2021-05-02 11:18:55

Những hoạt động từ thiện của người Việt Nam ở Ba Lan: phạm vi và nguồn gốc

Tác giả: Ewa Grabowska

Quy mô sự giúp đỡ y bác sĩ của Cộng đồng Việt Nam trong thời kỳ đại dịch 2020 gây ra sự thán phục và biết ơn. Điều đó xuất phát từ sự cảm nhận của họ là thành viên của đất nước Ba-lan, đồng thời có nguồn gốc sâu đậm trong nền văn hoá giáo dục phải giúp đỡ người khác và hàm ơn những gì họ đã nhận được khi chính bản thân họ cần trợ giúp.


Người Việt bằng cách có tổ chức và từ những hoạt động cá nhân đã hỗ trợ người dân Ba-lan trong thời kỳ đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Thời gian, phạm vi trợ giúp và chỉ riêng quy mô của nó cũng lớn đến mức mà thường xuyên gây sự ngưỡng mộ và biết ơn không chỉ của những người được giúp đỡ. Đồng thời cũng nảy sinh câu hỏi về lý do họ hỗ trợ. Nhưng trước khi nói tới cụ thể và thử giải thích hiện tượng này, tôi muốn nhấn mạnh rằng ở đây tôi không nói đến sự giúp đỡ của các thành viên cộng đồng ở Ba-lan dành cho đồng bào của mình ở Việt Nam ngay sau khi phải cô lập điểm dịch bệnh đầu tiên phát sinh sang các nước láng giềng từ Trung Quốc.
Điều đó đã xảy ra hai tháng trước khi ở Ba-lan xuất hiện chính thức người nhiễm đầu tiên. Tôi cũng bỏ qua những sự chuẩn bị và hoạt động mang tính bảo đảm an toàn cho các thành viên của cộng đồng được tiến hành từ cuối tháng một, các thực hiện theo đúng quy định của Bộ y tế Balan cùng các định hướng cần thiết cho cộng đồng trong cả năm.

SỰ HỖ TRỢ CỦA NGƯỜI VIỆT LÀ SỰ BỘT PHÁT MỘT LẦN?
Sự giúp đỡ người dân Ba-lan được hình thành như thế nào trong thời kỳ đại dịch? Tại Vác-sa-va lúc đầu là những sáng kiến của các cá nhân mà trước đó họ đã thường xuyên có các hoạt động từ thiện dành cho những người được coi là “ngoài lề” xã hội Ba-lan. Từ năm 2017 chủ quán Pitaya, chị Đặng Thị Vân (Liliana Dang) cùng chú là ông Hoàng Thế Diễm (FB:Không Có Sách) đã tặng nhiều suất ăn nóng cho người vô gia cư sống quanh Nhà ga Trung tâm ở thủ đô trong khuôn khổ các hoạt động của Quỹ Hãy Tặng Nước Chè. Chị là người đầu tiên có sáng kiến kết hợp trợ giúp ngành y vào ngày 14-03-2020, ngay sau khi Ba-lan tuyên bố tình trạng dịch bệnh. Cùng với chú của mình, chị kết nối với nhóm Tín hiệu- Cấp cứu ẩm thực do các bạn Ba-lan sáng lập và ngày 17
tháng 3 đã có các suất ăn nóng cùng đồ uống đầu tiên tặng cho các bệnh viện trong khuôn khổ phong trào #VNJestesmyzWami (#VNChungtoidonghanhcungcacban).

