2017-05-01 12:35:16

14 di sản được UNESCO ghi nhận của Ba Lan

Trên danh sách các Di sản Thế giới của UNESCO có 1031 các địa điểm do các nước từ khắp các châu lục đăng ký. Đó là các địa điểm duy nhất, độc đáo về văn hóa hay thiên nhiên. Ba Lan có 14 điểm nằm trong danh sách này.

  1. Thành cổ ở Krakow

Thành cổ ở Krakow vào Danh sách Di sản thế giới của UNESCO năm 1978 như một trong các địa điểm đầu tiên của thế giới. Nó gồm thành cổ nằm trong các bức tường cổ xưa, đồi Wawel, khu phố Kazimierz cùng Stradom. Lâu đài ở trung tâm đồi trước đây là nơi ở của các vị vua Ba Lan. Bên trong có các phòng của hoàng cung, hộp chứa đồ quý hay vũ khí. Trong số các kỷ vật cổ có Szczerbiec, gươm phong vương của các vua Ba Lan và các bức tranh của Lucas Cranach Starszy, hay Eugene Delacroix. Trong nhà thờ của Wawel có di cốt của hơn chục vua Ba Lan như Władysław Łokietek, Kazimierz Wielki, Zygmunt August, cũng như Thánh Stanisław, Adam Mickiewicz hay Tadeusz Kościuszko.

Thành cổ bao gồm Chợ chính (Rynek Główny). Trên một trong các quảng trường lớn nhất châu Âu từ thế kỷ thứ XIII ở đây đã có Sukiennice, đó là trung tâm buôn bán thời cổ của khu vực này. Nhà thờ kiểu gô-tích Mariacki tô điểm thêm vẻ đẹp cho chợ. Trên tháp cao cứ mỗi giờ lại có một người đứng ra thổi kèn, trong nhà thờ có bàn thờ Wit Stwosz làm bằng các loại gỗ cẩm (lipa), gỗ sồi và gỗ thông (modrzew) làm vào khoảng các năm 1477-89. Các phần của hệ thống phòng thủ thời trung cổ là Cổng Brama Floriańska và Barbakan. Còn Kazimierz trong nhiều thế kỷ là một thành phố độc lập, nơi giao thoa của các nền văn hóa. Hiện nó nổi tiếng vì có nhà thờ Thánh Stanisław (nơi an nghỉ của Jan Długosz, Józef Ignacy Kraszewski và Stanisław Wyspiański),cũng như khu Do Thái nơi có nhà thờ Do Thái Remuh và một trong các nghĩa địa Do Thái (kirkut) cổ nhất châu Âu (năm 1535).

  1. Mỏ muối Hoàng gia ở Wieliczka và Bochnia

Mỏ muối ở Wieliczka được ghi vào danh sách của UNESCO năm 1978, trong nhóm các di tích đầu tiên được lựa chọn trên toàn thế giới. Năm 2013 người ta bổ sung thêm mỏ Bochnia vào đó. Từ thế kỷ thứ XIII cho đến tận năm 1772 nó là một doanh nghiệp có tên żup của Krakow. Nó do một ông gọi là żupnik được vua phong quản lý, muối khai thác ở đây hồi ấy xuất đi Hungari và Nga. Ở thời kỳ thịnh vượng, chỉ riêng ở mỏ tại Wieliczka có đến khoảng 2 nghìn thợ mỏ làm việc, họ có bệnh viện và hệ thống bảo hiểm đặc biệt. Sự hình thành mỏ gắn với một truyền thuyết về thánh Kinga. Cô công chúa người Hungari này khi lấy ông Bolesław Wstydliwy không muốn nhận các của báu lẫn như những người hầu làm của hồi môn, mà cô chọn muối. Thế là cha cô tặng cô mỏ muối Marmarosz ở Siedmiogrodz, công chúa Kinga ném chiếc nhẫn của mình xuống mỏ. Công chúa mang theo những người thợ mỏ giàu kinh nghiệm đến Ba Lan cùng với mình. Và khi những người thợ này bắt đầu khoan đường hầm xuống mỏ ở gần Krakow thì ngay trong tảng muối đầu tiên khai thác được, họ đã tìm thấy chiếc nhẫn của cô chủ mình.

