2014-03-08 10:26:56

Bạn cần hiểu kết quả xét nghiệm cơ bản về máu và nước tiểu như thế nào?



  Quả tim mỗi phút đẩy 5 lít máu trong mạch máu đi con người đi nuôi các tế bào. Mỗi ngày, có đến 180 lít máu chảy qua thận. Vì vậy, máu và nước tiểu là hai xét nghiệm làm phổ biến khi bạn đi khám bệnh, nó giúp chẩn đoán tình trạng làm việc của hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa và bài tiết cũng như hệ miễn dịch của cơ thể.

  Bạn chắc đã có lúc được bác sỹ cho đi làm xét nghiệm máu và nước tiểu? Trên kết quả xét nghiệm có ghi các ký hiệu bằng tiếng Anh hay Ba lan. Bài báo này giúp bạn hiểu ý nghĩa của chúng, mỗi thành phần là gì, khi thành phần đó cao hay thấp thì cơ thể có gì không bình thường, bạn có thể mắc bệnh gì?... Nhiều trường hợp có những người có bệnh nhưng coi thường hoặc không có hiểu biết, nên khi đi khám bệnh thì đã ở tình trạng muộn hay quá muộn. Xin nói trước là nó chỉ giúp bạn biết khi nào là có sự bất thường trong cơ thể, bạn không nên tự chữa bệnh mà phải đi khám bệnh, chỉ có bác sỹ trên cơ sở của xét nghiệm và tình trạng cơ thể mới chẩn đoán và điều trị thích hợp. Nhất là nếu bạn không có bảo hiểm sức khỏe thì tự làm xét nghiệm trước rồi mới đăng ký đi khám bác sỹ sẽ giúp bạn tiết kiệm về thời gian và tài chính (bạn sẽ không phải trả tiền hai lần khám!). Các xét nghiệm này người ta làm  thu tiền ở mọi cơ sở y tế (kể cả khi bạn có bảo hiểm nhưng không muốn đợi giấy giới thiệu của bác sỹ gia đình, hoặc muốn tự kiểm tra), có những hãng còn đến lấy bệnh phẩm và trả kết quả tận nhà.

  Tôi gần đây do hay đi khám nên có đọc tìm hiểu và thu thập được một số thông tin. Bài viết chủ yếu dựa vào một phụ trương cũ của tờ POLITYKA và các trang Internet. Một số từ chuyên môn tôi viết thêm tên tiếng Anh và Ba lan trong ngoặc cho bạn đọc tiện theo dõi hay cho những ai muốn tự tìm hiểu sâu hơn. Có chỗ nào không chính xác mong các bạn học các ngành Y Dược bổ sung, xin cảm ơn.

  Bài báo có các nội dung chính sau:

- Các xét nghiệm cơ bản máu và nước tiểu

- Các xét nghiệm khác: tiểu đường, hẹp tắc mạch máu, tình trạng làm việc của gan, tụy và thận, xét nghiệm sinh hóa của máu, xét nghiệm hooc-môn, các nguyên tố hóa học…

- Các dấu hiệu khi nào bạn cần đi khám bác sỹ

- Nên làm xét nghiệm khi nào, bao nhiêu lâu cần làm một lần?

 

Vì nội dung dài, nên dưới đây là phần một, chỉ nói về các xét nghiệm cơ bản nhất về máu và nước tiểu.

 

Xét nghiệm cơ bản máu:

 

Trước khi làm xét nghiệm máu ít nhất ta không nên ăn trong vòng mười tiếng. Xét nghiệm máu hiện làm trên các máy tự động gồm:

 

Công thức máu (morfologia krwi): xác định định lượng các thành phần của máu (hồng cầu, bạch cầu..) và một số tính chất của chúng (ví dụ như độ lớn, lượng hêmôglôbin) trong mẫu thử máu thường lấy ra từ mạch máu gần khuỷu tay. Nó cho ta biết cơ thể có gì bất thường không: bị nhiễm trùng, bệnh ung thư máu (tiếng Anh và Ba lan: leukemia, białaczka) … Ngoài số lượng hồng cầu, bạch cầu người ta còn đếm số lượng bạch cầu trung tính (neutrofil) và bạch huyết bào (limfocyty).