Nhóm HỖ TRỢ Y BÁC SỸ VÀ CÁC NẠN NHÂN COVID-19, gọi tắt là Nhóm hỗ trợ, được thành lập và rất nhanh chóng các chủ tiệm ăn, quán bar sẵn sàng tham gia cung cấp các suất ăn nóng cho nhân viên y tế. Nhiều người khác tham gia phong trào bằng cách tài trợ cho những quán ăn cụ thể. Trong khuôn khổ hoạt động, nhóm đã lập ra biểu tượng(logo) với trái tim đỏ chứa ống nghe y tế cùng dòng chữ: “Rất cảm ơn. Chúng tôi đồng hành cùng các bạn. Người Việt ở Balan “. Nhờ sáng kiến của anh Cao Hồng Thái, một chiếc xe phục vụ đồ ăn nóng (foodtruck) đã tham gia và thường trực ở trước cửa bệnh viện Bộ Nội Vụ với những bát cháo nóng, kể cả vào buổi tối. Ông Ngô Văn Tưởng là một trong những người điều hành các hoạt động tự phát đó của người Việt. Tham gia phong trào còn có nhiều người Việt ở các thành phố khác như Zgierz, Bydgoszcz, Katowice, Bytom, Sosnowiec, Szczecin, Poznań và Wrocław. Các suất ăn được trao cho các điều phối viên Balan, và được họ chuyển đến những cơ sở cụ thể. Ước tính trong vòng hai tháng người Việt sinh sống ở 
Vác-sa-va đã tặng khoảng 21 nghìn suất ăn miễn phí. Ở các thành phố khác, nơi ít người Việt hơn nhiều, tính sơ bộ cũng khoảng 5 nghìn suất ăn được tặng. Như ông Hoàng Thế Diễm nói, khó xác định đúng số lượng vì nhiều người tự nấu và chuyển giao trực tiếp cho các bệnh viện mà không thông báo cho ai biết. Ngay từ tháng 3, Nhóm Tín hiệu-Cấp cứu ẩm thực đã sử dụng căn bếp củaquán bar Pitaya để hàng ngày nấu trung bình cỡ 300 suất ăn gồm hai món cho đến khi kết thúc chương trình vào ngày 15 tháng 3 năm 2020.

Trong cùng thời gian này, mọi người tổ chức phong trào may khẩu trang cho nhân viên y tế. Một ví dụ, ngày 25 tháng 3 năm 2020 một gia đình người Việt đã tặng 12 nghìn khẩu trang vải tự may. Họ tặng không chỉ cho bệnh viện, mà cho cả các tổ chức công cộng. Găng tay cao su nhân tạo(lateks) và nước diệt khuẩn cũng được cung cấp. Quà của các Phật tử chùa Thiên Phúc, một trong hai ngôi chùa của người Việt tại địa điểm Laszczki, gần xã Raszyn, đã được chuyển đến 13 bệnh viện, chủ yếu trong Vác-sa-va, đồng thời cũng đến với các cơ sở hành chính ở Wolka Kosowska, quận Ochota, nơi có nhiều người Việt sinh sống nhất trong thủ đô. Bệnh viện Grójec được tặng một chiếc lều y tế dã chiến. Tham gia phong trào còn có các cựu sinh viên học tập ở Balan hiện sinh sống tại Việt Nam. Ngày 29 tháng 3, nhờ sự hảo tâm của công ty VIFON, và các thành viên Cộng đồng người Việt ở Balan cùng các cựu lưu học sinh, phía Balan đã được tặng các bộ kít thử SARS-CoV-2 sản xuất tại Việt Nam, nhiều bộ quần áo bảo hộ và găng tay dùng một lần trị giá 500 nghìn zloty.
Ở thành phố Łódź, cộng đồng người Việt tuy nhỏ, chỉ khoảng 500 thành viên, cũng tổ chức phong trào nấu ăn cho y bác sỹ. Từ sáng kiến của chị Trần Thị Hoài Phương (Lilly Tran), người đã từ 3-5 năm hoạt động cùng Quỹ „Chỗ trống” chuẩn bị bữa sáng lễ Phục sinh và bữa tối trước lễ Giáng sinh cho những người đơn độc, đã được tổ chức quyên góp tiền. Quà của cộng đồng, những chiếc găng tay và khăn mặt trị giá 11 nghìn zloty được chuyển đến Trung tâm Sức Khỏe Mẹ Balan tại thành phố Łódź.