Hiện mỏ muối ở Wieliczka có 9 tầng. Tầng đầu ở độ sâu 64m, còn tầng cuối ở độ sâu 327 m. Ba nghìn điểm khai thác (wyrobisk) được nối với nhau bằng 360 kilomet các hành lang. Ở mỏ người ta chọn ra vài tuyến để tổ chức du lịch. Ở độ sâu 101m dưới lòng đất có Nhà thờ thánh Kinga, Đây là nhà thờ ngầm dưới lòng đất lớn nhất trên thế giới. Mỏ muối ở Bochnia cũng có 9 tầng, có tổng chiều dài các hành lang là 60 kilomet ở các độ sâu từ 70 đến 289 m và di tích ba giếng mỏ của các thế kỷ XIII, XVI và đầu thế kỷ XX. Trong lòng đất có thể đi thuyền hay đường tầu ngầm.

Đến thăm mỏ cổ ta không chỉ biết thêm về cuộc sống những người thợ mỏ ngày xưa mà còn khỏe lên do các vi khí hậu ở đó. Ở đó người ta còn tổ chức các tour phục hồi sức khỏe trong lòng đất.

  1. Auschwitz-Birkenau. Trại tập trung và thảm sát của Đức (1940-45)

Nó vào danh sách của UNESCO năm 1979. Đây là nơi diễn ra các cuộc thảm sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Năm 1940 trên vùng đất nhập vào nước Đức họ đã xây dựng một trại tập trung, ban đầu dành cho tù chính trị, sau đó đã đổi mục đích sử dụng. Trong giai đoạn cuối cùng toàn bộ khu trại bao gồm ba phần: trại Auschwitz I là nơi đặt cơ sở chỉ huy và là khu lao động cưỡng bức, trại Auschwitz II – Birkenau là nơi người Đức xây các buồng hơi ngạt, lò thiêu người và là nơi tiến hành các cuộc hành hình tập thể, còn trại Auschwitz-Monowitz – là trại lao động cưỡng bức cho các công xưởng của hãng IG Farben.

Việc tổ chức giết người Do Thái hàng loạt ở Oświęcim bắt đầu từ năm 1942, lần cuối người Đức dùng lò khí ngạt và lò thiêu là vào hôm 28/11/1944. Sau đó trại bị di tản do mặt trận tiến đến gần. Tổng cộng ở Oświęcim đã có 1,3 triệu tù nhân đã ở qua. 90% đã chết ở đó. Một triệu nạn nhân là người Do Thái đã được chở đến đây từ các vùng khác nhau của châu Âu. Ở Auschwitz cũng có gần 70 nghìn người Ba Lan, 21 nghìn người Di Gan, 14 nghìn tù binh Liên Xô và 10 nghìn tù nhân của các dân tộc khác nhau đã chết tại đây. Tháng 1/1945 Hồng quân Liên xô đã chiếm được trại. Hai năm sau, tên Rudolf Höss, chỉ huy trại trong các năm từ 1940-43 đã bị hành hình tại đây. Cũng năm đó, trên vùng đất Auschwitz người ta đã xây một bảo tàng quốc gia. Đến đây ta có thể xem các khu nhà giam tù nhân, hàng rào bằng dây thép gai, các tháp canh, buồng hơi ngạt, lò thiêu người và rất nhiều vật chứng của tội ác như các đồ vật của tù nhân bị thu, tóc người bị cắt trước khi vào buồng hơi ngạt.

  1. Khu rừng bảo tồn Puszcza Białowieska

Nó là một khu vực nằm trên địa phận hai nước Ba Lan và Bạch Nga. Năm 1979 UNESCO đã ghi phần trên đất Ba Lan là Białowieski Park Narodowy vào danh sách, 13 năm sau họ bổ sung một phần đất nằm trên lãnh thổ Bạch Nga, rồi năm 2014 người ta mở rộng thêm. Hiện khu đất do UNESCO công nhận rộng 141 885 hec-ta. Nó chủ yếu là bình nguyên, nhưng cũng có các khu đồi cát và đá dăm cũng như các vùng đất có các dòng suối nhỏ thượng nguồn sông Bug và sông Narwa. Phần lớn là rừng nguyên sinh cây có lá-lá nhọn. Ở khu bảo tồn Puszcza Białowieska có hơn 800 loại thực vật có mạch (rośliny naczyniowe), hơn 3000 loại thực vật loại bào tử (rośliny zarodnikowe) và nấm, 120 loài chim và 60 loài có vú (ssak). Chỉ riêng động vật đã có 33 loài được bảo vệ. Trong rừng có thể gặp bò bizon châu Âu (żubry europejskie – có ở đây nhiều nhất trên thế giới), báo (rys), żubi, hươu, lửng (borsuk), chồn, rùa nước.

