2022-08-01 15:20:32

Cuộc nổi dậy Warszawa - cuộc chiến cho một nước Ba Lan tự do

Trong thời gian 2 tháng, từ tháng 6 đến cuối tháng 7 năm 1944, các lực lượng của Hồng quân Liên Xô đã tiến được 600km về phía tây, đánh bại Tập đoàn quân Trung tâm của Đức và giải phóng lãnh thổ Belorus, miền tây Ba Lan và một số khu vực của vùng Baltic.

Trước tình hình đó, Quân đội Quốc gia Ba Lan (Polska Armia Krajowa), đã tổ chức cuộc nổi dậy tại Warszawa nhằm giải phóng thủ đô khỏi sự sự chiếm đóng của Đức, trước khi Hồng quân tiến vào. Cuộc nổi dậy cũng khảng định sự ủng hộ đối với nhà nước Cộng hòa Ba Lan độc lập, đang có nguy cơ bị tiếm quyền bởi Ủy ban Giải phóng Quốc gia Ba Lan (đã được thành lập ở Lublin theo ý muốn của Stalin).

Theo lệnh của Tư lệnh Quân đội Quốc gia, Tướng Tadeusz Komorowski "Bora", cuộc nổi dậy Warszawa bắt đầu vào ngày 1 tháng 8 năm 1944, lúc 5 giờ chiều, còn được gọi là giờ "W". Cuộc nổi dậy, được lên kế hoạch trong vài ngày, nhưng nó đã kéo dài đến ngày 3 tháng 10, sau 63 ngày chiến đấu.

Vào ngày bùng nổ Cuộc nổi dậy, số binh linh Quân đội Quốc gia ở Warszawa có khoảng hơn 40.000 người, nếu cộng thêm binh lính của lực lượng an ninh thì tổng số có khoảng 58.000 người. Ngoài ra, các đơn vị Quân đội Quốc gia từ bên ngoài Warszawa cũng đã đến hỗ trợ thành phố đang chiến đấu. Ví dụ, vào đêm ngày 15 tháng 8 năm 1944 và ngày 19 tháng 8, các du kích Ba Lan đã từ Puszcza Kampinoska đến Żoliborz. Vào đêm 18-19 tháng 8 năm 1944, các đơn vị quân đội đã  từ Rừng Kabacki và Rừng Chojnowski tiến về Wilanów và Sadyba.

Tham gia cuộc nổi dậy là những người trẻ tuổi (65% quân nổi dậy dưới 25 tuổi). Chỉ 40% nghĩa quân đã trải qua quá trình huấn luyện chiến đấu toàn diện. Ngoài nam giới, phụ nữ cũng tham gia vào cuộc nổi dậy (chiếm 14%). Họ không chỉ làm bác sĩ, hộ lý, y tá và liên lạc viên, mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Rất nhiều người dân thành phố cũng đã tích cực hỗ trợ nghĩa quân, họ cung cấp lương thực, tổ chức cơ sở vật chất cho bộ đội, tham gia chăm sóc những người bị thương, xây dựng các chướng ngại vật và di dời các đống đổ nát ra khỏi thành phố.

Cuộc nổi dậy Warsaw “là một sự bộc phát từ trái tim, không có sự ép buộc. Những người tham gia cuộc nổi dậy đại diện cho đầy đủ các bộ phận của xã hội Ba Lan”. Chung tay trong cuộc chiến là những công nhân và trí thức, những người ủng hộ các lựa chọn chính trị, những người thuộc các lứa tuổi, nguồn gốc và tín ngưỡng khác nhau. Người trẻ nhất tham gia trận chiến, Jerzy Szulc, biệt danh là “Con Hổ” chỉ mới 10 tuổi. Cuộc nổi dậy cũng được hưởng ứng bởi các thành viên của các đội vũ trang độc lập khác, bao gồm. Quân đội Nhân dân Ba Lan, Lực lượng Vũ trang Quốc gia và một số ít còn lại sau cuộc nổi dậy Warszawa Ghetto của Tổ chức Chiến đấu Do Thái.

Các binh sĩ Quân đội Quốc gia không có quân phục, họ chiến đấu trong trang phục dân thường hoặc trong quân phục của quân Đức bị bắt. Bề ngoài, họ chỉ khác kẻ thù của mình ở băng đeo (màu trắng-đỏ) và gắn đại bàng trên mũ hoặc trên cổ áo. Cuộc chiến đấu của những người nổi dậy bị cản trở do thiếu thốn nhiều thứ, chủ yếu là vũ khí và đạn dược. Vào ngày 1 tháng 8 năm 1944, binh lính chỉ có 2.500 súng lục, 1.475 súng trường, 420 súng máy, 94 súng máy thủ công và 20 súng máy hạng nặng. Ngoài ra là các loại vũ khí do Quân đội Quốc gia tự sản xuất như súng phun lửa, chai xăng, súng lục "tia chớp", lựu đạn ("sidolówki" và "filipinki"). Và tất cả đều với một số lượng cho phép chỉ vài nghìn người được trang bị. Ngoài ra là vũ khí và đạn dược thu được từ kẻ thù hoặc nhờ các cuộc thả dù của Đồng minh. Do vậy, quân nổi dậy đã không thể phòng thủ khi đối mặt với cuộc ném bom của Không quân Đức và pháo binh Wehrmacht. Kết quả là 16 đến 18 nghìn binh lính quân đội đã hy sinh và từ 150.000 đến 180 nghìn thường dân bị chết. Sau khi đầu hàng, Warszawa bị quân Đức phá hủy hoàn toàn.

Tuy cuộc nổi dậy kết thúc thất bại về mặt quân sự, nhưng về mặt chính trị, nó đã có ý nghĩa lớn lao. Qua đây, người Ba Lan đã thể hiện lòng dũng cảm, không khuất phục trước quân thù để giành lại và duy trì nền độc lập của mình.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://ipn.gov.pl/pl/aktualnosci/41192,Powstanie-Warszawskie-boj-o-wolna-Polske.html)

Sửa lần cuối 2022-08-01 13:28:04

Bình luận

Bình luận qua Facebook