2014-12-02 07:17:58

Dân ca “ví, dặm” hay “ví, giặm”?

Sau khi UNESCO vinh danh Dân ca ví, dặm (giặm) của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều người mới “ngã ngửa” vì không biết phải viết thế nào mới đúng chính tả.

Sân khấu liên hoan dân ca của địa phương tổ chức ghi “Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ”.

Sân khấu liên hoan dân ca của địa phương tổ chức ghi “Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ”.

Trong thông cáo báo chí ngày 28/11 gửi tới các cơ quan truyền thông, Bộ Ngoại giao cho hay Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã được công nhận là “Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại”. Tuy nhiên, trên website www.dsvh.gov.vn của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), trong danh mục Di sản văn hóa quốc gia, cơ quan này lại gọi “Dân ca ví, giặm xứ Nghệ”.

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và Phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại” (trường hợp dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh) được Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức hồi tháng 5, BTC cũng dùng từ “ví, giặm” trong các tài liệu khoa học.

Điều này cho thấy không chỉ nhiều người mà giữa các cơ quan nhà nước cũng không có sự thống nhất về cách gọi “ví, dặm” hay “ví, giặm”.

Các chuyên gia về ngôn ngữ cũng có những quan điểm khác nhau về “ví, dặm/giặm”. Theo cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2011) thì hát dặm là “lối hát dân gian ở Nghệ Tĩnh, nhịp điệu dồn dập, lời dựa vào thơ năm chữ, hai câu cuối bao giờ cũng lặp lại về âm vận và câu chữ”, còn hát ví là “hát đối đáp có tính chất trữ tình giữa trai và gái trong lao động” (như ví đò đưa, ví phường nón, ví phường vải, ví trèo non).

Còn “giặm” được hiểu là một động từ, có nghĩa:

1. Đan, vá thêm vào chỗ nan hỏng;

2. Thêm vào chỗ còn trống, còn thiếu cho đủ.

Theo tác giả Đỗ Thị Kim Liên (Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 2-2012): “Gọi là ví, giặm bởi bài nào cũng chứa ít nhất một câu lặp lại câu đi trước giữa khoảng trống hai khổ thơ, giống như giặm mạ thêm vào chỗ trống. Bài ít thì chỉ một cặp giặm, bài nhiều thì có đến 12 cặp lặp lại”.

TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng gọi như thế nào thì phải tuân theo phong tục địa phương. “Tôi đã đi thực tế ở vùng Nghệ Tĩnh nhiều năm nên hiểu đồng bào ở đây. Cách họ dùng là “giặm”, theo nghĩa là thêm vào chỗ còn trống, chỗ đang thiếu, chứ dùng “dặm” thì lại thành đơn vị đo lường độ dài rồi” - TS Thanh nói.

Ông cũng giải thích thêm, thể thơ của giặm là câu cuối cùng nhắc lại câu áp chót dưới hình thức tương tự, ví dụ: “Bà trao cho một tiền/ Bà truyền mua đủ thứ/ Bà lại truyền đủ thứ...”

Được biết, tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ” tổ chức ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An vào tháng 3/2011, căn cứ nhiều cứ liệu và luận cứ khá thuyết phục, các nhà khoa học đã trao đổi và nhất trí là từ sau hội thảo sẽ sử dụng cách viết “giặm” trên tất cả các văn bản chính thức.

Tuy nhiên, có lẽ do cách dùng “ví, dặm” đã quen thuộc với nhiều người, lại thêm sự thống nhất này chưa được thông báo rộng rãi nên “ví, dặm” vẫn được dùng phổ biến.

Vậy gọi ví, dặm theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao hay theo cách gọi ví, giặm của Bộ VH-TT-DL là đúng sau khi được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại?

Theo Hoàng Lan Anh (Người lao động)

Sửa lần cuối 2014-12-02 06:18:59
  • Thanh Đức Thanh Đức Thực ra về ngôn ngữ thì từ nào được dùng nhiều, lâu dần sẽ thành chính thống hơn từ, tuy có đúng hơn về gốc gác nhưng lại ít được dùng hơn; kiểu như lệ dùng lâu rồi thành luật vậy! Hai từ này có thể do 2 âm tiếng Việt d và gi thường nhầm do địa phương, do chính một số cơ quan thẩm quyền, nhà văn hóa truyền bá...nên lâu dần cái sai thành đúng hơn cái đúng! Cụ thể, tra google (11/12/14) sẽ cho thấy chính xác cụm từ nào hay dùng hơn: “ví, dặm” About 422,000 results (0.35 seconds) "ví, giặm"About 275,000 results (0.33 seconds) 2014-12-11 01:11:08

Bình luận

Bình luận qua Facebook