2018-09-06 15:29:27

Một cộng đồng trưởng thành.-

Ngày 02.09.2018 vừa qua trong khuôn viên rộng lớn của công viên Sowińskiego đã diễn ra Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Vác-sa-va. Với sự tham gia của đông đảo người Việt sinh sống không chỉ ở Thủ đô, mà còn có những người đến từ các TP khác của Ba Lan. Đặc biệt, người Ba Lan đến tham dự Lễ hội rất đông và họ đã có những chia sẻ trên mạng với những cảm nhận rất ấm áp về văn hóa Việt Nam nói chung và cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói riêng.

Với một chương trình rất phong phú, diễn ra không chỉ ở hai khán đài, mà khắp các khu vực của công viên, Lễ hội Văn hóa đã thành công tốt đẹp, không những làm hài lòng ban tổ chức, các đơn vị cùng tham gia, mà tất cả những người dân Thủ đô cùng đến dự trong khoảng thời gian dài từ 11.00 đến 20.30.

Trên sân khấu mùa hè được dựng lên giữa công viên, chương trình được bắt đầu từ lúc 11h00, bao gồm những đoạn phim giới thiệu Việt Nam, múa sạp, múa lân, độc tấu đàn tranh, các ca sỹ Kim Khuê, Lệ Huyền, Minh Tâm, Hồng Yến… Không chỉ âm nhạc, chương trình còn có sự hiện diện của nhóm Vinh Xuân quyền, các nhóm múa sinh viên, các trò chơi gian gian được tổ chức, biểu diễn nhạc cụ dân tộc (sáo, đàn tranh), có sự tham gia của các ca sỹ nhí cùng với các trò chơi cho thiếu nhivà các bài biểu diễn của các nhóm nhảy như vũ điệu zumba hay là nhịp điệu nhảy theo bài dân vũ Bống bống bang bang của Việt Nam.

Cổng vào Lễ hội

Song song với những chương trình âm nhạc, các quầy trưng bày văn hóa và các quán ẩm thực cũng hoạt động rất nhộn nhịp… cùng với sự tham gia của khán giả; những đoạn phim ngắn, dạy hát song ngữ, chương trình múa thiếu nhi, phim ca nhạc, phim giới thiệc về những vùng đất đầy tiềm năng du lịch của Việt Nam, các trò chơi dân gian v.v... và có đoàn quân nhạc Ba Lan diễu hành khắp công viên.

Ngoài đường phố ẩm thực giới thiệu các món ăn của các nhà hàng, còn có những trò vui chơi như chụp máy ảnh tự động in ngay, thử đi xe xích lô, chơi bóng bàn cầu lông, học viết thư pháp, học vẽ v.v...

Nón lá Việt Nam được nhiều người Ba Lan thử đội và chụp ảnh.

Ở khán đài trong Nhà hát mùa hè (amfiteatr) phần khai mạc diễn ra ngắn gọn, súc tích. Sau đó là chương trình vinh danh các cháu học sinh giỏi, múa lân, biểu diễn nghệ thuật và một chương trình ca nhạc phong phú với sự tham gia của các ban nhạc Blue Wave, Đông Đô, Sắc Màu và các ca sỹ cộng đồng nói trên và thêm sự đóng góp của ca sỹ Lệ Huyền, Trang Quỳnh, Minh Hải, Thăng Long, LeNa, các nghệ sỹ Victoria Hoa Tran, Monika Zawadzka, độc tấu đàn Bầu Thùy Linh, Kim Vinh. Hội trườg đông đảo khán giả còn được xem chương trình biểu diễn của nhóm thời trang Việt Nam, chương trình của các nghệ sỹ Ngô Hồng Quang và Nguyên Lê và chương trình của đoàn quân nhạc Ba Lan v.v...

Đại sứ Vũ Đăng Dũng trao phần thưởng cho các học sinh đạt danh hiệu Đặc biệt xuất sắc.

Ở con đường phía ngoài khuôn viên, có triển lãm của họa sỹ Nguyễn Vi Thủy đến từ Thụy Điển. Rất nhiều người đã đến xem khu triển lãm này, đặc biệt là người Ba Lan, bởi vì cuộc triển lãm “Hành trình cuộc sống” này mang ý nghĩa nhân văn, gắn với những vẫn đề của con người trong thế kỷ 20 và hiện tại là câu chuyện của đời sống châu Âu. Triển lãm bao gồm hai tác phẩm sắp đặt “... Trên đường đi…” và “Vùng đất mới” 
Di chuyển, di trú, di cư ... không còn là câu chuyện riêng của mỗi cá nhân, mỗi nhóm người hay một quốc gia nào trong đời sống hiện đại từ những năm đầu của thế kỷ 20... người ta đi từ nông thôn ra thành phố, từ nơi này đến nơi khác, từ châu lục này tới châu lục kia với muôn nghìn lý do và mục đích khác nhau: vì mưu sinh, khát vọng sinh tồn, hoặc tìm kiếm một lối thoát, mong đợi một cuộc sống tốt đẹp hơn..

