Ngày 1 tháng 5 năm 2004 Ba Lan chính thức gia nhập Liên minh Châu Âu sau khi đã đáp ứng tiêu chuẩn của một nước thành viên, tức là có nền dân chủ và kinh tế thị trường.
Trong 10 năm qua Ba Lan đã thay đổi mình và góp phần thay đổi châu Âu một cách hết sức ấn tượng. Bản thân việc gia nhập LMCA chỉ là cơ hội chứ chưa đảm bảo cho sự phát triển phồn vinh của đất nước, vấn đề là Ba Lan đã biết tận dụng cơ hội đó để thực sự vươn lên xây dựng đất nước cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Trước khi gia nhập LMCA Ba Lan tràn trề hy vọng, nhưng cũng có nhiều ý kiến lo ngại sẽ mất quyền tự chủ. Sau 10 năm nhìn lại có thể khẳng định rằng Ba Lan đã trở thành một thành viên mạnh và có tầm ảnh hưởng trong LMCA, vì vừa biết bảo vệ lợi ích dân tộc của mình, vừa là thành viên đầy trách nhiệm trong quá trình liên minh. Qua nhiều năm Ba Lan đã học được cách tác động lên LMCA, cải tạo nó theo lợi ích và yêu cầu của chính mình. Ba Lan đã ủng hộ ý tưởng xây dựng thị trường nội khối vì biết rằng mình sẽ hưởng lợi từ đó nhiều nhất. Ba Lan cũng đưa ra sáng kiến thảo luận về việc cải tổ khu vực đồng tiền chung Châu Âu Euro, vì tin rằng sớm muộn gì thì Ba Lan cũng sẽ là thành viên của dự án đó. Đã nhiều năm nay Ba Lan đưa ra sáng kiến về một chính sách xây dựng liên minh về khí đốt cho toàn Châu Âu, điều này càng có ý nghĩa trong tình hình khủng hỏang Ukraina hiện nay.
Một trong những thành công lớn nhất và khó khăn nhất của Ba Lan là thỏa thuận về kế hoạch tài chính cho giai đoạn 2014-2020, tài khoản cuối cùng được chấp nhận là 441 tỷ zloty (vượt hơn tài khóa 2009-2013 là 19 tỷ zloty), điều này đặc biệt có giá trị trong tình hình hiện nay, khi ngân quỹ LMCA bị cắt giảm đáng kể.
Ba Lan có vị thế chính trị mạnh và là nước ổn định trong LMCA, đặc biệt trong tình hình khủng hoảng kinh tế vừa qua.
Một trong những thắng lợi của Ba Lan là đã biết khôn khéo tận dụng lối chơi đồng đội, biết xây dựng các liên minh thích hợp, dựa vào những nước có cùng hoàn cảnh như mình để đàm phán, bởi nếu chỉ đấu tranh riêng rẽ thì một mình Ba Lan sẽ không là gì đối với liên minh gồm 28 thành viên.
Với tư cách là thành viên LMCA, trong lĩnh vực kinh tế Ba Lan đã đạt được những thành tựu quan trọng trong 10 năm qua. Nếu như không vào LMCA thì năm 2013 GDP của Ba Lan chỉ bằng năm 2009, tức là thấp hơn so với GDP trung bình của LMCA là 11%. Giá trị xuất khẩu của Ba Lan sẽ giảm đi 164 tỷ zloty, tức là giảm 25%. Đầu tư sẽ thấp hơn 36 tỷ zloty, tức là 12%. Thị trường lao động sẽ giảm 10% và thất nghiệp sẽ tăng 38%, tức là số người không có công ăn việc làm sẽ tăng thêm 500000 người.
