2009-07-21 23:22:02

Chuyện tiếng Mẹ đẻ: "Như sanh, như sứa" và “hơi rung đổ hột”

Ở Huế có một cụm từ dùng chỉ những người nói nhiều, nói dở mà lại nói dai: Chị ta nói “như sanh, như sứa”; ông ta bị vỗ tay mời xuống, rứa mà cũng đèo queo bám riết cái mi-cờ-rô, nói “như sanh, như sứa!”.

Trước khi tìm hiểu “sanh, sứa” là gì, tưởng cũng nên nói qua đôi nét về tật nói nhiều của không ít người. Đây có thể là một thói quen, một cá tính hay một thứ bệnh. Dường như không nói và không một mình “cướp diễn đàn” thì không chịu nổi nên có người lên xe lam từ Bình Chánh lên Chợ Lớn, mới yên vị trong xe đã mở máy nói.

Chị ta nói chuyện với bạn đồng hành nhưng hầu như trước sau chỉ có chị nói và nói một lèo cho đến khi xe ngừng mới chịu… tắt máy. Thôi thì đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện xưa chuyện nay; có những chuyện không ăn nhập gì với nhau, không đâu vào đâu nhưng vẫn được oang oang kể lại, không đếm xỉa gì đến khách chung quanh đang tỏ thái độ khó chịu. Phần nhiều là chuyện riêng tư nhưng họ không ngại phơi bày nơi đông người.

Có người cho rằng mình “nói nhiều” thì là “biết nhiều” mà người “biết nhiều” thì ai cũng tôn trọng và hâm mộ! Cho nên họ cứ nói. Phần nhiều những người này còn trẻ tuổi, thần kinh vững, đầu óc nhanh nhạy nên nên những cân nói, lời ý của họ tuôn ra dễ dàng, lưu loát như nước chảy, một điều mà giới cao tuổi thường bị tuổi già tước đoạt. Chỉ tiếc rằng nội dung các câu chuyện của họ chẳng có giá trị gì.

Sanh là một nhạc cụ thuộc bộ gõ, sứa cũng vậy; cả hai đều làm bằng gỗ cứng như gỗ trắc, gỗ mun. Sanh thường gồm hai đoạn, mỗi đoạn dài cỡ một tấc. Người nhạc sĩ cầm một thanh ở tay trái, hơi khum bàn tay lại, tạo ra một khoảng trống, tay trái dùng thanh kia để gỏ lên sẽ phát ra tiếng “cắc” nghe dòn tai.

Sứa cũng được chuốc từ gỗ cứng hay gốc tre già thành hai miếng, bàn tay mặt cầm hai miếng úp vào nhau và đánh lên làm nhịp. Tùy theo điệu nhạc mà tiếng sanh hay tiếng sứa phát ra nhanh chậm khác nhau. Gặp những điệu hát Chầu Văn sôi nổi hay “nói vè” thì nhịp nhạc trở nên nhanh vui rộn rả, tiếng “sanh, sứa” có khả năng gây đinh tai, nhức óc. Do thế mà những chị đàn bà nói nhiều, nói dai, nói the thé, kể lể… thường được ví: nói như sanh như sứa.

Về “giọng hát đổ hột”, thuật ngữ này xuất xứ từ trò chơi "đổ xăm hường" thường được diễn ra ngày tết, ngày xuân ở Huế. Đúng ra là "đổ thiên hồng". Thiên có nghĩa là cái thẻ bằng tre hay bằng gỗ, còn hồng là màu đỏ người ta sơn vẽ lên chiếc thẻ. Về sau ngườì ta gọi chiếc thẻ đó là xăm, giống như đi xin xăm trên chùa. Còn hồng thì phải gọi là "hường" vì kỵ tên Hồng Nhậm vốn là tên húy của vua Tự Đức.

Muốn chơi trò này phải dùng sáu hột tào cáo (còn gọi là con xúc xắc) đổ vào một cái bát sứ mỏng, gọi là gieo hột hay đổ hột. Phải là bát sứ mỏng, nếu được bát kiểu Giang Tây thì càng tốt, sáu con xúc xắc bằng ngà được gieo vào lòng bát, chạm vào thành bát vang lên tiếng lanh lảnh, dòn tai mang một âm thanh vui vẻ, tưng bừng đầy sức sống. Nếu là bát đất nung thì tiếng phát ra sẽ đục, sẽ “cành cạch” không reo vui như trong bát sứ.

Ngày Tết đi ngang nhà nào nghe tiếng đổ hột lanh canh hoà với tiếng nói cười vui vẻ thì biết nhà đó đang chơi trò đổ xăm hường. Trò chơi này là trò chơi dân tộc đề cao kẻ sĩ, những người có học chữ thánh hiền, nhờ học giỏi mà thi đổ. Trạng nguyên,Thám hoa, Bảng nhãn… là những thẻ xăm lớn nhất trong cổ xăm hường. Riêng về từ “đổ hột” thì dùng để ví với giọng hát lanh lảnh reo vui, đầy sức sống như sáu con tào cáo được đổ xuống lòng bát của các cô ca sĩ.

Ta thường khen giọng hát ca trù của bà Quách Thị Hồ là giọng hát với “hơi rung đổ hột”. Đúng vậy, từ thuở chưa có micro bà đã có giọng hát như chuông vàng và không cần máy khuếch đại cũng có khả năng hát lên rất cao, giọng khoẻ lanh lảnh, dòn tan, có thể ví với hơi rung đổ hột.

(Theo Vietnamnet) 
Sửa lần cuối 2012-12-19 12:14:56

Bình luận

Bình luận qua Facebook