 

Quan sát lớp máu mỏng trên kính dưới kính hiển vi (rozmaz krwi): khi kết quả xét nghiệm công thức máu có bất thường và nghi ngờ có bệnh ung thư máu thì người ta lấy một giọt máu để trên một tấm kính, dàn mỏng máu thành một lớp màng, nhuộm màu rồi quan sát dưới kính hiển vi để xác định hoặc loại trừ mắc bệnh này.

 

Chú ý:

- Với trẻ em từ 3 tháng đến 4 tuổi có số liệu về máu khác với số liệu trung bình của trẻ lớn tuổi và người lớn nên cần thận trọng khi xem kết quả.

- Chỉ có bác sĩ mới có chuyên môn để đánh giá đúng kết quả xét nghiệm.

- Chỉ một xét nghiệm có kết quả không bình thường không đủ để đưa ra chẩn đoán chính thức. Đó chỉ là tín hiệu để lặp lại xét nghiệm, nếu kết quả các lần sau vẫn không bình thường thì bác sỹ mới quyết định điều trị.

- Ở dưới đây người ta chỉ đưa ra các số liệu chuẩn trung bình, chúng có thể khác với các số liệu của nơi bạn làm xét nghiệm máu. Bạn bao giờ cũng nên so số liệu của mình với số liệu chuẩn mà bao giờ nơi bạn làm xét nghiệm máu (họ bao giờ cũng in kèm theo cùng kết quả). Lý do là vì giới hạn chuẩn phụ thuộc vào loại máy sử dụng, phương pháp xét nghiệm cũng như các chất hóa học dùng khi làm xét nghiệm.

- Các ký hiệu đơn vị sử dụng:

  + M/µl  một triệu (milion, 106)  trong một micro lít (một milimét khối)

  + G/l     một tỷ (giga, 109) trong một lít

  + K/µl   một nghìn (kilô, 103) trong một micro lít (một milimét khối)

  + T/l     một nghìn tỷ  (teta, 1012) trong một lít (một đềximét khối)

  + mg/dl  miligram trong một đềxilít (hay 100 mililít) , có khi ghi là mg%

  + fl        femto lít  (10-15 lít)

  + pg       pikogram (10-12 g)

  + mmol/l, µmol/l, nmol/l: mili-, micro-, nano mol trong một lít (mol là đơn vị đo lường dùng trong hóa học nhằm diễn tả lượng chất có chứa 6,02×1023 hạt đơn vị  (hằng số Avogadro)).

  + IU (tiếng Ba lan: j.m.): đơn vị quốc tế.

Bạn cũng không cần phải nhớ các đơn vị này. Thông thường trong kết quả xét nghiệm ta chỉ cần so với chuẩn cho ở đó là đủ. Đôi khi họ ghi chữ H (viết tắt chữ high), dấu mũi tên … đi lên tức là cao hơn chuẩn; hoặc chữ L (viết tắt chữ low), dấu mũi tên đi xuống… nghĩa là thấp hơn chuẩn.

 

Cần hiểu kết quả xét nghiệm ra sao?

 

RBC

(Red Blood Cell, krwinki czerwone, hồng cầu). Có khi còn ghi là erytrocyty

 

 

 

 

 

Giá trị chuẩn:

- trẻ sơ sinh: 3,8 M/µl

- nữ: 3,9-5,6 M/µl

- nam: 4,5-6,5 M/µl

 

Hồng cầu hình thành trong tủy xương, có chức năng vận chuyển ôxy (do nó có chứa hemoglobin) từ phổi đến nuôi các tế bào. Để tạo ra hồng cầu, cơ thể cần dùng nhiều chất như sắt, đường glucô, axit folic, vitamin B6 và B12..nếu thiếu các chất này hồng cầu sinh ra sẽ có dị dạng hay thay đổi kích thước..

Hiếm khi số lượng hồng cầu vượt chuẩn (ví dụ có thể xuất hiện ở những người sống ở vùng núi cao, các nhà thể thao dùng chất doping).

RBC ở dưới chuẩn là biểu hiện thiếu máu, hay bị mất máu (do chảy máu trong ở dạ dày hay tá tràng), hoặc thiếu chất sắt, vitamin B12, axit folic. Cũng có khi hồng cầu bị hủy hoại do tác động của một số nhân tố đồng thời nào đó. RBC dưới chuẩn cũng xuất hiện ở phụ nữ có mang, người mắc bệnh thận, ung thư.

