Xin mời độc giả báo Quê Việt tham khảo bài của nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ba Lan Jacek Perzyński đăng trên onet.pl.
Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Chính phủ ở Hà Nội luôn lựa chọn trung lập chính trị trong các cuộc tranh chấp giữa các siêu cường, nhờ đó được lợi trong phát triển kinh tế.
Nhận thức được vị trí địa lý và địa chính trị của mình, nhưng không có ý định can dự vào các tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, chính phủ Hà Nội luôn duy trì quan hệ ngoại giao tương đối tốt với cả hai nước. Việt Nam coi trung lập là chìa khóa thành công về kinh tế và dự định tiếp tục chính sách “4 không”.
Chiến lược an ninh hay còn gọi là chính sách “4 không”: Không tham gia liên minh quân sự, không hợp tác với nước này để chống lại nước khác, không cho nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và sử dụng vào hoạt động quân sự, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng sức mạnh trong quan hệ quốc tế. Những nguyên tắc này đã được nêu trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ hôm thứ Tư (2/8/2023) về quan hệ đối tác quốc tế: “Việt Nam là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Ông cho biết thêm, nền kinh tế độc lập của đất nước gắn liền với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Theo Thủ tướng, đã đến lúc “Việt Nam cần tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) để tổ chức lại chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do nhằm bảo đảm định vị đất nước một cách tối ưu trong tình hình quốc tế mới”.
Mặc dù Việt Nam là một quốc gia xã hội chủ nghĩa và Hà Nội thường xuyên bị chỉ trích vì vi phạm tự do báo chí và nhân quyền, quốc gia này là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới, với tăng trưởng GDP 8% vào năm 2022 và dân số lên tới 98 triệu dân.
Chính phủ Hà Nội cũng quan tâm đến các mối quan hệ quốc tế và đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia khác. Việt Nam cũng tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đạt khoảng 406,45 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 37 trên thế giới. Đất nước này là một nhà xuất khẩu quan trọng về điện tử, máy móc, xăng dầu, quần áo và cà phê.
Điều đáng chú ý là Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc phân bổ lại việc đầu tư nước ngoài ở châu Á. Cho đến nay, Apple đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang đó và có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất MacBook sang các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Ngoài ra, các công ty như Nike, Adidas và Samsung cũng đã rời Trung Quốc và đặt một số dây chuyền sản xuất của họ tại Việt Nam.
Bất chấp căng thẳng địa chính trị, Hà Nội sẽ không đứng về phía Bắc Kinh hay Washington. Khả năng dự đoán chính trị và ổn định kinh tế là một lợi thế lớn của đất nước này, và Việt Nam đang là thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong giai đoạn các nhà máy của các tập đoàn phương Tây rời bỏ Trung Quốc.
Xuân Nguyên
Nguồn: onet.pl
Bình luận