2021-02-01 19:54:52

Ý kiến nữ chuyên gia về việc tăng thuế. "Đơn giản là chính phủ không có tiền. Chúng ta không có sự chuẩn bị cho các thời điểm khó khăn"

Robert Kędzierski, 31/01/2021

Mateusz Morawiecki

- Xã hội Ba Lan kém hiểu biết về việc quốc gia hoạt động ra sao. Một số người cứ nghĩ là chính phủ có tiền ở đâu đó, nhưng chính phủ chỉ có cái mà nhân dân chúng ta làm ra mà thôi. Nếu họ có cho gì thì họ phải lấy của chúng ta cái đó – tiến sỹ Małgorzata Bonikowska, giám đốc trung tâm nghiên cứu Thinktank và Trung tâm Quan hệ quốc tế (Centrum Stosunków Międzynarodowych) nói trong một cuộc phỏng vấn với Next.gazeta.pl.

 Ông Mateusz Morawiecki khẳng định là ông ta hạ thuế. Nhưng lần lượt các thuế mới lại xuất hiện – như các khoản thu của nhũng nhà sản xuất đồ uống có đường hay lệ phí công suất – chúng ở mức độ nhiều hay ít đều đụng đến túi tiền của Kowalski (tên phổ biến của một thường dân Ba Lan- người dịch). Vậy thuế mới này để làm gì?

Tiến sỹ Małgorzata Bonikowska. Ý định duy trì thuế mới có thể đơn giản do chính phủ đang không có tiền. Chúng ta không có sự chuẩn bị cho các thời điểm khó khăn, chúng ta không để dành lúc tình hình tốt. Rồi chúng ta đưa ra rất nhiều thứ cố định phải chi mà bây giờ rất khó rút lui được.

 Việc thỏa mãn các nhu cầu của quốc gia không thể như theo kiểu viết thư cho ông già Nô-en để xin được. Vì tiền phải chi và nhu cầu về nguyên tắc không bao giờ kết thúc cả. Và chúng ta phải nhìn vào ngân sách của nhà nước giống như ngân sách của một gia đình thôi. Đúng, đôi khi ta có thể vay và đúng là đôi lúc ta có thể chi nhiều hơn. Thế nhưng nó không có nghĩa là ta có thể chi thoải mái được. Nhất là vì chính phủ có tiền của mình đâu, họ chỉ chi tiền của chúng ta mà thôi – đúng như lời bà thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã nói.

Một mặt là các khoản thuế mới, mặt khác là các đầu tư. Liệu chính phủ có mở quá nhiều mặt trận hay không?

 Ở Ba Lan chúng ta có một vấn đề lớn về hệ quả các hoạt động của chính phủ. Mỗi một chính phủ lên là một chiến lược khác, và như vậy không thực hiện được các kế hoạch dài hạn. Chính phủ hiện nay muốn quá nhiều các thứ cùng một lúc – nào tái Ba Lan hóa, vậy ta mua lại ngân hàng, muốn có cơ sở hạ tầng với phạm vi thế giới vậy ta xây một siêu sân bay, ta muốn cải cách ngành năng lượng vậy ta lập kế hoạch xây nhà máy điện nguyên tử mà chưa có công nghệ. Ta đào kênh Mierzeja Wiślana, chúng ta nghĩ về xây dựng ngành công nghiệp ô tô dựa trên ô tô chạy điện. Đó là các khoản chi lớn, trong dó một phần các ý định ấy là không hợp lý. Chúng ta chi hàng tỷ đồng cho các hợp đồng quân sự, nhưng đồng thời tình hình sẵn sàng chiến đấu của quân đội không cải thiện được gì, bởi vì việc mua phương tiện hiện đại không thôi là quá nhỏ, chúng ta cần cả hệ thống kia.

Vậy người Ba Lan không thích việc được chia tiền sao?

 Xã hội Ba Lan kém hiểu biết về việc quốc gia hoạt động ra sao. Một số người cứ nghĩ là chính phủ có tiền ở đâu đó, nhưng chính phủ chỉ có cái mà nhân dân chúng ta làm ra mà thôi. Nếu họ có cho gì thì họ phải lấy của chúng ta cái đó. Phần lớn người Ba Lan không nối hai điều trên lại với nhau. Họ không hiểu rằng việc các chính trị gia vung tiền hết sang bên phải rồi bên trái có nghĩa là họ làm tăng thâm hụt ngân sách  mà sau người khác sẽ phải hứng chịu. Đó là các chính phủ kế tiếp, mà trước hết là cả xã hội, nhất là những người trẻ.

Thế còn tiền của Liên minh Châu Âu thì sao? Một mặt chúng ta vơ hàng nắm tiền tài trợ của Liên minh, còn một mặt ta vứt bỏ các quy tắc của cộng đồng. Thủ tướng Morawiecki lại còn khẳng định là chúng ta không cần vài trăm tỷ złoty từ quỹ tái thiết. Bởi vì chúng ta có thể tự phát hành công trái.

 Việc nói về điều Ba Lan không cần tiền của Liên minh là kiểu nói mị dân. Chúng ta cần số tiền ấy như tất cả các nước khác của Liên minh cần nó. Đây là khoản tiền của tất cả 27 nước thành viên, của mọi công dân của Liên minh, trong đó có cả của chúng ta. Tuy nhiên nếu chỉ đơn độc một mình chúng ta không thể chia phần tiền to như vậy cho người Ba Lan. Vì ta vẫn nhận từ quỹ chung của Liên minh nhiều hơn số tiền chúng ta đóng góp vào đó.

Thế còn xét chung lại thì việc chúng ta tham gia vào Liên minh ra sao?