Mùa Thu sự trợ giúp được tái hoạt động. Ngày 20 tháng 10, khi Balan có đến hơn 12 nghìn người nhiễm một ngày, Nhóm Hỗ trợ dưới sự chỉ đạo của các ông Hoàng Thế Diễm và Nguyễn Đức Thảo (Tađek Tadek) ở Vacsava đã hoạt động trở lại. Cần nhấn mạnh rằng quyết định này được tiến hành vào thời điểm ở miền Trung Việt Nam đang xảy ra trận bão trăm năm có một. Cộng đồng người Việt ở Balan đang tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vì lũ lụt. Lần này phong trào #VNJestesmyzWami chỉ tập trung vào khu vực thủ đô, chủ yếu vào các bệnh viện thuần chữa Covid hoặc có khoa chuyên chữa Covid. Mỗi ngày ít nhất hàng trăm suất ăn nóng được cung cấp đến những chỗ đó. Cho đến ngày kết thúc chương trình, ngày 23 tháng một 2021, khoảng 10 nghìn suất ăn đã được tặng từ trợ cấp chỉ riêng đợt này của các nhà hảo tâm. Theo bà Ewa Pląsek, điều phối viên trong phong trào mùa Thu (mùa Xuân bà là điều phối viên của phong trào tặng khẩu trang cho các bệnh viện), cộng đồng người Việt hưởng ứng nhanh chóng lời kêu gọi của bà để cung ứng cho các bệnh viện nước uống, quần áo ngủ, khăn tắm, giày dép và nhiều thứ cần thiết khác nữa.
Nhiều gia đình, mà khó có thể kể hết ở đây, có những sáng kiến riêng. Chẳng hạn ông Trần Nam (Nam Phong) cùng các bạn nhân dịp lễ Đêm trước Giáng sinh 2020 đã chuẩn bị món nem dành cho người vô gia cư của “Cộng đồng Bánh Mỳ Đời” ở phố Łopuszańska 17, là một ví dụ về những sáng kiến đó. Đáng chú ý rằng có gia đình có sáng kiến mời khách hàng của mình mua tặng một số nguyên vật liệu để nấu cơm cho y bác sỹ. Tuy phong trào #VNJestesmyzWami đã kết thúc, người Việt vẫn tiếp tục tặng khẩu trang cho bệnh viện và cung cấp những gì bệnh viện cần. Ngày 2 tháng 2 năm 2021 họ tặng 21 nghìn khẩu trang dùng một lần cho Bệnh viện lâm sàng Đại học Tổng hợp Y khoa Vác-sa-va.

Cũng cần nhấn mạnh rằng các hoạt động từ thiện của người Việt trong thời kỳ đại dịch dành cho 
y bác sỹ không phải là sự bột phát một lần và cũng không gói gọn trong Vác-sa-va. Đó là công sức lao động của mỗi cá nhân, được tăng lực trong năm 2020, có hệ thống và không cần tiếng vang. Chúng ta có thể chỉ ra ở đây các bữa tối thứ hai hàng tuần đều đặn cho những người vô gia cư được chuẩn bị bởi người Việt cho Quỹ Hãy tặng Nước Chè hoặc chuẩn bị bữa ăn Phục sinh và Giáng sinh cho hàng 1500 người cô đơn ở thành phố Łódź. Sự tham gia của ông Trần Nam (Nam Phong) năm 2018 vào sáng kiến Nụ cười Vac-sa-va (Smile Warsaw) tạo thành quả là sự tăng vọt số lượng người Việt tham gia cùng các món quà ngày chủ Nhật như các suất ăn nóng, quần áo, giày dép và đồ lót. Trước đại dịch, đã xuất hiện các hoạt động thiện nguyện nho nhỏ như chị Đặng Thị Bính Thìn (Tina Thìn) cắt tóc miễn phí cho người vô gia cư ở phố Łopuszańska 17. Cộng đồng người Việt Nam ở Balan hàng năm vào dịp trước Tết thường chuyển quà cho những cơ sở dành cho người vô gia cư, nhà trẻ em mồ côi hoặc các phòng sinh hoạt cộng đồng ở thủ đô và các khu vực lân cận. Nhiều người tham gia vào các chương trình thiện nguyện rộng rãi của Balan như Đại Giàn nhạc Giáng sinh Từ thiện (WOŚP). Anh Phan Châu Thành, một trong những doanh nhân và là người trong lớp trẻ rất tích cực hoạt động cộng đồng, năm 2019 đã tham gia nhóm tổ chức Đại Giàn Nhạc Giáng sinh Từ thiện và tổ chức đấu giá quần áo thể thao để gây quỹ cho WOŚP. Năm 2020 chị Lilly Trần cùng các đại diện cộng đồng ở thủ đô nấu 1000 bát phở nóng cho WOŚP ở Łódź.