Các khu rừng ở đây đã được bảo vệ từ thế kỷ XV. Hồ đó ở đây có các khu vực săn bắn của vua, có canh gác. Việc cho phép vào rừng rất nghiêm ngặt. Dân địa phương khi trả một lệ phí nhỏ có thể vào đó để nhặt các cây đã chết làm củi, hái nấm và dâu rừng (jagoda). Năm 1932 người ta đã lập ra Vườn Quốc gia (Białowieski Park Narodowy). Mặc dù có nhiều biện pháp giữ gìn như vậy nhưng sau ba thế kỷ, diện tích vườn cũng bị mất đi đến 45%, trong đó có những cuộc khai thác kinh tế theo kiểu chụp giật của Đức và Liên Xô trong hai thế chiến vừa qua. Hiện nay khu trung tâm của vườn có thể đi bộ tham quan theo các nhóm có tổ chức, còn trên một số tuyến có thể đi xe đạp hay cưỡi ngựa.

  1. Thành cổ ở Vác-sa-va

Nó vào trên danh sách của UNESCO từ năm 1980. Trong phần lý do, họ ghi đây là một ví dụ đặc biệt của việc xây dựng lại từ tình trạng bị phá hủy hoàn toàn. Vào năm 1944, trong thời gian cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va, 85% các nhà của khu thành cổ bị đổ nát. Sau đó việc phục hồi lại các phố của thời trung cổ, các kiến trúc cổ chủ yếu của thế kỷ XVII và XVIII cũng như phần tường phòng vệ còn lại của thế kỷ thứ XIII-XVI đã được thực hiện. Ngôi nhà nổi tiếng nhất của Thành cổ là Hoàng Cung (Zamek Królewski), lúc đầu xây theo kiểu gô-tích, sau xây lại theo kiểu thời Phục hưng, tiền ba-rốc và kiểu rô-rốc (rokokowy). Sau khi thủ đô chuyển từ Krakow về thì đây là nơi các vua Ba Lan ở.

Ta có thể xem các căn phòng cổ, các công trình nghệ thuật quý, ví dụ các tranh của Rembrandt, các bảo tượng quyền lực (insygnia) của các vị vua Stanisław August Poniatowski, của các đời Tổng thống Ba Lan, hộp đựng tim của ông Tadeusz Kościuszki. Trước cửa Hoàng Cung, trên Quảng trường Hoàng Cung trong các năm 1643-44 người ta đã dựng Cột vua Zygmunt (Kolumna Zygmunta), đây là đài kỷ niệm phi tôn giáo cổ nhất của thủ đô để tưởng niệm vua . Zygmunt III Waza. Tượng của ông đặt trên cột cao 22m. Trong thành cổ có Nhà thờ giáo xứ (Katedra) của Thánh Jan dựng vào giữa hai thế kỷ XIII và XIV. Bên trong nhà thờ có mộ ông Henryk Sienkiewicz, người đoạt giải Nobel văn học của Ba Lan và ông Tổng thống của Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan Gabriel Narutowicz. Đây cũng là nơi phong vương của các vua Stanisław Leszczyński và Stanisław August Poniatowski. Thành cổ Ba Lan cũng có hai lớp tường phòng thủ cũng như một phần đặc trưng nhất của công sự – đó là Barbakan lối vào thành xây theo kiểu Phục Hưng năm 1548. Trong thành cổ cũng có một tượng nàng tiên cá (Syrenka).

  1. Thành cổ ở Zamość

UNESCO ghi nó vào danh sách năm 1992. Thành phố kiểu Phục Hưng, nơi vẫn giữ được hệ thống phố xưa, phần còn lại của thành phòng thủ và nhiều di tích xây dựng. Về tổng quan đây là sự kết hợp của truyền thống kiến trúc của Bán đảo Apenin (Półwysp Apeniński) và Trung Âu. Lịch sử thành phố Zamość có từ năm 1580, khi Đại Pháp quan (kanclerz) Jan Zamoyski muốn tạo ra một thành phố theo mẫu của một thành phố lý tưởng của Ý. Ông giao nhiệm vụ này cho Bernardo Morando, một người gốc Padova nước Ý. Zamość được xây từ gốc dựa theo hình năm cạnh với trung tâm là khu Chợ Lớn (Rynkek Wielki) và hai chợ mua bán nhỏ hơn là chợ Nước và chợ Muối. Xung quanh chúng là mạng lưới các phố có dạng hình bàn cờ cùng các khu phố dành cho người được phong tặng hay mua đất – chủ yếu là người Do Thái và người Armenia. Việc họ có mặt ở đây không phải là một việc ngẫu nhiên.

