Người Nhật được xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng những người sống lâu nhất thế giới. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet, để sống lâu, người Nhật Bản đã chú ý đến việc ăn uống hàng ngày ngay từ khi còn trẻ. Theo họ, lối sống và thói quen ăn uống đóng một vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của đứa trẻ và cũng đồng thời là kéo dài tuổi thọ sau này.
Naomi Moriyama, tác giả cuốn sách “Khỏe như trẻ Nhật” đã chia sẻ trên trang thehealthy.com 6 bí quyết mà cha mẹ nào cũng có thể thực hiện để chăm sóc sức khỏe cho con mình.
1. Hãy chú ý cho trẻ ăn những gì
Trước hết, chế độ ăn của người Nhật Bản luôn đáp ứng hai điều kiện - đó là ăn đủ và cung cấp chất dinh dưỡng chất lượng cao. Người Nhật luôn kiên định với việc ăn những thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo thực vật lành mạnh. Thực phẩm chủ yếu là cơm, mì, cá, đậu, rong biển, rau và dưa muối. Trong thực đơn cũng bao gồm các loại cá có dầu, vốn chứa các axit béo không bão hòa. Họ tránh các loại thực phẩm đã qua chế biến và những thực phẩm có nhiều chất béo, muối và đường. Chế độ ăn truyền thống này của người Nhật còn có tên gọi là "washoku", gồm các bữa ăn nhỏ với các nguyên liệu đơn giản, tươi, theo mùa.
Người Nhật nhấn mạnh vào hương vị tự nhiên của thực phẩm hơn là dựa vào các loại gia vị và nước sốt. Các món ăn có thể có trứng, sản phẩm từ sữa hoặc thịt nhưng chỉ chiếm một khẩu phần rất nhỏ trong tổng thể toàn bộ bữa ăn.
Chế độ ăn kiêng như vậy sẽ cung cấp cho cơ thể tương đối ít calo nhưng mật độ dinh dưỡng cao. Điều này sẽ giúp con người hạn chế tối đa nguy cơ thừa cân, béo phì, cải thiện tiêu hóa, kéo dài tuổi thọ và dồi dào sức khỏe.
Trong khi tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em đang gia tăng ở hầu hết các nước trên thế giới và các bệnh như tiểu đường đang gia tăng ở nhiều lứa tuổi, thì ở Nhật Bản, tỷ lệ này thấp hơn nhiều và thậm chí còn giảm trong những năm gần đây.
Nói thế, không có nghĩa là bạn cần phải đột ngột thay đổi chế độ ăn uống của mình để ăn rong biển, sushi và đậu phụ như người Nhật. Tuy nhiên, điều đáng để xem xét là sửa đổi chế độ ăn uống của mình và của gia đình mình để sống lành mạnh.
2. Thư giãn khi ăn
Tạo không khí thoải mái trong khi ăn là rất quan trọng. Thức ăn được cho là mang lại niềm vui chứ không là thứ bị ép buộc. Nên tìm cách thuyết phục con mình ăn những thứ mà mình cho rằng tốt cho sức khỏe. Nhưng nên để con mình quyết định ăn gì và ăn bao nhiêu (từ những gì bạn có).
Hãy con bạn thấy rằng các bữa ăn rất quan trọng. Đặt thời gian cụ thể và cố gắng ngồi ăn cùng con ít nhất một lần một ngày.
3. Khuyến khích con ăn nhiều loại thức ăn khác nhau
Khi còn trẻ và đang tập ăn, trẻ không biết mình thích món gì và không thích món gì, vì hầu hết những món đó chúng chưa có cơ hội thử. Sở thích về thức ăn của chúng vẫn đang phát triển và ngay cả khi chúng thích rau cải xanh vào một ngày nào đó, thì trong một vài ngày, chúng có thể lại ghét nó.
Cha mẹ có thể nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ cách ăn uống lành mạnh hơn bằng cách cho trẻ thử nhiều loại thực phẩm khác nhau và quan trọng hơn là làm gương cho trẻ. Việc tiếp xúc với một loại thực phẩm cụ thể sẽ tạo điều kiện để bé thử ngày càng nhiều loại thực phẩm mới có hương vị khác nhau, theo thời gian.
