2021-02-26 23:34:53

Vĩnh biệt Đại sứ Nguyễn Hoằng - 40 năm vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam

Đại sứ Nguyễn Hoằng, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, Litva và Qatar; Nguyên Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như Bộ ngoại giao Qatar quan tâm chăm lo, các thầy thuốc trong nước và quốc tế hết lòng cứu chữa, gia đình tận tình chăm sóc, bạn bè động viên giúp đỡ, nhưng do bệnh hiểm nghèo, ông đã vĩnh viễn ra đi vào hồi 08 giờ 19 phút, ngày 27 tháng 01 năm 2021 (tức ngày 15 tháng 12 năm Canh Tý) tại Qatar, hưởng thọ 67 tuổi.

Đại sứ Nguyễn Hoằng sinh ngày 05-09-1955, tại xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông có truyền thống yêu nước, có bố và anh, chị, em tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông là con thứ 6 trong gia đình với 13 anh chị em. Lớn lên ở mảnh đất vốn nổi tiếng là vùng địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học, tuy nhà nghèo và đông anh chị em, trong điều kiện muôn vàn khó khăn, ác liệt của chiến tranh, từ nhỏ ông đã nỗ lực phấn đấu, học giỏi và được Nhà nước cử đi học đại học tại Ba Lan từ năm 1974-1979. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc trường Đại học Kinh tế Quốc dân Vác-sa-va, về nước  ông được phân công công tác tại Bộ Ngoại giao từ năm 1980 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2018. Trong suốt gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp ngoại giao, ông đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, từng là chuyên viên Vụ Châu Âu 1 (1985-1989 và 1995-2000), chuyên viên Vụ Tổng hợp xây dựng ngành (1990-1991), Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu 1, sau này là Vụ Châu Âu (2000-2001 và 2006-2010) và Hàm Vụ trưởng, Vụ Thi đua khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao (2013-2104). Đại sứ Nguyễn Hoằng đã có 5 nhiệm kỳ công tác tại Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, trong đó có 4 nhiệm kỳ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan lần lượt từ chức Tùy viên ĐSQ nhiệm kỳ 1982-1984, Bí thứ thứ hai nhiệm kỳ 1992-1995, Tham tán công sứ, người thứ hai sau ĐS nhiệm kỳ 2002-2005 và Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan và Litva, nhiệm kỳ 2010-2013. Từ năm 2014-2017, ông là Đại sứ Việt Nam tại Qatar.

Đất nước Ba Lan, nơi Đại sứ Nguyễn Hoằng đã gắn bó hơn 20 năm cuộc đời học tập và công tác, ông đã có nhiều đóng góp lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Vit Nam Ba Lan. Trong nhiều năm công tác ti Ba Lan, Đại sứ Nguyễn Hoằng đã tham gia, chtrì tchức thành công và trc tiếp phiên dịch cho nhiu đoàn thăm viếng của Lãnh đạo cp cao; góp phần kết ni trin khai nhiu dự án đầu tư; tích cực hỗ trcộng đồng Việt Nam tại Ba Lan có cuộc sống ổn định nơi xa xứ.
Ông được Chủ tịch nước Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng nhì; phong hàm Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam vào năm 2014 cùng nhiều bằng, giấy khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Hoằng đã được Nhà nước Ba Lan tặng thưởng Huân chương Công trạng cao quý vào năm 2013; được Nhà vua Qatar tặng Huân chương Cống Hiến Al Wajbah.

(Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam và Gia đình)

***

Quê Việt: Đại sứ Nguyễn Hoằng là người đã nhiều lần công tác tại Ba Lan trên các cương vị khác nhau. Với tác phong giản dị, thân thiện, ông cùng phu nhân Nguyễn Thị Châu Anh luôn tích cực tham gia các hoạt động của Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan và để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong cộng đồng. 

Như một nén hương tưởng nhớ đến Đại sứ Nguyễn Hoằng, Quê Việt xin đăng lại bài phỏng vấn ông, sau nhiệm kỳ công tác trên cương vị Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN tại Ba Lan, khi ông đã về nước nhận nhiệm vụ mới. Bài đã được đăng trên QV cách đây gần 8 năm.

