2020-10-26 22:27:36

Chuyện thời COVID (T.16): Ba Lan đang đứng trước sự hỗn loạn hệ thống

Tòa án Hiến pháp với tất cả các thẩm phán

Vào thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, khi số ca lây nhiễm và số người tử vong do COVID-19 tăng nhanh chóng mỗi ngày thì hàng nghìn người Ba Lan đổ ra đường. Họ đi bên nhau, khoác tay nhau, vai kề vai và hô vang các khẩu hiệu phản đối đảng cầm quyền, phản đối Tòa án Hiến pháp và thậm chí phỉ báng nhà thờ. Những hành động này đã bất chấp những quy định hạn chế thời dịch bệnh của chính phủ. Theo đánh giá của giáo sư Jerzy Duszyński, chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan: "Chúng ta đang đứng trước sự hỗn loạn hệ thống".

Sự việc bắt đầu từ ngày thứ 5 (22/10/2020) sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về một điều khoản liên quan đến tính hợp pháp của việc phá thai vốn đã được xác định theo Đạo luật Kế hoạch hóa gia đình, Bảo vệ thai nhi và Điều kiện cho phép chấm dứt mang thai có hiệu lực từ ngày 7 tháng 1 năm 1993. Với phán quyết mới này, nếu phá thai trong trường hợp thai nhi bị tổn thương nặng hoặc mắc bệnh nan y, nguy hiểm đến tính mạng là không hợp pháp. Theo một số nhà bình luận, Ban lãnh đạo đảng PiS đã "bật đèn xanh" cho quyết định này của Tòa án Hiến pháp.

Chỉ vài giờ sau phán quyết của Tòa Hiến pháp, những người phản đối đã xuống đường biểu tình ở Vác-sa-va. Các cuộc biểu tình diễn ra trước tòa nhà của Tòa án Hiến pháp, trước trụ sở của đảng PiS ở phố Nowogrodzka và gần nhà riêng của chủ tịch Jarosław Kaczyński. Cảnh sát  đã sử dụng cả hơi cay để giải tán các đám đông.

Vào ngày thứ 6 (23/10/2020), chính phủ Ba Lan công bố những hạn chế mới trước sự lây lan coronavirus ngày càng tăng và đặt Ba Lan vào mức báo động đỏ. Tuy nhiên, do tuyệt vọng, mặc dù phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh nghiêm trọng, hàng nghìn người trên khắp Ba Lan vẫn xuống đường trong các ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật và còn có thể tiếp tục trong tuần tới nữa. Biểu tình không chỉ tại nhiều thành phố lớn mà cả những thành phố nhỏ: Warszawa, Gdańsk, Gdynia, Sopot, Poznań,Toruń, Łódź Kraków, Kołobrzeg, Olsztyn, Białystok, Szczecin, Rzeszów, Gorzów Wielkopolski, Lublin…

Biểu tình tại Vác-sa-va

Biểu tình tại Poznan 

Những người biểu tình đặt nến, hoa và những tấm biển có khẩu hiệu trước văn phòng của các nghị sĩ PiS và nhà thờ. Họ hô vang các khẩu hiệu: "Đây là một cuộc chiến tranh", "Bệnh học", cũng có những tiếng la hét thô tục. Họ mang những biểu ngữ với dòng chữ "Giáo hội Công giáo có tội, nói KHÔNG vớiThánh", “Người Công giáo cũng cần phá thai”, "Lương tâm của tôi không phải là lo lắng của các người", "Các người có máu phụ nữ trên tay ", "Địa ngục của phụ nữ", "Tôi không phải là cái lồng ấp. Tôi không phải là một hệ tư tưởng, tôi là một con người”. 

Nhiều chính trị gia nói rằng Tòa án Hiến pháp đã thông qua một bản án bỉ ổi đối với phụ nữ Ba Lan, đó là một sự ô nhục. Người ta đặt câu hỏi làm thế nào để đất nước này có thể cung cấp tốt các dịch vụ chăm sóc cho tất cả trẻ em được sinh ra với các khuyết tật nặng. Bác sĩ Bartosz Fiałek, chuyên gia y tế nói: Chúng ta là ai mà nói phụ nữ phải làm gì? Không là ai cả. Và chúng ta không nên làm điều đó. Một người trong đoàn biểu tình nói rằng: Mỗi người phụ nữ có quyền quyết định mình có muốn sinh con hay không. Và bây giờ chúng tôi đang đấu tranh để không sinh ra những đứa trẻ không có cơ hội sống sót. Sinh ra một đứa trẻ dị tật hoặc bênh tật suốt đời, người phụ nữ chỉ có thể bị trầm cảm và đau khổ. Những cuộc biểu tình này đang biến thành một cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại chính quyền áp bức và độc tài.

Để hiểu được tại sao vào đúng thời điểm này Tòa án Hiến pháp lại đưa ra một phán quyết gây rối loạn như vậy và tại sao phán quyết lại liên quan đến đảng PiS và người đứng đầu của nó, chúng ta hãy quay lại thời điểm một vài năm trước với những tuyên bố trước bầu cử quốc hội của các chính trị gia đảng PiS và chương trình của họ năm 2014. Chương trình này đã ủng hộ việc bảo vệ thai nhi và chống phá thai trên cơ sở cái gọi là thuyết ưu sinh. Và kết quả là đảng PiS đã lấy được phiếu bầu của hầu hết các cử tri cánh hữu, những người tin theo nhà thờ Ki tô giáo. Chủ tịch Jarosław Kaczyński là một trong những người kiên quyết với quan điểm cấm phá thai kể cả trong trường hợp thai nhi bị dị tật hay có thể bị hội chứng Down.

