Trong tuần qua, trường Đại học Bách khoa Wrocław đã tổ chức long trọng và thành công Đại hội cựu Sinh viên Việt Nam lần thứ nhất. Trong lịch sử hàng chục năm hợp tác khoa học giáo dục giữa Ba Lan và Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên có một đoàn đông đảo các cựu sinh viên Việt Nam được mời về thăm trường cũ để tham dự một chương trình khá dài và lý thú như vậy. Có được sự kiện này, trước hết là nhờ công lao của trường Đại học Bách khoa Wrocław, một đơn vị không chỉ đã và đang luôn giúp Việt Nam đào tạo các sinh viên và nghiên cứu sinh trong trường, mà còn luôn nhớ đến những người đã tốt nghiệp.
Như Quê Việt đã đưa Tin, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường vào năm 2015, trường Đại học Bách khoa Wrocław đã trao tặng cho Tiến sĩ Kỹ sư Từ Đức Hòa danh hiệu „Lãnh sự danh dự của trường Đại học Bách khoa Wrocław”. Đây là người đầu tiên được nhận danh hiệu này. Sau đó cũng có một vài người khác, đến từ các quốc gia khác được trường tặng danh hiệu như vậy, nhằm mục đích quảng bá tên tuổi của trường trên toàn thế giới và tăng cường sự hợp tác quốc tế của trường với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. TS Từ Đức Hòa cũng là người đầu tiên có ý tưởng tổ chức một đại hội như vậy cho những người đã tốt nghiệp trường.
Các cựu học sinh về dự họp.
Trong những năm qua, trường Đại học Bách khoa Wrocław đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng cơ sở và đội ngũ cán bộ. Trường đã mở mang xây dựng được một quần thể các tòa nhà, các trung tâm giảng dạy, các công trình phục vụ nghiên cứu khoa học và hạ tầng cơ sở để trở thành một Campus rất gọn gàng, hiện đại và đẹp đẽ ở bên cạnh bờ sông Odra thơ mộng của TP Wrocław. Có cả một cáp treo nối hai bờ sông, thuận tiện cho việc đi lại của sinh viên và cán bộ trường. Hiện nay nhà trường còn đang xây dựng cả một khu nghỉ ngơi và giải trí dọc bờ sông, giống như bãi cát ở bờ biển.
Tham dự Đại hội lần thứ nhất này có hơn chục cựu sinh viên của các Khoa Xây dựng, Hóa và Điện tử đến từ Việt Nam và một số người hiện vẫn đang sinh sống và làm việc ở Ba Lan (từng học các khoa khác, như Khoa Tin học và Điều hành). Một số các sinh viên đang theo học tại trường và khá nhiều bạn bè Ba Lan cùng học và từng giảng dạy tại trường trong những năm 70 và 80 cũng đã đến dự.
Nhiều người Ba Lan và tất nhiên những người đến từ Việt Nam đều ngạc nhiên và không thể không bày tỏ sự cảm động của mình là nhà trường đã tổ chức cho họ một sự kiện long trọng như vậy. Trong ngày đầu tiên, nhóm cựu sinh viên Việt Nam được trở lại tham quan tại những nơi mình đã từng học, tức là tại các Khoa cụ thể và được thăm những công trình mới của nhà trường. Ai cũng ngạc nhiên và vui mừng về những thay đổi và những thành tựu mới này. Buổi tối, nhà trường chiêu đãi cả đoàn trong một nhà hàng mang tên Lvov ở trong khu thành cổ.
Chủ tọa cuộc hội thảo.
Ngày thứ hai có một buổi hội thảo đặc biệt, với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng chủ đề chính vẫn là sự hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Ba Lan. Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Wrocław - ông Tadeusz Wieckowski có hy vọng là sự hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan nói chung và giữa sự hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Ba Lan với các đơn vị ở Việt Nam nói riêng sẽ được ngày càng mở rộng hơn, sau những biến đổi trên thế giới trong những năm qua. Đại sứ của Việt Nam - ông Phạm Kiến Thiết cũng đánh giá cao những sự giúp đỡ của Ba Lan đối với Việt Nam trong quá khứ và hy vọng những sự giúp đỡ này lại được tiếp tục trong tương lai, đặc biệt là nền kinh tế của Việt Nam hiện nay đang phát triển và tăng trưởng rất nhanh và mọi hợp tác với Ba Lan vẫn luôn được coi là rất quan trọng.
Chính quyền tự quản của tỉnh Hạ Silesia cũng rất quan tâm đến sự hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Ba Lan và họ hy vọng là các doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan sẽ có thêm ngày càng nhiều hơn nữa những sự hợp tác và những dự án đầu tư vào các khu vực trong tỉnh này hoặc là mở mang xuất khẩu hàng hóa của Ba Lan về Việt Nam.
Lãnh sự danh dự Từ Đức Hòa đã chiếu một video clip hồi tưởng về con đường du học sang Ba Lan và những kỷ niệm của thời sinh viên. Chủ tịch Hội người Việt tại Ba Lan, ông Lê Thiết Hùng - cựu sinh viên của trường cũng có bài phát biểu.