Lý do là vì Zamość được dựng lên trên một tuyến đường giao thông quan trọng nối Bắc Âu và Tây Âu với Hắc Hải. Các nhà buôn đã làm ăn chủ yếu ở chợ và các phố lân cận, để lại các kỷ niệm là tòa thị chính lớn, các kho cổ xưa và các sảnh dưới các cột đỡ của các ngôi nhà. Ngài Zamoyski cũng ra lệnh xây cho mình một cung điện ở trong thành phố (bây giờ trụ sở của tòa án đóng ở đó) và một trường học vô thần (świecka uczelnia), Học viện mang tên Zamojski (giờ trong tòa nhà này là một trường phổ thông trung học nổi tiếng và Ban Giám hiệu của Trường Cao đẳng Dạy nghề Quốc gia - Państwowa Wyższa Szkoła Zawodowa). Zamość hơn nữa cũng là một pháo đài kiên cố, nơi chống lại quân Thụy Điển trong thời kỳ Đại hồng thủy (Potop) (1655-1660). Kỷ niệm còn lại của thành phòng thủ là các tháp năm cạnh (bastion), Rotunda Zamojska, hay Stara Brama Lubelska.

  1. Khu thành phố thời Trung cổ ở Toruń

Nó được vào danh sách của UNESCO năm 1997. Đây là một viên ngọc của kiến trúc gô-tich. Trong toàn thành phố có hơn 1100 công trình xây dựng theo lối đó và nhờ thế nó nằm trên Con đường Gạch Gô-tích của châu Âu (Europejski Szlak Gotyku Ceglanego). Buổi đầu, Toruń liên quan đến Các hiệp sĩ Teuton (Zakon Krzyżacki, Thập tự quân). Họ xây ở đó một lâu đài làm điểm tập trung để tiến hành cuộc thánh chiến ở nước Phổ (Prusy). Đến nay trong thành phố vẫn còn các dấu tích của họ. Dần dần Toruń trở thành một trung tâm buôn bán phát triển và thuộc về Hanza. Dấu tích của thời kỳ thịnh vượng đó là các ngôi nhà ở (kamienice) trong Thành cổ và Thành Mới, trong đó có ngôi nhà là nơi nhà bác học Mikolai Copernik ra đời.

Dọc theo bờ sông Wisła đến giờ vẫn còn lại nhiều đoạn tường phòng thủ từ thế kỷ XIII-XV ở tình trạng rất tốt và các cổng vào thành cùng với Tháp Cong (Krzywa Wieża). Ngọn tháp xây từ thế kỷ thứ XIII này trong quá trình sử dụng đã nghiêng khỏi phương thẳng đứng gần một mét rưỡi. Không xa tiếp đó là Chợ Thành cổ cùng với Tòa thị chính, nó là một trong ví dụ tuyệt vời nhất của lối kiến trúc nhà ở thời Trung cổ ở Trung Âu. Trong tòa nhà này hiện có Phân ban của nhà Bảo tàng Toruń. Ta có thể chiêm ngưỡng ở đây phòng Vua, nơi ông Jan Olbracht đã mất ở đó và phòng Radziecka, nơi hội họp của các thành viên Hội đồng thành phố trước đây. Một chỗ ngắm cảnh trên tháp cao 40m là một điểm hấp dẫn du lịch. Một trong các công trình xây dựng đặc trưng cho Chợ là một tòa nhà lớn, trang trí bằng các hình điêu khắc xây theo kiểu Phục hưng mới của Hà Lan, đó là Cung đình Artus, nơi trước đây các công dân giầu có tụ tập hội họp và gặp gỡ. Gần Tòa thị chính có nhà thờ Mariacki xây từ thế kỷ XIII, nơi có lăng công nương Anna Wazówna và một biểu tượng của thành phố nữa, đó là tượng đài nhà bác học Mikolai Copernik.

