BBT: Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2010, Thủ tướng D. Tusk đã rất cảm động khi được tiếp xúc với đông đảo các cán bộ, sĩ quan Việt Nam từng được Ba Lan đào tạo trong các trường Đại học. Đó chính là vì người Việt chúng ta với văn hóa „uống nước nhớ nguồn” đã khiến cho những tình cảm bắt nguồn từ trái tim luôn là những gì vô giá.
Nhân dịp này, Quê Việt muốn gửi đến bạn đọc những hình ảnh và tình cảm của một cựu lưu học sinh Việt Nam tại Ba Lan do báo „Người đương thời” giới thiệu. Ông chính là Nguyễn Đăng Cường…
Phần I
NĐT (Người Đương Thời): Nền tảng gia đình luôn là nền móng vững chắc cho sự phát triển của tài năng, nhân cách và sự thành công của mỗi người, và ông cũng không là ngoại lệ?
Ông NĐC (Nguyễn Đăng Cường): Cụ thân sinh tôi là nhà giáo yêu nước. Tốt nghiệp trường Bưởi Hà Nội và dạy học tại thị xã Phủ Lý - Hà Nam từ năm 1927 đến năm 1945. Năm 1946, theo lời kêu gọi ”Tiêu thổ kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch, cụ tự tiêu hủy nhà cửa và đưa cả gia đình theo Ty Giáo dục Hà Nam theo kháng chiến. Năm 1950 cả gia đình chạy vào vùng tự do Thanh Hóa và cụ tiếp tục dạy học tại đó. Trải qua nhiều khó khăn gian khổ, nhưng cụ một lòng theo kháng chiến đến cùng. Năm 1950 anh cả tòng quân và sau là Quân y sỹ chiến trường Điện Biên Phủ và được kết nạp Đảng tại đó. Năm 1953 anh thứ hai được cử sang Trung Quốc học. Năm 1954 cả gia đình trở về Hà Nội khi vừa được giải phóng. Anh cả từ Điện Biên Phủ, anh thứ hai từ TQ, tất cả chúng tôi tìm nhau nhiều ngày, và cuối cùng chúng tôi gặp nhau trong nước mắt vui mừng khôn xiết. Năm 1956 tôi được nhà nước cử đi học tại Ba Lan lúc tôi mới chỉ là cậu thiếu niên 16. Sau đó các anh em trai của tôi lần lượt được cử ra nước ngoài học và đều trở thành giáo sư, tiến sĩ thuộc thế hệ đầu ở nước ta sau 1954. Sau này tất cả đều được cử đi dạy Đại học ở châu Phi nhiều năm. Năm 1972, em trai tôi - giảng viên Đại học Xây dựng tham gia chiến trường chống Mỹ, và cùng Quân đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt tại Sài Gòn những ngày 30-04-1975. Cụ thân sinh hai lần nhận ”Bảng Gia Đình Vẻ Vang” trong hai cuộc kháng chiến do Nhà nước ta trao tặng. Có người hỏi: Từ đâu tôi được cử đi học sớm như vậy? Suy cho cùng chủ yếu là nhờ bố mẹ có lòng yêu nước, một phần nhỏ là thành tích học tập.
NĐT: Như ông đã nói, thời thanh thiếu niên của mình gắn liền với đất nước Ba Lan xinh đẹp, ắt hẳn nơi ấy để lại trong ông nhiều kỷ niệm và là môi trường tốt nhất đã ươm mầm cho những thành công của ông sau này? Được biết ở nơi ấy ông còn được gặp Bác Hồ nhiều lần?
Ông NĐC: Tôi sống và học tập tại Ba Lan từ năm 1956 đến năm1964. Tốt nghiệp thạc sỹ kỹ sư đóng tàu tại Đại học Gdansk, nổi tiếng về khoa Đóng tàu của Ba Lan. Cả quá trình học tập, tôi không phải thi bất cứ kì thi nào, kể cả chuyển các cấp phổ thông và vào đại học. Đó phần nhiều do may mắn. Tám năm sống và học tập tại Ba Lan, từ thuở niên thiếu, tôi có rất nhiều kỷ niệm với đất nước, con người Ba Lan, và có lẽ vì thế đến nay tiếng Ba Lan vẫn nói, đọc, viết thông thạo. Hiện tôi vẫn giữ mối quan hệ sâu đậm với nhiều gia đình Ba Lan. Mối quan hệ như anh em ruột thịt, xuyên biên giới, và cả 3 thế hệ (con cái) suốt hơn nửa thế kỉ cho đến nay, vì tình bạn tình hữu nghị, tình người. Có thể nói, không ai đã từng học tập hoặc hiện đang ở Ba Lan lại có quan hệ lâu bền như thế, thậm chí các bạn Ba Lan cũng nhận định như vậy.
