Mấy năm gần đây, Ba Lan có sự thay đổi đến chóng mặt. Kinh tế được cất cánh, dân bản xứ giàu có lên rõ rệt, nhưng ngược lại, cuộc sống của người Việt ở đây có vẻ ảm đạm hơn do thị trường buôn bán bị thu hẹp. Sự cạnh tranh giữa người Việt, người Tàu vô cùng khốc liệt, cộng thêm với việc phải đương đầu với những tập đoàn lớn làm cho nhiều doanh nghiệp Việt lao đao. Công ty của anh cũng không nằm ngoài vòng xoáy tất yếu ấy. Có lẽ vì vậy, dạo này đầu óc của anh lúc nào cũng căng thẳng . Sau giờ làm việc, hàng ngày, anh hay tìm thú vui bên ngoài để giảm stress. Chính thói quen này đã tạo nên sự vô tâm với gia đình và đã đẩy anh xa dần vợ con lúc nào không hay. Một hôm, sau vài chầu bia với bạn bè, anh thấy hơi đau đầu nên trở về nhà. Anh vừa chếnh choáng sà vào mâm cơm tối được để phần đã nguội ngắt nhưng gọn gẽ thì nghe chị nói:
- Em và các con sẽ về Việt Nam, chúng ta tạm xa nhau để cả anh và em suy nghĩ về việc của cả hai .... Em thấy qúa mệt mỏi rồi.
- Tại sao em lại có ý nghĩ kỳ quái vậy? Em về thì ai bán hàng ở quầy? Em không thấy là anh đầu ra đít vào mà không hết việc ở hala (*) hay sao? - Anh hơi đỏ mặt to tiếng.
- Thôi em không nói nữa! Khi nào anh tỉnh táo không còn mùi cồn em sẽ nói. Còn bây giờ muộn rồi, em phải cho các con đi ngủ - Nói đoạn chị quay gót và đóng cửa phòng.
Cả buổi sáng hôm sau tại chỗ làm, anh nhớ lại xem mình đã làm gì có lỗi để chị hành động như vậy, nhưng mãi vẫn không thấy mình có lỗi gì. Chuyện tày trời của đàn ông là chuyện gái gú, phản bội vợ, anh không có. Hay là chị...? Vắt óc nghĩ mãi, đầu óc anh mông lung trống rỗng, không có mối liên hệ nào rõ nét.
Về phần chị, ngồi ở quầy bán hàng mà chị không thể tập trung vào công việc. Chị ngồi thừ ra, những thắc mắc về tình yêu và hạnh phúc gia đình cứ lởn vởn trong đầu. Việc quyết định rời xa anh lúc này là việc qúa khó khăn với chị, bởi khi có một mình, anh rất khó xoay sở. Nhưng đã hơn chục năm sống trong cuộc sống đơn điệu, làm lụng vất vả, sáng năm giờ ra khỏi nhà, chiều bốn rưỡi ra khỏi quầy hàng, không tham quan du lịch, không sách báo phim ảnh, thiếu vắng cả những đêm ca nhạc đầy náo nhiệt và những tối cà phê thú vị cùng bạn bè, chị thấy thật buồn tẻ và sắp qúa ngưỡng của sự chịu đựng. Luôn chân luôn tay ở chỗ làm, về đến nhà, chị lại cắm đầu vào cơm nước, con cái cùng với trăm thứ việc không tên khác. Chị thấy tâm hồn mình ngày một mệt mỏi, rệu rã, không phải mình được sống mà chỉ đang tồn tại vô mục đích. Tuổi thanh xuân đang bị chôn vùi một cách phí phạm.
Chị nhớ lại, ngày xưa, khi còn là một cô bé mới bước chân vào giảng đường của trường đại học sư phạm , còn anh thì mới tốt nghiệp xây dựng và tìm việc làm. Anh quen chị trong một buổi dạ hội tại trường ngoại ngữ Thanh Xuân. Cả hai nhanh chóng quấn quýt nhau vì anh thì mạnh mẽ, tàì giỏi và galant, còn chị thì xinh đẹp, sâu sắc và lãng mạn. Sau vàì năm công việc đã ổn định nhưng lương lậu lẹt đẹt, với nhiều mối quan hệ, anh đã móc nối và chạy được sang Ba Lan với hy vọng đổi đời. Còn chị thì sang với anh theo tiếng gọi tình yêu.
Đoán được việc nghiêm trong của việc chị đưa ra tối qua, chiều nay anh đã bỏ mấy trận độ tennis, về nhà sớm và kịp ăn bữa tối cùng cả nhà. Đợi bọn trẻ ăn xong vào phòng riêng, anh nhẹ nhàng hỏi:
- Việc tối qua em nói là thật hay đùa anh vậy? hay em đang có ý đồ gì mà gây sức ép với anh?
Chị nhìn anh thoáng chút ngỡ ngàng:
- Anh nghĩ em nhàn rỗi lắm hay sao mà lại đi đùa cợt như vậy? Em chưa đủ tối mắt tối mũi với núi việc ở hala, bù đầu chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, con cái, em đã có thời gian mà ngẩng mặt lên chưa? Mà anh còn suy diễn em đòn vọt gì với anh!
