: 

 

1. Từ cuối thập niên 80 tới những năm đầu của thập niên 90, thế kỷ trước.

 

Đó là thời kỳ đi chợ lẻ, do Ba Lan chuyển đổi thể chế, cơ chế thị trường được hình thành, các chợ lẻ mọc lên khắp nơi. Cả một thời gian dài trước đó kinh tế Ba Lan khó khăn, hàng hóa khan hiếm, vì vậy hàng kém chất lượng giá rẻ rất thu hút khách hàng. Trong khi đó, ở Việt Nam lúc bấy giờ, lương trung bình của một kỹ sư khoảng 400 ngàn đồng/tháng (tương đương 45 đô la Mỹ), vậy mà một buổi đi chợ tại Ba Lan cũng kiếm được nhiều hơn mức lương trên. Vì vậy, ngoài những anh chị em đang học tập ở Ba Lan, nhiều cán bộ đi công tác tại các nước khác cũng ghé qua đây vài tháng, thậm chí một vài năm để đi chợ, Một số chuyên gia đang làm việc tại Angieri, Angola nghỉ hè sang Ba Lan tranh thủ làm kinh tế. Không ít công nhân, lưu học sinh làm việc và học tập tại Liên Xô cũ, Bungari, Tiệp Khắc..., khi khối Xã hội Chủ nghĩa tan rã, chuyển qua Ba Lan lập nghiệp. Dần dà số người Việt ở đây đưa theo gia đình và người thân, bạn bè sang. Khắp các thị trấn thành phố lớn, nhỏ trên toàn Ba Lan đều có người Việt Nam đến bán hàng. Đúng như người Ba Lan nhận xét: „Nếu như Ba Lan không có chợ trời thì sẽ không có nhiều người Việt Nam đến như vậy”. Ở đây phải kể đến vai trò của các chị em công nhân đoàn may Uniów (Łódź), là những người đi tiên phong, xuống đường làm kinh tế. Song song với việc bán chợ lẻ, những người có vốn, có mối quan hệ đã nhập hàng từ Việt Nam, cung cấp cho người đi chợ. Phương thức lấy hàng đi bán trước và thanh toán sau cũng hình thành từ đó. Một số sinh viên, nghiên cứu sinh do mải mê làm kinh tế, đã bỏ học và làm bằng. Ngoài ra một số người hoạt động trong lĩnh vực tái xuất máy tính điện tử, hàng vải từ Ba Lan sang Nga và các nước khác. Tại Warszawa có các nhà hàng Đông Nam, Bông Sen, Rồng Vàng và một số bar của người Việt phục vụ ăn nhanh. Người Việt Nam tập trung chủ yếu ở Warszawa và một số thành phố lớn như Poznan, Kraków, Łódź, Wroclaw, Gdansk, Kraków, Katowice...

 

Ảnh 3 – Chị em „Đoàn may Łódź” – những người tiên phong xuống đường làm kinh tế - kỷ niệm 20 năm ngày sang Ba Lan.

 

1. Từ giữa thập kỷ 90 đến đầu thế kỷ 21.

 

Đặc trưng là sự ra đời và hoạt động của chợ Sân Vận động Mười năm. Đại đa số tiểu thương người Việt từ khắp Ba Lan tập trung về đây, tại phía tây khu chợ trời lớn nhất Châu Âu này, dọc theo đường sắt và ga Stadion. Năm 2003 người Việt có 1285 quầy bán hàng tại đây, nhưng năm 2006 giảm xuống chỉ còn 1179 quầy.

 

 Ảnh 4 – Chợ trời Sân Vận động Mười Năm, nơi có gần 1300 quầy của người Việt Nam lúc sầm uất nhất. 

