2019-05-15 07:19:24

Kiềm chế Trung Quốc có dễ?

Lịch sử của những nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc thời hiện đại đều không có kết cục vui vẻ. Liên Xô đã thử kiềm chế Trung Quốc vào năm 1960 khi Mao Trạch Đông tuyên bố không lo ngại về chiến tranh hạt nhân, cho rằng một cuộc xung đột như vậy sẽ giết chết nhiều kẻ đế quốc hơn là những người theo chủ nghĩa xã hội, khiến thế giới bị hủy hoại trừ những người cộng sản. Quan điểm này khiến Nikita Khrushchev lo ngại. Các cố vấn kỹ thuật của Liên Xô, bao gồm các chuyên gia vũ khí hạt nhân, những người đã tiêu hủy tất cả các tài liệu mà họ không thể mang theo, đã bị rút khỏi Trung Quốc. Các kỹ thuật viên Trung Quốc đã tập hợp lại các mảnh vụn, thu hồi manh mối giúp Trung Quốc thử thành công một quả bom nguyên tử bốn năm sau đó.

Bài học là rõ ràng. Hủy bỏ trợ giúp cho một Trung Quốc đang gây đe dọa có thể là hợp lý, nhưng một Trung Quốc cuối cùng cũng thành công, rồi sau đó cảm thấy không còn phụ thuộc vào bên ngoài, không nhất thiết sẽ trở nên an toàn hơn.

Nhưng đó không phải là một bài học có nhiều âm hưởng ở Mỹ ngày nay. Bất cứ điều gì xảy ra đi nữa trong cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump, Mỹ cũng sẽ ngày càng cứng rắn chống lại Trung Quốc. Các động thái đang được thực hiện nhằm ngăn việc xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm, áp đặt hàng rào thuế quan và các quy tắc sàng lọc đầu tư nước ngoài khắt khe hơn. Các quan chức Mỹ cũng đang dựa vào các đồng minh ở châu Âu và các nơi khác, với các mức độ thành công khác nhau, để xa lánh các công ty Trung Quốc như Huawei, một gã khổng lồ viễn thông. Giữa những cáo buộc tràn lan về việc Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp tại các khu học xá, Mỹ cũng đang thắt chặt các quy định về thị thực dành cho sinh viên khoa học và công nghệ đến từ Trung Quốc.

Tại Quốc hội và Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo có vẻ không bị lay chuyển bởi những mặt trái của việc từ chối hỗ trợ Trung Quốc khi nước này trỗi dậy. Nếu kết quả nếu là một Trung Quốc độc lập hơn so với phương Tây thì họ sẽ chỉ nhún vai. “Tôi nghĩ rằng, đó là cách mọi việc sẽ kết thúc. Về bản chất, đó là cách mà Trung Quốc dự định cuối cùng sẽ đạt được”, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đại diện bang Florida gần đây nói với chúng tôi. Đảng Cộng hòa đã đồng tài trợ cho các dự luật lưỡng đảng nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ Mỹ và các thị trường như thị trường viễn thông vốn liên quan đến an ninh quốc gia.

Chủ tịch Tập Cận Bình coi đó như là một bài kiểm tra ý chí của Trung Quốc. Chủ nghĩa bảo hộ đang khiến cho Trung Quốc khó khăn hơn trong việc có được các công nghệ quan trọng của nước ngoài, ông tuyên bố vào tháng 9 năm ngoái. Trung Quốc phải đi trên con đường tự lực của mình.

Ý tưởng về sự tự lực đã quen thuộc với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 70 năm qua, một bài viết gần đây của Neil Thomas thuộc Viện Paulson, một viện nghiên cứu chính sách tại Washington, ghi nhận. Nhưng khái niệm đó thường đề cập đến một mong muốn độc lập, chứ không phải tự cung tự cấp. Cụm từ này phổ biến dưới thời Mao, ngay cả trong giai đoạn mà các nhà lãnh đạo Moskva vẫn còn viện trợ tiền, máy móc hiện đại và hơn 10.000 cố vấn. Thomas lưu ý rằng Đặng Tiểu Bình cũng sử dụng cụm từ tương tự khi ông mở cửa Trung Quốc cho các lực lượng tư bản và đầu tư nước ngoài 40 năm trước. Nói về sự tự lực trong khi nhận rất nhiều sự giúp đỡ từ nước ngoài như vậy nghe có vẻ mâu thuẫn. Nhưng cụm từ đó trong tiếng Trung hơi mơ hồ, có nghĩa là “sự tái sinh thông qua nỗ lực của chính mình”. Rào cản mà Mỹ hiện đang dựng lên có thể thúc đẩy Trung Quốc tìm kiếm một kiểu tự lực có thể dẫn đến một điều nguy hiểm: một Trung Quốc cảm thấy không mắc nợ gì các cường quốc nước ngoài với các giá trị và quy tắc rất khác biệt.