Ảnh hưởng của giáo dục Phật giáo đến hoạt động từ thiện
Cái gì đã tạo ra sự năng động của Cộng đồng, một cộng đồng mà trong thời gian dài được coi là khép kín ở Balan? Trước nhất cần đánh dấu rằng tình trạng vật chất của cộng đồng người Việt được cải thiện đáng kể trong vòng 30 năm qua. Họ không còn chỉ là những người bán giầy hay quần áo rẻ tiền hoặc là những người làm bếp nấu đồ ăn châu Á, với vốn liếng ngôn ngữ kém cỏi và ít hiểu biết về văn hoá của nước sở tại. Số lượng các nhà đầu tư và doanh nghiệp gốc Việt có tầm cỡ ngày càng tăng, họ cũng kinh doanh ở các nước khác, trong các lĩnh vực nhà hàng ẩm thực, khách sạn và bất động sản. Ví dụ điển hình là công ty VIFON, đã nhắc đến ở trên, được thành lập năm 1990 ở Balan. Hơn nữa, thế hệ tiếp theo, được nuôi dạy tại đây bắt đầu lên tiếng.
Họ tiếp nối công việc của cha mẹ hoặc tự xây dựng kế hoạch kinh doanh riêng cho mình.
Vậy thì ngoài việc đặt nền móng cho cuộc sống ở đây, cái gì đã thúc đẩy họ tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội ở Balan? Tín ngưỡng thường đóng vai trò quan trọng trong quảng bá sự giúp đỡ người khác. Một số người nói chuyện với tôi giải thích về sự tham gia làm từ thiện qua lăng kính đức tin vào luật nhân quả. Theo Kinh Phật “cho đi” là một trong những hành vi cơ bản của con người. Người theo Phật giáo tin rằng làm việc thiện sẽ được đền đáp, và kết quả là sau luân hồi sẽ đạt được niết bàn(Gethin 1998). Trong thực tế các việc làm của họ thường gắn với lòng tin rằng họ được đền đáp ngay từ kiếp này chứ không phải chờ đến kiếp sau.

SỰ TRỰC THUỘC XÃ HỘI BALAN VÀ NỀN VĂN HOÁ VIỆT
Còn có một điểm khác nữa trong những tiền đề hoạt động từ thiện nổi bật của Cộng đồng người Việt tôi được biết ngay từ ngày đầu khi tôi tiến hành nghiên cứu địa bàn. Đầu năm 2019, anh Nguyễn Quốc Phương (Phương Oanh Nguyễn), phó chủ tịch Hội Phật giáo Việt Nam tại Ba-lan, 
người gắn bó với chùa Thiên Phúc và là người đã nói cho tôi hay về việc tổ chức phong trào thiện nguyện Tết Không Đồng nhân dịp Tết Nguyên đán, có nói câu: “lá lành đùm lá rách”. Câu nói này cũng được nhắc lại ngay từ đầu đại dịch trong lời kêu gọi các thành viên về việc tổ chức quỹ hỗ trợ chống Covid để trợ giúp người cần trong cộng đồng. Riêng câu ngạn ngữ này cũng khuyến khích giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài chỉ dụ giúp đỡ người cần, trong câu ngạn ngữ trên còn phản ánh một khía cạnh quan trọng của nền văn hoá Việt; đó là cảm giác trực thuộc vào một nhóm trong xã hội hay rộng ra là một xã hội mà họ đang sống. Sinh sống và làm việc ở đây từ nhiều năm, họ học tiếng và cách nghĩ Balan. Con cái họ kết thân hay xây dựng gia đình với người bản xứ, sinh con đẻ cái. Bất luận vợ chồng thuần chủng hay pha trộn, khi được nhận sự giáo dục của Balan, nhất là sống ở đây từ lúc lọt lòng, họ khó có thể về lại Việt Nam sống khi không được “mã hoá” trong mình nền văn hoá Việt. Nhìn từ góc độ này, lời của phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba-lan, ông Trần Trọng Hùng nói với trang mạng termedia.pl: „Chúng tôi đang và muốn trở thành một phần của Ba-lan”
(
https://www.termedia.pl/koronawirus/Spolecznosc-wietnamska-w-Polsce-przekazeszpitalom-testy-na-koronawirusa,37358.html) như một lời thỉnh cầu, thậm chí còn như lời kêu gọi để cộng đồng người Việt Nam được coi là một bộ phận công dân bình đẳng của Balan, không phân biệt xuất xứ và màu da. Hơn nữa, nhiều người khẳng định lòng yêu nước đối với Balan, nơi được coi là tổ quốc thứ hai của mình. Như một doanh nhân trẻ đã nói với tôi, tuy thế hệ người Việt đầu tiên ở Balan vẫn giữ nguyên phong cách Việt Nam, thì thế hệ thứ “một rưỡi” mà anh là đại diện đã tiếp nhận nền văn hoá châu Âu bởi vì họ đến sinh sống và học tập ở đây từ nhỏ. Khi đến tuổi trưởng thành họ thường chọn
cho mình một trong hai con đường: tập trung phát triển những gì mà cha mẹ họ lập nên ở Balan mà không quan tâm gì tới tình hình Việt Nam, hoặc cũng tham gia xây dựng cộng đồng ở quê hương mình. Thế nhưng với thế hệ thứ hai, những người được sinh ra ở Balan, thì cuộc sống, nền văn hoá và các giá trị cũng như cách nghĩ ở Việt Nam hoàn toàn xa lạ và khó hiểu, bởi lẽ họ chỉ được giáo dục ở đây. Còn thế hệ thứ ba, tức là trẻ em đang tuổi học trò, thì như “trang giấy trắng”, theo anh doanh nhân nên “dạy cách làm người, không phải làm người Balan hay Việt Nam mà là làm người. Dạy hướng theo con tim chứ không trịch thượng, cảm thông với người khác và nhìn nhận những giá trị ở xung quanh mình, bởi cái gì cũng có hai mặt của nó”. Vì thế theo anh thì sự giáo huấn cho thế hệ thứ nhất là rất quan trọng, để họ hiểu biết thực trạng cuộc sống ở đất nước này. Anh muốn để mọi người hiểu tốt về cộng đồng của mình. Với anh, một điều quan trọng nữa là để trong các trường học các em học sinh gốc Việt được đối xử bình đẳng và những người như anh được đối xử bình đẳng tại các cơ quan công quyền và ở nơi công cộng.