 Hình thức buôn bán đã thay đổi, chủ yếu bán buôn, hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, Việt Nam, hàng Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Triều Tiên và hàng Ba Lan... Có tới 90% người Việt sống tại thủ đô Warszawa. Số còn lại sống ở các thành phố lớn. Mỗi thành phố ước chừng 300 người, với hình thức làm ăn chủ yếu vẫn là bán lẻ. Ở Warszawa tồn tại một số chợ bán lẻ mà người Việt Nam chiếm số đông: như chợ Trung tâm, chợ Gỗ, chợ Banacha, Hala Marimon, hala Mirowska...

Nhà hàng và các quán bar phát triển. Theo thống kê, riêng tại Warszawa, thời điểm cao nhất có khoảng 30 – 40 nhà hàng và 400 - 600 quán bar. Món ăn Việt Nam được người Ba Lan ưa thích vì rẻ và ngon miệng.

Một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng có tiềm năng tiếp tục nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, Trung Quốc... hoặc tái xuất hàng sang các nước khác. Một số chuyển sang kinh doanh thực phẩm Châu Á. Cộng đồng đông lên, khả năng giao tiếp bằng tiếng sở tại hạn chế, đội ngũ làm dịch vụ như phiên dịch, dịch vụ hải quan, y tế, hợp thức hóa, kế toán, thuế má, bảo hiểm, vé máy bay... hình thành. Một số người làm việc trong khu vực nhà nước như nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học, ngành khai thác mỏ, cảnh sát...

Do sự truyên chuyền, làm dịch vụ ở nhà, nhiều người đã phải vay mượn để được đưa đi Ba Lan làm ăn với hy vọng đổi đời. Có vùng, có xã hàng trăm người ra đi. Nhưng việc kiếm tiền lúc này không phải dễ như trước nữa, nếu không có vốn hoặc không có nơi nương tựa. Vậy là xuất hiện tầng lớp kéo xe chuyển hàng hoặc phụ bán hàng.

Khác với giai đoạn trước, hầu hết những người có giấy tờ tiến hành thành lập công ty, đóng thuế và đóng bảo hiểm. Nhìn chung các công ty của người Việt Nam là các công ty nhỏ (từ 1 – 9 người) thường là công ty gia đình hay kết hợp cùng người thân, bạn bè.

Nhiều gia đình mua nhà, tạo cuộc sống ổn định. tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội.Các tổ chức của cộng đồng phát triển mạnh mẽ.

2. Giai đoạn từ đầu thế kỷ 21 tới nay;

 

 

Đó là sự xuất hiện các trung tâm buôn bán tại Wólka Kosowska và Trung tâm Maximus tại Wolica (phía nam Warszawa).

.Đứng trước nguy cơ chợ Sân Vận động có thể tan trong thời gian không xa, mặt khác, phần lớn tiểu thương người Việt đã trưởng thành và ổn định về kinh tế và cuộc sống; nhiều người vào thuê quầy tại Trung tâm GD vùng Wolka Kasowska, làm cho việc buôn bán ở đây khởi sắc, hoạt động tấp nập, hiệu quả; một số doanh nghiệp Việt Nam đứng ra xây dựng các trung tâm thương mại như trung tâm ASG, EACC, TM, EACC v.v... Đây là những trung tâm khang trang, quy củ, cộng với các cơ sở quy mô của người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tạo thành quần thể các trung tâm buôn bán. Theo thống kê năm 2007, người Việt Nam có tới 1700 quầy trong các trung tâm vùng Wolka Kosowska và Maximus. Người Việt ở các thành phố khác dần dần cũng về làm ăn tại Warszawa. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ hoạt động trên chợ Sân vận động, mặc dù nó đang bị thu hẹp dần (đã đóng cửa vào 31. 07. 2010).

Ngoài những công việc chính như đã nêu ở trên còn có các dịch vụ xây dựng, vận tải và làm đẹp được hình thành và phát triển.

Chợ bán buôn PTAK ở Łódź thu hút người Việt Nam thuê lại hàng trăm quầy để làm ăn

 

 

Ảnh 5 – ASG – trung tâm thương mại đầu tiên của người Việt tại vùng Wolka Kosowska (ngoại ô Warszawa)

Ảnh 6 – Bên trong Trung tâm Thương mại ASG.