Đường triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Vi Thủy.

“... Trên đường đi..” là sắp đặt của 2000 con cá chép giấy làm từ giấy trang kim, sử dụng làm phương tiện để ông Công ông Táo về Trời dịp cuối năm trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Tác phẩm còn có những con cá gỗ được gọi là Hoá Thạch, tượng trưng cho những khát vọng, những ước mơ, những con người chưa qua được đến bờ bên kia của đại dương trong hành trình của mình, mãi mãi nằm lại dưới đáy đại dương... cũng có thể được hiểu là lịch sử.

Sắp đặt “Vùng đất mới” gồm gần 500 cái tranh cây khắc gỗ in trên giấy Điệp, giấy Dó và giấy thủ công Nepal. Có hai tranh cây được để trong khung kính được trưng bày trân trọng như những tác phẩm nghệ thuật thường thấy, một tranh khung kèm theo dòng chữ “no exit here” như một thực thể nằm trong khung, đã nằm trong khuôn khổ, khó thay đổi hoặc vượt qua tương phản với hơn 400 tranh cây còn lại được treo giữa những hàng cây như phơi quần, phơi áo hoặc được treo vào những tấm lưới sắt… những tranh cây in trên giấy thủ công mỏng manh phơi giữa nắng gió thiên nhiên của công viên như những con người của những chuyến đi, những cuộc di dư, di trú đến một vùng sinh thái mới đón nhận những thách thức mới của số phận, của sự khác biệt văn hoá, của thực tại khắc nghiệt để sinh tồn. Những cái cây giống nhau dường như cùng tên, cùng một cộng đồng, cùng quốc gia văn hoá nhưng lại khác biệt ở màu in hoặc trên nền giấy, chất giấy khác nhau tạo ra những ô cửa văn hoá, những thói quen và hoàn cảnh khác biệt...

Một tiết mục văn nghệ trong Lễ hội.

Biểu diễn áo dài.

Lễ hội đã được diễn ra rất thành công (theo ý kiến của những người tham gia) đã cho thấy là cộng đồng người Việt ở Ba Lan là một cộng đồng thành đạt và khá đoàn kết, khi cần thì có thể cùng góp sức để làm được những sự kiện lớn. Lễ hội do nhiều tổ chức cộng đồng cùng kết hợp đứng ra tổ chức và cùng đóng góp tham gia. Lễ hội được diễn ra vào ngày 02.09, đúng vào ngày Quốc khánh của Việt Nam, vậy có thêm sự tham gia của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cũng là điều dễ hiểu. Chính quyền TP Thủ đô Vác-sa-va cũng nhiệt tình ủng hộ Lễ hội, thông qua Quỹ Hỗ trợ người Việt Hội nhập tại Ba Lan. Phải nói rằng Quỹ này dù mới thành lập, nhưng đã được nhiều người Việt trong cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ khác ở Ba Lan (NGOs) và đặc biệt là TP Vác-sa-va ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, khi đang sinh sống ở một xã hội dân chủ thực sự, không thể tránh khỏi một vài ý kiến chê trách hay phản đối những sự kiện như vậy, thậm chí có người kêu gọi tẩy chay Lễ hội (có lẽ chỉ có vài người Việt ở Ba Lan có cùng quan điểm). Họ quên rằng Quỹ được thành lập theo pháp luật Ba Lan, mục đích chính là để giúp đỡ cộng đồng trong quá trình hội nhập. Quỹ hội nhập là một tổ chức phi lợi nhuận, luôn hoạt động công khai, đúng theo pháp luật Ba Lan. Những thành viên của Quỹ công khai trên mạng (KRS) ai cũng có thể truy cập được. Hoạt động của Quĩ cần sự đóng góp của các tình nguyện viên có tâm và sự hợp tác với các tổ chức khác triển khai các hoạt động xã hội phục vụ cộng đồng chung. Nếu có sự thay đổi nào đó trong hội đồng thành viên của Quỹ thì đó cũng là chuyện thường tình, bởi không phải ai cũng có thời gian và tâm huyết (hoặc tương đồng trong cách nhìn) để làm những công việc chung, để đi hết con đường giúp cộng đồng hoà nhập tốt hơn. Chúng ta đều là người bình thường, ai cũng có gia đình, có công việc riêng, không có nhiều thời gian làm các công việc xã hội, tuy nhiên, mỗi đóng góp dù là nhỏ bé đều có ích để cộng đồng người Việt chung sống trong một xã hội văn minh và phát triển.

Hy vọng là các những tổ chức xã hội của cộng đồng luôn có nhiệt tâm để tổ chức được những sự kiện văn hóa, các hoạt động chung đem đến những nụ cười không chỉ cho người Việt ở Ba Lan mà còn cho cả người dân Ba Lan, nơi chúng ta cùng sinh sống.

Warszawa ngày 5/9/2018.

Ngô Hoàng Minh

( Ảnh QV).

Sửa lần cuối 2018-09-06 12:54:55

Bình luận

Bình luận qua Facebook