Ba Joanna Pająk – Giám đốc Phòng Hợp tác Quốc tế của trường cũng có bài giới thiệu về tình trạng hiện nay và những thành tựu đã đạt được của trường Đại học Bách khoa Wrocław.
Bài tham luận của Tiến sĩ Grazyna Szymańska-Matusiewicz cho thấy là những năm 70 thì Ba Lan đón nhận nhiều sinh viên Việt Nam nhất, thời điểm cao nhất có đến bảy tám trăm người theo học ở các trường đại học Ba Lan, nếu tính tổng tất cả các năm. Gần đây, số lượng sinh viên Việt Nam ở các trường đại học Ba Lan cũng chỉ đang có một hai chục người. Hy vọng là con số này sẽ được cải thiện.
Nhà tâm lý học Ewa Grabowska cho biết là trong cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống ở Ba Lan, có rất nhiều người thành đạt, khi họ đã được học tập trong các trường đại học Ba Lan. Hiện nay thế hệ thứ hai, tức là con cháu của những người Việt này cũng đang mạnh dạn bước vào hoạt động trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và xã hội Ba Lan. Điều đó cho thấy là, ngoài một số khó khăn trong quá trình hội nhập chung, người Việt khá thành công khi chọn Ba Lan là quê hương thứ hai của mình.
Ông Ngô Hoàng Minh cũng có bài tham luận (sau khi trao đổi và tìm hiểu các thông tin với Giáo sư Nguyễn Ngọc Thành- Chủ nhiệm Viện các Hệ thống Tin học thuộc Khoa Tin học và Điều hành của trường Đại học Bách khoa Wrocław), nói về những sự hợp tác trong lĩnh vực Tin học giữa Việt Nam và Ba Lan hiện nay và về những tiềm năng và những thách thức trong tương lai. Theo đó thì Ba Lan, cụ thể là trường Đại học Bách khoa Wrocław, cũng đã có tổ chức thành công rất nhiều những buổi hội thảo khoa học quốc tế ACIIDS (Asian Conference on Intelligent Information and Database Systems), cụ thể là trong tháng 3 vừa qua cũng đã có một buổi hội thảo về chủ đề này ở Đà Nẵng, với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học Ba Lan, Việt Nam và quốc tế (ông Phó thủ tướng CH Ba Lan Jarosław Gowin cũng đã gửi thư chúc mừng cho GS Nguyễn Ngọc Thành và các nhà khoa học tham dự). Nhưng dù sao, vẫn phải hy vọng là sự hợp tác khoa học giữa Ba Lan và Việt Nam ngày càng được tăng thêm, càng cụ thể hơn, không chỉ là những buổi hội thảo như vậy, mà phải còn có thêm những dự án hay là các nghiên cứu của các trường học, các đơn vị hay la các công ty, các tập đoàn lớn của Ba Lan và Việt Nam. Ngoài Giáo sư Nguyễn Ngọc Thành, hiện nay cũng chỉ có một vài GS gốc Việt tài giỏi khác đang làm công tác khoa học ở Ba Lan (một số người đã được Tổng thống CH Ba Lan phong danh hiệu GS). Đặc biệt, hy vọng là chính sách cấp visa của Ba Lan cũng sẽ có nhiều thay đổi, hy vọng là các bạn trẻ Việt Nam sẽ đánh giá cao hơn về tầm giá trị của những chiếc bằng đại học và tiến sỹ cấp ở Ba Lan và về mọi thuận lợi khác khi được sang đào tạo và học tập ở Ba Lan, nơi có một cộng đồng người Việt đông đảo (35 ngàn người) đang sinh sống, nhất la biện nay, sau khi trường Đại học Bách khoa Wrocław đã trở thành trường đại học danh tiếng nhất Ba Lan, trong danh sách xếp hạng các trường kỹ thuật.
Phần tiếp theo của buổi hội thảo là những hồi tưởng của các cựu sinh viên Việt Nam và Ba Lan. Ai cũng rất vui mừng khi được gặp lại bạn bè cũ, được hồi tưởng lại những kỷ niệm vui và những khó khăn thời đại học. Các bạn Ba Lan cũng ngạc nhiên là các cựu sinh viên Việt Nam vẫn nhớ được tiếng Ba Lan rất tốt, khi được nghe chị Nhung, anh Luật, anh Đồng và những bạn khác phát biểu.
Ngày thứ 3, cả đoàn được đi thăm một vài danh lam thắng cảnh của tỉnh Hạ Silesia (nhà thờ ở Trzebnica và Lâu đài Książ, nơi đang được tu bổ lại sau những tàn phá của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai).
Cuối cùng các bạn Việt Nam cũng đều rất luyến tiếc là lại phải chia tay với trường, với Ba Lan và hy vọng sẽ có dịp được gặp lại bạn bè và các đồng nghiệp, không chỉ ở Ba Lan mà có thể là tại Việt Nam, khi những sự hợp tác trong mọi khía cạnh giữa hai quốc gia sẽ ngày càng được phát triển rộng lớn và thân thiết hơn.
Đại hội này cũng đã được các cơ quan truyền thông của tỉnh và của Ba Lan quan tâm và đưa lên các kênh đại chúng.
Ngô Hoàng Minh
Bình luận