  1. Lâu đài của Các hiệp sĩ Teuton (Thập tự quân) ở Malbork

Nó được ghi vào danh sách UNESCO năm 1997. Đây là thành phòng thủ lớn nhất châu Âu. Thành phòng thủ nằm trên bờ Nogat đã có từ thế kỷ thứ XIII. Nó bắt đầu được xây lại vào năm 1309, việc xây nó đã kéo dài tổng cộng đến 40 năm. Nó có liên quan tới việc chuyển cơ sở của Các hiệp sĩ vĩ đại Teuton từ Venice đến đây. Người chỉ huy đầu tiên đến chỗ mới này là ông Siegfried von Feuchtwagen. Thành phòng thủ kiểu gô-tích này gồm có 3 phần. Ở phần Thành cao có chỗ để tụ họp, nhà thờ Đức mẹ Đồng trinh Maria và Nhà nguyện Thánh Anna, đây là nơi ở của Các Hiệp sỹ vĩ đại (Wielcy Mistrzowie). Nơi đây cũng có gdanisko, một kiểu khu vệ sinh kiên cố để khi nguy cấp nhất có thể biến nó thành nơi cố thủ.

Thành Giữa dành cho khách của Lâu đài. Ở đây có Wielki Refektarz – một buồng lớn nhất của thành phòng thủ, nơi chữa bệnh cho người già và người ốm và Cung điện của các Hiệp sỹ vĩ đại. Thành Thấp là nơi chứa vũ khí và các chiến xa, nhà nguyện Thánh Wawrzyniec cho những người phục vụ trong lâu đài và vô số các phòng để đồ, trong đó có chỗ chứa lương thực, chỗ làm bia, hay xưởng đúc.

Khu lâu đài dùng cho Các Hiệp sỹ Teuton đến giữa thế kỷ XV, sau đó nó thuộc sở hữu của các vua Ba Lan. Khi nước Cộng hòa bị chia cắt, lâu đài dần dần bị hư hỏng. Khu thành phòng thủ này được xây lại từ từ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và sau năm 1945. Năm 1961 nó là trụ sở của Bảo tàng Lâu đài.

  1. Khu tưởng niệm Chúa hành xác ở Zebrzydowska: một lối kiến trúc và cảnh quan và công viên hành hương

Nó được ghi vào danh sách của UNESCO từ năm 1999. Nhà thờ và nhà tu kín của dòng Bernardyn, cũng như nơi thờ Đức Mẹ Maria và Chúa hành xác ở chân núi Żar được gọi là „Jeruzalem của Ba Lan”. Hàng năm có gần một triệu người đi hành hương tới đây. Khởi đầu của khu này đã có từ năm 1600 và có liên quan đến ông tỉnh trưởng Krakow, ông Mikolai Zebrzydowski. Cùng với vợ mình, họ nói là một đêm họ đã nhìn thấy ba cây thập tự bằng lửa bay lên đỉnh núi Żar. Sau đó ở đây ông Zebrzydowski đã tài trợ để xây nhà thờ Chúa Giê-su bị đóng đinh lên cây thánh giá. Hai năm sau ông giao đất cho nhà tu kín dòng Bernardyn, rồi vào năm 1604, việc xây nhà thờ của dòng tu này và nhà tu kín đã bắt đầu. Cả khu liên hợp do một kiến trúc sư người Ý, ông Jan Maria Bernardoni thiết kế, có sự tham gia của ông Paweł Baudarth, một người thợ kim hoàn người xứ Flamand. Công trình xây dựng được giữ theo kiểu cách Hà Lan, và sau đó mở rộng theo kiểu ba-rốc với một số nét của kiểu rokoko. Trong vương cung thánh đường hiện có một bức tranh tuyệt vời vẽ Đức Bà Kalwaryjska ở nửa đầu thế kỷ XVII.

Vào năm 1609 ông Zebrzydowski bắt đầu thực hiện một dự án mới. Không xa nhóm các tòa nhà, trong phong cảnh tự nhiên của vùng núi, bắt đầu nhô lên các nhà nguyện và nhà thờ nhỏ tưởng niệm Cảnh Chúa hành xác và cuộc đời Đức Mẹ Maria. Cuối cùng họ làm 28 trạm trên Con đường Chúa Giê-su bị hành xác và 24 trạm biểu hiện cho Các chặng của cuộc đời Đức Mẹ. Có các chỗ tạo lại những nơi quan trọng đối với đạo Thiên chúa ở Jeruzalem là: Golgota, Syjon, Góra Oliwna. Con đường của những người đi hành hương dài tổng cộng 5km, còn toàn bộ khu vực chiếm một diện tích sáu kilomet vuông. Từ thế kỷ XVII đến nay, nhiều công trình vẫn hầu như giữ được dạng không đổi.