Khi gia nhập LMCA nhiều người Ba Lan cho rằng sẽ phải trải qua giai đoạn vất vả gian truân bước đầu để thế hệ sau mới có thể hưởng lợi. Song ngay từ những năm đầu tiên đã có thể nhận thấy những hiệu ứng tích cực. Mới có 10 năm song đã thấy những thay đổi rõ rệt trong các chỉ số xã hội – kinh tế của đất nước. Khi mới gia nhập LMCA nhiều người lo sợ rằng Ba Lan sẽ phải è cổ ra đóng góp, sẽ không biết cách sử dụng công quỹ của LMCA, sẽ là thị trường tiêu thụ cho các nước châu Âu. Song điều đó đã không diễn ra. Sau 10 năm gia nhập, có thể thấy Ba Lan là nước sử dụng tốt nhất quỹ LMCA so với các thành viên mới vào năm 2004 và 2007. Ba Lan trở thành nước dẫn đầu trong phát triển kinh tế, sau khi vào LMCA GDP của Ba Lan đã tăng gần gấp rưỡi (48,7%). Cùng với Slowacja, Ba Lan trở thành nước có chỉ số phát triển kinh tế cao nhất không chỉ so với các nước trong vùng mà còn so với toàn LMCA. Không những thế, kinh tế Ba Lan còn vượt qua được giai đoạn khủng hoảng chung vừa qua một cách ngoạn mục. Năm 2009 Ba Lan là nước duy nhất không bị suy thoái kinh tế. Trong giai đoạn 2008 –2013 tổng mức tăng GDP của Ba Lan là 20%, đây rõ ràng là con số kỷ lục trong LMCA. Sau 10 năm về kinh tế Ba Lan đã vượt Hung-ga-ri, đất nước giàu có hơn trước khi gia nhập.
Tăng trưởng kinh tế kéo theo sự cải thiện thị trường lao động. Trong 10 năm Ba Lan tạo được thêm 2 triệu việc làm mới. Từ năm 2005 đến 2012 số lượng người có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo nàn và bị loại ra khỏi xã hội giảm 7 triệu, còn những người thoát nghèo là 1,3 triệu.
Trong 10 năm qua Ba Lan đã tận dụng tốt các cơ hội mà thị trường nội khối của các nước LMCA tạo ra, chủ yếu thông qua việc thông thương tự do hàng hóa, sức người, dịch vụ và tư bản. Ba Lan là một bộ phận của thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới, với 500 triệu người tiêu dùng và 20 triệu hãng. Nhờ tham gia vào thị trường tự do mà các sản phẩm của Ba Lan, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp càng được tin dùng hơn.
Xuất khẩu trong 10 năm qua của Ba Lan tăng 4%, nếu so với các nước trong LMCA thì mức độ tăng trưởng đó chỉ đứng sau Hà Lan. Năm 2013 giá trị xuất khẩu của Ba Lan vào các nước LMCA tăng hơn 3 lần so với trước khi gia nhập. Ba Lan là nước dẫn đầu trong khối những nước mới gia nhập LMCA, có tới 27% số hàng hóa xuất khẩu của các nước Trung và Đông Âu là của Ba Lan.
Trong 10 năm qua Ba Lan là nước thu hút mạnh vốn đầu tư của nước ngoài. Kể từ 2004 đến nay vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Ba Lan đã vượt 405 tỷ zloty.
Trong 10 năm qua đầu tư của Ba Lan vào các nước LMCA cũng tăng từ 4,6 tỷ zloty năm 2003, lên 137 tỷ zloty năm 2012.
Mười năm qua Ba Lan trở thành công trường xây dựng. Quỹ Châu Âu đã có ảnh hưởng quyết định làm tăng nhịp độ hiện đại hóa đất nước. Năm 2004-2013 tổng kinh phí cho đầu tư tăng 75%. Năm 2009-2011 51,6% tiền vốn đầu tư dành cho các công trình công cộng được lấy ra từ nguồn kinh phí Quỹ Châu Âu.
