2017-03-30 18:01:53

Phỏng vấn một người Ba Lan lấy vợ Việt Nam và sống ở Hà Nội của phóng viên Onet

- Chủ nghĩa xã hội chỉ có trong tên nước, còn ở đây thực tế ta có chủ nghĩa tư bản hoang dã, chủ yếu đuổi theo lợi nhuận. Chủ nghĩa tư bản ở đây cũng là một thứ tôn giáo. Nếu có ai ở Việt Nam cầu khấn, thì thường là cầu cho có tiền - ông Mateusz Kotowski, người 6 năm nay sống ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam nói. Ông kể với bà phóng viên Olivia Drost tại sao ông chọn Việt Nam để ở mặc dù cảnh tắc đường khủng khiếp, mặc dù chủ nghĩa tư bản hoang dã và lắm gián.

Mateusz Kotowski và con gái

Olivia Drost (OD): Ông đã ở Việt Nam 6 năm rồi. Cái gì ông sợ nhất trong những ngày đầu tiên ở đây?

Mateusz Kotowski (MK): Tôi đã quen với đời sống ở vùng nhiệt đới rồi, vì hồi nhỏ tôi đã ở Nigeria, vậy lúc đầu tôi chỉ thấy thiếu kẹo sữa mềm (ptasie mleczko).

OD: Đấy là thứ chính ông cho vào va ly khi về qua Ba Lan ư?

MK: Ngoài hàng tấn kẹo sữa mềm này, tôi còn mang sô-cô-la, gia vị, vài quyển sách, bột cháo cho con gái tôi và rượu, thứ để đãi khách muốn cùng nhau làm vài chén. Uống loại rượu nguyên chất này là một ví dụ theo sách vở, thế nào là uống "một lần nhưng cho đã".

Thực ra trong 6 năm tôi chỉ về Ba Lan có một lần, nhưng các thứ này bạn bè mang đến cho tôi. Ba Lan gây cho tôi ấn tượng mạnh – thay đổi rất nhanh, sạch sẽ, hiện đại, nhưng mọi người thì vẫn cứ phàn nàn. Đặc điểm của dân ta có lẽ là luôn không hài lòng. Đó cũng là một trong các lý do mà tôi đã đi Việt Nam.

OD: Thế còn các lý do khác?

MK: Tình hình công việc lúc đó cũng có ảnh hưởng. Trong các năm 2007-2010 chúng tôi đã khởi động một đề án quan hệ với châu Á ở Ngân hàng Quốc gia Ba Lan. Sau khi giám đốc bị thay, đề án bị cắt. Tôi rất tiếc. Châu Á đang trở thành trung tâm kinh tế và địa lý của thế giới. Cho đến những năm 90 thì Hoa Kỳ vẫn là trung tâm, sau đó Liên minh Châu Âu đã thử tập trung lực lượng và xây dựng thành một lực lượng mạnh, nhưng người Anh giờ lại lui ra, châu Âu đang sụp đổ. Giờ trọng tâm chuyển về châu Á. Đúng là Việt Nam không là có ảnh hưởng đặc biệt, nhưng tôi sống ở đây vì đất nước thân thiện và rẻ. Ngoài ra, ở châu Á người da trắng được đối xử thân thiện. Đôi khi còn hơn là họ xứng đáng được như thế nếu nhìn lại lịch sử.

Mẹ Mateusz Kotowski và cháu


OD: Vậy trong 6 năm ông đã kịp hòa nhập với các công dân Ba Lan đang sống ở Việt Nam chưa? Họ đến đó làm gì?

MK: Chúng tôi gặp gỡ nhau đều đặn trong các dịp lễ, tiệc do đại sứ quán tổ chức. Người Ba Lan ở Việt Nam có thể chia ra ba nhóm như sau.

Nhóm thứ nhất có khoảng 15-20 người là các nhân viên ngoại giao, công chức, nhân viên sứ quán sống trong tòa đại sứ và có nhà công vụ.

Nhóm thứ hai là những người làm theo hợp đồng, họ đến Việt Nam theo thảo thuận của các công ty. Họ sống ở các khu chủ yếu của các hãng dùng tiếng Anh, họ không hội nhập với dân địa phương vì không có nhu cầu. Mới đây ở Sài Gòn Hãng Thông tin và Đầu tư nước ngoài của Ba Lan (Polska Agencja Informacji i Inwestycji Zagranicznych) có mở văn phòng đại diện. Còn có một người Ba Lan mở hãng PolViet, hãng này đặt cơ sở cho việc trao đổi thương mại giữa nước ta và Việt Nam cũng như tổ chức cho khách du lịch Ba Lan.

Nhóm thứ ba là những người tự do, ví dụ sinh viên ngữ văn Thái-Việt đến đây khi học năm cuối, một số khách du lịch ở lại lâu hơn và làm việc qua mạng, một số làm giáo viên dạy ở các trường phổ thông. Trong nhóm này cũng có các chuyên gia và quản lý hạng trung bình, họ tự quyết định đến và tìm việc tại chỗ.


