Nhân dịp Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam, Đại sứ Vũ Đăng Dũng đã trả lời phỏng vấn của Tiến sỹ Malgorzata Bonikowska, Chủ tịch Trung tâm Quan hệ Quốc tế Ba Lan (CSM) về ý nghĩa chuyến thăm và triển vọng quan hệ triển vọng Việt Nam – Ba Lan trong thời gian tới. Xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Trung tâm CSM: Xin Đại sứ đánh giá về ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda?
Sau 18 năm kể từ chuyến thăm của Tổng thống Aleksander Kwasniewski và 7 năm sau chuyến thăm của Thủ tướng Donald Tusk, Việt Nam mới lại có dịp đón người đứng đầu Nhà nước Ba Lan, Tổng thống Andrzej Duda tới thăm chính thức.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước Việt Nam – Ba Lan đang phát triển rất tốt đẹp. Việt Nam và Ba Lan là hai nước bạn bè truyền thống của nhau, đều là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế và hội nhập ngày càng sâu vào các thể chế khu vực, đều đang ở giai đoạn quan trọng của quá trình đổi mới và cải cách, có chung lợi ích tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư với nhau. Chúng tôi cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Andrzej Duda có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện, không chỉ nhằm củng cố mối quan hệ gần gũi vốn có giữa hai nước, mà còn tạo xung lực mới và mở ra triển vọng hợp tác trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng vì lợi ích của nhân dân hai nước. Đây cũng là dịp hai bên cập nhật tình hình phát triển của mỗi nước, đổi mới cách nhìn nhận và cách tiếp cận về thị trường của nhau, rà soát lại các nội dung hợp tác đã có và ký kết, bổ sung các thỏa thuận mới, tạo khuôn khổ pháp lý lâu dài cho hợp tác song phương trong thời gian tới. Tôi xin nhấn mạnh cùng đi với Tổng thống còn có nhiều doanh nghiệp của Ba Lan nên doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, kết nối và nắm bắt nhu cầu của nhau, trên cơ sở đó sẽ biến các cơ hội hợp tác, khai thác các thế mạnh của nhau thành các dự án, công trình cụ thể.
Đại sứ Vũ Đăng Dũng trả lời phỏng vấn.
Trung tâm CSM: Theo Đại sứ, tiềm năng và triển vọng phát triển hợp tác Việt Nam – Ba Lan trong thời gian tới như thế nào?
Như các bạn đã biết, Việt Nam và Ba Lan vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống từ lâu, lịch sử phát triển của hai đất nước có nhiều điểm tương đồng, nhân dân hai nước chia sẻ nhiều tình cảm tốt về nhau và đều có mong muốn chung cùng hợp tác phát triển trước mắt và lâu dài. Đó là nền tảng vững chắc cho việc củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – Ba Lan trong thời gian tới.
Có thể nói trong những năm qua quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam – Ba Lan đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng bình quân 15-20%/năm. Nền kinh tế của Ba Lan đã và đang có bước phát triển tương đối vững chắc và có nhiều lợi thế, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với công nghệ chế biến hiện đại, thực phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, là địa điểm “vàng” của các ngành công nghiệp phụ trợ và cung cấp dịch vụ hậu cần cho khu vực Châu Âu; có ngành công nghệ thông tin phát triển nhanh trong khu vực Trung Đông Âu với nguồn nhân lực chất lượng cao... Trong khi đó, Việt Nam có nền kinh tế phát triển năng động ở khu vực Đông Nam Á, cũng đang trong quá trình đẩy mạnh đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp truyền thống, có nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công thấp, thị trường lớn đầy tiềm năng, có vị thế địa lý là cửa ngõ cho hàng hóa xâm nhập vào thị trường khu vực Đông Nam Á.
Trên cơ sở những lợi thế kinh tế kể trên của mỗi nước, tiềm năng và dư địa hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ba Lan còn rất lớn; hợp tác và trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa hai nước mang tính bổ trợ tốt cho nhau. Theo đó, lĩnh vực có nhiều cơ hội nhất cần phát huy là hợp tác về nông nghiệp, Ba Lan có thể chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và bảo quản thực phẩm sạch cho Việt Nam, với nền nông nghiệp nhiệt đới và ôn đới Việt Nam và Ba Lan có thể trao đổi hàng nông sản, thực phẩm; về dịch vụ hậu cần, làm cửa ngõ cho hàng hóa xuất khẩu của nhau xâm nhập các thị trường Châu Âu và Đông Nam Á; về giáo dục đào tạo trong những lĩnh vực mà Ba Lan có truyền thống như đóng tàu, khai thác mỏ, âm nhạc nghệ thuật và trong lĩnh vực đang phát triển mạnh như công nghệ thông tin,...
Với những tiềm năng ấy và với quyết tâm của cả hai bên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Ba Lan trong thời gian tới.
Trung tâm CSM: Xin Đại sứ cho biết Việt Nam mong đợi gì về kết quả của chuyến thăm lần này?
Với ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm Việt Nam nêu trên cũng như với tiềm năng hợp tác to lớn mở ra cho hai nước chúng ta, Việt Nam mong đợi chuyến thăm của Ngài Tổng thống Andrzej Duda sẽ mở ra giai đoạn mới, tạo sự chuyển biến trong hợp tác giữa hai nước ngày thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Chúng tôi hy vọng sau chuyến thăm này, Việt Nam và Ba Lan sẽ tăng cường đối thoại cấp cao và trao đổi đoàn các cấp nhằm củng cố sự tin cậy vào hiểu biết lẫn nhau, thường xuyên tham vấn, rà soát tình hình hợp tác song phương, nâng cao hiệu quả hợp tác nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Chúng tôi cũng mong muốn Ba Lan tiếp tục coi trọng thị trường Việt Nam, là một trong những ưu tiên phát triển trong khu vực Đông Nam Á, tận dụng tối đa cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực Ba Lan có thế mạnh nổi bật và Việt Nam có nhu cầu. Trên tinh thần đó, tôi xin chúc cho chuyến thăm Việt Nam sắp tới đây của Ngài Tổng thống Andrzej Duda thành công tốt đẹp.
Trung tâm CSM: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của CSM.
Warszawa 26-11-2017
Tin từ ĐSQ VN tại Ba Lan.
Bình luận