  1. Các nhà thờ Hòa Bình ở Jawor và Świdnica

Nó được ghi vào danh sách của UNESCO năm 2001. Đó là công trình xây dựng về tôn giáo có kết cấu khung bằng gỗ lớn nhất ở châu Âu. Chúng bắt đầu hình thành từ giữa thế kỷ XVII do thỏa thuận ký sau Cuộc chiến Ba mươi năm (Wojna Trzydziestoletnia), kết thúc bằng Nền hòa bình Westfal. Vào lúc đó, dưới sức ép của Thụy Điển, hoàng đế Thiên chúa giáo Ferdynand III Habsburg phải đồng ý cho xây ba nhà thờ Tin Lành ở Dolny Śląsk. Nhưng quyết định cho phép xây này lại đi kèm một số điều kiện. Thứ nhất là các nhà thờ này phải được xây xong chỉ trong vòng một năm và bằng tiền các tín đồ Tin lành tự đóng góp. Tiếp theo, nó chỉ được xây bằng các vật liệu không bền như gỗ, đất sét hay rơm. Nhà thờ chỉ được xây ngoài bức tường là phạm vi của thành phố, nhưng lại phải ở trong tầm bắn của đại bác. Các nhà thờ này cũng không được có hình dáng như các nhà thờ truyền thống, không được có tháp và chuông. Cuối cùng, người ta đã xây xong ở Świdnic, Jawor và Głogow ba kết cấu rất độc đáo. Hai trong số này còn lại đến nay, chiếc thứ ba bị cháy do sét đánh.

Các nhà thờ Hòa Bình đều rất to. Những người xây dựng chúng muốn là chúng chứa thoải mái tất cả các tín đồ trong khu vực xây dựng. Ở Jawor lúc hành lễ nó có thể chứa được tận sáu nghìn người, còn ở Świdnica – ba nghìn. Nhà thờ ở Jawor còn nổi tiếng trước hết là tại đó người ta tổ chức Các buổi hòa nhạc Hòa Bình hàng năm. Dàn đồng ca Họa Mi của Poznan (Chór Poznańskie Słowiki) dưới sự điều khiển của ông Stefan Stuligrosz và Dàn nhạc Giao hưởng Amadeus do bà Agnieszka Duczmal đã tham gia biểu diễn trong các buổi hòa nhạc đó. Bên trong nhà thờ thứ hai ta có thể chiêm ngưỡng một bục giảng kinh kiểu ba-rốc, một cây đàn organ làm từ thế kỷ XVII và một ban thờ bằng gỗ vô cùng quý được làm vào dịp kỷ niệm 100 năm nhà thờ được xây.

  1. Các nhà thờ bằng gỗ ở phía Nam của Małopolska

Chúng được vào danh sách UNESCO năm 2003. Nó gồm sáu nhà thờ ở các làng Binarowa, Blizne, Dębno, Haczów, Lipnica Murowana và Sękowa. Đây là một nơi tập trung các nhà thờ làm bằng gỗ cổ xếp thứ hai ở châu Âu sau các nhà thờ ở Na Uy. Phần lớn các nhà thờ này ở dọc trên Tuyến đường Kiến trúc Gỗ (Szlak Architektury Drewnianej). Chúng được dựng lên bằng kỹ thuật ghép mộng khá phổ biến ở Bắc và Đông Âu từ thời Trung cổ. Các nhà thờ này do đại diện các gia đình giầu có ở Małopolska góp tiền xây dựng. Thời ấy, các việc làm như vậy mang lại danh giá cho họ.