SỰ TRI ÂN ĐƯỢC HIỂU NHƯ MỘT SỰ TRẢ NỢ
Sự hợp tác lịch sử-chính trị từ nhiều năm giữa Ba-lan và Việt Nam đã tạo cho nhiều người Việt có cơ hội được học tập ở Ba-lan và kinh tế gia đình họ nhờ đó được cải thiện. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi họ mang ơn. Nhưng trong thời kỳ nghiên cứu địa bàn tại Việt Nam năm 2019 và trước đó năm 2015 trong khuôn khổ dự án của bà Grażyna Szymańska-Matusiewicz (2019), một điều làm tôi thường trăn trở là các cựu lưu học sinh ở các trường đại học Ba-lan thường xuyên nói về sự ơn huệ đối với đất nước này.
Sự hỗ trợ của người Việt bây giờ phải chăng là sự tri ân ta thường gặp giữa người với người, mà cũng có thể do xuất phát từ trách nhiệm phải đáp trả ân huệ họ nhận được trước kia, được ghi sâu trong nền văn hoá của họ. Trách nhiệm đó được biểu hiện rất rõ trong những câu nói mà tôi thường gặp khi nói chuyện như “biết ơn, nhớ ơn”. Ở đây không chỉ là lời cảm ơn thuần tuý nói với
người mình mang ơn. Nó mang ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Đây là sự ghi nhớ tất cả những gì mà ta 
cảm nhận được, những gì đã giúp ta nên người và ta đạt được trong đời. Nhưng không chỉ dừng lại duy nhất ở sự ghi nhận và ơn huệ. Trước nhất đó là động lực để hành động, là sự kích động để lúc cần ta có thể đáp trả tốt nhất những gì ta nhận được với mục đích giữ trạng thái cân bằng. Sự
tri ân đó thường gắn liền với cảm giác là ta thuộc vào một cộng đồng, cảm giác về mối quan hệ giữa người với người, để rồi sự giúp đỡ của ta cho người khác không chỉ bột phát một lần mà khi cần sẽ nhiều lần từ nhiều phía, như chúng ta đã chứng kiến trong cả năm 2020 vừa rồi.
Động lực tri ân được hiển thị rất rõ nét trong hai câu ngạn ngữ Việt Nam: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “Uống nước nhớ nguồn”. Cả hai đều nhắc nhở hãy tỏ lòng biết ơn những gì mà các thế hệ trước, cha mẹ, thầy cô giáo, bác sỹ... đã làm để đưa lại lợi ích cho chúng ta. Đó cũng có thể hiểu về sự tri ân mà các lưu học sinh Ba-lan nói đến.