- Em nói vậy làm anh nghĩ em muốn xa anh vì công việc qúa áp lực và bận bịu? Em tưởng chỉ có em mới bận bịu chắc?
Chị cười nhạt chua xót:
- Vâng, đúng là anh qúa bận bịu, anh qúa bận với một tuần mấy buổi tennis, chín giờ tối chưa thèm về, thứ bảy chủ nhật đi cuốc đất đào giun từ vươn thở đến tiếng thơ, lúc chân nọ đá chân kia mới lê thân về nhà.Vài hôm, anh lại mất hút với hội tá lả, chưa kể thỉnh thỏang còn bát ngát với hội câu cá nữa. Bận toàn việc đại sự thế thì làm gì còn thì giờ lo cho vợ con là phải.
- Em tìm thuê osin đi cho đỡ vất vả! Tại sao phải lấy việc đưa các con về Việt Nam để dọa anh?
Cho rằng anh đã cố tình không hiểu được bức xúc của mình, chị hơi mất bình tĩnh và nói rõ từng tiếng :
- Sao em phải dọa anh? Anh thử nghĩ xem tình hình chợ búa, khách khứa ra sao? Thuế má thì bên ngoài đứng chặn hết các cửa, bên trong quần nát cả trung tâm buôn bán này, bắt bớ liên miên, chi phí hàng ngày còn chưa đủ nữa là thuê osin. Mà vấn đề ở đây không phải cần một osin, cái em cần là sự chia sẻ và ý thức vun vén gia đình. Các con cũng đã có nhận thức, em không muốn các con ỷ lại vào osin mà sinh lười, không chịu lao động, sẽ sống thiếu kỹ năng và không có tính tự lập. Em quyết định rồi, em sẽ cùng các con về.
Anh chưa kịp nói tiếp, chị đã đứng dậy, bỏ dở bát cơm và rảo bước vào phòng. Cửa phòng vừa khép lại, nước mắt chị cứ trào ra. Mang tiếng sang tây với chồng mà đã có lúc nào chị được sung sướng, thậm chí thiếu cả thời gian lo cho bản thân. Nhiều khi, chị còn tự thấy mình xuề xòa và luộm thuộm. Chị là con người, đâu phải cái máy, có những lúc rã rời vì áp lực công việc. Những lúc ấy chị chỉ thèm xong việc, về nhà ngả lưng xuống giường cho giãn xương cốt, đọc vài trang sách cho thư giãn ..... Đã có lúc, chị thủ thỉ tâm sự với anh. Nhưng là người dẻo mỏ, anh bỡn cợt theo kiểu "đàn ông quan trọng nhất là việc kiếm tiền, còn dăm ba cái việc lặt vặt đó em đừng bắt anh phải bận tâm" nên chị lại thôi. Vốn là người sâu sắc và cũng không muốn mang tiếng tỵ nạnh với chồng, chị chọn cách không nói và cứ lẳng lặng làm việc một mình.
Có lẽ chưa bao giờ chị lại tỏ thái độ dứt khoát với anh như vậy, sự quyết tâm đã làm anh choàng tỉnh. Buổi tối, thay vì phải vào trung tâm buôn bán để nhập một lô hàng lớn, anh nằm dài ở nhà suy nghĩ. Sự hờn giận rất đàn bà của chị trong bữa cơm chiều dường như đã làm cho anh thấu hiểu sự vất vả mà chị phải trải qua hơn chục năm qua. Đã từ rất lâu rồi, hầu như anh chẳng bao giờ ăn cơm tối cùng vợ con, lúc trở về nhà vẫn thấy chị đang lúi húi việc gì đó hoặc dạy học cho con. Trên bàn là mâm cơm phần anh đã nguội lạnh. Anh nhớ có một lần vì qúa bực mình chị đã nói thẳng:
- Em biết thừa anh nói đi câu cá, nhưng chẳng câu ở đâu cả, anh vác cần đi nhưng là đi đánh bài, cuối buổi mua vài cân cá ở siêu thị mang về để qua mặt em. Em chẳng thèm nói, vì chả có hồ câu nào mở cửa đến mười giờ đêm và cá thì đã được đánh vảy sẵn cả, Bị bóc phốt rõ ràng như vậy nhưng anh cũng chẳng ngượng, chỉ cười trừ, loanh quanh bao biện và rồi vẫn chứng nào tật đấy.