Nhà thờ xây đầu tiên là nhà thờ Đức Mẹ Đồng trinh Maria hiển thánh ở Haczow, khởi công năm 1388. Bây giờ nó được coi là nhà thờ bằng gỗ kiểu gô-tích cổ nhất ở châu Âu. Nó nổi bật lên nhờ có tháp cao 25 mét làm năm 1624, bên trong nhà thờ có bức tranh vẽ trên tường từ cuối thế kỷ thứ XV, chắc chắn là bức cổ nhất trên lục địa châu Âu và một bàn thờ chính kiểu gô-tích. Trong nhà thờ cũng có tượng Đức Mẹ chịu đau đớn làm năm 1400. Theo truyền thuyết thì nó trôi về Haczow trong một trận lụt. Khi sông Wisłok bị tràn, nó trôi theo dòng và dừng lại tại nhà thờ này. Nhà thờ theo lời hiệu triệu của thánh Michał Archanioł ở Binarowa, làm năm 1500 có một tháp cổ nhất nổi tiếng làm bằng gỗ. Còn nhà thờ Tất cả các Thánh ở Blizno có bàn giảng kinh kiểu Phục Hưng và bàn thờ chính làm năm 1700. Có một thời, do nhà thờ làm trên đồi và cách làm như thế nên nó mang tính phòng thủ. Khi có mối đe dọa, dân cư làng lân cận chạy trốn vào đó.

  1. Công viên Mużakowski

Công viên này vào danh sách UNESCO năm 2004. Nó được coi là kiệt tác của nghệ thuật làm vườn tầm cỡ quốc tế. Công viên trải dài hai bên bờ sông Nysa Łużycka, ở gần Łęknica thuộc tỉnh Lubuski của Ba Lan và tỉnh Bad Muskau của Đức. Nó có diện tích gần 700 hec-ta, do thái tử Hermann von Pückler-Muskau khởi công vào các năm 1815-44. Nhà quý tộc này mơ ước là xung quanh ngôi nhà ở của mình xây vào thế kỷ thứ XVII tại Bad-Muskau sẽ hình thành „một bức tranh vẽ bằng cây cỏ”. Không lâu sau ông tuyên bố ý định của mình với dân cư và bắt đầu mua đất xung quanh. Dần dần nó trở thành một công viên khổng lồ, nó lợi dụng các đặc điểm của phong cảnh địa phương chứ không theo phong tục hồi ấy quy định là phải gắn với vườn Eden trong Kinh Thánh.

Phần trung tâm của khu liên hợp nhà và vườn nằm trên đất Đức. Trên đất Ba Lan có thể ngắm cảnh công viên tự nhiên kết thúc ở Núi Ông (Góra Pana). Hai bên sông nối bằng hai cây cầu: cầu Kép và cầu kiểu Anh. Các phần đặc trưng nhất của công viên là: cung điện Cũ và Mới, nhánh nhân tạo của sông Nysa Łużycks có tên là Nysa Hermann, Công viên Núi, các thung lũng và các con đường nhỏ ngoạn mục gọi là Con đường của Helmina, Lối mòn Họa Mi, Con đường Klementyna. Trên đất của Công viên Mużakowski có một bộ sưu tập các giống cây rộng đến 50 hec-ta, nơi ta có thể ngắm 290 loài thực vật trong đó có các cây sồi, buki, tulipanowiec giống của Mỹ. Và cho dù câu chuyện của vị thái tử Hermann kết thúc không có hậu – ông ta lâm vào cảnh nợ nần đến nỗi phải bán tác phẩm của cả cuộc đời mình – song công viên ông tạo ra điểm mở đầu cho một thời đại mới trong lịch sử làm vườn của châu Âu và châu Mỹ.

  1. Gian phòng Thế kỷ (Hala Stulecia) ở Wrocław

Nó được ghi vào danh sách UNESCO vào năm 2006. Được dựng lên dùng bê tông cốt thép, căn nhà là một bước tiến bộ lớn trong lịch sử ngành xây dựng. Nó được xây vào các năm 1911-1913 trên khu đất của Triển lãm Thế kỷ ở Wrocław, lúc Đức muốn giới thiệu lịch sử và thành tựu kinh tế của vùng Dolny Śląsk. Lý do để làm triển lãm là kỷ niệm một trăm năm ra lời kêu gọi „Gửi tới đồng bào của tôi”. Ông Fryderyk Wilhelm III khi đó ra lời kêu gọi đồng bào của mình đứng lên chống quân đội Napoleon. Cuộc thi liên quan đến xây nhà này đã có 43 thiết kế tham gia. Bản thiết kế tốt nhất là của Max Berg, người tạo ra một công trình xây dựng đa chức năng trên mặt một hình tròn với bốn cửa vào. Phía trên là chiếc vòm có đường kính 67 mét và trên nó có ngọn hải đăng bằng thép và thủy tinh. Chỗ ngồi xem của phòng có thể chứa tới sáu ngàn người. Bên trong có một cây đàn organ lớn nhất thế giới có tới 222 quãng âm và gần 17 nghìn chi tiết. Hiện một phần của nó có thể xem ở Nhà thờ Chính tòa ở Wroclaw, một phần lại ở Częstochowa, ở núi Jasna Góra. Việc xây công trình này đã tiêu tốn đến gần hai triệu đồng mác Đức.