KẾT LUẬN
Sự bùng phát của đại dịch mà tạm thời chúng ta chưa kìm hãm được đã thúc đẩy sự giúp đỡ bột phát không chỉ của người Balan mà cả trong các cộng đồng nhập cư ở đây. Nó làm nổi bật và tăng cường những hoạt động từ thiện của người Việt sống ở trên đất nước này. Hồi tháng ba năm trước là sự giúp đỡ y bác sỹ và các bệnh viện một cách bột phát và lập tức trong toàn Balan.
Còn mùa Thu nó trở thành một phong trào có tổ chức, tập trung vào các bệnh viện chống Covid, cho đến khi xuất hiện vacxin phòng chống Covid đầu tiên ở Balan. Sự tham gia hỗ trợ y bác sỹ rất nhiệt tình của người Việt đã tạo ra làn sóng mang âm hưởng của lòng biết ơn từ phía người dân Balan. Bà Magdalena Mańkowska, điều phối viên của nhóm Tín hiệu- Cấp cứu ẩm thực đã gặp điều đó hàng ngày, và được bà nói đến trong một phỏng vấn dành cho đài truyền thanh Meloradio ngày 4 tháng 4 năm 2020:
“[...] Ngay từ đầu thú thực với tôi là... một cái sốc. Kiểu như... vâng tôi hơi có chút phân vân, vì ví dụ như những 150, 200 suất cơ. Một số lượng rất lớn. Mà không phải chỉ một ngày. Ngày nào cũng thế. Rồi một lúc nào đó tôi đi sâu hơn để xem xét vấn đề và tìm hiểu tại sao và nó xuất phát từ cái gì. Khi đó tôi được nghe một điều làm tôi xúc động vô cùng, đó là Balan cũng là đất nước của họ, và họ sát cánh cùng chúng ta chiến đấu cho sức khỏe của y bác sỹ. Đó là bước ngoặt lớn vì tôi thấy xung quanh mình không chỉ là những người trung thực mà cũng là những người bạn.
[...]”(
https://www.facebook.com/magdalena.mankowska/videos/3184405518244845)ar />Người Việt ở đây muốn được đối xử bình đẳng như người Balan, bởi họ là những công dân của đất nước, nơi họ đang sống, làm việc, sinh con đẻ cái. Cảm nhận mình là thành viên xã hội này, họ tổ chức những hoạt động trợ giúp nhằm mục đích mang lại niềm vui hoặc giảm nhẹ những khó nhọc trong cuộc sống hàng ngày cho những người gần như bị loại khỏi xã hội. Họ làm như thế
bởi, như lời họ, những việc làm đó đem lại cho họ niềm vui và sự chia sẻ. Và họ làm để con cháu họ có cuộc sống tốt đẹp hơn trên mảnh đất này.
(Bài viết được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu tập hợp được trong khuôn khổ dự án “Thờ phụng cha ông là một thành phần của mạng lưới hỗ trợ gia đình của người Việt ở Việt Nam và Balan” do Trung Tâm Khoa học Quốc gia tài trợ (số đăng ký dự án 2017/27/N/HS6/02161)

Vài lời về tác giả:

Bà Ewa Grabowska là nghiên cứu sinh của Khoa Xã hội học, Đại học Tổng hợp Vac-sa-va. Bà tốt nghiệp ngành tâm lý đa văn hoá tại trường Đại học Tâm lý Xã hội ở Vac-sa-va. Từ 2003 bà cộng tác với cộng đồng người Việt ở Balan trong nhiều lĩnh vực. Bà nói và viết thông thạo tiếng Việt.


Người dịch: Nguyễn Đức Thảo
Nguồn: 
/spanhttps://instytutboyma.org/pl/dzialania-charytatywne-wietnamczykow-w-polsce-ich-zakres-i-zrodla//br

Sửa lần cuối 2021-05-03 03:22:33

Bình luận

Bình luận qua Facebook