2025-07-20 12:30:16

Người phát ngôn Hội Người Việt tại Ba Lan: Chúng tôi là người Ba Lan gốc Việt

Ngày 19/7/2025 thông tấn xã Ba Lan (PAP) đã thực hiện buổi phỏng vấn Karol Hoang, người phát ngôn Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, chủ tịch Quỹ Hỗ trợ người Việt Nam Hội Nhập. Buổi phỏng vấn được thực hiện sau làn sóng biểu tình của người Ba Lan với tiêu đề "Stop imigracji - Chặn nhập cư" được tổ chức cùng ngày ở 80 thành phố lớn nhỏ trên toàn quốc. Trước đó đại diện cho Hội Người Việt Karol Hoang đã viết trong thông cáo báo chí:

„Chúng tôi với lo lắng quan sát thấy rằng tại Ba Lan đang gia tăng các xu hướng bài ngoại, được một số chính trị gia kích động. Các khẩu hiệu cho cuộc biểu tình dự kiến ngày 19/7 với chủ đề ‘Stop imigracji’ đã khiến chúng tôi phản đối”.

„Chúng tôi, người Ba Lan gốc Việt, cũng là người nhập cư – nhưng Ba Lan là nhà và tổ quốc của chúng tôi. Ở đây chúng tôi sống, làm việc và nuôi dạy con cái, để các em lớn lên như những người Ba Lan”.

„Bản sắc văn hóa của chúng tôi tồn tại song hành với sự gắn bó với Ba Lan. Chúng tôi không phải là 'người lạ'. Ba Lan đã cho cộng đồng chúng tôi một cơ hội sống mới – và chúng tôi đáp lại bằng cách đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Chủ nghĩa yêu nước thực sự là cộng đồng được xây dựng trên sự tôn trọng, chứ không phải sợ hãi hay bài ngoại. Những tâm lý như vậy chỉ dẫn đến chia rẽ, và nạn nhân cuối cùng sẽ là toàn xã hội Ba Lan”.

„Chúng tôi công nhận quyền của Ba Lan trong việc bảo vệ biên giới và trật tự công cộng, nhưng kiên quyết bác bỏ ngôn ngữ thù hận và định kiến đối với người nhập cư”.


Ảnh nền của trang Uwaga - Người Việt ở Ba Lan với dòng chữ "Chúng tôi cảm ơn vì Độc Lập - Người Việt Nam" được Thông Tấn Xã Ba Lan (PAP) chọn làm minh họa cho bài phỏng vấn.

PAP: Các ông bày tỏ lo ngại về làn sóng chống người nhập cư tại Ba Lan. Thành thật mà nói, điều đó làm tôi hơi ngạc nhiên, vì cộng đồng người Việt không chỉ là nhóm thiểu số châu Á lâu đời nhất ở Ba Lan mà còn rất được kính trọng và thiện cảm. Vậy lý do của những lo ngại này là gì?

K.H.: Đúng vậy, lịch sử cộng đồng chúng tôi tại Ba Lan bắt đầu từ cuối những năm 1950, nhưng đỉnh cao là cuối những năm 1980 và đầu thập niên 1990, khi sinh viên và nhà khoa học Việt Nam ở lại và định cư. Đó là thế hệ đầu tiên của người Việt tại Ba Lan, đi cùng quá trình chuyển đổi chính trị của đất nước. Hiện nay, đã có thế hệ thứ ba sinh ra và lớn lên tại đây. Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng mình là người Ba Lan gốc Việt, không phải khách, mà là một phần của xã hội Ba Lan.

Nhưng trước khi đến được điều đó, nhà nước Ba Lan đã tạo điều kiện cho ông bà, cha mẹ chúng tôi được định cư. Nếu trong những năm 1990 hoặc đầu 2000 mà có làn sóng bài ngoại mạnh như hiện nay, thì cộng đồng chúng tôi đã trông rất khác. Ngoài ra, Ba Lan là xã hội gần như đơn nhất về sắc tộc và văn hóa – nên mọi làn sóng chống nhập cư, được khuấy động bởi một số chính trị gia, đều ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng của chúng tôi.

PAP: Có phải tôi hiểu đúng không – vẫn chưa có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra, nhưng các ông lo rằng điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra?

K.H.: Không, điều đó đã bắt đầu rồi – ví dụ trong trường học. Tôi đang nói đến những khẩu hiệu cực đoan như “đuổi tất cả người nhập cư, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp”. Chúng tạo ra không khí căng thẳng và khiến chúng tôi lo sợ rằng một số nhóm sẽ xem chúng tôi giống như những người nhập cư bất hợp pháp – là những người xa lạ về văn hóa và tinh thần. Con tôi sinh ra tại Ba Lan và, cũng như tôi, cảm thấy mình là người Ba Lan. Nhưng các em có vẻ ngoài khác biệt, nên chúng tôi đã nhận được tín hiệu rằng trẻ em gốc Việt đang bị kỳ thị.