OD: Tên đầy đủ của nước ông đang ở là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vậy sống ở đất nước xã hội chủ nghĩa và cái chủ nghĩa xã hội ấy thể hiện trong cuộc sống hàng ngày ra sao?

MK: Chủ nghĩa xã hội chỉ có trong cái tên của nước, còn chẳng có ai gọi cái đang xảy ra ở đây là chủ nghĩa xã hội cả. Giờ ở đây ta gần cái chủ nghĩa tư bản hoang dã, bất chấp tất cả, chỉ đuổi theo lợi nhuận mà thôi. Ở đây chủ nghĩa tư bản cũng là một thứ tôn giáo. Nếu có ai ở Việt Nam cầu khấn, thì thường là họ cầu tiền.

Việt Nam giờ tôi thấy giống Ba Lan hồi những năm 90, có khác là ở đây có cách hơi khác, có tiếp cận được thông tin và các khả năng tốt hơn.


OD: Ông có nhắc đến cầu khấn. Việt Nam trong nhiều năm đã vứt bỏ mọi tôn giáo vì nó không hợp với việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Giờ thì ra sao?

MK: Tôi nhìn thây có hai khuynh hướng độc lập với nhau. Chính thức thì 90% dân theo đạo Phật, nhưng nếu so nó với Phật giáo ở Thái Lan hay Khơ Me với cái ở đây, thì tôi không gọi thứ này là tôn giáo. Phật tử Việt Nam có chùa của mình, có hình Phật ở nhà, mặc dù nó chả liên quan gì nhiều đến đức tin. Họ không tôn trọng các nguyên tắc của Phật giáo, không theo nó trong cuộc sống hàng ngày. Nó hơi giống những người "theo đạo hôm chủ nhật" ở Ba Lan – những người đi nhà thờ, sau đó về nhà lại nện vợ.

Khuynh hướng thứ hai là thờ cúng tổ tiên. Sau khi họ mất người ta lập bàn thờ - để di ảnh, kỷ vật còn lại và thắp hương.


OD: Thế nhà ông có bàn thờ không?

MK: Tất nhiên là có, tôi và vợ tôi làm. Đó là bàn thờ tổ tiên của vợ tôi, nhưng tôi đang nghĩ sẽ thêm tổ tiên của mình nữa. Vợ tôi là người Việt, và chúng tôi giáo dục con gái theo phong tục ở đây. Chúng tôi muốn nó cảm thấy giống các bạn bè cùng lứa trong các ngôi nhà Việt của mình.

Chúng tôi đặt tên con gái là Asia. Không phải là Joanna dù với tôi tên này sẽ gần với Ba Lan hơn, nhưng Asia – tiếng Anh sẽ là "Azja- Châu Á". Vợ tôi nói với nó bằng tiếng Việt và tiếng Anh, còn tôi dùng tiếng Anh và tiếng Ba Lan vì tôi muốn nó cũng biết tốt tiếng nước chúng ta. Chúng tôi vừa cùng nhau xem phim "Reksia".


OD: Vậy trong một gia đình quốc tế như vậy có xảy ra các vấn đề do sự khác nhau về văn hóa hay không?

MK: Tất nhiên là có chứ, nó xảy ra hàng ngày! Nói chung trong các mối quan hệ sẽ có các vấn đề do mỗi người mỗi khác. Thêm vào đó là sự khác biệt về văn hóa, mỗi người nghĩ theo các ngôn ngữ khác nhau. Hôm nay tôi bảo vợ nên đưa Asia đi ra ngoài chơi lúc 15-16h, khi chưa tắc đường, hàng nghìn xe máy trên phố và không khí sạch. Vợ tôi ngồi nhà làm việc qua mạng lại muốn đi chơi với con gái lúc 17h, vì giờ này là giờ thích hợp theo văn hóa ở đây để rời chỗ làm và đi ra khỏi nhà. Cô ta quen thế rồi. Còn với tôi thì thật vô lý, vì lúc đó xe đông nhất.


*

Phố Hà Nội

OD: Vậy ông bà kết hợp các nền văn hóa cách biệt trong các dịp lễ ra sao?

MK: Chúng tôi cùng tổ chức chung. Cây thông Nô-el vẫn còn kìa vì tôi quên chưa kịp dỡ. Đêm Giáng Sinh tôi đọc một đoạn Kinh thánh bằng tiếng Anh cho gia đình về sự kiện Chúa ra đời. Vào tháng hai chúng tôi lại cùng vợ đón dịp Tết ta quan trọng nhất đối với cô ấy.

Ở Việt Nam họ tổ chức các ngày giỗ. Chúng tôi đi đến nhà người thân của vợ tôi. Trong các dịp lễ ấy không có sự buồn rầu mà là dịp gặp gỡ. Nó hơi giống Lễ những người đã khuất ở Ba lan, mọi người ra nghĩa địa thắp nến, nhưng đó cũng là dịp để gặp gia đình, ăn và uống cho say.


OD: Trong tên nước còn có mục tiêu „Độc lâp, Tự do, Hạnh phúc". Đấy có phải thực sự là các ưu tiên của người Việt Nam không?

