2014-08-27 12:15:05

Dấu xưa chuyện cũ Thăng Long – Hà Nội: Lý Nam Đế xây thành Vạn Xuân

Lý Nam Đế là cách gọi tắt của Lý Nam Việt Đế. Đó là danh hiệu của một người họ lý. Tên thì có ba cách đọc: Bôn, Bí, Phần. Gọi cách nào cũng được. Vì đều có nghĩa đẹp ( Bôn là dũng sĩ, “Bí” là rực rỡ, “Phần” là to lớn).

Trước kia trong sử sách, thông dụng hay dùng là “ Lý Bôn”. Ngày nay thường gọi là “ Lý Bí”. Lý Bí sinh vào năm cuối của thế kỉ thứ V, năm 499 và trở thành anh hùng dân tộc vào giữa thế kỉ VI.

Khởi đầu là việc dừng cờ khởi nghĩa vào năm 52 chống lại nhà Lương ở phương Bắc sang đô hộ nước Đại Việt. Đó là cuộc khởi nghĩa toàn dân có rất nhiều anh tài, dũng sĩ khắp nơi kéo về ủng hộ. Văn có Tĩnh Thiều, Triệu Túc. Võ có Phạm Tu, Lý Phúc Man. Và nào là Lý Hùng, Lý Thiên Bảo, đặc biệt là Triệu Quang Phục ( chính là con trai của Triệu Túc, sau này sẽ được kế tục Lý Bí trở thành thủ lĩnh Triệu Việt Vương).

Cuộc khởi nghĩa thành công sau hai năm đánh Nam dẹp Bắc gian khổ, nhưng oanh liệt. Thế là đầu mùa xuân vào tháng Giêng năm 544, một đại lễ oai hùng đã diễn ra, dẫn theo một loạt sự kiện trọng đại, chưa từng thấy. Đặc biệt đều là nhũng miền trung tâm của đất nước lúc bấy giờ. Sau này chính là đất Thăng Long – Hà Nội.

Đầu tiên là lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế của thủ lĩnh Lý Bí. Đây là lần đầu tiên một người nước Việt xưng Đế. Trước đây từ Hùng Vương, An Dương Vương, đến Trưng Nữ Vương đều chỉ là xưng vương thôi. Thì ai chả biết, Đế hay Vương cũng đều là vua cả! Nhưng lại có một thứ “luật không thành văn” lúc bấy giờ là: vua trong thiên hạ ai muốn xưng Vương – thậm chí là Đại vương cũng được. Nhưng, duy nhất chỉ có một người có quyền xưng Đế thôi, ấy là Hoàng đế nước Trung Hoa ở phương Bắc. Vì thế Lý Bí là người đầu tiên ở phương Nam  xưng Đế cực kì quan trọng. các danh hiệu “Lý Nam Việt Đế” tuy chỉ là danh hiệu, nhưng ý nghĩa lại là: Tôi – họ Lý ( tên Bí) ở nước Việt, phương Nam, làm Hoàng Đế là bình đẳng ( tự giác, tự hào, tự tôn) dân tộc với Hoàng Đế phương Bắc.

Vậy là vị Hoàng Đế nước Việt phương Nam sau khi đăng quang đã tiếp tục thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, bằng việc đặt tên cho nước. Lệnh ban bố Quốc hiệu Vạn Xuân, cũng mang ý nghĩ như danh hiệu Lý Nam Đế. Bởi mùa xuân là cả vạn mùa xuân. Thế thì sự tươi tốt ấy sẽ trường tồn, vĩnh cửu.

Có Quốc hiệu đẹp như thế rồi, bây giờ đến việc tiếp theo là đặt tên kinh đô ( thủ đô). Nhưng sử cũ chép rõ là: có xây “ Đài vạn xuân” làm chỗ triều hội trăm quan. Thế thì cái “Đài vạn xuân” này cũng chính là một hình thái kinh đô( thủ đô) rồi. Và như thế ở đây thêm một điểm giống thời Hùng Vương, tên nước là “Văn Lang”. Lý Nam Đế khi lấy tên Vạn Xuân đặt cho cả tên nước lẫn tên kinh đô thì đó chính là việc kế tục truyền thống: Đô hiệu cũng là Quốc hiệu.

Trung tâm hành chính, chính trị với Đô hiệu là Vạn Xuân liền đấy còn được Lý Nam Đế tạo dựng cho một trung tâm văn hóa nữa – đó chính là ngôi chùa Khai Quốc ( mở nước) mang ý nghĩa mở mang đất nước, mở mang đô thành Vạn Xuân. Đồng thời, cái tên này được mở ra truyền thống đặt các tên tiếp theo cho ngôi chùa cổ (lâu đời) nhất của Thăng Long – Hà Nội từ 1500 năm về trước, đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa và thành phần một đô thị do Lý Nam Đế khai sáng, từ giữa thế kỷ VI để cho Lý Thái Tổ và chính thức khai sinh vào năm 1010.

Theo PGS. Lê Văn Lan

Sửa lần cuối 2014-08-27 10:14:37

Bình luận

Bình luận qua Facebook