Tổng thống Ba Lan Bronisław Komorowski vừa ký phê duyệt Bộ luật mới về người nước ngoài, do Nghị viện thông qua từ trước, sau khi đã có những cuộc hội thảo thăm dò ý kiến của nhiều cơ quan chức năng và các tổ chức phi chính phủ, trong đó có những người nước ngoài cùng tham gia.
Nhưng Bộ luật sẽ được đưa vào thực tiễn sau ngày 01.05.2014, chứ không phải từ 01.01.2014. Theo nội dung của Bộ luật mới, người nước ngoài sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong công việc hợp lý hóa cư trú của mình trong Cộng hòa Ba Lan, vì quốc gia này đang phải tuân thủ nhiều nguyên tắc chung của Liên minh Châu Âu, nhất là trong các vấn đề người dân nhập cư.
Bộ luật mới này đã giải quyết được rất nhiều vấn đề mà trước đây còn tồn đọng hay thường gây tranh cãi, tạo ra các thắc mắc, nhất là đối với người nước ngoài. Các nguyên tắc ghi trong Bộ luật mới đã được diễn đạt một cách dễ hiểu hơn, không gây sự lúng túng cho người nước ngoài cũng như cho các nhân viên Ủy ban Tỉnh (phòng quản lý người nước ngoài) khi trình bày hay xem xét hồ sơ liên quan đến cư trú.
Theo Bộ luật mới, công việc (thủ tục) xem xét hồ sơ cần được giải quyết nhanh gọn nhất, để tránh phức tạp cho người nước ngoài. Không như trước đây, người nước ngoài đã phải quan tâm chuẩn bị hồ sơ từ trước ít nhất là 45 ngày, bởi vì hiện nay nếu nộp muộn chỉ vài ngày (mặc dù thẻ cư trú còn hạn) là có thể sẽ không xin được giấy phép cư trú tiếp theo. Sắp tới (sau tháng 5.2014), người nước ngoài chỉ cần nộp hồ sơ khi thẻ cư trú của mình vẫn còn hạn, tức là có thể chỉ còn hạn cư trú 1 ngày, khi đó có thể sẽ khó đi lại (ra nước ngoài), nhưng khi thẻ hết hạn, vẫn có thể ngồi đợi quyết định mới trong Ba Lan một cách hợp pháp, vì có con dấu đã nộp hồ sơ.
Thẻ tạm cư sẽ được dài hơn, trước đây chỉ có hạn cho từng năm, rồi đã được ra hạn thành thẻ 2 năm, sắp tới thẻ này có thể có hạn đến tận 3 năm, như vậy người nước ngoài sẽ không chỉ tiết kiệm được thời gian, mà tiết kiệm được cả những chi phí cho Ủy ban (và cho người ủy quyền) trong công việc xin gia hạn cư trú.
Một vài định nghĩa cũng đã được thay đổi. Thí dụ „Giấy phép cư trú theo thời hạn xác định” sẽ được gọi đơn giản là „Giấy phép tạm cư” và tương tự „Giấy phép osiedlenie się” được gọi là „stały pobyt”, có nghĩa là „Giấy phép định cư”.
Cũng có một sự phiền hà cho người nước ngoài là mặc dù đã ký giấy ủy quyền cho người khác giải quyết hộ thủ tục xin giấy phép cư trú của mình, người nước ngoài sẽ phải trực tiếp đến nộp hô sơ cùng người được ủy quyền, vì sẽ có thủ tục lăn tay, tức là các dấu vân tay sẽ được in vào thẻ cư trú.
Thời gian chở đợi quyết dịnh sẽ ngắn hơn, vì Ủy ban Tỉnh sẽ chỉ chờ ý kiến của các cơ quan khách quan như an ninh hay Biên phòng trong khoảng thời gian 21 ngày, chứ không phải chờ 1 tháng như trước đây. Trẻ em dưới 16 tuổi xin giấy phép cư trú không cần phải hỏi ý kiến các cơ quan này, vì không ảnh hưởng gì đến nền an ninh hay quốc phòng của Ba Lan.
Sẽ có thêm một số loại thẻ nhân đạo, cấp cho người nước ngoài trong những trường hợp đặc biệt, thí dụ như là cấp cho những nạn nhân của đường dây buôn người (chuyển người bất hợp pháp qua biên giới), những người này được giúp đỡ, có thêm nhiều thời gian suy nghĩ để đi đến quyết định hợp tác khai báo với chính quyền.
Ngoài ra còn có khả năng cấp thẻ cư trú cho thành viên gia đình, nếu như nhất thiết phải tôn trọng quyền hòa hợp được chung sống trong một gia đình của mọi công dân, nhất là khi có sự liên quan đến trẻ em (Theo các Hiệp ước về quyền con người và quyền lợi của trẻ em).
Theo dự định ban đầu, người nước ngoài muốn xin được thẻ định cư phải biết (thi) tiếng Ba Lan, nhưng những người nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ trong những cuộc thảo luận (mà tác giả bài báo cũng có tham gia) đã đấu tranh được quyền phải xóa bỏ yêu cầu này, bởi vì là tiếng Ba lan là một trong những ngôn ngữ rất khó. Ngoài ra, nếu người nước ngoài (hay là người có quốc tịch Ba Lan) có điều kiện kinh tế, luôn có thể mời cha mẹ mình sang sinh sống định cư cùng với gia đình, mà không thể bắt người có tuổi phải giỏi tiếng Ba Lan, trong khi các cụ luôn có các phiên dịch là con cháu trong nhà, nếu các cụ muốn sống cố định ở Ba Lan và chưa cần phải giao tiếp nhiều trong xã hội. Do vậy người nước ngoài sẽ không phải thi tiếng Ba Lan (lưu ý: khi xin quốc tịch Ba Lan, sẽ áp dụng Bộ luật về quốc tịch Ba Lan, chứ không xét theo Bộ luật về người nước ngoài).
Người nước ngoài xin thẻ cư trú khi làm việc ở Ba Lan sẽ có thủ tục đơn giản hơn, vì giấy phép lao động và giấy phép cư trú sẽ được nhập thành một thủ tục.
Các sinh viên cũng sẽ xin được giấy phép cư trú dài hơn, không chỉ 12 tháng như trước đây, mà có thể được cư trú trong vòng 15 tháng. Khi tốt nghiệp, sinh viên có thể xin thẻ cư trú thêm 1 năm, để tìm kiếm việc làm. Sẽ ưu tiên cho những người nước ngoài có trình độ tay nghề cao.
Có một vài điểm mới trong các Trại giam trục xuất (Trại có canh gác dành cho người nước ngoài) là giống như trong hệ thống tòa án, người nước ngoài không nhất thiết phải ngồi (giam) trong trại, mà có thể nộp một khoản tiền đặt coc, bảo lãnh (hay là một giấy tờ gì đó khác), rồi hàng tuần đến trình diện ký nhận ở đồn Biên phòng, giống như trình diện đồn công an, theo các quyết định của tòa án. Trong các trại này, người nước ngoài sẽ được quan tâm nhiều hơn, sẽ có monitoring (camera), để dễ phát hiện ra những đối xử tệ bạc của người quản lý đối với người nước ngoài. Trẻ em không có người nuôi nấng chỉ trên 15 tuổi mới được đưa vào những trại như vậy.
Các thông tin chi tiết hơn sẽ được Quê Việt cập nhật trong những bài báo sau.
Ngô Hoàng Minh
Bình luận