Từ tháng 10 năm 2016 đã có các cuộc biểu tình phản đối mang tên “Biểu tình đen” được tổ chức trên khắp Ba Lan, khi dự thảo luật cấm phá thai được đưa vào nghị trình của Quốc hội. Từ đó đến nay do nhiều vấn đề vướng mắc, Tòa án Hiến pháp chưa thể đưa ra được phán quyết.

Ngày 22/10/2020, Tòa án hiến pháp Ba Lan đã ra phán quyết với đầy đủ các thành viên của mình và chỉ có 2 thẩm phán không đồng ý. Trong lịch sử hình thành, Tòa án Hiến pháp đã được coi như một thắng lợi của Công đoàn “Đoàn kết” trong cuộc đấu tranh đòi tự dọ dân chủ với chủ trương thành lập một Tòa án tối cao và độc lập để kiểm tra việc thực thi Hiến pháp của ngành tư pháp. Chủ trương này có trong nghị quyết của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất của công đoàn “Đoàn kết (NSZZ "Solidarność") ngày 7 tháng 10 năm 1981.

Những ý kiến liên quan:

Nhà báo Andrzej Gajcy: Sau 5 năm kể từ khi nắm quyền, đảng Luật pháp và Công lý đã đạt được mục đích là đưa được các thẩm phán mới của mình vào Tòa án Hiến pháp. Với phán quyết vừa qua của tòa, đảng Luật pháp và Công lý đã thực hiện lời hứa trong cuộc bầu cử năm 2015, đưa ra quyết định có ý thức để rẽ phải một cách nhạy bén, với tất cả các hậu quả.

Nghị sĩ đảng PiS Anna Milczanowska: Phán quyết của Tòa án Hiến pháp được ban hành theo quy định của pháp luật, không có sai sót ở đây. Phán quyết này "hoàn toàn không mang tính chính trị". Đây là phán quyết thể hiện nền văn minh của sự sống đã chiến thắng. Cuộc chiến ý thức hệ và văn hóa đã diễn ra ở nước ta nhiều năm và ngày càng khốc liệt hơn.

Đức Tổng giám mục Stanisław Gądecki: Lập trường của Giáo hội Công giáo về quyền được sống vẫn không thay đổi. Về phần mình, Giáo hội không thể ngừng bảo vệ sự sống, hoặc từ bỏ tuyên bố rằng mọi con người phải được bảo vệ từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.

Tờ "The Observer" của Anh trong một bài xã luận đã viết: "Phán quyết là một cuộc tấn công trực tiếp vào quyền phụ nữ và sự khiếm nhã về đạo đức. Nó cũng là sai sót về mặt pháp lý theo nghĩa là PiS đã lấp đầy tòa án với những người trung thành đã đạt được kết quả như mong muốn. Thật không may, điều này không có gì lạ ở Ba Lan, nơi chính phủ đang vướng vào một cuộc tranh cãi kéo dài với Ủy ban châu Âu vì các cuộc tấn công liên tục vào độc lập tư pháp, truyền thông tự do và quyền của người đồng tính.

Hãng tin PA: Cảnh tượng "những phụ nữ trẻ giận dữ bước vào nhà thờ" báo hiệu "một sự thay đổi lịch sử đáng kể ở Ba Lan, trong đó Giáo hội Công giáo La Mã được tôn là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhiều thế kỷ và nơi mà những sự kiện như vậy sẽ không thể tưởng tượng được cho đến gần đây." "Giáo hội Công giáo đã được tôn trọng vì đã ủng hộ những người bất đồng chính kiến ​​ủng hộ dân chủ trong cuộc chiến giành tự do của họ và cố Giáo hoàng Ba Lan, Thánh John Paul II được công nhận là anh hùng dân tộc". "Nhưng ngày nay quyền lực của Giáo hội đang bị nghi ngờ vì đã ủng hộ chính phủ cánh hữu và phải đối phó với một loạt vụ bê bối về những lạm dụng của giáo sĩ".

Xuân Nguyên

Nguồn:

https://tvn24.pl/polska/prezes-polskiej-akademii-nauk-jerzy-duszynski-wyprowadzenie-tysiecy-osob-na-ulice-musi-skutkowac-rozszerzeniem-sie-rozmiaru-epidemii-4731186span lang="EN-US">

https://wiadomosci.onet.pl/opinie/andrzej-gajcy-wyrok-tk-ws-aborcji-pis-skreca-w-prawo-analiza/kl3bsgmspan lang="EN-US">

https://tvn24.pl/polska/orzeczenie-trybunalu-konstytucyjnego-w-sprawie-aborcji-bartosz-fialek-komentuje-4730420span lang="EN-US">

https://tvn24.pl/pomorze/protesty-przeciwko-decyzji-trybunalu-konstytucyjnego-trojmiasto-lodz-poznan-trojmiasto-krakow-kolobrzeg-olsztyn-4731209span lang="EN-US">

https://tvn24.pl/polska/protesty-po-orzeczeniu-tk-ws-aborcji-karolina-maliszewska-komentuje-4731667

Sửa lần cuối 2020-10-27 10:04:36

Bình luận

Bình luận qua Facebook