 

HGB

(nồng độ hemoglobin)

Giá trị chuẩn:

- nữ: 6,8-9,3 mmol/l hoặc 11,5-15,5 g/dl

- nam: 7,4-10,5 mmol/l hoặc 13,5-17,5 g/dl

 

Hemoglobin (huyết sắc tố) là chất đạm (protein) chứa trong hồng cầu cho phép vận chuyển ôxy từ phổi đến tế bào và và chuyển ngược lại khí cacbonic từ tế bào về phổi. Nó có mầu đỏ, do thế mà có tên gọi của hồng cầu.

HGB vượt chuẩn có thể làm máu đặc hơn, dễ sinh tắc mạch hoặc chứng tỏ cơ thể bị thiếu nước. HBG dưới chuẩn là biểu hiện bệnh thiếu máu (tiếng Anh và Ba lan: anemia)

HCT

(chỉ số  hematokryt)

 

Giá trị chuẩn:

- trẻ em dưới 15 tuổi: 35-39%

- nữ: 37-47%

- nam: 40-51%

 

Chỉ số này cho biết hồng cầu chiếm bao nhiêu phần trăm thể tích máu.

HCT cao khi cơ thể thiếu nước hay mắc một  loại bệnh ung thư máu (tiếng Anh và Ba lan: polycythemia vera, czerwienica).

HCT thấp có thể do thiếu máu, nhưng để xác định thiếu máu loại gì ta cần xét nghiệm thêm: thể tích trung bình của hồng cầu (MCV), khối lượng hemoglobin trong hồng cầu (MCH) và nồng độ của nó (MCHC)

MCV

Mean Corpuscular Volume, thể tích trung bình của hồng cầu

 

Giá trị chuẩn:

80-97 fl

MCV cho ta biết hồng cầu có kích thước chuẩn không, hoặc bé hay to hơn bình thường.

Giá trị MCV quá cao không có nghĩa là bạn bị bệnh gì, nhưng nếu số này vượt quá 110fl thì thiếu máu có thể do thiếu vitamin B12 hay axit folic. Lưu ý là ăn chay quá mức có thể sinh ra thiếu vitamin B12.

MCV thấp có thể do cơ thể thiếu chất sắt.

 

MCH

Mean Corpuscular Hemoglobin, lượng trung bình hemoglobin trong hồng cầu

 

Giá trị chuẩn:

26-32 pg

MCH thấp chứng tỏ máu không đủ độ đỏ, chủ yếu do thiếu chất sắt

MCHC

Mean Corpuscular Hemoglobin Concentration, nồng độ trung bình hemoglobin trong hồng cầu

 

Giá trị chuẩn:

31-36 g/dl hoặc 20-22 mmol/l

MCHC dưới chuẩn là biểu hiện đặc trưng sự thiếu máu do thiếu sắt, hay gặp ở phụ nữ lúc hành kinh

RDW

Red Cell Distribution With, chỉ số độ đồng đều về kích thước của hồng cầu

 

Giá trị chuẩn:

80-94 fl; 11,5-14,5%

Đây là giá trị thống kê trung bình. Nếu RDW cao ví dụ như 20% thì trong 1 milimet khối máu có nhiều cả hồng cầu to và bé, còn khi RDW là 12% thì tất cả hồng cầu có kích thước như nhau.

RDW trên chuẩn xuất hiện trong tất cả các trường hợp thiếu máu

RET

Retykulocyty, hồng cầu non

 

 

Giá trị chuẩn:

5-15  phần nghìn

 

Các hồng cầu mới sinh ra còn non, chưa „trưởng thành”. Nó rất ít nên tính bằng phần nghìn. Chỉ số này cho biết mức độ hoạt  động của tủy xương (bone marrow, szpik kostny), ví dụ như khi RET là 30 phần nghìn thì tủy xương sản xuất ra nhiều hồng cầu và chuyển vào máu nhanh quá (không có thời gian chờ để „lớn” trong tủy xương)

RET tăng khi cơ thể thiếu ôxy hay mất máu rất nhiều. RET thấp khi thiếu máu do tủy xương tạo ra ít hồng cầu 

 

PLT

Platelets hay thrombocytes, płytki krwi

 

 

 

 

Giá trị chuẩn:

140-440 K/µl (G/l)

 

  

Trombocyt là một thành phần của máu, là một dạng tế bào không có nhân, có dạng hình đĩa dẹt và với phần lớn các động vật có xương sống, nó có tác dụng quan trọng làm đông máu ở các chỗ mạch máu bị tổn thương.

