Miền quê trung du, nơi có rừng cọ đồi chè, có những con đường quê đất đỏ uốn lượn quanh những sườn đồi và những ngôi nhà mái rạ. Sinh ra và lớn lên ở miền quê yêu dấu này, tuổi thơ của con người được hưởng trọn những gì quê hương và người mẹ nghèo ban cho. Xa quê đã lâu, mỗi khi nhớ về, lại thấy thèm ăn món canh dân dã, đậm chất quê miền trung du, món canh rau sắn mẹ nấu năm nào.
Vào độ tháng ba, tháng tư âm lịch, tiết trời ấm áp, đó cũng là khoảng thời gian bắt đầu cho một mùa rau chỉ có ở quê tôi. Rau sắn. Mẹ bảo, muốn có rau sắn ngon, không chát, phải hái ngọn từ những cây sắn nơi hàng rào xung quanh vườn. Ngọn rau mập và không độc. Chính vì vậy, năm nào cũng vậy, vào dịp trước tết, mẹ chọn những cây sắn to cắm vào hàng rào vừa làm cọc rào, vừa để cho cây sắn mọc mầm cho rau vào độ tháng ba năm sau. Sắn có nhiều loại, sắn chuối, sắn lá tre, sắn xanh. Nhưng ngon nhất bao giờ cũng là giống sắn xanh. Ngọn mập, mềm, trong vắt và ít độc hơn loại khác.
Khi ngọn sắn đã vươn cao, mẹ cầm giỏ ra hàng rào trước ngõ hái những ngọn rau sắn non mỡ màng, nhựa tươi ứa ra đầu ngọn rau. Về nhà, mẹ nhặt riêng những ngọn non, bỏ đi những cẫng sắn đã già. Rồi như một công thức chế biến đã thành thói quen, mẹ dùng tay vò nát rổ rau chỉ sau ít phút. Mẹ bảo, phải vò như thế để sắn tiết ra chất độc, nhanh chua và ăn mềm hơn, đậm đà hơn. Rau được mẹ cho vào vại sứ để muối chua sau vài hai, ba ngày.
Chỉ vài ngày sau khi muối, mẹ đã có một vại dưa rau sắn chua. Mẹ vớt rau ra để nấu canh. Muốn canh ngon, phải nấu kèm theo nước chua của vại dưa. Sắn là loại rau mang nhiều chất độc. Nếu chế biến không đúng sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, mỗi khi nấu canh, mẹ rất cẩn thận dặn dò chúng tôi đun đều lửa, không được để lửa tắt giữa chừng rồi nấu trong một thời gian khá dài để rau sắn chín mềm. Vào tiết trời mùa hè tháng tư, tháng năm, sau mỗi cơn mưa rào, cá rô thi nhau rạch lên ruộng cạn theo đường nước. Chúng tôi nhào đi bắt cá, những chú rô mắt đen láy, giãy đành đạch được mẹ mổ và cho vào nồi gang nấu cùng với rau sắn. Khi đó, cả nhà được thưởng thức một bát canh rau sắn thật ngon lành. Rồi những trưa hè, chúng tôi đi bắt cua đồng, bắt những con săn sắt, đòng đong nhỏ, gom lại được khá nhiều. Đó là những thứ sẽ làm cho nồi canh rau sắn của mẹ thêm ngọt lành.
Hương vị canh rau sắn của mẹ rất đặc trưng, dễ phân biệt với các loại canh khác. Sau khi được ninh nhừ, rau sắn chuyển sang màu nâu xám, ngọn rau mềm, ăn có vị bùi bùivà ngọt nơi đầu lưỡi. Thích nhất là nước canh của rau sắn có vị chua man mát, thơm nồng bởi vị ngọt của cá rô. Những trưa hè, bưng bát cơm trắng gạo quê, ăn với canh rau sắn chua thấy ngon lành và dân dã biết mấy. Dù ai mệt mỏi hay không muốn ăn, khi uống bát canh rau sắn chua là đã lấy lại ngay vị giác và ăn cảm thấy ngon hơn.
Ngoài canh, mẹ còn dùng rau sắn để chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng và hấp dẫn. Món rau sắn luộc mềm chấm muối vừng ăn vừa bùi vừa thơm. Món rau sắn kho cá bống rồi món nộm rau sắn ăn vừa lạ vừa ngon.
Mỗi khi nhà có khách quý ở xa về hay có cỗ bàn, mẹ lại trổ tài món canh quê đầy nữ tính này. Dù trong mâm cỗ, có nhiều món ăn khác nhưng mẹ vẫn không quên điểm vào đó bát canh rau sắn của quê mình. Mẹ bảo, rau sắn là món ăn dân dã gắn bó với người dân làng mình từ bao đời nay. Cho dù cuộc sống có khá giả, người dân mình vẫn không quên món ăn bình dân này. Chính vì thế, vào mỗi phiên chợ quê, mẹ lại gồng gánh xô rau sắn chua ra chợ bán. Mẹ bảo, bán chẳng được là bao, mỗi bát chỉ độ năm trăm đồng nhưng mẹ muốn giữ mãi món ăn chỉ có ở quê mình.
Khi lớn lên, đi làm xa, công việc bận rộn, mỗi khi vào quán ăn trưa, tôi lại gọi món rau sắn ngày nào. Tuy quán nào cũng có món ăn này nhưng vẫn không ngon và đậm đà như bát canh rau sắn mẹ nấu hôm nào. Người mẹ quê nghèo quanh năm tần tảo với bông lúa củ khoai đã hóa thân vào linh hồn của món canh chốn quê mùa ấm áp. Màu rau nồng ấm như màu đất trung du, vị rau ngọt bùi tựa tình người đất Tổ sẽ khiến ai đó ăn một lần để rồi nhớ mãi không quên.
Nguyễn Thế Lượng
Trường THPT Hạ Hòa- Phú Thọ
Bình luận