Vĩnh biệt Đại sứ Nguyễn Hoằng! Cầu mong cho ông an giấc ngàn thu, hương hồn chóng siêu thoát về cõi vĩnh hằng.

TRÒ CHUYỆN CÙNG ĐẠI SỨ NGUYỄN HOẰNG

Ảnh: Đại sứ Nguyễn Hoằng  trong buổi trình quốc thư lên Tổng thống Ba Lan Bronisław Komarowski (27. 08. 2010)

Quê Việt (QV): Xin chào Đại sứ. Đại sứ đã có nhiều nhiệm kỳ công tác tại Ba Lan. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc Quê Việt về những giai đoạn công tác ấy?

Nguyên Đại sứ Nguyễn Hoằng (ĐSNH): Chào phóng viên Quê Việt. Trước khi chính thức vào ngành ngoại giao, hè 1979 khi chưa bảo vệ luận án tốt nghiệp tôi đã được Đại sứ lúc đó là bác Nguyễn Ngọc Uyên điều động lên ĐSQ làm việc với vai trò tập sự, dịch cho ĐSQ và giúp việc cho bộ phận quản lý Lưu học sinh.

Sau khi tốt nghiệp và thực tập được gần một năm, mùa thu 1980 về nước, tôi chính thức vào ngành ngoại giao.

Năm 1981 chính trường Ba Lan sôi động. Chưa kịp quen với môi trường Việt Nam, tôi được điều động sang Ba Lan làm tùy viên nghiên cứu, trợ lý, phiên dịch cho Đại sứ (Lúc ấy là ông Trương Quang Ngọ). Đây là thời gian tôi làm việc với cường độ cao nhất (thời kỳ thiết quân luật ở Ba Lan), học hỏi được nhiều nhất do thường xuyên được tháp tùng Đại sứ làm việc với rất nhiều nhân vật quan trọng của Ba Lan và giới ngoại giao. Đối với tôi, thời kỳ này đầy ắp những kỷ niệm khó quên.

Năm 1992 tôi trở lại Ba Lan với vai trò nghiên cứu, lễ tân và nửa nhiệm kỳ kiêm cả một phần công tác lãnh sự. Nhiệm kỳ này tôi có dịp tiếp cận thêm với những công việc khác của một cơ quan đại diện.

Nhiệm kỳ thứ ba (2002-2005) tôi là tham tán công sứ, người thứ 2 sau Đại sứ. Tôi vừa tham gia quản lý cơ quan, vừa phụ trách nghiên cứu kiêm công tác lãnh sự (vì biết tiếng Ba Lan). Vất vả, bận rộn (Tu sửa trụ sở ĐSQ cũ, tìm và mua đất, làm nhà, chuyển trụ sở...) nhưng vui và cũng đầy ắp kỷ niệm. Tôi cũng có thêm nhiều bạn bè ngoại giao và Ba Lan. Đặc biệt có dịp tìm hiểu và gắn bó với Cộng đồng.

Nhiệm kỳ thứ tư là trên cương vị Đại sứ. Nếu như những năm tháng sinh viên, tuổi trẻ là đẹp nhất thì nhiệm kỳ giữ trọng trách Đại sứ là có ý nghĩa nhất của đời tôi, giúp tôi hiểu và có những trải nghiệm sâu sắc, phong phú, đa dạng, không thể phai mờ về ngành ngoại giao nói chung và nền ngoại giao Việt Nam nói riêng.

QV: Trong thời gian làm việc tại Ba Lan, kỷ niệm nào ông nhớ nhất trong công tác đối ngoại và với Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan?

