Cách đây không lâu, người Việt ở Ba Lan thi lấy bằng lái xe quốc gia khá dễ dàng, vì có phiên dịch tiếng Việt đi cùng. Khi thi lý thuyết thì phiên dịch đọc các câu hỏi và dịch sang tiếng Việt cho thí sinh nghe. Nói chung tỷ lệ thi đỗ phần lý thuyết ngay trong lần thi thứ nhất của người Việt là gần như 100%, trong khi một số người Ba Lan thỉnh thoảng phải thi lại phần lý thuyết. Các giám thị chấm thi đã luôn nhắc nhở các phiên dịch và thí sinh là nếu có xảy ra hiện tượng nhắc bài, hậu quả sẽ rất nặng nề cho cả phiên dịch lẫn người đi thi, bởi vì Bộ giiao thông Ba Lan đã cho phép các trường chấm thi được ghi âm những lời dịch và luôn mang đi kiểm tra. Rồi sau đó hình như cũng đã có một số trường hợp người Việt phải thi lại phần lý thuyết.
Phần thi thực hành thì khó hơn, mặc dù có phiên dịch ngồi trong xe cùng với thầy chấm thi, dịch rõ ràng tất cả những hiệu lệnh của thấy giáo chấm thi, nhưng có trường hợp người Việt thi 17 lần mới đỗ, thời gian thi là 2 năm mới xong, vì khi đó rất đông người đi thi, thường là hơn 1 tháng mới đăng ký được 1 ngày để thi. Trong xe ô tô luôn có camera ghi tiếng và ghi hình.
Rồi người ta thay đổi luật, ngoài tiếng Ba Lan, các câu hỏi đã được dịch sẵn sang tiếng Anh và tiếng Đức. Thí sinh phải tự chọn ngôn ngữ để tự đọc và làm bài. Không có bài thi tiếng Việt. Tất nhiên thí sinh vẫn có thể mời phiên dịch tiếng Việt cùng đến trường thi, nhưng phiên dịch cũng chỉ đứng quan sát cùng thầy trong lúc thi lý thuyết, nếu có thắc mắc hay tranh cãi gì về chuyện chấm bài thì khi đó cần đến phiên dịch. Khi thi thực hành, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi, tức là phiên dịch vẫn ngồi trong xe của thí sinh cùng với thầy chấm thi.
Vào cuối năm ngoái, người Việt vui mừng khi nghe thấy thông tin là bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp từ tháng 01.2015 sẽ được công nhận ở nhiều quốc gia. Nhiều người hy vọng là có thể về Việt Nam học, thi lấy bằng lái xe Việt Nam rồi mang sang Ba Lan đổi lấy bằng lái xe Ba Lan.
Tuy nhiên hiện nay ở Ba Lan vẫn chưa có chỉ thị cho phép đổi bằng lái xe Việt Nam sang bằng lái xe Ba Lan.
Về nguyên tắc, khi người nước ngoài vào Ba Lan sinh sống ngắn hạn, nếu có mang theo bằng lái xe quốc tế vào Ba Lan, thì người đó có thể dùng bằng lái xe nước ngoài đó trong vòng dưới 6 tháng. Nếu sinh sống ở Ba Lan lâu dài hơn, cần phải có bằng lái xe Ba Lan. Do vậy khi người Việt Nam có thẻ cư trú ở Ba Lan, vẫn có thể thanh minh là mình vừa mới về Việt Nam sinh sống 1 thời gian, đã thi đỗ bằng lái xe ở đó, hiện nay quay lại sinh sống ở Ba Lan vài tháng, do vậy chưa cần có bằng Ba Lan vĩnh viễn (có thể trình bằng lái xe Việt Nam kèm theo bản dịch, với điều kiện là ngày dịch cách đây không lâu). Tuy nhiên, nếu công an giao thông kiểm tra, đã có ghi số bằng lái xe đó vào hệ thống máy tính và hơn 6 tháng sau, họ lại gặp chiếc bằng lái xe đó, thì chắc chắn họ sẽ không chấp nhận bằng lái xe Việt Nam nữa. Điều đó có nghĩa là nếu không bị kiểm tra, có thể luôn thanh minh được là sau khi có bằng lái Việt Nam, lái xe mới quay lại Ba Lan sinh sống và mới lái xe chưa đến 6 tháng ở Ba Lan. Theo lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế ra sao, có lẽ còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận của từng người công an giao thông và tùy thuộc vào những lời giải thích có lôgic của người lái xe.
Về nguyên tắc, phải sinh sống ở Ba Lan trên 6 tháng, khi đó mới có đủ thời gian để học xong 1 khóa học lái xe và có thể thi được bằng lái xe Ba Lan.