PLT có giá trị cao lúc viêm nhiễm cấp tính, khi dùng sức nhiều, lúc thiếu chất sắt, sau khi cắt lá lách, phụ nữ có mang hoặc bẩm sinh.

PLT thấp hơn chuẩn có thể do hoạt động không bình thường của tủy xương (ví dụ như bị ung thư di căn vào tủy xương hoặc bệnh ung thư máu cấp tính). Cũng có khi do dùng một số loại thuốc hay nó bị các chất độc của vi trùng hủy diệt. Khi giá trị của nó thấp dưới 50 G/l mới được coi là nguy hiểm cho sức khỏe.

 

MPV

Mean Platelet Volume, thể tích trung bình của trombocyt

 

Giá trị chuẩn:

9-13 fl

 

WBC

White Blood Cell, leukocyt, bạch cầu

 

 

 

 

 

 

Giá trị chuẩn:

4,1-10,9 K/µl (G/l)

Bạch cầu hình thành trong tủy xương, một số loại hình thành  ở các nơi khác ví dụ như lá lách (tiếng Anh: spleen, Ba lan: śledzione). Nhiệm vụ chính của chúng là chiến đấu với các chỗ cơ thể bị nhiễm trùng. Bạch cầu có các loại: tế bào lympho (limfocyty), bạch cầu đơn nhân (monocyty) và bạch cầu dạng hạt (granulocyty). Mỗi loại làm một nhiệm vụ khác nhau như tiêu diệt tác nhân gây bệnh, sản xuất ra kháng thể, giúp cho cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng và các tác nhân gây dị ứng.

Chỉ số WBC cao khi cơ thể bị nhiễm trùng, viêm nhiễm cục bộ hay toàn thân, bệnh ung thư máu (đôi khi nó cũng cao sau khi làm việc chân tay quá mức, bị stress nặng hay sau khi phơi nắng lâu).

Chỉ số WBC thấp dưới chuẩn có thể do thiếu bạch cầu dạng hạt, tế bào lympho hoặc thiếu đồng thời tất cả các loại bạch cầu. Cũng có thể do tủy xương bị tổn thương hay do bệnh cũng như các triệu chứng sinh ra do quá trình chữa bệnh (ví dụ như phần lớn các thuốc chữa ung thư đều làm giảm lượng bạch cầu dạng hạt)

 

GRAN

Granulocyte, granulocyty, bạch cầu dạng hạt

 

Giá trị chuẩn:

2-7 K/µl (G/l)

Bạch cầu hạt (granulocyte) được đặc trưng bởi các hạt nhuộm màu khác nhau trong tế bào chất dưới kính hiển vi quang học. Có ba loại bạch cầu hạt: bạch cầu trung tính (neutrofile), bạch cầu ái kiềm (basofile) và bạch cầu ái toan (eozynofile) (được đặt tên theo các thuộc tính nhuộm màu của chúng).

NEUT

Neutrofile, neutrocyty, bạch cầu dạng hạt trung tính

 

 

 

Giá trị chuẩn:

2,5-6,5 K/µl (G/l)

Chỉ số bạch cầu trung tính cao khi có viêm nhiễm cục bộ hay toàn thân, ung thư, ung thư máu (nhất là ung thư tủy xương), nó cũng xuất hiện sau khi bị thương, chảy máu, trụy tim, các bệnh về chuyển hóa thức ăn, người nghiện thuốc lá, phụ nữ có mang lúc trong 3 tháng trước khi sinh.

Chỉ số bạch cầu trung tính thấp hơn chuẩn khi tủy xương bị tổn thương, bệnh ung thư máu cấp tính, các bệnh do virus gây ra (như cúm, sởi), do vi khuẩn (lao, bệnh thương hàn, kiết lỵ), sốt rét hay khi đang dùng thuốc chữa bệnh ung thư. Khi số bạch cầu trung tính giảm dưới mức 1000/µl, cơ thể bị giảm sức đề kháng, và nếu bị nhiễm trùng sẽ có thể ở trạng thái nguy hiểm chết người.

