2011-02-13 21:03:10

Độc đáo điệu hát mở cõi ít người biết ở Quảng Ninh

Ít  ai biết rằng, tại huyện Yên Hưng, Quảng Ninh còn lưu giữ một loại hình văn hóa phi vật thể khá lâu đời và độc đáo mang nhiều bản sắc, dấu tích của thời kỳ khai hoang mở cõi về phía biển Đông. Đó là hát Đúm, loại hình nghệ thuật ra đời cách đây hơn 500 năm và gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân bình dị. Nhưng dù có tuổi đời 500 năm, hát Đúm Yên Hưng đang chịu sự thử thách khắc nghiệt bởi sự rơi rụng, mai một cùng thời gian.

Điệu hát độc đáo   

Hát Đúm tại Đình Cốc.
Khi đất trời của vùng Đông Bắc còn phủ lớp sương mờ của hơi nước biển chúng tôi đến đình Cốc, xã Phong Cốc - Yên Hưng để gặp nghệ nhân hát Đúm vừa được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng Nghệ nhân văn hoá dân gian,  ông là Ngô Đăng Nhuận. ông Nhuận cho biết: "Theo những gì tôi được nghe các cụ ngày xưa kể lại thì hát Đúm ở xã Hà Nam đã có lịch sử từ hơn 500 năm, khi 19 vị Tiên công đến khai phá vùng đất Hà Nam - huyện Yên Hưng. Hàng năm vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch người dân Quảng Ninh vẫn thường tổ chức lễ hội miếu Tiên Công để tuởng nhớ các vị. Họ là những người đã có công quai đê lấn biển, lập nên vùng đất Hà Nam trù phú như ngày hôm nay. Cái tên hát Đúm bắt nguồn từ chính việc mọi người tụ tập đông để tham gia cuộc hát. Đến nay, hát Đúm với 15 làn điệu chính với hơn 500 bài hát".

Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nghệ nhân Ngô Đăng Nhuận khi nói về hát Đúm Hà Nam - Yên Hưng với một niềm say mê khó tả. ông cho biết: "Tôi tham gia hát Đúm từ năm 18 tuổi. Hát Đúm đã gắn liền với tuổi thơ, với một miền ký ức về những năm tháng mà mối quan hệ mỗi cá nhân gắn liền với văn hóa làng xã. Ngày ấy, trai gái trong làng thường hát Đúm để giao duyên, kết bạn. Về cơ bản hát Đúm không khác nhiều so với hát Quan họ, hát Xoan, hát Ghẹo của những vùng miền khác - Đều mang cái tinh tế, mộc mạc của cộng đồng cư dân nông nghiệp. Tuy nhiên giai điệu có phần luyến láy, nhấn giọng đòi hỏi sự tinh tế của người hát. Người tham gia hát Đúm phải hát được nhiều làn điệu như: Cò lả, Trống quân, Quan họ, Sa mạc... phải có tài ứng khẩu, tùy hứng từ những hoàn cảnh cụ thể. Một cuộc hát Đúm thường theo trình tự hát chào, hát mừng, hát hỏi, hát mời trầu, hát cưới, kết thúc là hát tiễn. Sau này, tùy hoàn cảnh có thể hát họa, hát mời đến chơi nhà, hát khuyên nhau đi học, hát đi lính... ".

Trong những năm gần đây, giá trị văn hoá của nghệ thuật hát Đúm đã được khẳng định. Bằng chứng là sự tôn vinh danh hiệu Nghệ nhân văn hóa dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam với hai nghệ nhân hát Đúm ông Ngô Đăng Nhuận và bà Phạm Thị Thành ở xã Phong Hải, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh. Năm 2003, được sự ủng hộ của Trung tâm Văn hoá huyện, Câu lạc bộ hát Đúm Yên Hưng đã ra đời.

Những “di sản sống”



Nghệ sỹ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Đúm Yên Hưng Phạm Thanh Quyết (ảnh)  cho biết, trong 20 thành viên của Câu lạc bộ thì người trẻ nhất cũng hơn 40 tuổi, người già nhất bà Phạm Thị Thành, người cùng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cùng  đợt ông Ngô Đăng Nhuận đã sắp bước sang tuổi 79. Bà là một trong số ít những người của vùng đất Hà Nam này còn thuộc nhiều làn điệu hát Đúm cổ.  Mà trong khi đó nghệ thuật hát Đúm cổ là loại hình nghệ thuật hát giao duyên chỉ dành cho trai gái dưới 30 tuổi.

Nghệ sỹ Phạm Thanh Quyết - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Đúm Yên Hưng tâm sự: "Nhiều thế hệ ông cha đã cố công gìn giữ hát Đúm. Bà tôi, mẹ tôi cũng là những người yêu hát Đúm. Chính vì thế mà tôi cùng nhiều nghệ nhân trong vùng mong muốn gìn giữ và truyền dạy được phần nào sự yêu mến, trân trọng giá trị truyền thống đến các thế hệ trẻ". Câu lạc bộ đã tập hợp những người hát Đúm và yêu hát Đúm đồng thời đưa nghệ thuật hát Đúm đến đông đảo công chúng.