MK: Người Việt theo đuổi hạnh phúc, tức là chạy theo tiền. Ở đây trong hàng trăm năm hạnh phúc có nghĩa là gia đình và đủ ăn. Con người sống rất giản dị. Sau đó đến thời cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa thực dân tràn vào. Chính nó đã làm con người chạy theo các thứ du nhập vào đây. Trong vòng 20 năm gần đây, kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản đang ngự trị ở Việt Nam. Mọi người lao theo đồng tiền và vứt bỏ mọi giá trị. Tôn giáo cũng bị thay bằng tiền.

Còn về tự do. Phải, người Việt cảm thấy tự do, và tiền cho họ cái tự do này. Thế còn họ có độc lập không? Tôi không biết. Tôi nghĩ là tôi không nên trả lời câu hỏi này.

Một vấn đề lớn nữa mà chính phủ Việt Nam đang phải giải quyết là vấn đề hối lộ.

Ở Việt Nam người ta hay nói đùa là hối lộ là một dạng đóng thuế gián tiếp. Bạn phải trả tiền để giải quyết một việc cụ thể với một công chức cụ thể. Tôi nghĩ ở cả châu Á này khó mà tìm thấy một người không gặp sự hối lộ. Không, may ra chỉ có ông Đạt Lai Lạt Ma.


OD: Ông đi lại ở Hà Nội bằng gì? Tôi đọc là bình quân đầu người thì cứ một có một xe máy ở đây.

MK: Phố đông nghịt là biểu tượng của Việt Nam. Ở Hà Nội có 7,5 triệu người sống, mà hạ tầng giao thông rất kém, tắc đường kinh khủng và thành phố ô nhiễm. Tôi- không phải người châu Á nên đi xe đạp đến chỗ làm lúc 6h sáng, khi phố xá còn vắng và quay về nhà khi đường chưa tắc. Không có một dân bản địa nào có thể hiểu tại sao tôi lại muốn làm việc từ lúc 6h và kết thúc lúc 15h30. Bằng cách này tôi tiết kiệm được mỗi ngày trung bình hai tiếng.


OD: Vậy còn có gì khác biệt về nếp sống và cách nghĩ giữa người Việt và người Ba Lan?

MK: Các cô gái Việt hay che mặt để tránh nắng, vì làn da trắng chứ không phải da xẫm là biểu tượng của cái đẹp ở đây. Làn da xạm nắng không phải là dấu hiệu của thành công. Ở các cửa hàng đều bán các mỹ phẩm tẩy da cho trắng, còn ở Ba Lan người ta lại mua loại làm xẫm da (samoopalacze).

Ví dụ nữa – nếu ta nhìn vào phố xá ở đây thì phần lớn là các nhà hẹp chỉ có cửa sổ ở phía trước, cách nhà bên chỉ có một bức tường. Sao lại như vậy ư? Ai ở Việt nam cũng muốn có nhà mặt phố, nơi cuộc sống rất náo nhiệt, nên chủ yếu ở đây họ toàn xây nhà hẹp như thế.


OD: Còn cuộc sống hàng ngày ra sao?

MK: Khác nhau chủ yếu là thời tiết. Mùa hè nhiệt độ lên tới 37 độ, rất khó chịu nếu sống trong rừng bê tông. Tiếp đến là độ ẩm quanh năm khoảng 90%, nên đồ gỗ và quần áo rất chóng hỏng. Mới đây cả ví và tiền giấy của tôi cũng bị mục.


Ở Ba Lan việc có chuột và gián trong nhà là không thể hình dung nổi, còn ở đây tôi gặp hàng ngày. Con gián ở Việt Nam có thể bay, khá to và còn hiền nữa. Nó chén tất, chả chê thứ gì. Chúng chỉ chui ra ban đêm và không làm phiền. Và trái như ta vẫn nghĩ, chúng khá sạch sẽ.

OD: Tắc đường, nạn hối lộ, gián. Vậy điều gì còn giữ ông ở đây?

MK: Ở đây tôi có cuộc sống tốt. Tôi thích thời tiết này, khí hậu và bầu không khí ở đây. Tôi thích người Việt Nam và điều là tôi chưa gặp bạo lực ở đây. Không có ai hỏi tôi trên phố là tôi có vấn đề gì không nếu tôi nhìn họ.

Thức ăn Việt Nam tuyệt vời, đây là một trong các nền ẩm thực tốt nhất thế giới. Do gần biển nên chúng tôi có hải sản tươi hàng ngày, còn khí hậu nhiệt đới làm rau quả lớn rất nhanh.


OD: Vậy thì khi nghĩ về Ba Lan, ông nhớ gì nhất?

MK: Tôi không nhớ gì. Mà nếu có nhớ, thì chỉ có kẹo sữa mềm. Nhưng tôi vẫn thấy nhà có mận bọc sô-cô-la, bánh dừa (jeżyki kokosowe) và kẹo michałki kia, vậy cũng không tệ lắm nhỉ.


NHV (theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2017-03-30 20:42:20
  • Bằng Lăng Bằng Lăng Ông bạn Ba Lan này 2017-03-31 05:26:06

Bình luận

Bình luận qua Facebook