![]() |
Ông Nguyễn Đăng Cường cùng vợ - bà Trần Thị Minh Châu và các con - Nguyễn Hải Đăng, Nguyễn Hải Sơn. |
Nhiều người đề nghị tôi viết lại những kỷ niệm cho báo Quê Việt của cộng đồng ta ở Ba Lan. Nhưng tôi mới chỉ viết cho mình: ”Ba Lan ấn tượng một thời” trong đó có đề cập rất nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi thời ấy chính là những ngày được gặp Bác Hồ. Đó là vào các ngày 20.7 đến ngày 24.07.1957 khi Bác thay mặt Đảng và Nhà nước ta thăm Ba Lan trong chuyến đi nhiều nước XHCN sau khi hòa bình lập lại 1954. Lúc này tất cả sinh viên và sứ quán Việt Nam chỉ vỏn vẹn khoảng 60-70 người ở Ba Lan. Vì vậy chúng tôi cũng được ưu ái. Ngày nào cũng được gặp Bác, tổng cộng 4 lần.
Lần đầu tiên tại sân bay quốc tế Vacsava. Tổng thống, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tổng bí thư Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao nhất Ba Lan có mặt hôm ấy, chúng tôi được đứng nối tiếp ngoại giao đoàn của Ba Lan ngay hàng đầu để chờ đón, hồi hộp. Chiếc máy bay chở Bác dừng ngay phía trước, chỉ cách chỗ mọi người khoảng 100m. Tất cả lãnh đạo Ba Lan ra tận cầu thang máy bay đón Bác. Sau nghi thức, Bác cùng tổng thống Ba Lan đến chỗ chúng tôi. Không khí nhộn nhịp hẳn lên với những tiếng chào thân thương ”Bác ạ! Bác ạ!”
- Này, thế cháu tặng hoa Bác đi chứ - Bác nói.
Bác tươi cười nhắc cô gái đang ôm bó hoa do Đoàn phân công, nhưng vì mừng rỡ mà quên „nhiệm vụ”. Cô gái sinh viên VN lúc này mới trao tặng Bác bó hoa tươi thắm. Khi Bác cùng các lãnh đạo Ba Lan ra xe mui trần, để đi vào trung tâm TP, chẳng ai bảo ai, chúng tôi chạy ùa ra vây kín xe Bác. Quá bất ngờ, nên các sỹ quan an ninh không kịp trở tay. Thế nhưng, dường như ai cũng hiểu tình cảm Bác với thanh thiếu niên, nên họ chỉ mỉm cười chia sẻ. Các nhà lãnh đạo Ba Lan, ngồi trên xe cùng Bác, cũng tươi cười chia sẻ niềm vui.
- Các cháu cứ về đi. Bác sẽ bố trí để các cháu gặp!
Chỉ sau khi Bác nói thế chúng tôi mới dãn ra, và xe mới có thể lăn bánh. Những tình cảm thắm thiết trên là đề tài cho tất cả các báo chí của Ba Lan vào ngày hôm sau. Trong lịch sử ngoại giao nói chung và của Ba Lan nói riêng, chưa bao giờ có tình huống đầy bất ngờ và xúc động như vậy. Tất cả bình luận, lại chỉ để ngợi ca mối quan hệ thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh thiếu niên VN.
