2019-05-27 10:49:29

Dòng sông

   


Truyện ngắn, Giải Ba - Cuộc thi truyện ngắn Báo Quê Việt - 2019
Tác giả: 
Nguyễn Đức Thảo
Nick FB: Tadek Tadek 
  
    Sáng nay chủ nhà gọi điện đòi tăng tiền thuê nhà thêm một trăm mỗi tháng. Chết tôi rồi! Chị lo lắng. Thu nhập chỉ đủ cho hai mẹ con chi tiêu tằn tiện. Con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Nó lớn nhanh quá, quần mua nửa năm trước bây giờ đã cộc ngỡn. Một mình chị làm nuôi hai miệng ăn và lại còn nuôi giấy tờ cho mẹ, cho con. Chị thở dài...

-Cho em gói xôi lạc nhé, Chị ơi!

 Tiếng cô gái trẻ, làm chị giật mình. Đưa gói xôi cho cô gái, chị nhìn quanh. Chợ hôm nay vắng, cái lều bán quần áo của anh người quen, mọi ngày các bà Tây túm tụm, lục lọi, bới tung để tìm cho mình cái gì đó rẻ và đẹp, hôm nay cũng vắng ngắt. Anh chủ lều cưng cứng tuổi chúi mặt vào điện thoại, thỉnh thoảng liếc sang bên kia đường, nơi cái ô của chị cắm lắt lểu che chiếc xe đẩy với thùng xôi. Gió hôm nay thổi mạnh, cứ chốc chốc chị lại phải túm giữ cái ô kẻo nó bay mất.

 Chị ngồi ôm mặt. Từ sáng tới giờ chị thấy khó  thở, có cục gì đó nén trong cổ họng, nuốt nước bọt mãi không trôi, không khí xung quanh dường như loãng quá, không đủ để thở. Chắc do stress, chị nghĩ vậy và cố trấn tĩnh, nhưng có lúc chị cảm thấy như sắp ngất vậy.

 Thấy chị có vẻ mệt mỏi, anh bán hàng vải chạy ra:

-Em có sao không? Anh pha cốc chè cho em nhé?

 Chị lắc đầu:

-Em chỉ hơi chóng mặt thôi.

Trời bắt đầu mưa. Những giọt mưa như những mũi kim lạnh toát lọt vào cổ áo.

***

      Làng chị nằm bên con sông Nhõn. Gọi là sông cho oai chứ thực ra nó chỉ như một con kênh rộng. Khi chị mới khoảng mười hai tuổi, những chiều hè trẻ trâu thường lùa trâu xuống sông tắm. Chàng trai hàng xóm, hơn chị bốn, năm tuổi, người vạm vỡ, vừa lùa trâu xuống nước vừa hò:

-Đái mau, đái ra mười ba cong nước, con đực đái trước, con cái đái sau, bảo nhau mà đái!

 Tiếng “đái” trải dài trong chiều hè nóng nực. Chị đứng sau gốc chuối nhìn anh và cười tủm tỉm. Đôi má bỗng đỏ bừng thẹn thùng như bị ai bắt quả tang. Có cái gì đó rạo rực dưới làn áo mỏng mà chị chưa hiểu nổi. Những đêm trăng, chị giả vờ học bài rồi lẻn ra vườn nhìn ra sông. Ngoài bãi sông có chàng trai vừa nhảy ùm xuống nước. Vừa bơi, anh chàng vừa vẫy tay về phía vườn nhà chị chừng như đoán biết có người nhìn trộm mình. Chị đỏ mặt khi bắt gặp mình đang nghĩ không biết người tắm ngoài kia có cởi quần áo ra hay không.

 Chàng trai hàng xóm được chọn đi học ở Tiệp khắc. Anh đi rồi, chị buồn và nhớ. Chị hay nghĩ tới câu thơ:

     Khúc sông bên lở, bên bồi

Bên lở, lở mãi, bên bồi, bồi thêm”.

 Rồi tủi thân chị nghĩ mình là bên lở của dòng sông.Những chiều hè trẻ nhỏ vẫn lùa trâu xuống tắm nhưng không còn gì để chị háo hức đứng nhòm ngó nữa. Những đêm trăng...Chị bỗng ghét những đêm trăng làm sao. Chị cố mường tượng cảnh đêm trăng ở Tiệp. Nó có giống ở quê mình không anh?

    Thời gian trôi đi. Anh trở về sau sáu năm du học. Với dáng dấp mạnh mẽ của mình, lại pha thêm chút lịch thiệp tiếp thu được của nền văn hoá châu Âu, anh thực sự là một nỗi khát khao đến mất ngủ của các cô gái gần xa. Lúc này chị đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Trong khi chờ đợi phân công công tác, anh luôn là khách nhà chị. Và rồi giấc mơ của chị trở thành hiện thực, anh ngỏ lời. Chị cảm ơn Thượng đế đã nghe lời cầu khẩn của người con gái yêu thầm nhớ vụng suốt bao năm ròng.

    Đêm tân hôn cũng là đêm chị vỡ mộng. Cái màng trinh của chị trở thành rào cản lớn nhất. Không thành công, anh hậm hực: “màng đ...gì mà như áo chống đạn vậy!”. Chị đau lắm vì sự tàn nhẫn của chồng. Những tưởng sự trinh tiết là “của hồi môn” lớn nhất của mình dành cho chồng, nhưng chị đã lầm. Sau lễ cưới, anh được phân công công tác ở Thủ đô. Ngày chị báo tin cho chồng rằng mình có thai cũng là ngày anh tuyên bố quay lại đất Tiệp. “Anh đi trước, rồi tìm đường cho mẹ con sang”- anh phân trần.