 

3. Một số đặc điểm của cộng đồng thời kỳ này:

 

 

 a. Hợp thức hóa:

Do điều kiện và hoàn cảnh, người Việt Nam đến Ba Lan bằng những con đường khác nhau, hợp pháp, bất hợp pháp

Trước năm 1991, việc đi lại của công dân Việt Nam sang đất nước này tương đối dễ dàng trên cơ sở hộ chiếu có đóng dấu AB và hộ chiếu công vụ. Năm 1991 hai nước tiến hành cấp thị thục nhập cảnh thì việc vào Ba Lan trở nên khó khăn, do việc hạn chế dòng người di tản tràn sang đây. Người Việt vượt biên trái phép và sống bất hợp pháp tại Ba Lan tương đối cao. Không ai biết được chính xác số lượng người Việt Nam tại Ba Lan là bao nhiêu. Bộ Nội Vụ Ba Lan ước tính vào những năm 2000, 2002 có khoảng 40 - 60 ngàn người , hiện nay là 50 ngàn. Nhà Việt Nam học đồng thời là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về người di tản Việt Nam tại Ba Lan - tiến sĩ Teresa Halikowa - ước chừng từ 20 – 30 ngàn người. Theo chúng tôi, xấp xỉ 25 ngàn người.

Báo cáo nghiên cứu về "Người di tản Việt Nam và chính sách di tản của Việt Nam" của Bộ Nội vụ và Hành chính - tháng 6. 2007 cho hay: Trong các năm 1994 – 2006 Ba Lan đã cho phép 2268 người Việt định cư. Năm 2005- 2006 : 177 người được định cư theo tiêu chuẩn EU (pobyt rezydenta długoterminowego WE), Trong các năm 1992 – 2006 có khoảng 2000 người Việt có quốc tịch Ba Lan. Hai đợt xét cư trú nhân đạo (năm 2003 và 2007) cấp thẻ cho 1695 người. Hàng năm trên 1000 người xin cư trú ngắn hạn, hầu hết được đồng ý. Một người được phép tị nạn. Một số khác được cấp viza nhân đạo do sau khi tạm giam vì sống bất hợp pháp, không xác định được nguồn gốc.

Như vậy cho đến nay có khoảng 16 -17 ngàn người sống có giấy tờ hợp pháp tại Ba Lan (số liệu của tiễn sĩ Teresa Halikowa), ngoài ra một số không nhỏ có giấy tờ Tiệp và các nước khác. Nhiều người đã trở về Việt Nam đầu tư, số khác sang nước thứ 3. Từ năm 2005, Ba Lan vào khối schengen, nên việc giao lưu đi lại dễ dàng, Người Việt có giấy tờ hợp lệ tại các nước khác sang Ba Lan làm ăn. Cuộc sống càng ngày càng ổn đinh, từ chỗ thuê nhà, rồi mua căn hộ cũ, nay nhiều gia đình mua nhà mới, đất đai. Nhiều doanh nghiệp mua, thuê đất xây dựng trung tâm buôn bán, kho bãi... Các hoạt động cộng đồng phát triển, nhu cầu văn hóa, du lịch càng ngày càng cao. 

 b. Giáo dục và đào tạo

 Việc học hành của trẻ em được chú ý. Học sinh Việt Nam được đánh giá cao trong các trường học. Chúng hòa nhập rất nhanh vào xã hội Ba Lan. Một số không nhỏ gia đình đã gửi con đến các nước phát triển học tập. Nhiều cháu theo học tại các trường nổi tiếng thế giới. Thời kỳ này, Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 500 người có trình độ đại học trở lên. Trong đó có một giáo sư cấp nhà nước và nhiều giáo sư trường. Khoảng vài chục anh chị em đang làm công tác khoa học hoặc giảng dạy tại các trường đại học, một số là chuyên gia đầu ngành trong một vài lĩnh vực. Về phía cộng đồng, đã tổ chức trường dạy tiếng Việt cho các cháu, hàng năm ĐSQ và các tổ chức cộng đồng phát phần thưởng cho các học sinh có thành tích học tập xuất sắc...