 

EOS

Eozynofile, eozynocyty, bạch cầu ái toan

 

 

 

Giá trị chuẩn:

0,1-0,3 K/µl (G/l)

Chỉ số bạch cầu ái toan cao khi: bị dị ứng (hen), bệnh do ký sinh trùng gây ra, các bệnh của máu (ung thư hạch bạch huyết), bệnh vẩy nến (łuszczyca), khi đang dùng một số loại thuốc (như penixilin).

Chỉ số bạch cầu ái toan thấp hơn chuẩn khi: bị nhiễm trùng, bị thương, bệnh thương hàn (typhoid fever, dur brzuszny), đi ngoài ra máu (dysentery, czerwonki), bị bỏng. Chỉ số này cũng thấp khi bị lao lực hay do tuyến thượng thận tiết ra quá nhiều hooc-môn.

 

BASO

Bazofile, bazocyty, bạch cầu ái kiềm

 

Giá trị chuẩn:

0,1 K/µl (G/l)

Chỉ số bạch cầu ái kiềm cao khi ta bị dị ứng, bệnh ung thư tủy xương cấp tính, viêm cấp tính đường tiêu hóa, thiểu năng tuyến giáp trạng hay ở trong giai đoạn hồi phục sau khi bị nhiễm trùng.

LYM

Limfocyty, tế bào lympho

 

 

 

 

Giá trị chuẩn:

0,6-4,1 K/µl; 20-45%

Đây là các tế bào chủ yếu của hệ miễn dịch. Chúng được chia ra hai loại: tế bào lympho B sản xuất ra kháng thể để tiêu diệt các vi trùng nằm giữa các tế bào trong cơ thể, có thể coi như các viên đạn của hệ thống phòng thủ của người, tế bào lympho T tiêu diệt các virus nằm trong tế bào, chúng có khả năng phân biệt các tế bào lành và tế bào đã nhiễm bệnh.

LYM có chỉ số cao khi: ung thư hệ bạch huyết (chłoniaki), ung thư hệ tạo máu (multiple myeloma, szpiczak mnogi), ung thư cấp tính của các tế bào lympho, cường tuyến giáp, khi trẻ em bị các bệnh lây. Chú ý: trẻ em dưới 4 tuổi có số tế bào lympho nhiều hơn người lớn và một việc bình thường!

Việc giảm số lượng tế bào lympho ở người lớn có thể là dấu hiệu của bệnh AIDS hoặc ít gặp hơn là do nhiễm virus. Ở trẻ em có thể do bẩm sinh và cần được điều trị sớm.

 

MONO

Monocyty, bạch cầu đơn nhân

 

 

 

 

Giá trị chuẩn:

0,1-0,4 G/l

Bạch cầu đơn nhân có chức năng dọn dẹp các vật thể lạ bằng cách nuốt chúng vào trong. Nó cũng có tiết ra các chất hóa học nhằm thông tin để cơ thể điều chỉnh hoạt động của các tế bào: ví dụ nó báo cho hệ thống phòng thủ khi cơ thể bị viêm nhiễm và kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động.

MONO có thể tăng cao hơn chuẩn khi: bệnh Pfeiffer (Pfeiffer's disease, mononucleoza zakaźna), cơ thể mắc bệnh do vi khuẩn gây ra như lao, lậu, bệnh Brucellosis, bệnh Crohn, cũng như sau phẫu thuật, ung thư tế bào đơn nhân.

Giá trị MONO thấp hơn chuẩn có thể xảy ra khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, hoặc do đang dùng một số loại thuốc. Tuy nhiên nó không có ý nghĩa quan trọng trong thực tế.

 

OB

odczyn Bienackiego, sự lắng đọng của hồng cầu

 

 

 

 

 

Giá trị chuẩn:

2-8mm/h

Ở Ba lan, các bác sỹ hay cho làm xét nghiệm OB. Đây là một xét nghiệm đơn giản. Máu được hòa với một chất lỏng để chống đông và cho vào một ống nghiệm thủy tinh để thẳng đứng có vạch đo milimét. Người ta đo tốc độ lắng đọng xuống của hồng cầu: xem chiều cao của cột hồng cầu giảm đi bao nhiêu sau một giờ. Cũng có khi người ta áp dụng phương pháp đo kết quả sau 7 và 10 phút.