 Những năm tháng tiếp theo là một chuỗi những chờ đợi và thất vọng. Những đêm trăng...Lại những đêm trăng, sau khi ru con gái ngủ, nỗi thèm khát được làm vợ, làm người tình trỗi dậy. Chị cố kìm nén bản thân với hy vọng sẽ có ngày hội ngộ. Bao nhiêu tâm tình chị gửi vào những bức thư. Nhưng những lá thư từ châu Âu cứ thưa dần. Rồi một ngày, thế giới của chị sụp đổ. Anh viết sẽ không về nữa và xin ly hôn.

    Vài năm sau, khi con gái đã đi học, gửi con lại cho bố mẹ, chị đi sang Ba Lan làm ăn. Chị ra đi một phần do hoàn cảnh, nhưng một phần do sự thèm khát “trả thù” thôi thúc. Chị muốn chứng minh cho người chồng cũ rằng mình không hề thua kém một ai. Một thân một mình sống trên đất khách quê người thực sự không dễ dàng gì. Để vợi đi chút ít những vất vả của cuộc sống hàng ngày và dịu bớt nỗi cô đơn, chị kết thân với một người đàn ông cũng cùng hoàn cảnh. Rồi chị sinh được một cháu trai bụ bẫm. Nhưng một lần nữa lý trí không mách bảo, chị lại gửi nhầm trái tim mình. Sau hai năm chung sống, chị lủi thủi ôm con đi tìm nhà ở riêng.

    Tuy không còn trẻ nữa nhưng chị có dáng dấp mảnh mai lại thêm sự săn chắc của người phụ nữ đồng quê quen làm lụng vất vả. Riêng khuôn mặt chị đã in rất đậm dấu ấn của thời gian và sự nghiệt ngã của số phận. “Mày ơi!- chị gọi cô bạn. -Có lần tao đang đi bộ, nghe tiếng huýt sáo sau lưng. Mấy cậu thanh niên đi xe Audi tưởng tao còn trẻ, khi tao quay mặt lại thì tụi nó nhấn ga chạy toé còi”. Hai chị em cười chảy nước mắt. Cô em luôn tìm cách mai mối, nhưng chị chỉ cười. Tình yêu ư? Với mình thì hết rồi.

    Xa quê chị nhớ nhà, nhớ dòng sông. Mỗi lần nghe bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo “qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê...” nước mắt chị lại trào ra. Chị yêu và nhớ con sông Nhõn, dù chị cố tình quên nó, muốn dìm cả mối tình đầu xuống dòng nước chẳng mấy khi trong.

 Ở chợ, nơi chị bán xôi, một người đàn ông cục mịch có quầy bán quần áo. Anh ít nói và không có sự thanh lịch mà chị muốn ở người đàn ông của mình. Hàng ngày anh luôn quan tâm đến chị. Dần dần trong quan hệ với chị, anh muốn tiến xa hơn, nhưng chị chủ động giữ khoảng cách giữa hai người. Chị cảm thấy sợ hãi điều đó, không muốn lội xuống con sông lần nữa, nhất là dòng nước chảy không hoà nhịp với tiếng đập của trái tim mình.  

***

     Một nhóm thanh niên có lẽ là fan của câu lạc bộ bóng đá nào đó, hùng hổ đi ngang qua. Mặt chúng đỏ rực chắc bởi hơi men. Rất có thể đội nhà thua nên ai cũng đi với vẻ mặt hầm hầm.

-Này, mụ bán gì thế? Một đứa hỏi và lật nghiêng cái xe của chị làm thùng xôi bung ra. Xôi, lạc rang, thìa, dĩa làm bằng nhựa văng tung toé trên nền xi măng.

 Chị tái mặt, cảm giác thiếu không khí lại làm chị ngộp thở. Anh bán quần áo nhảy ra cản lũ điên bị chúng đạp ngã. Cảnh cuối cùng chị nhìn thấy là gót dày đạp vào mặt người đang nằm trên mặt đất.

 Tỉnh dậy trong bệnh viện, chị cố nhớ lại những gì xảy ra, nhưng tất cả như cuốn phim cũ rích, chỗ có hình, chỗ chỉ là những vệt đen trắng. Nhưng có một hình ảnh rất rõ nét, đó là ánh mắt của người đàn ông đang bị lũ thú dữ đánh đập. Nó toát ra một cái gì đó mà thời gian và nỗi vất vả hàng ngày đã làm chị quên đi mất. Qua con trai và bạn bè vào thăm, chị được biết anh bị chấn thương nặng và phải nhập viện.

   Ngày ra viện, chị không về nhà ngay mà đến thẳng bệnh viện, nơi anh đang được điều trị. Anh ngủ, đầu quấn băng kín mít. Chị ngồi rất khẽ xuống bên cạnh, nắm bàn tay thô ráp có lẽ chưa một lần biết đến kem của anh trong tay mình. Các ngón tay khô như phản xạ tự nhiên xiết lấy tay chị nhè nhẹ khi chị áp chúng lên má mình.

   Dòng sông quê lại chảy. Bây giờ con nước đã như một bản nhạc hoà theo nhịp đập của trái tim chị.

-Dòng sông của em!

   Chị thì thầm.

Vác-sa-va,  31.03.2019

Nguyễn Đức Thảo

Sửa lần cuối 2019-05-27 10:26:12

Bình luận

Bình luận qua Facebook