 

 

Ảnh 7 - Lễ khai giảng trường tiếng Việt cho các cháu thiếu nhi. 

 

 Ảnh 8 – Một lớp học tiếng Ba Lan trong chương trình ‘Tiếng Ba Lan của tôi” do EU và chính phủ Ba Lan tài trợ.

c. Các tổ chức xã hội

 Năm 1986, những sinh viên ở lại Ba Lan đã thành lập „Hội Văn hóa Xã hội người Việt Nam tại Ba Lan – Đó là tổ chức xã hội đầu tiên của người Việt trên đất nước này. Cho tới đầu năm 1998, trước khi Ban đại diện Lâm thời người Việt Nam tại Ba Lan ra đời, trong cộng đồng tồn tại các tổ chức xã hội sau:

- Hội Văn hóa Xã hội Người Việt Nam tại Ba Lan

- Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan

- Ban Đại diện Phụ huynh Học sinh.

- Câu lạc bộ Phương Đông.

Đại diện của các hội đoàn trên cùng với một số cá nhân có uy tín trong cộng đồng tập hợp nhau lại trong „Ban Đại diện Cộng đồng” nhằm tiến tới thành lập một tổ chức chung cho người Việt ở Ba Lan. Trong thời gian này, do nhu cầu, Ban Đại diện Cộng đồng tiến hành thành lập „Ban Từ thiện Cộng đồng” và „Hội người Việt Nam trên chợ Sân Vân động Mười Năm” nhằn giải quyết những vấn đề cụ thể đang xẩy ra.

Ngày 20. 03. 1999, sau thời gian dài chuẩn bị, Hội người Việt Nam tại Ba Lan „Đoàn kết và Hữu nghị” ra đời. Đây là bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của cộng đồng. Hội là hạt nhân trong các hoạt động cũng như đại diện cho cộng đồng Việt Nam đối với chính quyền và các đoàn thể Ba Lan. Sau đó, nhiều tổ chức khác của cộng đồng được hình thành và phát triển: như Hội người Cao Tuổi, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, Hội Những Người yêu Đạo Phật, Nhà Văn hóa Thăng Long, Các hội đồng hương: Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Tây, Hải Phòng... Liên đoàn bóng Đá Việt Nam tại Ba Lan, Câu lạc bộ Tenis, Câu lạc bộ Những Người Yêu Thơ, Câu lạc bộ Văn Lang, Câu lạc bộ Lê Quý Đôn, Trường tiếng Việt và còn nhiều các đoàn thể tổ chức khác... Nhiều tờ báo của cộng đồng đã xuất hiện và tồn tại được thời gian khá dài như : như Phương Đông, Quê Việt, Đàn Chim Việt, Tương Lai, Nối Vòng tay lớn v.v... Trong đó, báo Quê Việt của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan „Đoàn kết và Hữu nghị’ tồn tại lâu nhất và bền vững nhất. Báo có nội dung thiết thực với cộng đồng nên được mọi người đón nhận. Hiện ngay báo được nguồn tài trợ của quỹ EU và chính phủ Ba Lan. Báo có phiên bản điện tử, cập nhật hàng ngày.

Một đặc điểm nổi bật của cộng đồng người Việt tại Ba Lan: mặc dù có nhiều hội đoàn như vậy nhưng hầu hết các hội đoàn đều hỗ trợ các hoạt động cho nhau và coi Hội Người Việt Nam tại Ba Lan „Đoàn kết và Hữu nghị” là tổ chức nòng cốt trong cộng đồng.

 

 

 

 

Ảnh 9 – Văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch... là những hoạt động thường xuyên của cộng đồng người Việt tại Ba Lan.