Chỉ số OB cao chứng tỏ trong cơ thể có viêm nhiễm, có bệnh lao, một số bệnh về gan cũng như ung thư. Nếu OB là số có 3 chữ số có thể nghi là người bệnh bị ung thư hệ tạo máu hay bị ung thư ở giai đoạn tiến triển cao.

Chú ý: tốc độ lắng nhanh của hồng cầu có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm hay ung thư, nhưng không phải là dấu hiệu chắc chắn. Bạn cần coi đó là tín hiệu nhắc bạn đi gặp bác sỹ ngay lập tức thôi!

 

 

 

Xét nghiệm cơ bản nước tiểu

 

  Xét nghiệm này cho ta thông tin không chỉ về hoạt động của thận, mà qua đó gián tiếp ta còn biết về hoạt động của các bộ phận khác (ví dụ gan và tụy). Nó cũng cho ta biết trong hệ thống bài tiết nước tiểu có viêm nhiễm không.

  Thành phần nước tiểu gồm:

- nước: 96%

- các hợp chất urê do kết quả quá trình trao đổi chất: 2,5%

- muối khoáng và các chất vi lượng (làm nước tiểu có màu và mùi): 1,5%

 

Khi nào nước tiểu nằm trong chuẩn?

Màu sắc (barwa): từ màu rơm nhạt đến màu vàng xẫm (nếu bạn uống nước càng nhiều thì màu nước tiểu càng nhạt). Nhiều loại thuốc và thực phẩm làm nước tiểu đổi màu, ví dụ sau khi uống vitamin C và B nước tiểu có màu vàng xẫm, ăn củ cải đỏ thì nước tiểu có màu hồng..Nếu bạn không ăn các thứ đó mà nước tiểu màu đỏ thì có thể bạn bị chảy máu trong và cần đi khám ngay. Nước tiểu màu nâu chứng tỏ sự có mặt của chất bilirubin và có thể nghi có bệnh hoàng đản (żółtaczka).

Độ trong (przejrzystość): nước tiểu phải trong. Nếu nó đục có thể trong đó có mủ (bạch cầu), vi khuẩn, nấm, tinh thể các hợp chất hóa học, nhiễm ký sinh.

Độ pH (odczyn): Giá trị trung bình là 6. Khi pH cao có thể có nhiễm khuẩn phân hủy amoniac trong đường bài tiết của nước tiểu. Chú ý là những người ăn chay có độ pH cao hơn bình thường.

Trọng lượng riêng (ciężar właściwy): 1,002-1,030 g/cm3 hoặc 1002-1030g/l. Giá trị thấp hơn có thể do nước giải loãng quá (do uống nhiều nước) hay thận có bệnh. Giá trị cao hơn chứng tỏ trong nước tiểu có mặt các thành phần không bình thường (đường, đạm), nhưng cũng có thể do đi ngoài lỏng hay bị nôn (do cơ thể mất nước nên nước tiểu đặc lại).

 

Có thể có gì nữa trong nước tiểu?

Màng tế bào (nabłonki): đơn lẻ. Nếu nhiều quá có thể do viêm nhiễm đường bài tiết nước tiểu

Bạch cầu (leukocyty): 1-5 trong tầm quan sát, nếu số này nhiều hơn 10 thì trong cơ thể có tình trạng viêm.

Hồng cầu (erytrocyty): đơn lẻ: từ 1-2 trong vùng quan sát. Sau khi làm việc chân tay nặng nhọc, hoặc trong khi dùng loại thuốc chữa bệnh gây giảm độ đông máu thì con số này có thể cao hơn. Cũng có thể nghi vấn có bệnh nặng hơn như sỏi thận, ung thư hay viêm thận.

Tế bào hình trụ (waleczki): đơn lẻ (loại này tạo thành từ các phần tử protein trong các ống trong thận). Khi số này lớn có thể thận bị bệnh hoặc trong trường hợp người bị sốt sau khi làm lao động quá sức.

Tinh thể khoáng chất (składniki mineralne): chủ yếu là canxi, nếu nhiều quá thì có thể chớm bị sỏi thận.

Urobilinogen – chất hình thành trong ruột từ bilirubina do gan tạo ra tác dụng với dịch mật. Lượng chất này trong nước tiểu không được vượt quá mức 0,5-4mg (0,85-6,76 µmol). Khi lượng này nhiều quá có thể nghi bị viêm gan hay xơ gan.