ôngồ Ngô Đăng Nhuận cho biết, một thời gian dài, phong trào hát Đúm ở địa phương dần bị mai một. Dù đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, cụ Ngô Đăng Nhuận vẫn cố công sưu tầm hàng trăm bài hát Đúm từ những vị cao niên trong vùng Hà Nam và nhiều nơi khác. Có lẽ chính niềm say mê hát Đúm đã níu giữ ông không theo con cháu lên thành phố. Để mỗi dịp thảnh thơi bà ngồi pha ấm trà để ông cùng một số bạn bè ngân nga những câu hát đã đi vào lòng người của quê ông. Mặc dù tuổi đã cao, mắt đã mờ nhưng cụ Nhuận vẫn say mê, miệt mài với những làn điệu hát Đúm. Trong ngôi nhà cấp 4 của ông vẫn luôn có những quyển sổ ghi chép những bài hát Đúm mà ông luôn cố công sưu tầm. Chính lòng say mê của những người như cụ Nhuận và những nghệ nhân cao tuổi khác đã làm sống dậy nghệ thuật hát Đúm của vùng đảo Hà Nam - huyện Yên Hưng này.

Ông mong muốn sẽ mang được niềm say mê, tình yêu, sự trân trọng của ông với hát Đúm truyền lại cho các thế hệ. ông đã dành nhiều thời gian sưu tầm những câu hát cổ còn lưu truyền trong dân gian về biên soạn bài bản rồi tổ chức thành nhóm hát gồm các nghệ nhân cao tuổi.

Ông Ngô Đăng Nhuận chia sẻ, hát Đúm cũng như nhiều môn nghệ thuật văn hóa dân gian đang có nguy cơ bị mai một khi mà thế hệ những người như ông, như bà Phạm Thị Thành đều đã tuổi cao sức yếu. Hơn nữa không gian sinh hoạt văn hóa của các bộ môn này đang dần bị thu hẹp. ông và những nghệ nhân yêu hát Đúm của vùng đất Quảng Ninh đang từng ngày dồn nỗ lực, tâm huyết để sưu tầm và truyền dạy hát Đúm cho các bạn trẻ. Không những trực tiếp truyền dạy hát Đúm cho học sinh tại Câu lạc bộ. Nghệ nhân Ngô Đăng Nhuận và Phạm Thị Thành còn sưu tầm các làn điệu hát Đúm cổ thành 2 tập sách "Hát đúm Hà Nam - Yên Hưng" và "Hát Đúm vùng biển Quảng Ninh" là những  công trình dày công của hai nghệ nhân.

Bảo tồn và truyền dạy các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian là câu chuyện mà những nghệ nhân hát Đúm của Câu lạc bộ đang trăn trở. Họ cũng như nhiều nghệ nhân khác đều mong muốn có thể truyền dạy lại nghệ thuật hát Đúm cho lớp con cháu. Bởi dẫu có tôn vinh những nghệ nhân hát Đúm đến đâu, dẫu gọi họ là những "báu vật sống", mà không tìm được những lứa kế cận thì nghệ thuật này cũng sẽ bị mai một.                      

ĐỖ THƠM - HƯỚNG DƯƠNG (ĐS&PL)

Theo cuốn "Theo dòng lịch sử " của cố GS.Trần Quốc Vượng (NXB Văn Hoá, 1996) thì: Bắt đầu từ thế kỷ XV, với chính sách mở rộng đất về phía Đông, nhà Trần đã tiến hành các cuộc di dân Việt từ vùng châu thổ sông Hồng đến vùng biển Đông - Bắc Việt Nam. Một loạt các vùng ven biển thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh (ngày nay) được khai phá. Trong quá trình di dân các sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng có sự kế thừa. Theo giả thuyết này, hát Đúm vùng này có nguồn gốc từ hát Đúm vùng trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hát Đúm là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực: Cầu mùa, luôn là ước nguyện không chỉ của cư dân nông nghiệp mà còn của các cư dân ngư nghiệp.

Theo ý kiến TS. Đinh Tiếp thì:  Đúm ở đây có nghĩa là đàn đúm, là tập hợp của một nhóm người cùng tham gia hát giao duyên. Những người tham gia hát Đúm đều mặc trang phục ngày lễ, nam mặc quần trắng áo lương (the đen), đầu đội khăn xếp, tay cầm ô, chân đi guốc. Nữ thì mặc quần lĩnh đen, áo tứ thân đổi vạt (màu) buộc thắt kèm theo chiếc thắt lưng bao tượng bằng nhiễu (lụa) màu hoa lý hay màu hồng, chân đi guốc... Tuy nhiên cũng có quan niệm cho rằng cái tên hát Đúm bắt nguồn từ việc khi hát người hát sử dụng một miếng vải nhỏ có gói một vật bên trong để hai bên hát trao cho nhau trong khi hát nên gọi là hát Đúm.

Sửa lần cuối 2012-12-21 01:16:16

Bình luận

Bình luận qua Facebook