Mong muốn mới của phương Tây trong việc tránh xa Trung Quốc phần nào phản ánh sự xói mòn của niềm tin và sự tự mãn trước đây rằng các xã hội tự do có lợi thế về đổi mới và sáng tạo, giúp họ sẽ luôn đi trước các chế độ chuyên chế. Khi Trung Quốc bắt kịp, phương Tây lại chuyển sang xù lông phản kháng.

Mặt khác, những người ủng hộ cách tiếp cận hiếu chiến với Trung Quốc đang chấp nhận một logic chính trị không hề vui vẻ. Kể từ khi người nước ngoài bắt đầu tìm cách tiếp cận Trung Quốc thời nhà Thanh, việc can dự, hợp tác với Trung Quốc được coi là một cách để khuyến khích các nhà tự do và cải cách trong hệ thống Trung Quốc. Ở Anh hồi thế kỷ 19, nhiều nhà bình luận đã chỉ trích chính phủ của họ khi dùng vũ lực để buộc Trung Quốc mở cửa thị trường, đôi khi không phải vì quan điểm đạo đức mà vì họ sợ rằng việc cứng rắn với Trung Quốc sẽ khiến Trung Quốc ngày càng bế quan tỏa cảng hơn. Năm 2001, khi Tổ chức Thương mại Thế giới chấp nhận Trung Quốc làm thành viên, nhiều người ở phương Tây hy vọng cử chỉ này sẽ tiếp sức cho các nhà cải cách Trung Quốc trong cuộc chiến đấu chống lại sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.

Than ôi, nhiều người Mỹ và những người phương Tây khác đang làm chính sách về Trung Quốc không tin là các nhà cải cách Trung Quốc có đủ sức mạnh hay ảnh hưởng để có thể đóng một vai trò có ý nghĩa. Các ông chủ doanh nghiệp nước ngoài và các chính trị gia tin rằng Liu He (Lưu Hạc), phụ tá kinh tế của Tập Cận Bình, là một nhà cải cách, người muốn Trung Quốc mở cửa thị trường hơn. Nhưng họ thấy một vài dấu hiệu cho thấy ông Liu, đang giữ chức phó thủ tướng, thực ra không hề có quyền lực của riêng mình để xử lý các nhóm lợi ích phản đối cải cách. Quyền lực của ông đến từ việc đại diện cho ông Tập.

Điều đó giúp giải thích lý do tại sao rất nhiều chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài lặng lẽ hoan nghênh một cách tiếp cận hung hăng hơn của Mỹ mà một thời gian ngắn trước đây họ vẫn còn e ngại. Trong trường hợp không có áp lực nội bộ từ các nhà cải cách, họ hy vọng rằng ông Trump và nhóm của ông sẽ bảo đảm đem lại những thay đổi thực sự trong cách Trung Quốc sử dụng trợ cấp, độc quyền địa phương và ép buộc chuyển giao bí mật thương mại để quản lý nền kinh tế. Nhiều chiến thuật của ông Trump đã làm họ thất vọng, và đôi khi đã làm bẽ mặt ông Liu, người là phái viên thương mại của Trung Quốc. Nhưng tìm kiếm và tăng cường sức mạnh cho các đồng minh bên trong Trung Quốc đã không còn hiệu quả.

Ai cũng thua

Kết luận này làm một số người Trung Quốc có thiện cảm nhất với phương Tây cũng phải lo lắng. Tại các trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng nhất ở Bắc Kinh, một số học giả kêu gọi thế giới đừng quay lưng với Trung Quốc. “Ngay bây giờ nếu bạn muốn nói về cải cách, ở trong nước hay trong nội bộ, là điều rất khó”, giám đốc một viện nghiên cứu chính sách nói. Ông thêm rằng áp lực bên ngoài sẽ giúp “giữ Trung Quốc mở cửa”. Một cố vấn chính phủ theo tư tưởng diều hâu hơn cáo buộc rằng nếu các chính phủ phương Tây quá hung hăng và không chân thành, họ “sẽ tạo ra một thứ chủ nghĩa dân tộc rất khủng khiếp ở Trung Quốc”.

Các lực lượng đen tối hơn ở Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ sự chia rẽ rõ ràng giữa Trung Quốc với phương Tây. Các gián điệp Trung Quốc có lý do để nhắm mục tiêu vào các bí mật thương mại nước ngoài mà giờ đây sẽ không bao giờ còn được chia sẻ một cách tự nguyện nữa. Những nhân vật cứng rắn có thể gầm gừ rằng nước Mỹ luôn có dã tâm kiềm chế Trung Quốc, và hiện tại Mỹ đang chứng minh điều đó. Cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ cảm thấy rằng hành động của họ là hợp lý và giúp họ trở nên an toàn hơn. Nhưng cả hai có thể đều sai.

Nguồn: Calls to harden the West’s defences against China suggest despair”, The Economist, 09/05/2019. Biên dịch: Phan Nguyên

Theo http://nghiencuuquocte.org

Sửa lần cuối 2019-05-15 05:20:40

Bình luận

Bình luận qua Facebook