Vi khuẩn (bakterie) - sự có mặt của chúng dù nhiều cũng chưa chắc chứng tỏ viêm hệ bài tiết nước tiểu. Để khẳng định có viêm nhiễm, cần làm thêm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn nước tiểu (posiew moczu).

 

Trong nước tiểu không nên có những gì?

Đường (cukier, glukoza): có đường trong nước tiểu có thể nghi mắc bệnh tiểu đường.

Đạm (białka, protein): nếu có có thể do bị bệnh thận, sốt cao, hệ bài tiết làm việc không chuẩn hay có sự viêm nhiễm (chú ý: sau lao động chân tay nặng, khi thời tiết thay đổi đột ngột hay khi có mang ở các tháng cuối cũng có thể có chất đạm trong nước tiểu).

Xeton (ciał ketonowe, aceton): đó là các sản phẩm của quá trình chuyển hóa axit amin và axit béo. Khi có trong nước tiểu có thể do chữa bệnh tiểu đường chưa hợp lý, cũng có thể do bị sốt cao, lao lực hay ăn kiêng nhiều quá (tự bỏ đói mình).

Bilirubina – đây là chất làm mật có màu nâu vàng do hemoglobin phân hóa sinh ra. Khi có trong nước tiểu ta có thể mắc bệnh hoàng đản ngoài gan (żółtaczka mechaniczna, khi bị sỏi mật) hay bị xơ gan.

 

Chuẩn bị lấy mẫu nước tiểu như thế nào là đúng?

Để kết quả chính xác, bạn phải tuân thủ các nguyên tắc dưới đây trong vòng 24h trước khi lấy mẫu.

- Tránh ăn kẹo cao su, uống rượu hay dùng nhiều chè, cà phê.

- Tránh ăn các thức ăn có nhiều đạm và có màu (ví dụ củ cải đỏ (buraki), cà rốt), và không làm việc chân tay quá mức.

- Phụ nữ cần nói với bác sỹ nếu bạn đang gần sát hay trong khi có kinh nguyệt, có khi lúc đó phải hoãn sang lúc khác.

- Có thể phải ngừng uống một số thuốc do bác sỹ quy định, dừng uống các loại vitamin

 

Cách lấy mẫu:

- mua hôp mẫu thử nước tiểu ở hiệu thuốc.

- rửa sạch tay trước khi lấy mẫu

- rửa sạch bộ phận sinh dục, đặc biệt nơi nước tiểu chảy ra

- mở nắp hộp, tránh động tay vào thành trong của hộp đựng nước tiểu

- chỉ lấy mẫu nước tiểu lần đi tiểu đầu tiên vào buổi sáng, ít nhất là sau lúc 3h sáng. Bỏ đi một ít lúc đầu và lúc cuối, khi đó nước tiểu có đủ độ đặc để cho kết quả chính xác. Không để bộ phận sinh dục chạm vào hộp.

- Đậy nắp kín và mang nó trong vòng một giờ từ khi lấy đến chỗ thử, nếu thời gian lâu hơn cần đậy chặt nút và để vào tủ lạnh, tránh để ra chỗ có ánh nắng mặt trời.

 

 

                                                                                   Nguyễn Hữu Viêm

 

 

 

 

Sửa lần cuối 2014-03-08 09:24:27
  • linh linh vậy RF với CRP là gì và kất quả như vầy có bình thường ko RF : 2014-06-09 03:56:22
  • phan thi kim sang phan thi kim sang me minh co ket qua xet nghiem tong quat co the cach day 2 thang .nay me minh di nho rang bs bao chup lai phim phoi ,do dien tam do ,xet nghiem cong thuc mau ..cho minh hoi tat ca ket qua tren minh da kham tong quat roi thi duoc su dung trong bao lau ..bs nho rang bat minh lam lai thu 700 n la co dung kh ? 2015-11-10 08:55:56
  • Lê thị nguyên Lê thị nguyên Cho em hỏi là em đi xét nghiệm máu,trên phiếu kết quả xét nghiệm có ghi chẩn đoán là TD RTV thì có nghĩa là gì và như vậy thì sức khỏe em có bình thường không ạ???? 2017-02-18 10:37:22

Bình luận

Bình luận qua Facebook