2020-09-06 12:22:29

Chuyện thời covid (T.6)


  1. Corticosteroid cứu sống những người nhiễm bệnh nặng COVID-19

Sau khi phân tích và tổng hợp 55 công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã thông báo trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ việc điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng thuốc corticosteroid đã có kết quả tốt, tác dụng giảm nguy cơ tử vong xuống 20%.

Steroid là chất có khả năng ngăn chặn phản ứng viêm và ức chế hệ thống miễn dịch - đó là lý do tại sao chúng đã được sử dụng từ lâu trong việc điều trị các bệnh như viêm khớp, hen suyễn và một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Trong trường hợp COVID-19, bệnh do coronavirus SARS-CoV-2 gây ra, steroid dường như không hữu ích trong giai đoạn đầu khi bệnh nhân bị ho, sốt hoặc đột ngột mất khứu giác và vị giác. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân COVID-19 ở giai đoạn nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và các cơ quan bị tổn thương thì đây là lúc steroid có khả năng ngăn chặn. Chúng là những loại thuốc rẻ tiền và có thể dùng cả tiêm tĩnh mạch và uống dưới dạng viên nén.

Được sự ủy quyền của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học đã tiến hành phân tích tổng hợp tiềm năng của bảy trong số các thử nghiệm ngẫu nhiên đáng tin cậy nhất được thực hiện ở 12 quốc gia (Úc, Brazil, Trung Quốc, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ireland, Canada, New Zealand, Mỹ và Anh) trên các bệnh nhân nhập viện từ ngày 26/2 đến ngày 9/6 năm nay. Trong số 1.703 bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng, 647 người trong số họ đã chết. Độ tuổi trung bình là 60, phụ nữ chiếm 29%.

Sau khi phân tích, người ta thấy rằng steroid đã cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân COVID-19. Theo nghiên cứu, cứ 100 bệnh nhân được điều trị, steroid có thể cứu được 8 người. Dexamethasone đã được chứng minh là có hiệu quả như hydrocortisone.

Các hướng dẫn cập nhật của WHO nói rằng corticosteroid nên được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng chứ không phải trong các trường hợp bệnh nhẹ hoặc mới phát - "việc điều trị trong các trường hợp bệnh nhẹ không mang lại lợi ích gì và thậm chí có thể gây hại."

  1. WHO không mong đợi việc tiêm chủng sẽ phổ cập vào giữa năm tới

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, vaccine ngừa coronavirus SARS-CoV-2 sẽ không thể xuất hiện sớm. Margaret Harris, phát ngôn viên của WHO, cho biết: “Chúng tôi không mong đợi việc tiêm chủng sẽ phổ cập cho đến giữa năm tới”. Bà nói thêm: “Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 phải kéo dài hơn vì chúng ta cần xem mức độ an toàn của vaccine như thế nào. Cho đến nay chưa có vaccine tiềm năng nào ở giai đoạn nghiên cứu cho thấy hiệu quả rõ ràng ít nhất là 50%.

Bà Harris lưu ý rằng tất cả dữ liệu nghiên cứu vaccine nên được chia sẻ và so sánh. - “Nhiều người đã được tiêm phòng, nhưng chúng tôi không biết liệu vắc xin có tác dụng hay không”.

WHO và GAVI (một tổ chức chuyên lo việc cung cấp vaccine ở các nước nghèo nhất thế giới) đang cùng điều hành một kế hoạch phân bổ vaccine toàn cầu được gọi là COVAX. Mục tiêu là mua và phân phối vaccine một cách công bằng và bình đẳng. Theo các tổ chức này, ngay từ đầu, người được tiêm chủng phải là đối tượng dễ bị nhiễm COVID-19 nhất, tức là các nhân viên y tế.

  1. Người từng đứng trên tuyến đầu cuộc chiến chống coronavirus tự chiến đấu và chiến thắng.

Bác sĩ Józef Zawrotny, trưởng khoa truyền nhiễm của bệnh viện ở Grajewo (Podlaskie) đã sống trong tình trạng nguy kịch sau khi bị nhiễm coronavirus. Ông bị hôn mê hai tuần và phải trợ giúp bởi máy tim phổi nhân tạo (ECMO - thiết bị cung cấp oxy cho máu ngoài cơ thể). Sau đó ông đã được đưa từ Białystok tới bệnh viện của Bộ Nội vụ và Hành chính ở Warsaw bằng trực thăng.

Đến nay tình trạng của bác sĩ đã cải thiện nhiều nên được về nhà. Trước đó, ông đã nhận được xét nghiệm coronavirus âm tính lần thứ hai. Chính bác sĩ trước đây đã điều trị cho những người bệnh đã chiến thắng trong cuộc chiến giành lấy sự sống của mình.

  1. "Họ từ chối che mũi và miệng trong các cửa hàng."

Vào ngày thứ 5 (03/09/2020) Hội đồng Trung tâm Mua sắm Ba Lan ra tuyên bố khẩn cấp kêu gọi các cơ quan chức năng cần làm rõ các điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của những người đến mua sắm tại các trung tâm thương mại và dịch vụ trong thời gian có dịch bệnh và xác định những sai trái đối với những người không tuân thủ. Tuyên bố có đưa ra những vấn đề như sau:

- Chúng tôi thấy lo ngại về việc ngày càng có nhiều khách hàng từ chối bịt mũi và bịt miệng ở những nơi buôn bán. Do các quy định không chính xác, chúng tôi đã bị đặt vào tình thế rất khó khăn.

- Chủ sở hữu, người quản lý và người thuê trung tâm buôn bán không có bất kỳ công cụ hữu hiệu nào để thực thi các nghĩa vụ nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của khách hàng và nhân viên. Cần phải có những quy định rõ ràng, phù hợp để chỉ cho phép những người không để người khác tiếp xúc với lây nhiễm được sử dụng các dịch vụ thương mại.

Mặc dù bộ Y tế nói rằng "những vấn đề này đã được quy định trong quy chế của Hội đồng Bộ trưởng ngày 7 tháng 8 năm 2020". Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc thực thi nghĩa vụ đã đưa ra là quá khó khăn, thậm chí đôi khi không thực tế do người bán hàng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm cả trách nhiệm hình sự khi từ chối phục vụ những khách hàng không tuân thủ các quy định

Hội đồng Trung tâm mua bán cũng cho rằng "cần phải bảo vệ người bán và nhà cung cấp dịch vụ trong những tình huống như vậy, chứ không phải đe dọa phạt tiền, như trường hợp phán quyết của tòa án Suwałki".

Tòa án quận ở Suwałki gần đây đã phạt một nhân viên bán hàng của một trong những cửa hàng với mức phạt 100 PLN khi nhân viên này từ chối phục vụ khách hàng không đeo khẩu trang.

Xuân Nguyên (Sưu tầm)

Sửa lần cuối 0000-00-00 00:00:00

Bình luận

Bình luận qua Facebook