Gian phòng Thế kỷ được khai trương hôm 20-5-1913 với sự có mặt của thái tử Fryderyk Wilhelm. Sau đó nó được sử dụng rất nhiều. Đảng Phát xít Đức đã tổ chức các cuộc đại hội ở đó, còn trong thời Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, tại đấy có tổ chức Các cuộc Triển lãm Các vùng đất lấy lại được (Wystawa Ziem Odzyskanych), Hội nghị trí thức Quốc tế (Światowy Kongres Intelektualistów) và Giải vô địch thế giới môn bóng rổ nam. Trong các năm gần đây, trong nhà này còn có các buổi trình diễn các vở kịch opera của Wagner hay Verdi.

  1. Các nhà thờ Chính thống giáo bằng gỗ ở vùng núi Karpat của Ucrain và Ba Lan

Chúng được vào danh sách của UNESCO vào năm 2013, cùng với 16 nhà thờ khác cùng loại. Tám chiếc nằm trên lãnh thổ Ba Lan, tám chiếc còn lại trên đất Ucraiń. Các nhà thờ trên đất Ba Lan có thể chiêm ngưỡng tại Radruż, Chotyniec, Smolnik và Turzańsk ở Podkarpat và ở Powroźnik, Owczary, Kwiaton và Brunarany Wyżne tại Małopolska. Năm chiếc trong chúng là nhà thờ chính thống giáo loại łemkowskie, hai chiếc là loại halickie, còn một là loại bojkowska. Chúng được xây vào thế kỷ từ XVI đến XIX, có đặc điểm là ghép mộng và mang các ký hiệu có liên quan tới các biểu tượng thiên văn đặc trưng cho một tầng lớp xã hội. Trong nhiều thế kỷ, nó đã phục vụ cho cả những người theo Chính thống giáo phương Đông cũng như cho tín đồ theo đạo Thiên chúa kiểu Hy Lạp, những người xây dựng các nhà thờ này lại sử dụng các chi tiết của lối xây dựng của địa phương. Mặc dù có nhiều nét chung, nhưng mỗi nơi đều có một kết cấu độc đáo, không lặp lại.

Nhà thờ Chính thống giáo (Cerkiew) mang tên thánh Paraskiew ở Radruż là một ví dụ về các nhà thờ bằng gỗ của Chính thống giáo (prawosławny) ở Ba Lan. Nó được dựng lên vào thế kỷ thứ XVI, người cấp vốn chắc là ông Jan Płaza, một nghị sỹ Quốc hội và tỉnh trưởng vùng Lubaczowski. Để dựng nhà thờ người ta dùng gỗ thông và sồi. Nhà thờ Chính thống giáo xây theo kiểu gô-tích, mái hai tầng và tường phủ bằng các thanh gỗ hẹp. Nó có hành lang thấp với các cột. Xung quanh nhà thờ là tường, toàn bộ có tính chất phòng thủ. Dân cư các vùng lân cận trốn ở bên trong khi có giặc Tác-ta. Tiếp theo, nhà thờ Narodzenie Przenajświętszej Bogurodzicy ở Chotyniec được dựng vào năm 1615 do nhu cầu của các người theo đạo thiên chúa Hy Lạp. Mái vòm của nhà thờ có hình trống 8 cạnh. Bên trong nó ta có thể ngắm bức tranh vẽ trên tường từ thế kỷ XVIII vẽ cảnh Ngày Phán xét cuối cùng và 1671 các bức tranh nhỏ (ikona), trong đó có bức tranh nhỏ tuyệt đẹp vẽ Đức Mẹ Maria.

NHV (theo http://poznajpolske.onet.pl/polskie-obiekty-na-liscie-swiatowego-dziedzictwa-unesco/tn30js)

Sửa lần cuối 2017-05-01 10:44:46

Bình luận

Bình luận qua Facebook