Đừng nản lòng trước những thất bại. Trẻ sơ sinh có thể chỉ cần một lần tiếp xúc với một loại thực phẩm đã trở nên thích món ăn đó nhưng trẻ em trên 2 tuổi có thể cần tới 20 lần tiếp xúc. Vì vậy, nếu con bạn đã bỏ lại cà chua trên đĩa của mình 3 hoặc 13 lần thì vẫn cứ cho trẻ ăn lại. Có thể trong lần thứ 15 nó sẽ thử và ai biết được, có thể nó sẽ thích.
Các chuyên gia đồng ý rằng khẩu vị của trẻ càng đa dạng, sức khoẻ tổng thể sẽ càng tốt hơn. Nếu trẻ chỉ ăn một số lượng hạn chế thực phẩm nhất định, sẽ dẫn đến tình trạng dễ bị dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn.
4. Kiểm soát khẩu phần ăn
Ăn quá nhiều luôn là một vấn đề. Hầu hết chúng ta không kiềm chế được khi tiếp cận thực phẩm, điều này khiến chúng ta tiêu thụ nhiều hơn mức cần thiết. Lời khuyên từ người Nhật là: hãy đặt những chiếc đĩa thức ăn lớn nhất lên kệ cao và phục vụ bữa ăn cho mọi người bằng những chiếc đĩa nhỏ hơn hoặc trong những chiếc bát nhỏ hơn. Các nhà nghiên cứu tin rằng việc phục vụ bữa ăn cho trẻ em trên đĩa nhỏ hơn và cho phép chúng ăn một cách độc lập có thể hữu ích trong việc điều chỉnh sự thèm ăn và kiểm soát cơn đói.
5. Khuyến khích con bạn hoạt động thể thao
Trẻ nhỏ thích khám phá thế giới và thật đáng để phát huy đặc điểm này ở chúng. Khuyến khích con bạn hoạt động thể thao như đạp xe, trượt patin, leo trèo trên các thiết bị sân chơi là điều nên làm. Ở Nhật Bản, gần như 100% trẻ em đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường, mặc dù đây là quốc gia có thu nhập cao.
Theo WHO, mức độ hoạt động thể chất đầy đủ cho trẻ em từ 5 đến 17 tuổi góp phần vào sự phát triển tốt cho xương, cơ, khớp, hệ tim mạch, khả năng phối hợp và kiểm soát chuyển động. Ngoài ra, vận động cải thiện việc điều trị các triệu chứng lo âu và trầm cảm, đồng thời cho trẻ cơ hội thể hiện bản thân, tương tác xã hội và hòa nhập.
Trẻ em thích chơi, vì vậy nên khuyến khích chúng ở ngoài trời - nhảy, chạy, khiêu vũ, leo trèo.
6. Mối quan hệ gia đình và trong trường học
Là cha mẹ, hãy cố gắng tạo ra một môi trường gia đình thân thiện, hỗ trợ các con lựa chọn lối sống lành mạnh. Các bữa ăn thường xuyên cùng nhau, cũng như cùng nhau nấu ăn và chọn nguyên liệu cho các món ăn sẽ giúp ích cho trẻ. Nghiên cứu cho thấy rằng việc cho trẻ em tham gia chuẩn bị các bữa ăn lành mạnh và cân bằng có tác động tích cực đến việc lựa chọn thực phẩm của chúng trong tương lai.
Người Nhật rất thành công trong việc nuôi dạy con cái vì họ áp dụng cách tiếp cận không gây áp lực trong việc nuôi dạy. Có rất nhiều sự tương hỗ trong mô hình này. Mối quan hệ dựa trên quyền lực của cha mẹ, nhưng điều quan trọng là phải tuân theo các quy tắc, tôn trọng trẻ dù là đứa nhỏ nhất, cho trẻ không gian để thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình, đồng thời trau dồi tư duy độc lập.
Trường học Nhật Bản cũng là nơi đào tạo trẻ em thành những “chuyên gia” ẩm thực lành mạnh với sự hỗ trợ của chương trình “ăn trưa học đường” nổi tiếng của đất nước này. Bắt đầu từ tiểu học, trẻ em được phục vụ một bữa ăn giữa ngày tại trường học. Các món ăn lành mạnh được làm từ những nông sản trồng tại địa phương. Lũ trẻ có thể tự chọn những món chúng thích. Một điều thú vị nữa là bọn trẻ cũng sẽ cùng các đầu bếp chuẩn bị bữa trưa. Điều này được xem như một phần trong chương trình giảng dạy tại các trường học.
Xuân Nguyên (Nguồn: Medonet.pl)
Bình luận