Lần thứ 2 gặp Bác là ngay hôm sau, trong không khí gia đình sứ quán VN. Bác hỏi chúng tôi chuyện học hành, chuyện có nhớ nhà không, rồi chuyện có trồng được rau thơm, ớt cho món ăn Việt Nam không? Tôi được nghe Bác nói tiếng Pháp với nhà báo của Đảng Cộng Sản Pháp (Vợ là người Việt Nam) cùng với nhà báo Thép Mới VN đi cùng trong đoàn Bác. Rồi Bác cùng chụp ảnh chung. Bác bảo gọi tất cả các cháu Ba Lan, lúc này đang đứng bên ngoài bờ rào của sứ quán háo hức nhìn Bác, vào chụp ảnh cùng. Lại một lần nữa an ninh Ba Lan bị bất ngờ.
Lần thứ 3 được gặp Bác tại Cung thiếu niên Ba Lan, nằm trong lâu đài Cung văn hóa tại Trung tâm Vacsava. Tôi được chứng kiến Bác nói tiếng Nga. Bác cùng chúng tôi nhảy múa với thiếu nhi Ba Lan.
Lần cuối cùng gặp Bác ở Ba Lan tại sân bay để tạm biệt Bác trong lưu luyến.
Những ngày gặp Bác ở Ba Lan để lại trong tôi kỷ niệm không phai mờ. Rồi năm 1960, sau 4 năm tôi có dịp về VN nghỉ hè, và lại được gặp Bác (lần thứ 5) Dạ hội Thanh niên Thủ đô tại Bách Thảo Hà Nội, chào mừng thành công Đại hội III của Đảng ta.
Năm 1969, trong lúc tôi đang trong đoàn Bộ thủy sản thăm Cu Ba theo chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ thì tin Bác mất. Lần này tôi chỉ được gặp Bác trong trái tim và nước mắt. Trong lễ truy điệu Bác tại sứ quán, tôi và tất cả sinh viên VN đã khóc như những đứa trẻ. Cũng tại đây chúng tôi gặp 2 con gái của Chegevara lúc này mới khoảng 6 và 9 tuổi.
Năm lần gặp Bác, quả thực là quá may mắn trong đời. Năm 2007, kỷ niệm 50 năm gặp Bác, tôi đã phóng to các ảnh chụp chung với Bác, và nó trở thành kỷ vật vô giá của cả gia đình.
NĐT: Ngay sau khi tốt nghiệp, ông đã về nước? Và ông đã bắt đầu như thế nào?
Ông NĐC: Ngay sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ kỹ sư đóng tàu, từ Ba Lan về nước, tôi được phân công về Tổng cục Thủy sản (sau là Bộ Thủy sản) chuyên về thiết kế đóng tàu cá. Và bắt tay làm việc ngay với chuyên gia nước ngoài trong dự án thiết kế và đóng hai tàu cá đầu tiên của VN. Năm 1976, là viện phó Viện thiết kế cơ khí tàu thuyền trực thuộc Bộ Thủy sản, tôi đã tham gia trực tiếp tất cả các công trình tàu cá, tàu tôm, trong đó chuyên sâu về các máy móc thiết bị...Tôi đã cùng ngư dân đi đánh cá thử trên các tàu, các nghề tại vịnh Bắc Bộ trong đó chủ yếu vịnh Hạ Long. Đã hướng dẫn nhiều sinh viên tốt nghiệp. Biên soạn một số chương cho qui phạm đóng tàu biển đầu tiên do Đăng kiểm VN chủ trì....
Năm 1984, được sự phân công của Bộ, tôi chuyển vào HCM, giữ chức PTGĐ Công ty Cơ khí Thủy sản III (Khu vực phía Nam) mới thành lập trực thuộc Bộ. Lĩnh vực phụ trách là thiết kế chỉ đạo thi công thiết kế bị khai thác thủy sản trên 30 tàu cá đóng cho TP.HCM.
Từ năm 1988 chuyển sang phụ trách kinh doanh và thiết bị, xuất khẩu. Từ năm 1995 - 2000 kiêm tổng giám đốc Liên doanh COMPOFAC về Composite với Hàn Quốc. Nói chung trong tất cả các lĩnh vực đều thành công, có hiệu quả lớn. Từ năm 1964 - 1984 tôi gắn bó với miền Bắc, và từ năm 1984 - 2007, tôi vào Nam công tác và sinh sống cùng gia đình.
(còn nữa)
Theo Người đương thời
Bình luận