Pha thêm cốc cà phê, một vài hình ảnh xa xưa như hiện ra trước mắt làm anh cười thầm. Hồi mới yêu nhau, để lấy lòng chị, anh hứa hẹn đủ điều nào là sẽ đưa chị sang Châu Âu chơi cho khoái, nào là cùng chị đan lưới đánh cá bằng ánh nắng ban mai bên làng chài ở Châu Phi xa xôi ...... Bây giờ thì chị cũng đã được sang Châu Âu ..... nhưng suốt ngày tính tóan chuyện tiền nong, còn Châu Phi xa xôi kia, đôi khi chị nhắc đến làm anh thấy thật ngớ ngẩn. Đàn ông hay nghĩ đã cưới được người con gái họ yêu thì sẽ không cần phải thể hiện sự galant chiều chuộng như hồi mới cưa nữa . Họ hay đổ lỗi cho cuộc sống bộn bề và sự lãng mạn như là sự dởm dít vậy. Chính thế đã làm cho cuộc sống thiếu đi sự thăng hoa, tình cảm vợ chồng sớm nguội lạnh.
Vài ngày sau trời lạnh xuống đột ngột, tuyết rơi dầy, sân golf đóng cửa nên anh trở về sớm hơn. Tới nhà, anh thấy chị đang đánh vật cùng cậu con trai đang sốt đùng đùng -có lẽ lúc ở trường cu cậu mặc phong phanh nghịch tuyết với đám bạn nên bị cảm lạnh. Ngoài bếp thì tanh bành rau, củ, đậu, thịt. Con gái bé đang bắc ghế lên cao hơn cái bếp để đứng canh nồi rau giúp mẹ. Khoảnh khắc rất bình dị đó bỗng làm tim anh đau nhói, cảm giác thương vợ con tràn ngập, Tự thấy việc mải chơi của mình suốt nhiều năm qua thật là qúa đà. Càng cảm phục vì sự nhẫn nại và tận tâm vì chồng con của chị, càng cảm thấy mình đáng trách . Anh tự thấy cần phải thay đổi nếu không muốn chị buông tay.
Cả tuần liền anh đều về nhà sớm và lóng ngóng giúp chị những việc lặt vặt để mong được làm lành. Nhìn thấy chị đã đỡ lạnh lùng hơn, anh tranh thủ:
- Em không phải một mình đưa các con về Việt Nam đâu! Để khi trẻ con được nghỉ hè, anh đưa cả nhà về và đi tham quan luôn! Thời gian tới anh sẽ về nhà sớm, đỡ đần em, kèm các con học và chơi với chúng nữa.
- Thế mà em cứ tưởng anh chỉ biết lo cho mỗi bản thân mình?
- Anh sẽ bỏ hẳn tá lả và câu cá, sẽ ở nhà trông con để em đi gặp gỡ bạn bè, đi sinh hoạt câu lạc bộ thơ và khiêu vũ mà em yêu thích ....
- Em cũng muốn - Chị nhẹ nhàng nói - anh bỏ tá lả từ lâu rồi, vì bài bạc hay ho gì. Cá mú thì hồ câu qúa xa, đường về tối tăm, nguy hiểm.
- Còn tennis và golf, em không định bảo anh bỏ nốt đấy chứ? - Anh cười mỉm đùa cợt.
-Anh cứ làm như em khó khăn lắm ý. Em biết bao năm qua anh tự do quen rồi, tuần vừa rồi thiếu những trận tennis, những buổi chơi golf với bạn bè, anh đã rất bứt rứt. Em có́ cấm đoán anh đâu, chơi thì khỏe, vừa được giao lưu lại đỡ căng thẳng. Nhưng em mong anh chơi xong về luôn, không bê tha quán xá! Bữa tối đầm ấm khi có đủ mặt cả nhà, em ngán cái cảnh tối nào cũng phần cơm anh lắm rồi.
- Em tâm lý qúa, cảm ơn em! Anh vừa không đến sân tennis mấy hôm mà lũ bạn đã bắn tin là cho anh vào team "sợ vợ" rồi đấy, để mai anh cho chúng nó một trận.
Cùng nhau bước chân ra khỏi quán cà phê thơm lừng trên Thành Cổ, anh dúi vào tay khoe với chị đôi vé xem ca nhạc tối nay của Thomas Anders - người ca sĩ lừng danh của ban nhạc Modern Talking mà chị đã mê mẩn từ thời sinh viên. Đôi mắt chị long lanh ánh lên niềm hạnh phúc. Đây có lẽ là bất ngờ thú vị nhất mà anh dành cho chị sau từng ấy năm có mặt ở trời Âu.
Trong tiếng nhạc tưng bừng, ánh sáng chói lòa, đủ các sắc màu rực rỡ của sân khấu, chị ngả đầu, thủ thỉ vào tai anh:
- Em cứ tưởng, trải qua bao sóng gió cuộc đời đã làm trái tim anh chai sạn mất rồi .... Hay là định chơi chiêu "hâm nóng lại tình yêu" đây?
Anh cười hiền, nụ cười như thủa anh chị mới quen nhau:
- Em yêu! Không cần hâm nóng làm gì, vì từng ấy năm trời, đã bao giờ nguội đâu mà phải hâm nóng lại ..... Cái này phải gọi là đánh thức thanh xuân thì mới đúng nghĩa của nó chứ.
Warszawa, 15/5/2019.
Hà Dương Quân.
(*) Hala: Quầy buôn bán hàng hoá, thường rộng khoảng 50 -100 m2
Bình luận