Trái với lo sợ ban đầu, ngay từ những năm đầu tiên số tiền mà Ba Lan nhận được từ Quỹ Châu Âu đã vượt số tiền mà nước này đóng góp vào Quỹ. Sau 10 năm Ba Lan được hưởng lợi từ Quỹ này là 250,5 tỷ zloty (61,4 tỷ Euro). Điều đó có nghĩa là cứ 1 zloty đóng vào (Ba Lan đóng 125,4 tỷ zloty vào quỹ Châu Âu) thì nhận trở lại 3 zloty (375,9 tỷ zloty). Trong kế hoạch tài chính 2014-2020 số tiền mà Ba Lan nhận lại từ quỹ Châu Âu sẽ còn tiếp tục tăng, có thể nói không nước nào khác trong LMCA có được số tiền đầu tư trở lại lớn như vậy.
Nhờ Quỹ Châu Âu mà 10 năm qua Ba Lan đã thực hiện được 160000 dự án, một phần các dự án đó vẫn tiếp tục được triển khai. Ba Lan đã xây dựng được tổng cộng 673 km đường cao tốc, xây dựng và làm mới được 808 km đường tốc hành.
Nhờ quỹ Châu Âu mà việc xây dựng hạ tầng cơ sở ở Ba Lan được thực hiện một cách có hiệu quả. Các vỉa hè và đường dành cho người đi bộ được hoàn thiện ở tất cả các làng mạc nông thôn và các thị trấn, hệ thống đường dành cho người đi xe đạp được xây dựng, hệ thống cống ngầm thoát nước được hoàn thiện (có 34 000 km mạng lưới đường cống ngầm), xây dựng hệ thống bể nước thải trên phạm vi toàn quốc (xây mới hoặc sửa lại 650 bể nước thải), xây dựng hệ thống đường cáp của mạng Internet trên phạm vi toàn quốc (35 000 km đường cáp internet và 500 000 hộ gia đình nhận được tiền tài trợ để liên kết với mạng internet), làm đường ống dẫn nước mới (có 11000 km đường ống dẫn nước), cộng thêm hàng loạt công trình khác được hoàn thiện nhờ kết hợp Quỹ Châu Âu với các nguồn kinh phí khác.
Nông dân Ba Lan trong những năm 2004-2013 nhận được từ Quỹ Châu Âu 53,7 tỷ zloty tiền hỗ trợ trực tiếp. Số hộ nông dân nhận được tiền hỗ trợ là 1,4 triệu hộ.
Trong những năm qua ngành giáo dục cũng nhận được tiền quỹ Châu Âu để hiện đại hóa cơ sở vật chất. Hơn một nửa số trường học (khoảng hơn 20 nghìn trường) nhận được tiền để trang bị máy tính. Xây dựng mới được 2,8 nghìn trung tâm giáo dục mẫu giáo, mở rộng thêm 2,2 nghìn trường mẫu giáo cũ để nhận thêm trẻ vào học.
Việc người Ba Lan được tự do đi lại, học tập, sinh sống và làm việc ở tất cả các nước thành viên khối liên minh Châu Âu đã mở ra cho người dân khả năng thay đổi cuộc sống một cách thực sự. Trong khuôn khổ chương trình Erasmus đã có tới 120000 sinh viên Ba Lan học tại các nước LMCA. Hơn 37000 cán bộ giảng dạy Ba Lan đi dạy hoặc thực tập tại các nước LMCA.
Trong 10 năm qua số lượng người nước ngoài đến Ba Lan đạt 630 triệu lượt, trong đó 140 triệu là khách du lịch. Năm 2014 thủ đô Warszawa có đường bay liên kết với 100 thành phố trên toàn thế giới, tức là 4 lần lớn hơn trước khi gia nhập LMCA.
Chính vì những thành tựu đó số lượng người Ba Lan ủng hộ Châu Âu ngày một gia tăng. Ba Lan là nước có chỉ số những người ủng hộ LMCA cao trong tất cả các nhóm xã hội và đô tuổi, điều này là vốn quý để đất nước này vững bước trên con đường hội nhập ngày càng sâu rộng vào Châu Âu.
Nguyễn Văn Thái
(theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Ba Lan)
Bình luận