ĐSNH: Tôi muốn nhấn mạnh, 4 nhiệm kỳ công tác ngoại giao ở Ba Lan đều đầy ắp những kỷ niệm. Vui nhiều mà buồn cũng không ít. Thành công nhiều mà thất bại cũng không phải là hiếm cả trong ngoại giao cũng như trong công tác Cộng đồng. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất về hoạt động đối ngoại là khi tôi cùng các Đại sứ của các nước khác chứng kiến tình cảm của người dân Ba Lan và trực tiếp tham dự các hoạt động liên quan đến vụ chuyên cơ của Tổng thống Kaczynski gặp nạn tại Smolensk, ngay khi tôi vừa sang nhận nhiệm vụ.

Trước nỗi đau, mất mát lớn lao và bất ngờ như vậy, bộ máy nhà nước Ba Lan và những nhà ngoại giao Ba Lan không những vẫn duy trì được các hoạt động mà trong một thời gian rất ngắn đã phối hợp tổ chức hàng ngàn sự kiện tang lễ gần như cùng một lúc, ở khắp mọi nơi với những lễ nghi trang trọng nhất trong đó có việc đón tiếp cùng một lúc hàng trăm đoàn cấp cao từ các nước đến viếng. Nền ngoại giao Ba Lan, lễ tân Ba Lan đã trải qua một đợt sát hạch thành công hiếm có. Họ đã thực sự “biến đau thương thành sức mạnh”. Thật đáng khâm phục.

Còn kỷ niệm đối với cộng đồng nhiều không thể kể hết và không bao giờ phai mờ. Có bao chuyện cảm động đầy tình người mà tôi được chứng kiến những năm qua, nhiều bút tích, kỷ vật tôi còn lưu giữ được. Quá trình vận động xây chùa Nhân Hoà với bao khó khăn, trắc trở tưởng chừng không vượt qua được nay đang dần trở thành hiện thực.

Sự chia sẻ chân thành và kịp thời nhất là qua các vụ hỏa hoạn ở các Trung tâm cũng như các hoạt động quyên góp từ thiện với sự tham gia của các bác trong Hội người cao tuổi thật đáng trân trọng và giúp ta hiểu thêm, thêm tin về tình người, tình đoàn kết trong cộng đồng. Trong hành trang kỷ niệm mang về Việt Nam của tôi có niềm tự hào về thế hệ con cháu chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu và ngày càng thành đạt trong nhiều lĩnh vực.

QV: Điều gì ông còn trăn trở với sự hoạt động của các tổ chức Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan.

ĐSNH: Đã nhiều năm được tiếp xúc, sinh hoạt với cộng đồng, thấy được tiềm năng to lớn của các tổ chức cộng đồng và bà con, tôi chỉ mong các tổ chức cộng đồng cùng phối hợp để phát huy hiệu quả nhất những tiềm năng sẵn có vì sự phát triển chung của cộng đồng, xứng đáng với sự đánh giá cao của nhà nước ta về cộng đồng: đoàn kết, gắn bó với đất nước và có nhiều đóng góp cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Ba Lan

Điều trăn trở nữa của tôi là còn nhiều bà con xứng đáng được sống hợp pháp, ổn định tại Ba Lan nhưng vì nhiều lý do chưa đạt được nguyện vọng. Tôi đã và sẽ tiếp tục cố gắng thay mặt bà con bày tỏ nguyện vọng, thúc đẩy cả phái ta và bạn để tiếp tục tạo điều kiện cho bà con.

Nhân dịp này, qua lãnh đạo các Hội đoàn và báo Quê Việt tôi xin chân thành cám ơn mọi sự chia sẻ, giúp đỡ, thông cảm của các hội đoàn và toàn thể bà con cộng đồng giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Mong bà con lượng thứ cho những sơ xuất trong thời gian qua. Tôi tiếc là trong cuộc chia tay vừa qua không được trực tiếp gửi lời cám ơn tới một số tổ chức và bà con cộng đồng. Hy vọng sẽ có ngày được gặp lại bà con.
Xin kính chúc bà con sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và ngày càng thành đạt.

PV: Xin cám ơn ông.

Warszawa, 06-10-2013.

(TT thực hiện)

Sửa lần cuối 2021-02-27 07:00:26

Bình luận

Bình luận qua Facebook