 Khi hỏi về Ba Lan được gì khi trở thành thành viên của Liên minh ta không thể nói một cách đơn giản được. Trong vòng 30 năm, chúng ta đã đi qua chặng đường phát triển kinh tế từ mức của Ucrain lên mức của Tây Ban Nha. Đó thật sự là một thành công vô cùng lớn và là minh chứng của việc hiện thực hóa một chính sách gắn kết thông minh đã có tác động ra sao. Chúng ta về kinh tế đã đuổi kịp Hy Lạp và Tây Ban Nha, các nước vào trước chúng ta hai chục năm. Thế nhưng chúng ta hãy còn cách Pháp, Đức hay Ý còn xa.

Các hàng xóm của chúng ta đã đi đường khác

 Đúng vậy. Ta chỉ cần nhìn Ucrain để thấy rằng về kinh tế họ chẳng cách xa 30 năm trước được bao nhiêu cả. Tại sao lại thể? Bởi vì khó khăn hơn nhiều khi ta đơn độc. Không có Liên minh Châu Âu, các sự thay đổi sẽ chậm hơn đáng kể. Và vấn đề không chỉ là tiền. Điều quan trọng nhất là có luật chung, là một phần của một thị trường chung và được hưởng tất cả bốn điều tự do trong Liên minh. Ba Lan được nối vào mạch máu của Liên minh, và đồng thời, chúng ta được chuyển giao nhiều know-how, cả trong lĩnh vực kinh doanh lẫn hành chính. Chúng ta nhận được đòn bẩy tăng trưởng, trong khi Ucrain không có. Tất cả những thứ đó cho phép Ba Lan đạt được mức tăng trưởng 4-5% hàng năm trong vòng hai thập kỷ. Nhờ vậy, chúng ta đã tăng sức mua (GDP trên đầu người) ở mức 6 nghìn đô la vào năm 1990 (còn ít hơn ở Ucrain khi ấy) lên mức gần 32 nghìn đô la.Vậy chúng ta đã giàu lên gấp năm lần! Chúng ta đã giầu lên nhờ làm việc vất vả và việc tạo ra các hãng của mình, chúng tăng trưởng nhờ thị trường nội địa rồi sau đó nhờ có thị trường châu Âu. Hiện nay một phần còn vươn ra ngoài châu lục nữa. Và đồng thời, trong vài lĩnh vực chúng ta đã thành những người dẫn đầu châu Âu- ví dụ như trong ngành phụ tùng ô tô. Có điều đó đầu tiên từ ở chính mình, nhưng cũng do một chính sách gắn kết, trước sau như một trong nhiều năm.

Một vài chính trị gia "không loại trừ việc polexit". Nước Anh đã rời khỏi Liên minh thành công và "vẫn sống". Liệu Ba Lan cũng sẽ như vậy được chăng?

 Gợi ý là Ba Lan nên theo gương Anh trên phương diện xa dần Bruxelles và "giành lại quyền kiểm soát quốc gia của mình" là một điều khó mà hiểu được. Nước Ba Lan ở trong Liên minh mạnh hơn đáng kể cả về kinh tế lẫn chính trị. Hậu quả của brexit chúng ta sẽ biết sau vài năm nữa, nhưng ngay cả nếu như người Anh sẽ tốt hơn khi ra khỏi Liên minh đi nữa thì chúng ta không thể so sánh với họ được. Vương quốc Anh xưa là đế quốc, có các thuộc địa và đã thống trị trên mọi địa lục. Cho đến giờ, nữ hoàng Anh vẫn là nguyên thủ của hàng chục quốc gia, và có 54 nước đang nằm trong Liên hiệp Anh, trong đó có đảo Síp và Malta, cũng như các nước lớn như Ấn Độ, Canada hay Úc.

Chúng ta sẽ không là cường quốc được sao?

 Ba Lan là nước lớn trung bình ở châu Âu, nền kinh tế đứng trong số 25 nước đầu tiên, nhưng về chính trị thì chúng ta luôn ở giữa phương Tây và Nga. Chúng ta không có tiềm lực để trở thành người chơi độc lập toàn cầu nếu không có châu Âu, ngược lại, thế mạnh của chúng ta như một nước lớn nhất ở Trung-Đông Âu cho phép chúng ta trong khuôn khổ của Liên minh Châu Âu củng cố vị trí dẫn đầu trong khu vực. Và chúng ta có ảnh hưởng đến các quốc gia mạnh nhất đại lục là Đức (nền kinh tế thứ 4 của thế giới) và Pháp (nền kinh tế thứ 7 của thế giới, một cường quốc hạt nhân và thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc). Ngay cả những người chơi quan trọng như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ (nhân thể phải nói chúng ta trước đã phải chiến đấu với cả hai đế quốc lớn này) thì giờ cũng phải tính đến chúng ta. Nếu chúng ta ở ngoài Liên minh thì ảnh hưởng của chúng ta lên các công việc của phương Tây hay thế giới chả thể so sánh được với Vương quốc Anh, mà chỉ ở tầm cỡ như Ucrain mà thôi – mà nhân thể nói thêm thì nước này còn lớn hơn ta cả về diện tích cũng như dân số.

 Nguyễn Hữu Viêm

Nguồn: https://www.msn.com/pl-pl/finanse/gospodarka/ekspertka-o-podwyżkach-podatków-rząd-po-prostu-nie-ma-pieniędzy-nie-przygotowaliśmy-się-na-ciężkie-czasy/ar-BB1dfMxl

Sửa lần cuối 2021-02-01 18:54:52

Bình luận

Bình luận qua Facebook