 

Ảnh 10 – Lễ kỷ niệm mười năm ngày thành lập Hội người Việt Nam tại Ba Lan „Đoàn kết và Hữu nghị”.

d. Tôn giáo

 Cộng đồng phát triển đòi hỏi nhu cầu về tôn giáo. Đầu những năm 90 một số bà con theo giáo phái Thanh Hải.

Một ngôi chùa của người Malasja ra đời ở Warszawa (theo một số người đi chùa này nói, thì có thể đây là đạo Cao đài, Tam kỳ Phổ độ , hay còn gọi là Thiên đạo?). Trước đây, số người Việt đến chùa khá đông. Hiện nay có khoảng 10 người đang theo giáo phái này.

Vào năm 1966, Cha Eward Osieski đã tập hợp những người Công giáo Việt Nam lại thành một cộng đồng khoảng 600 người. Cộng đồng này có được sự cảm tình nhất định với nhà thờ và chính quyền và người dân Ba Lan. Hiện nay có linh mục người Việt chủ trì các hoạt động nhà thờ của tổ chúc công giáo nói trên.

Một cộng đồng Đạo Tin lành người Việt Nam được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước. Số người hiện đang theo Đạo Tin lành khoảng 50, trong đó có 25 người tham gia tích cực.

Năm 2005, cùng với sự ra đời của chùa Thiên Việt, Hội Những Người Yêu Đạo Phật được thành lập và được nhiều người hưởng ứng, nhất là thế hệ người cao tuổi. Do chợ sân vận động bị đóng cửa, chùa nằm trong khu đất giải tỏa, cộng đồng đã mua đất xây dựng chùa để giải quyết nhu cầu tâm linh của bà con cộng đồng.

Ngoài ra, một vài người Việt theo đạo Gie-ho-va (tháp canh)

 

 

Ảnh 11 – Đại lễ Vu lan – Báo hiếu năm 2010 tại Lesznowola (ngoại ô Warszawa). 

 Ảnh 12 – Đại sứ Nguyễn Văn Xương trao tặng bằng khen của bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các cá nhân và đơn vị có nhiều cống hiến cho cộng đồng.

e. Tội phạm

 

 Theo nhận định của cảnh sát, người Việt Nam ít khi là đối tượng quan tâm của cảnh sát và viện công tố, thông thường họ phạm các tội: sống bất hợp pháp, và tội phạm kinh tế. Ít gặp tội phạm hình sự. Từ năm 1990 – 2006 có 240 người Việt bị tạm giam và bị tù (do các tội: cưới giả, giấy tờ giả, khai báo không thật, rửa tiền, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hối lộ và buôn người...) Tuy nhiên người Việt Nam cũng là người bị hại . Từ năm 1998 – 2006 có 236 công dân Việt Nam bị hại (đây mới chỉ là con số chính thức). Một vài năm gần đây, do biên giới thông thương, người từ các nước trong khối Schengen đi lại dễ dàng, người Việt trồng cần sa Ấn Độ xuất hiện và tăng nhanh. Đài Truyền hình TVP1 cho biết: Từ đầu năm nay đến giữa tháng 6. 2010, toàn Ba Lan có 25 vụ trồng cần sa bị phát hiện thì 18 vụ là của người Việt Nam. Đây là hiện tượng làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của người Việt Nam trong con mắt của chính quyền và nhân dân Ba Lan.

 

Tóm lại, cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan bắt đầu hình thành và tồn tại gần 60 năm. Lúc đầu là những lưu học sinh, sau là những người sang đây cư trú và làm ăn. Cho đến nay cộng đồng có khoảng 25 ngàn người và có tới thế hệ thứ ba. Đó là một cộng đồng có truyền thống, có tổ chức, đoàn kết, thành đạt và nòng cốt là giới trí thức đang sinh sống tại Ba Lan.

 

Nguyễn Sơn

Sửa lần cuối 2012-12-20 10:09:59

Bình luận

Bình luận qua Facebook