2025-07-21 09:44:24

Vấn đề người nhập cư tại châu Âu và Ba Lan

Ngày thứ Bảy (19/7) nóng bỏng tại 80 thành phố của Ba Lan, trong đó có Warsaw, Krakow, Wrocław, Łódź, Poznań, Gdańsk, Białystok và Lublin với việc diến ra 110 cuộc biểu tình chống nhập cư và hô vang khẩu hiệu "Ngừng nhập cư!". Các cuộc biểu tình này do đảng Konfederacja cùng với các nhóm cánh tả tổ chức.

Theo thông cáo của cảnh sát, các cuộc biểu tình không gây bạo động lớn. Tuy nhiên, vẫn phải huy động tới 4200 cảnh sát để giữ gìn trật tự. Tổng cộng có 12 vụ việc "sẽ được đánh giá về các yếu tố hình sự", 117 vụ vi phạm hành chính. Ngoài ra là một số vụ việc được ghi lại trên mạng xã hội, hiện đang được phân tích và điều tra.

Vấn đề người nhập cư ở châu Âu hiện nay đang là một trong những thách thức lớn và phức tạp nhất, tác động sâu sắc đến chính trị, kinh tế và xã hội của các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Nó đang gây ra căng thẳng trong nội bộ các chính phủ của liên minh (như trường hợp Ba Lan) và giữa các quốc gia thành viên EU về trách nhiệm tiếp nhận và chia sẻ gánh nặng.

Theo thống kê, dòng người di cư từ các khu vực bị chiến tranh, xung đột, nghèo đói và biến đổi khí hậu ở Trung Đông, Châu Phi, và Châu Á đổ về châu Âu ngày một gia tăng. Các tuyến đường chính là qua biển Địa Trung Hải (đặc biệt là đến Ý và Tây Ban Nha) và vùng Balkan phía Tây. Ngoài ra, Ba Lan và các quốc gia Baltic cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng biên giới do Belarus dàn dựng, khuyến khích hàng chục ngàn người di cư (chủ yếu từ Trung Đông, Châu Á và Châu Phi) tìm cách vượt biên trái phép.

Trong năm 2024, đã có 2,3 triệu người nước ngoài đến EU. Đức là quốc gia nhận được số lượng lớn nhất, theo sau là Tây Ban Nha và Ý. Ngoài ra, hàng triệu người Ukraine vẫn đang được hưởng quy chế bảo vệ tạm thời ở khắp EU (khoảng 4,2 triệu người tính đến tháng 3/2025). Tổng số người gốc nước ngoài sống tại EU đã tăng từ khoảng 41 triệu người năm 2010 lên hơn 63 triệu người vào năm 2024, chiếm 14,1% tổng dân số EU. Những vấn đề này đang tạo thêm áp lực lên các hệ thống tiếp nhận và dịch vụ xã hội.

EU đã thông qua Hiệp ước Di cư và Tị nạn vào tháng 6/2024 và đang trong giai đoạn chuyển đổi để được triển khai đầy đủ vào tháng 6/2026. Hiệp ước này nhằm mục đích thiết lập một khuôn khổ quản lý di cư có phối hợp và công bằng hơn, với các quy tắc rõ ràng về sàng lọc, thủ tục biên giới, điều kiện tiếp nhận và quy trình trả lại người không đủ điều kiện cũng như khả năng giam giữ những người xin tị nạn (bao gồm cả trẻ em và gia đình) trong các cơ sở giam giữ kiểu nhà tù tại biên giới trong thời gian chờ xét duyệt. Trong thời gian qua, nhiều quốc gia đã tái áp đặt kiểm soát biên giới nội bộ (như Ba Lan làm với Đức và Litva).

Trong khi các tổ chức nhân quyền lên tiếng chỉ trích Hiệp ước này, thì các đảng chính trị cực hữu và dân túy khắp châu Âu lại đồng loạt kích động việc chống nhập cư với lí do bảo vệ văn hóa và bản sắc dân tộc, đồng thời chỉ trích EU về các chính sách toàn cầu hóa. Nhiều cuộc biểu tình chống nhập cư và phản đối chính sách di cư của chính phủ diễn ra thường xuyên.


Các cuộc biểu tình chống người nhập cư tại Ba Lan vừa qua đã cho thấy một số vấn đề quan trọng về tình hình chính trị và xã hội hiện tại ở Ba Lan. Trước hết nó nói lên mức độ lo ngại và bất bình của một bộ phận dân chúng Ba Lan về tình hình nhập cư, đặc biệt là nhập cư bất hợp pháp. Vấn đề này đã trở nên nóng bỏng hơn sau khi Ba Lan quyết định tạm thời khôi phục kiểm soát biên giới với Đức và Litva (bắt đầu từ ngày 7/7) để hạn chế dòng người di cư bất hợp pháp.

Vấn đề thứ hai là biểu hiện sự phân hóa rõ rệt trong xã hội Ba Lan. Phe đối lập, đặc biệt là đảng Luật pháp và Công lý (PiS), đang tận dụng vấn đề di cư để gây áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Donald Tusk trong việc điều hành đất nước và định hình chính sách đối ngoại. Vừa qua, chủ tịch đảng  PiS, Jarosław Kaczyński, cùng với Tổng thống vừa đắc cử Karol Nawrocki (được PiS hậu thuẫn), đã chỉ trích chính phủ Tusk về phản ứng "không phù hợp" trước cuộc khủng hoảng di cư. Trong khi đó, lập trường của chính phủ Tusk là đang nỗ lực hàn gắn quan hệ với EU và có thể phải chấp nhận một số cơ chế phân bổ người tị nạn của EU.

Xuân Nguyên (Tổng hợp tin theo các báo ở Ba Lan)

Sửa lần cuối 2025-07-21 07:44:24

Bình luận

Bình luận qua Facebook