Ông Trần Quốc Triệu - chủ đầu tư chuỗi cửa hàng New Crimea.
Gần 1 năm qua, tại bán đảo Crimea xuất hiện chuỗi cửa hàng mới với biển hiệu màu tím có tên New Crimea. Nhiều khách hàng địa phương đã quen với những cửa hàng này vì hàng hóa đa dạng, mức giá phải chăng. Tuy nhiên ít ai biết người đầu tư vào chuỗi cửa hàng đó là một doanh nhân Việt.
Có 8 cửa hàng New Crimea đang hoạt động
Khởi đầu vào tháng 5.2014 từ những cửa hàng ở Kerch - cách tỉnh miền Nam nước Nga Krasnodar đúng eo biển cùng tên, thương hiệu New Crimea nay đã có 8 cửa hàng hiện diện tại cả các thành phố lớn Simferopol, Sevastopol, Saki ở bán đảo này, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 30 lao động địa phương.
Tại các cửa hàng đó có khá đông người tới mua hàng do hàng hóa đa dạng, thay đổi theo mùa vụ và điều quan trọng là giá cả phải chăng.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lilia, người Tatar, nhân viên tại một cửa hàng ở Simferopol cho biết: "Cửa hàng hoạt động tốt, chúng tôi có rất nhiều khách hàng, hoạt động kinh doanh phát triển, điều quan trọng là phải có nhiều mặt hàng. Theo mùa, hàng hóa hiện bán chạy là giày, áo khoác, áo váy, quần áo trẻ em cũng rất được nhiều người quan tâm, nhu cầu người tiêu dùng rất lớn".
Nhân viên Katia cũng tại cửa hàng ở Simferopol thì cho biết: "Tôi làm việc ở cửa hàng này đã nửa năm, tôi thích công việc của mình, tập thể ở đây tốt, cửa hàng nằm ở vị trí đắc địa nên rất nhiều người lui tới, giá cả hợp lí và với người dân đây là điều quan trọng nhất. Người dân đã biết về giá cả và chủng loại hàng hóa của chúng tôi, họ luôn tới cửa hàng, đợi chuyến hàng mới, hỏi hàng hóa và để lại số điện thoại để chúng tôi gọi cho họ khi có hàng. Người dân thích cửa hàng, giá bán và chủng loại hàng hóa của chúng tôi".
Chúng tôi tới thăm cửa hàng New Crimea 2 tầng bề thế ở thị trấn Saki vào đúng dịp xe tải vận chuyển hàng từ Krasnodar tới. Mỗi tuần có từ 1-2 chuyến hàng như vậy và giá thành vận chuyển không hề nhỏ. Những khi gió to, biển động, xe chở hàng còn không thể vượt qua eo biển Kerch và hàng hóa buộc phải đi theo con đường lâu hơn, đóng container đi từ cảng Novorossyi sang.
Chị Elena, nhân viên tại cửa hàng ở Saki cho biết: "Phần lớn hàng hóa của chúng tôi được đưa từ Nga sang, người tiêu dùng rất hài lòng với hàng hóa và cả giá cả, cũng như những chương trình giảm giá, hy vọng vụ hè sẽ còn có nhiều khách hàng, cũng như hàng hóa hơn nữa. Về cơ bản, mọi người đều hài lòng với cửa hàng của chúng tôi".
Gặp gỡ doanh nhân Việt tại Crimea
Quay trở về Krasnodar để phỏng vấn ông Trần Quốc Triệu - tác giả của New Crimea, người từ lâu đã có kinh nghiệm trong việc thiết lập chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Krasnodar, ông Triệu cho biết: "Khi tôi thấy một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp của tôi ở Crimea, tôi cùng ban lãnh đạo đã quyết định đưa vào Crimea một sản phẩm của người Việt Nam giống như ở các thị trường Moskva và Krasnodar. Hiện tại do chỉ có doanh nghiệp chúng tôi là duy nhất nên chúng tôi cũng thuận lợi trong vấn đề tìm hiểu thị trường, thăm dò người dân".
Theo ông Triệu, đôi khi thời tiết biến động khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Ông nói: "Có những thời điểm đến 24 tiếng đồng hồ phà không làm việc, đây là một trong những khó khăn song chúng tôi sẽ tìm mọi cách đưa hàng hóa của mình tới tay người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất để hoạt động kinh doanh thông suốt".
Ông Triệu cũng tâm sự: "Người Việt mình đã quen với khó khăn rồi, đó chỉ là những khó khăn trước mắt, còn khi đã đứng vững trên thị trường, mọi thứ sẽ suôn sẻ bởi người dân Crimea ngoài con đường cung cấp hàng hóa đó không còn con đường thứ 2, nếu mình không đi người khác cũng sẽ đi, còn người dân vẫn phải tiêu, phải ăn, vẫn sống bình thường như người dân các tỉnh khác".
Người Việt Nam ta làm ăn ở nước ngoài từ lâu nay có tiếng là năng động và sáng tạo. Đây chính là ví dụ cho thấy, nếu nhanh nhạy, đi đúng hướng, chúng ta vẫn có thể "sống tốt" trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Nga.
Nguồn: TTXVN
Bình luận