Năm nay thời tiết ở Ba Lan ấm áp, không có tuyết, ngày lễ Giáng Sinh diễn ra trong không khí trong lành và yên ắng. Ngoài đường rất ít xe ô tô. Mọi người hình như không ra khỏi nhà chỉ chăm chú vào các nghi lễ nhà thờ. Có thể hiểu: Giáng Sinh là ngày lễ kỷ niệm chúa Giê Su chào đời. Lẽ thường tình những ai theo đạo Thiên Chúa Giáo, với họ ngày này quan trọng vô cùng. Vì lẽ đó, không chỉ không khí chào đón ngày trọng đại náo nhiệt trong vài ngày mà kéo dài thành mùa Giáng Sinh như mọi người vẫn biết. Ngày nay cả những người không theo đạo Thiên Chúa Giáo cũng nghiễm nhiên chấp nhận và đón mừng ngày lễ này như ngày lễ của gia đình mình. Người Việt xa xứ ở Ba Lan cũng vậy, cũng nô nức sắm sửa, cũng chuẩn bị cây thông Noel, cũng tâm trạng phấn chấn với kế hoạch riêng của mình để có mùa Giáng Sinh vui vẻ nhất. Chỉ khác ở chỗ họ không đi đến nhà thờ làm lễ như dân theo đạo.
Người công giáo Việt Nam tại Ba Lan dự lễ thánh tại nhà thờ ở phố Ostrobramska ngày Noel 2015 ( Ảnh FB Khanh Vo)
Ở Ba Lan bắt đầu vào tháng 12 mọi người kinh doanh luôn trong tâm lý chờ đợi và hy vọng. Vì cứ vào dịp này ngoài ngày 24/12 lễ Giáng Sinh kéo dài gần suốt thời gian để chuẩn bị đón chào năm mới. Việc mua quà tặng nhau kèm theo lời chúc an lành không thể thiếu được. Những năm kinh tế không khủng hoảng, dịp này cũng là lúc bà con xa xứ"gặt hái"đáng kể. Sau năm mới, gần như mọi người sắp đặt công việc để về Việt Nam với cái tết cổ truyền của mình. Công việc làm ăn không được quan tâm hàng đầu vì sức mua giảm trông thấy. Khách hình như chẳng có nhu cầu mua sắm. Mấy năm gần đây, suy thoái toàn cầu, việc kinh doanh đi xuống và chẳng còn mùa"gặt hái"như trước nữa. Nhưng cứ dịp Giáng Sinh, mọi sinh hoạt vẫn náo nức, hình như càng được các gia đình, các hội đoàn quan tâm hơn có thể là rảnh rỗi hơn, nhưng cũng có thể họ" hội nhập" hơn.
Thông thường các trung tâm và chợ buôn bán hết ngày 23/12. Sau đấy nghỉ lễ Giáng Sinh và đón chào năm mới. Năm nay nghỉ từ ngày:24,25,26,27 đi làm 28,29,30 ngày 31/12 nghỉ đón chào năm mới 2016. Việc mua quà tặng nhau, nhất là các gia đình có con, cháu bên cạnh không thể thiếu được. Ngoài những lúc đi làm, các cha mẹ tranh thủ lượn cửa hàng, ngắm nghía món này, món kia tặng bà con mình và bạn bè thân thích. Các món quà thường được bí mật cho đến phút chót( phút các thành viên mở quà dưới gốc cây thông). Mỗi món quà được gói trong các giấy màu sắc tươi tắn, dù to hay nhỏ, có khi chỉ là phong Sokola nhưng chứa đựng trong đấy rất nhiều ý nghĩa. Vì thế được nhận quà trong dịp lễ kèm lời chúc phúc là niềm động viên lớn trong dịp lễ. Lâu dần thói quen này được người Việt xa xứ quan tâm, rất nhiều gia đình không thể thiếu mặc dù mâm cỗ thịnh soạn đáng dấu sự sum họp đông đủ của con cháu, bạn bè đã được bày sẵn trên bàn.
Thứ gần như không thể quên là cây thông Noel. Có thể là cây thông nhựa dùng xong năm này, họ gói cẩn thận để Noel năm sau lại lôi ra dùng tiếp. Nhưng đẹp nhất vẫn là cây thông tươi được mua từ chợ bởi hương thơm đặc trưng của nó và những cành lá sinh động của nó. Trong phòng khách, nếu sự hiện diện của cây thông là sự báo tin về những ngày lễ vui vẻ cuối năm, thì phong thái của gia chủ tất bật trang trí cho nó, nhìn vào họ cũng thấy mọi lo toan, mọi rủi ro của năm cũ đã được xua tan, họ đang đón chào nhiều may mắn sẽ đến với mình. Khi công việc chuẩn bị cây thông kết thúc, cũng là lúc cây được khoác lên mình những trang sức đẹp và ý nghĩa. Những đèn màu nhấp nháy như những tiếng cười vui vẻ rộn ràng. Những hình thù treo trên cành thông mang rất nhiều thông điệp tốt lành. Nó như những tinh tú của hành tinh với những năng lượng an lành tràn về trong căn phòng mang hạnh phúc, ấm no cho gia chủ. Và phía dưới gốc cây thông là những gói quà, những món quà sẽ tặng tất cả mọi người trong giờ phút ấm cúng bỏ lại sau lưng tất cả nỗi buồn phiền trong năm. Những phút giây tuyệt vời nhất khi họ ở bên nhau trong những ngày sắp chuyển giao năm cũ.
Truyền thuyết cho rằng, có ông già Noel, tốt bụng. Cứ dịp lễ Giáng Sinh là đi xe Trượt tuyết có các chú Tuần Lộc kéo. Ông mặc bộ đồ đỏ, đầu đội mũ đỏ, vai khoác túi quà to đùng, chui qua ống khói vào tận giường các em nhỏ, khẽ hôn lên trán và ban lời chúc phúc. Khi ra khỏi nhà ông để lại túi quà của mình cho mọi người, ông đến và đi rất âm thầm. Những ai nhận được quà sẽ nhận được mọi may mắn nhất. ..Truyền thuyết là vậy, có thể vì thế mà ở khắp mọi nơi trên thế giới, ngoài trang trí cây thông trong nhà và các món quà, mọi người còn chăng đèn màu trên các cây cối ngoài vườn, ngoài các bậc cầu thang vào nhà mình. Ngoài mục đích làm đẹp khu vực mình ở, còn có ý nghĩa sâu xa, nhờ những ánh đèn màu nhấp nháy, dù ở rất xa trên các cỗ xe lướt trên gió, dù những nơi xa xôi tuyết phủ ông già Noel vẫn nhìn thấy họ. Ông sẽ ghé thăm và mang mọi điều tốt lành cho họ...
Những ngày này, người Việt xa xứ cũng giống người bản xứ. Những ngày nghỉ lễ dành cho gia đình mình, dành cho bạn bè, những cuộc vui kéo dài từ nhà này sang nhà nọ. Có khi bọn trẻ nhận được rất nhiều gói quà khác nhau từ người lớn. Chúng hớn hở tò mò khi cầm gói quà trên tay...Sự hội nhập của người Việt ở xứ người mang nhiều nét đẹp. Bên cạnh những phong tục cổ truyền được duy trì để các thế hệ hướng về nguồn cội, những ngày lễ lớn khác đã được mọi người quan tâm vì vậy cách nhìn nhận cuộc sống của người xa xứ luôn cởi mở và tôn trọng những truyền thống của đất nước mình đang sinh sống.
Warszawa, Giáng sinh 24/12/2015
Nguyễn Mai Lê
Bình luận