Hiện đó chỉ là những trường hợp riêng lẻ, nhưng tôi hiểu rằng chúng bắt nguồn từ môi trường – trẻ em lặp lại những gì nghe từ gia đình hoặc mạng xã hội. Chúng tôi không muốn những khẩu hiệu như “mày không thuộc về đây” trở thành điều bình thường.

PAP: Trong tuyên bố của ông có nói rằng cộng đồng người Việt ủng hộ việc bảo vệ biên giới quốc gia. Vậy ông có phân biệt được giữa người Việt đến làm việc, được cộng đồng tôn trọng, con cái học tốt, với những người cố gắng xâm nhập bằng vũ lực và mong chờ được hưởng phúc lợi?

K.H.: Để rõ ràng: chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh cho tất cả cư dân tại Ba Lan. Nhưng chúng tôi phản đối việc đánh đồng tất cả người nhập cư vào cùng một nhóm – điều đó là bất công với chúng tôi.

Chúng tôi đã trải qua một quá trình nhập cư kéo dài từ những năm 90, trong đó không phải ai cũng đến Ba Lan hợp pháp ngay từ đầu, nhưng vào một thời điểm nhất định, nhà nước Ba Lan đã tạo cơ hội hợp pháp hóa cho những người chăm chỉ, không gây rắc rối. Trong thập kỷ 2000 đã có ba đợt ân xá như vậy. Tôi đảm bảo rằng những người đó hiện nay là công dân gương mẫu, nuôi dạy con cái với tinh thần yêu nước.

PAP: Vậy có phải ông cho rằng Ba Lan nên mở cửa biên giới và tiếp nhận cả những người từ châu Phi hiện đang dùng bom xăng tấn công biên giới Ba Lan–Belarus?

K.H.: Nếu ai đó cố gắng vượt biên trái phép – biên giới nên được bảo vệ. Nhưng khẩu hiệu “chống nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp” mà một số chính trị gia đang cổ vũ – là điều tổn thương và nguy hiểm với chúng tôi.

Chúng tôi là người nhập cư đã trở thành người Ba Lan, và không phải lúc nào nhà nước Ba Lan cũng mở cửa với người nước ngoài – ngay cả với những người có trình độ cao muốn sinh sống lâu dài. Bất cứ ai trong cộng đồng chúng tôi có giấy tờ hợp pháp đều sẽ nói rằng luật nhập cư Ba Lan cực kỳ nghiêm ngặt.

K.H.: Nhân tiện nói thêm, Ba Lan trong nhiều thập niên không có một chính sách nhập cư rõ ràng. Nhà nước chỉ tập trung vào việc ai nên được phép vào và bao nhiêu người, nhưng không mấy ai nghĩ đến việc cần làm gì để biến họ thành những công dân tốt, và con cái họ thành công dân đầy đủ quyền. Để nhảy tango, phải có hai người.

PAP: Ông có nghĩ rằng hiện tại là một tình huống đặc biệt, khi cả châu Âu – không chỉ Ba Lan – đang đối mặt với làn sóng nhập cư lớn? Với tư cách là đại diện cộng đồng người Việt, ông cho rằng chúng ta nên làm gì?

K.H.: Tôi – cũng như các thành viên trong tổ chức mà tôi đại diện – ủng hộ bảo vệ biên giới Ba Lan. Chúng tôi đứng về phía an ninh công cộng. Nhưng nếu ai đó đang sinh sống hợp pháp, làm việc và đóng góp cho đất nước – thì họ không nên bị coi là mối đe dọa vì họ là người nhập cư.

Một số nhóm rao giảng rằng “Ba Lan chỉ dành cho người Ba Lan”, với ý nghĩa sắc tộc hoặc tôn giáo. Nhưng tôi, và nhiều đồng hương của tôi, cảm thấy mình là người Ba Lan. Con cái chúng tôi – nhiều khi nói tiếng Ba Lan còn tốt hơn cả tiếng Việt.

Trong 10 năm qua, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để mở cửa, để không còn bị xem là cộng đồng khép kín. Chúng tôi muốn người dân hiểu rằng, khi mang theo văn hóa riêng, chúng tôi không từ chối hội nhập. Chúng tôi ủng hộ hội nhập, đồng hóa – nhưng trên nền tảng giữ gìn bản sắc.

Con cháu chúng tôi sẽ là những thế hệ đóng góp vào nền kinh tế Ba Lan, làm giàu văn hóa nước này với các giá trị như siêng năng, học tập, kính trọng người lớn tuổi. Chúng tôi sống ở Ba Lan – và chấp nhận văn hóa Ba Lan.

Chúng tôi nói với con cái mình: nếu con muốn trở thành người Ba Lan – thì hãy chấp nhận tất cả hệ quả của điều đó. Hãy học nhảy polonez thay vì chỉ múa quạt. Nhưng tốt nhất, hãy biết cả hai điệu.

Tuong Vy.

Sửa lần cuối 2025-07-20 11:09:56

Bình luận

Bình luận qua Facebook