Việt Nam công nhận bằng lái xe Ba Lan, nhưng để Ba Lan chấp thuận và cho phép công dân Việt Nam đổi bằng lái xe Việt Nam thành bằng lái xe Ba Lan, ắt hẳn phải có những yêu cầu hay những đề nghị theo cấp Bộ tương đương, tức là Bộ giao thông vận tải Việt Nam có thể đề nghị Bộ tương ứng của Ba Lan ra chỉ thị để các Sở giao thông cấp dưới công nhận và tiến hành thủ tục cho đổi bằng lái xe. Hoặc là có thể yêu cầu Ba Lan chuẩn bị các đề thi bằng tiếng Việt, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam không thông thạo ngoại ngữ có thể tham gia thi lấy bằng lái xe ở Ba Lan. Các trường thi lái xe ở Ba Lan hiện nay rất vắng thí sinh, do vậy có lẽ họ cũng sẽ rất vui mừng khi lại có nhiều thí sinh Việt Nam đến trường của mình đăng ký thi bằng lái xe, bởi vì nhiều thầy giáo chấm thi đang lo lắng sẽ bị giảm biên chế, nguyên nhân là số lượng người dân Ba Lan đi thi bằng lái xe cũng ngày càng giảm. Trước đây, nếu thi lái trượt, phải đăng ký hơn một tháng mới có ngày để thi lại, hiện nay chỉ một hai ngày hôm sau có thể quay lại trường thi để làm lại công việc bắt buộc này.
Về luật giao thông, bộ luật ngày càng thắt chặt, tức là khi lái xe phạm luật, mức phạt tiền ngày càng cao, bởi vì là tình trạng lái xe uống rượu vẫn còn thường xuyên xảy ra. Ngoài ra trong khu vực có người sinh sống, tốc độ tối đa cho phép thường là 50 km/h, nhưng các lái xe thường vượt quá tốc độ, gây nguy hiểm cho những người khác đang cùng tham gia giao thông, nhất là những người đi bộ. Hiện nay mới thay đổi bộ luật, nếu tại nơi có dân cư, lái xe vượt quá tốc độ tận 50 km/h (thí dụ như tại nơi cho phép chạy 50 km/m mà phóng tận 100 km/h, hoặc là ở những đoạn đường có 2, 3 làn, biển báo tốc độ cho phép thường là 70 km/h, mà lái xe lại phóng tốc độ 120 km/h như trên đường cao tốc), thì khi đó công an sẽ tịch thu luôn bằng lái với thời hạn 3 tháng, nếu trong khoảng thời gian không có bằng đó, lái xe vẫn cố tình lái, bằng lái sẽ bị giữ tiếp 3 tháng nữa, rồi dẫn đến việc tịch thu bằng lái, bắt phải đi thi lại.
Ở Ba Lan đã có một số lái xe uống rượu gây tai nạn, bị tịch thu bằng lái, nhưng vẫn cố tình lái xe trong tình trạng có men, rồi lại tiếp tục gây tai nạn, tức là liên tiếp phạm tội, tòa án hiện nay cho ra án phạt tiền và án tù khá cao. Có nhiều ý kiến cho là số lượng những vụ vi phạm như vậy không hề giảm, do vậy cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn, tức là phải tịch thu xe ô tô của kẻ say rượu, vì đã cố tình dùng xe ô tô làm vũ khí để gây tai nạn.
Nhưng hiện nay ở Ba Lan chưa có điều luật tịch thu xe ô tô, Quốc hội Ba Lan thâm chí còn chưa thảo luận về những dự án như vậy, bởi vì có nhiều ý kiến cho là người dân Ba Lan rất hay mượn xe của nhau, do vậy không thể tịch thu chiếc xe, mà người đang lái xe đã trót dùng để gây ra tai nạn, nhưng người đó lại không phải là chủ xe. Ngoài ra giá trị của các xe ô tô là rất khác nhau. Cùng một tội, nếu có bộ luật như vậy, sẽ có người bị tịch thu chiếc xe ô tô giá trị chỉ 1 vài ngàn zloty, trong khi người khác có thể mất chiếc xe giá trị vài trăm ngàn zloty, như vậy là quá vô lý.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, Viện kiểm sát hay Tòa án có thể cho ra quyết định tạm giữ xe ô tô, nếu chiếc xe đang là tang vật chứng trong vụ án hình sự. Hoặc là khi thủ phạm vụ án có nguy cơ sẽ bị phạt một số tiền lớn mà lại không có nguồn thu nhập hay bất cứ tài sản gì khác, xe ô tô của người đó sẽ có thể bị tạm giữ, để đảm bảo cho việc thanh toán khoản tiền phạt theo bản án sẽ được tuyên bố sau này. Do vậy việc tạm giữ xe là do Viện kiểm sát hay Tòa án quyết định, công an chỉ có quyền quyết định về việc tạm giữ bằng lái.
Luật giao thông thỉnh thoảng lại thay đổi, do vậy chúng ta nên luôn cập nhật, để tránh xảy ra những vi phạm và những hậu quả đáng tiếc, nhất là khi khả năng thi đỗ bằng lái xe ngày càng khó.
Ngô Hoàng Minh
Bình luận